Thứ Ba, 17/09/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Thu hẹp bất cập bằng sự đột phá của thanh toán điện tử

Vân Ly

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Thanh toán điện tử hiện đã phổ biến tại Việt Nam nhưng vẫn còn những bất cập cần hoàn thiện để tăng tiện lợi cho người sử dụng loại hình thanh toán này.

Thanh toán điện tử đã phổ biến tại Việt Nam nhưng vẫn còn bất cập. Ảnh minh họa: DNCC

Thanh toán bằng QR Code phủ rộng mọi nơi

Dạo một vòng quanh chợ Ngọc Hà (quận Ba Đình), một trong những điểm nhấn “bắt mắt” khách mua sắm là trên từng quầy hàng đều được treo biển ghi đầy đủ thông tin về chủ hộ kinh doanh, mặt hàng và mã QR (QR Code) kèm số tài khoản thanh toán.

Nhiều tiểu thương ở chợ chia sẻ đã lâu rồi họ không còn phải “đau đầu” chuẩn bị tiền lẻ trả lại cho khách hàng, khách hàng cũng không cần mang theo tiền mặt đi chợ dù chỉ mua những món hàng lặt vặt. Đó là nhờ phương thức thanh toán không dùng tiền mặt rất thuận lợi, đơn giản, giao dịch chỉ cần thông qua điện thoại thông minh.

Không chỉ tại những thành phố lớn như Hà Nội hay TPHCM, việc thanh toán điện tử đang dần trở nên phổ biến ở cả những vùng xa. Câu chuyện người dân thôn quê thành thục trả tiền một ly trà đá vài ngàn đồng bằng cách quét QR Code đã không còn hiếm lạ.

Xín Mần là một trong những huyện miền núi biên giới nghèo, nơi có nhiều dân tộc thiểu số sinh sống, giao thông đi lại khó khăn, hiểm trở nhất tỉnh Hà Giang. Thế nhưng, nhiều tiểu thương tại chợ Cốc Pài của huyện Xín Mần lại sử dụng QR Code để thanh toán.

Từ hàng tạp hoá, đồ gia dụng, đến quầy rau củ quả tại chợ Cốc Pài, các chủ cửa hàng đều trang bị các biển thanh toán bằng QR Code và nhiều người trẻ đã thanh toán điện tử khi mua hàng.

Sở dĩ hoạt động thanh toán điện tử được phổ biến rộng rãi trên cả nước cũng như vươn tới cả những nơi vùng sâu vùng xa do các doanh nghiệp ví điện tử, ngân hàng đẩy mạnh cung cấp dịch vụ.

Tại hội nghị Tổ chức thành viên năm 2023 của Công ty Cổ phần Thanh toán Quốc gia Việt Nam (NAPAS) được tổ chức vào cuối tháng 11 vừa qua, ông Phạm Anh Tuấn, Vụ Trưởng Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước đã cung cấp nhiều thông tin về thanh toán điện tử tại Việt Nam.

Ông Tuấn đã cho biết về một số kết quả nổi bật của hoạt động thanh toán điện tử trong 9 tháng đầu năm 2023 và so với cùng kỳ năm 2022. Cụ thể giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt tăng gần 50% về số lượng; giao dịch qua kênh internet tăng 60% về số lượng và gần 6% về giá trị; qua kênh điện thoại di động tăng 61% về số lượng và 10% về giá trị; qua phương thức QR code tăng 105% về số lượng và gần 11% về giá trị. Ngoài ra, đến cuối tháng 9-2023, cả nước có 85 tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán triển khai thanh toán qua internet và 52 tổ chức triển khai thanh toán qua điện thoại di động.

Số liệu được cung cấp tại hội nghị trên cho biết, trong năm nay, hệ thống NAPAS xử lý bình quân hơn 20 triệu giao dịch/ngày, tăng tương ứng 52% số lượng và 12% về giá trị giao dịch. Số lượng giao dịch qua phương thức quét mã QR code thương hiệu VietQR do NAPAS triển khai tăng 8 lần về số lượng và 4 lần về giá trị giao dịch so với năm 2022.

Do thanh toán điện tử phát triển, dịch vụ rút tiền trên máy rút tiền tự động ATM qua hệ thống NAPAS tiếp tục giảm dần qua các năm. Năm 2023 là năm có số lượng giao dịch rút tiền trên ATM giảm sâu hơn so mức giảm của các năm trước, chỉ chiếm 3,6% tổng số giao dịch của toàn hệ thống, thể hiện xu hướng phát triển tích cực của thanh toán điện tử.

Theo báo cáo thường niên của Google công bố tháng 11 vừa qua đã dự báo thị trường thanh toán trực tuyến tại Việt Nam có thể xếp 3 khu vực Đông Nam Á vào năm 2025 về giá trị giao dịch.

Nhận định trên được Google đưa ra sau dẫn số liệu cho thấy tổng giá trị giao dịch thanh toán trực tuyến của Việt Nam ước tính đạt 15 tỉ đô la Mỹ trong năm 2021, cùng tốc độ tăng trưởng hàng năm dự kiến ở mức 15,7% vào năm 2025.

Còn báo cáo Digital Payments Report 2021 của Statista cho thấy, tổng giá trị giao dịch trong phân khúc thanh toán kỹ thuật số của Việt Nam đạt 20,8 tỉ đô la Mỹ vào năm 2022. Tổng giá trị giao dịch sẽ có tốc độ tăng trưởng hàng năm  từ năm 2022 – 2026 khoảng 15,2%, dẫn đến tổng số tiền thanh toán điện tử là 36,6 tỉ đô la Mỹ vào năm 2026. Giai đoạn từ năm 2020 – 2025, Việt Nam là nước có cơ cấu dân số trẻ với độ tuổi trung bình dao động từ 33 – 35 tuổi. Đây là những thuận lợi cơ bản để Việt Nam trở thành thị trường bán lẻ trực tuyến đầy tiềm năng và là yếu tố thúc đẩy thanh toán điện tử mạnh mẽ.

Sự thuận tiện đi cùng hoàn thiện hành lang pháp lý

Hiện thanh toán điện tử đã phát triển mạnh tại Việt Nam xong chưa thực sự thuận tiện cho người dùng.

Cụ thể, nói về sự bất tiện nêu trên tại một cuộc hội thảo diễn ra cách đây chục ngày, ông Phạm Tiến Dũng, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết ônh mới nhận được một hoá đơn thanh toán tại chung cư nơi ông sinh sống. Cùng một hoá đơn nhưng ông có 2 lựa chọn thanh toán. Thứ nhất, vào phần mềm của khu căn hộ trên điện thoại để trả tiền. Thứ hai, chuyển tiền vào số tài khoản theo thư điện tử thông báo.

Ông Dũng nêu ví dụ trên để cho thấy, hiện nay một người dùng có thể phải cài rất nhiều ứng dụng khác nhau của ngân hàng và bên cung cấp dịch vụ trên điện thoại thông minh. Nếu có thiết kế Open API và Open Banking (ngân hàng mở) thì giao dịch của khách hàng sẽ được thực hiện liền mạch. Khoản thanh toán sẽ được hiển thị trên một nền tảng. Sau khi khách hàng thanh toán thì sẽ có thông báo là không còn hoá đơn nào.

Ngân hàng mở là xu hướng đã phát triển mạnh mẽ ở Châu Âu cũng như Châu Á tại các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore… Các ngân hàng Việt Nam đang nỗ lực đi theo xu hướng này. Tuy nhiên để ngân hàng mở phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam thì các chuyên gia cho rằng cần phải thúc đẩy hành lang pháp lý trong thời gian tới.

Ông Dũng nhận định, để phát triển ngân hàng mở tại Việt Nam còn rất nhiều thách thức. Bởi để làm được thanh toán hoá đơn liền mạch như hiện nay, ngành điện lực phải mất khoảng 5 năm để tổng hợp số liệu và cho phép các ngân hàng tích hợp vào dữ liệu đó. Trong khi đó, hiện nay, việc phát triển ngân hàng mở đang diễn ra một cách cục bộ, ở từng ngân hàng chứ chưa có chuẩn chung.

Ông Dũng đưa ra giải pháp rằng, thay vì vài chục ngân hàng có hàng chục Open API, khiến các công ty công nghệ tài chính phải truy cập vào tất cả Open API đó trao đổi dữ liệu thì chúng ta có cần 1 hub (trung tâm) về API – giúp các đơn vị cung cấp dịch vụ chỉ cần truy cập vào một chỗ mà kết nối dữ liệu với cả hệ thống ngân hàng.

Giải thích thêm về ngân hàng mở cũng tại hội thảo nêu trên, ông Nguyễn Hoàng Long, Phó Tổng Giám đốc NAPAS cho hay, khi nói đến ngân hàng mở được hiểu là ngân hàng chia sẻ thông tin, dịch vụ cho các công ty công nghệ tài chính. Hiện nay ứng dụng Open API không chỉ giới hạn trong lĩnh vực Open Banking mà mở rộng ra toàn bộ nền kinh tế,  Open Banking, Open Finance, Open data. Thông qua giao diện Open API, hệ thống ngân hàng có thể kết nối, cung cấp toàn bộ cho các chủ thể của nền kinh tế, không chỉ giới hạn trong ngành công nghệ tài chính mà còn đến các công ty bán lẻ, công ty dịch vụ logistic, từ đó cung cấp dịch vụ ngân hàng cho người dân.

Ông Long cho rằng sự kết nối này đem lại lợi ích rất lớn cho xã hội, cho các chủ thể tham gia Open Banking. Hiện các ngân hàng, công ty fintech và các bên thứ 3 đều rất hứng khởi và chủ động trong triển khai dịch vụ Open Banking tại Việt Nam.

Song ông Long cho rằng có khó khăn để triển khai ngân hàng mở tại Việt Nam là cần có cơ sở pháp lý rõ ràng, đặc biệt trong việc chia sẻ và bảo mật thông tin. Các ngân hàng và các bên có thể an tâm về việc chia sẻ dữ liệu, dữ liệu nào được chia sẻ, bảo mật ra sao.

Thêm nữa ông Long cho rằng cần có tiêu chuẩn chung. Vì hiện nay các ngân hàng tự triển khai theo tiêu chuẩn của mình hoặc các ngân hàng và các đơn vị tự thỏa thuận với nhau. Nhưng, để triển khai mạnh trên thị trường thì cần có bộ quy tắc chung. Ngoài tiêu chuẩn chung còn cần tiêu chuẩn về sản phẩm, dịch vụ cung cấp, tiêu chuẩn về vận hành. Ví dụ như khi giao dịch lỗi xảy ra thì sẽ ứng xử như thế nào… Ngoài  các quy chuẩn từ các cơ quan quản lý như Ngân hàng Nhà nước, cần hướng tới sẽ có 1 đơn vị vận hành chung, vận hành 1 cái hub, đưa ra tiêu chuẩn kỹ thuật chi tiết, tiêu chuẩn về sản phẩm, dịch vụ, tiêu chuẩn vận hành ứng xử của các bên khi có vấn đề xảy ra cũng là 1 hướng để chúng ta cân nhắc nghiên cứu.

Xu hướng Ngân hàng mở trên thế giới đã phát triển mạnh mẽ ở Châu Âu cũng như Châu Á tại các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore… kể cả những nước láng giềng của Việt Nam là Philippin cũng triển khai rất mạnh

Hiện nay ở Việt Nam, việc phát triển ngân hàng mở mang tính tự phát do giữa các ngân hàng cung cấp hệ thống Open API để chia sẻ dữ liệu cho các bên thứ ba để triển khai dịch vụ. Ông Long tin rằng thời gian tới, xu hướng ngân hàng mở sẽ được chuẩn hóa về mặt kỹ thuật, cơ sở pháp lý. Trong đó Ngân hàng Nhà nước sẽ đưa ra thông tư, hướng dẫn để các ngân hàng, các bên thứ 3 có thể cung cấp nhiều ngân hàng mở cho khách hàng.

Thách thức an ninh mạng khi chuyển sang ngân hàng mở

Tại một hội thảo được tổ chức gần đây, ông Trần Quang Hưng, Phó Cục trưởng Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông, cho rằng không gian mạng luôn tiềm ẩn những nguy cơ và thách thức đối với an ninh, an toàn thông tin mạng. Đặc biệt, khi các ngân hàng đang chuyển dịch mô hình kinh doanh từ đóng sang mở.

Theo ông Hưng, ngân hàng mở là xu hướng tất yếu của hoạt động kinh doanh ngân hàng trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0. Điều quan trọng là triển khai như thế nào để an toàn hiệu quả để mang lại giá trị thực cho xã hội, tránh rủi ro, đặc biệt mở kết nối, liên thông với đơn vị thứ 3.

Khi triển khai mô hình mở, cùng kết nối liên thông trên hệ thống sẽ giúp cho hệ thống của các ngành/lĩnh vực khác tăng cường, nâng cao mức độ bảo đảm an toàn thông tin tương tự. Bởi từ trước tới nay, ngân hàng và tài chính luôn là những lĩnh vực có mức độ bảo đảm an toàn an ninh bảo mật cao. Khi hệ thống mở ra, các đơn vị thứ 3 tham gia không chỉ cung cấp dịch vụ cho ngân hàng mà còn nhiều ngành lĩnh vực khác, đòi hỏi phải nâng cao mức độ đảm bảo an toàn an ninh bảo mật.

Nhấn mạnh an toàn thông tin là một yếu tố quan trọng, có ý nghĩa trong sự phát triển của các ngân hàng, ông Hưng nêu 3 khuyến nghị sau: cơ sở hạ tầng tài chính của các tổ chức tài chính, ngân hàng, bao gồm hệ thống thanh toán và trang web, phải được bảo vệ an toàn, không bị gián đoạn, gây ảnh hưởng đến người dùng và được thiết kế để có khả năng phục hồi nhanh nhất ngay cả khi có sự cố xảy ra.

Thứ hai, việc hệ thống bị tấn công, xâm nhập gây ra các sự cố bảo mật có thể gây ảnh hưởng, thiệt hại lớn cho thương hiệu và danh tiếng của ngân hàng. Vì vậy các ngân hàng cần tuân thủ các quy định của pháp luật về đảm bảo an toàn thông tin và triển khai đầy đủ các biện pháp đảm bảo an toàn thông tin theo quy định của cơ quan quản lý nhà nước.

Thứ ba, để đối phó với các mối đe dọa mạng phức tạp, bên cạnh việc đầu tư công nghệ và triển khai các biện pháp kỹ thuật, cần sự chung tay hợp tác chia sẻ thông tin với nhau giữa các cơ quan nhà nước, ngân hàng và các đơn vị về an toàn thông tin, tạo thành một mạng lưới tin cậy để cùng nhau hợp lực đối phó với các thách thức.

Theo ông Hưng, chia sẻ thông tin là vấn đề còn hạn chế. Khi triển khai ngân hàng mở, một yếu tố cần phải mở đó là chia sẻ về mặt kỹ thuật, các thông tin nguy cơ tấn công mạng hoặc các sự cố đã xảy ra.

1 BÌNH LUẬN

  1. Trên thực tế, thanh toán điện tử, đang đi nhanh hơn thể chế pháp lý. Đồng thời, đã đảo ngược căn bản hành vi thanh toán trong toàn xã hội. Bao nhiêu năm qua, chỉ tiêu “thanh toán ko dùng tiền mặt” chưa khi nào hiện thực hóa. Thanh toán điện tử đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ này chỉ trong một thời gian ngắn, chỉ cần thông qua công nghệ số hóa. Vấn đề đặt ra là, kinh tế số/ tài chính số hiện đang đi trước, khoảng cách khá xa, so với xã hội số/ chính quyền số. Cần thiết lập lại trật tự, ít nhất đi cùng nhau, hoặc đi trước.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới