Thứ Sáu, 26/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

“Thú cưng” phản chủ

Hồng Văn

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Tôi ngỡ ngàng khi đọc tin cháu bé 13 tuổi ở Hà Nội mua 3 con rắn lục đuôi đỏ trên mạng để làm “thú cưng”(*), trong lúc thay chuồng cho “thú cưng”, bé bất ngờ bị rắn cắn vào tay. Hậu quả là cháu phải nhập viện với tình trạng mệt, bàn tay phải sưng nề, thâm tím và chảy máu ngón trỏ, đau nhức…

Tò mò tôi tìm thử trên mạng thì mới biết, hàng loạt nhà cung cấp rao bán chuồng nuôi thú cưng cho bò sát, tất nhiên có rắn, kỳ nhông, thằn lằn, trăn… Có nhu cầu nuôi thì có nguồn cung nhưng quan trọng là ai bán bò sát như trăn, rắn làm cảnh? Quá dễ tìm, chỉ cần search (tìm kiếm) trên Google thì cơ man nào là nơi bán rắn, trăn làm “thú cưng”. Với những lời có cánh, như không độc, được tư vấn nuôi, làm quen, được bảo hành 7 ngày… thì trẻ con lên mạng không mê sao được, có khi đua nhau mua về nuôi chụp ảnh khoe nhau không chừng.

Nhưng kẻ bán rắn lục đuôi đỏ cho cháu bé quả là vô tâm, vô cảm, bất chấp sự nguy hiểm đối với mạng sống của người khác, bởi thứ họ bán là rắn độc. Rắn lục đuôi đỏ là một trong số các loài rắn có nọc độc mạnh, đặc biệt, khi mang bầu, rắn mẹ có nọc độc cao hơn bình thường. Khi bị rắn lục đuôi đỏ cắn, nạn nhân có thể gặp các hiện tượng như chảy máu khó cầm, rối loạn đông máu, phù nề, hoại tử, trụy tim mạch, có thể gây tử vong nhanh chóng (do phản vệ) hoặc để lại di chứng nặng nề.

Nếu hỏi trẻ con ở nông thôn thời còn nhiều rắn rít vài chục năm về trước thì rắn lục là thứ chúng nó sợ nhất chứ không phải các loại rắn hổ mang được xếp đầu bảng. Khá đơn giản, do tốc độ sinh sôi rắn lục nhanh, chúng lại sống ở các bụi cây, bờ rào cây có màu xanh, dễ lẫn với màu xanh của da rắn, nên lắm trẻ con, thậm chí người lớn, bị rắn cắn nhiều hơn các loại rắn độc khác. Chuyện rắn lục quấn lấy nhau xanh cả một nhành cây bờ rào không có gì lạ.

Rắn lục đuôi đỏ nguy hiểm nhưng không hiểu sao chúng lại được rao bán dễ dàng trên mạng.

Rất may là cháu bé ở Hà Nội nói phần đầu bài viết đã tai qua nạn khỏi, nhưng vấn đề là tại sao “thú cưng” như trăn, rắn, chuột hamster, nhím kiểng, sóc bay Úc, rái cá… lại rao bán, quảng cáo đầy rẫy trên mạng? Đây phần lớn là động vật nếu không nguy hiểm cho người thì cũng là sinh vật ngoại lai, vừa có khả năng nguy hiểm cho con người lẫn đảo lộn môi trường sinh thái với động vật bản địa.

Làm sao chúng ta có thể biết được bao nhiêu người nuôi “thú cưng” dạng này một ngày đẹp trời chạy theo chúng bạn, mua loại thú khác, thả rắn lục, trăn, kỳ nhông, chuột hamster ra môi trường. Lúc này nguy hiểm lại thuộc về cộng đồng và môi trường sinh thái đảo lộn khi có sinh vật ngoại lai.

Tôi không tin là cơ quan kiểm lâm, thú y các địa phương không biết hay quá khó để tìm ra nguồn cung – ai bán, nhập vào Việt Nam bằng đường nào, cơ sở nào nuôi, kinh doanh những thứ độc hại như trăn, rắn lục.

Nhiều năm qua, cơ quan chức năng liên tục truy quét, xử lý các trường hợp mua bán động vật hoang dã và sản phẩm của nó như gấu, hổ, sừng tê giác, tê tê, rùa quý hiếm mà quên đi những động vật nho nhỏ như trăn kiểng, rùa kiểng hay như rắn lục trong bài viết này.

Một công ty quảng cáo bán thú cưng, dẫn nguồn Pet Fair Asia trên trang web của công ty rằng doanh số của ngành chăm sóc thú cưng tại khu vực Đông Nam Á là 4 tỉ đô la, trong đó Việt Nam chiếm 13%, tương đương với 500 triệu đô la, và dự báo tăng trưởng 11% một năm.

Cứ cho là tài liệu này dự báo đúng thì khi người dân càng khá giả, nhu cầu nuôi thú cưng càng tăng, nhưng cái kiểu mua bán, nuôi nhốt “thú cưng” như rắn lục và nhiều loài khác nữa mà không có kiểm soát, xử lý thì không khéo càng nuôi càng “tiền mất tật mang”, thậm chí phải nhập viện không chừng.

————-

(*) https://suckhoedoisong.vn/nuoi-3-con-ran-luc-lam-thu-cung-be-trai-ha-noi-gap-nguy-vi-bi-phan-chu-169220506105314228.htm

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới