(KTSG Online) - Dòng vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài (FDI), trong đó có nhiều tập đoàn công nghệ lớn trên thế giới, đổ vào khu công nghệ cao TPHCM (SHTP) vượt mốc 10 tỉ đô la Mỹ. Nếu tính cả vốn đầu tư trong nước thì SHTP đã thu hút được 12 tỉ đô la.
Đáng chú ý, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm, dịch vụ công nghệ cao của SHTP chiếm hơn 50% kim ngạch hàng xuất khẩu của TPHCM.
- Thủ tục 'lòng vòng' doanh nghiệp bị tăng chi phí và suy giảm niềm tin
- Các 'ông lớn' công nghiệp tiếp tục tìm nhà cung cấp thiết bị phụ trợ Việt Nam
Trưởng ban quản lý SHTP Nguyễn Anh Thi đã chia sẻ thông tin trên tại Hội thảo “SHTP – 20 năm hình thành và phát triển: bài học kinh nghiệm và định hướng phát triển” diễn ra vào ngày 9-9.
Cụ thể theo ông Thi, đến nay SHTP thu hút được 51 dự án FDI với tổng vốn cấp mới và điều chỉnh tăng vốn là hơn 10,1 tỉ đô la. Tính ra, bình quân mỗi dự án FDI đầu tư vào khu có vốn đầu tư 198 triệu đô la/dự án.
Đáng chú ý, tại đây thu hút được các thương hiệu của các tập đoàn công nghệ cao trên thế giới như: Intel, Jabil (Mỹ), Nidec, Nipro, NTT (Nhật Bản), Samsung (Hàn Quốc), Datalogic (Ý),...
Trong khi đó, SHTP cũng thu hút được gần 110 dự án đầu tư của doanh nghiệp trong nước với tổng vốn đăng ký tương đương 1,929 tỉ đô la. Tính ra bình quân vốn đầu tư của doanh nghiệp Việt Nam đầu tư vào đây khoảng 17,7 triệu đô la/dự án.
Mặc dù vốn đầu tư giải ngân thực hiện của các doanh nghiệp tại đây chỉ chưa đến một nửa tổng vốn đăng ký (hơn 5,58 tỉ đô la, chiếm 46,4%), nhưng theo người đứng đầu quản lý SHTP, các dự án tại đây đang tạo ra việc làm cho gần 52.000 người, trong đó có khoảng 570 lao động nước ngoài.
Đáng chú ý, theo ông Thi, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao tại SHTP tăng dần hằng năm, và chiếm hơn 50% tổng kim ngạch xuất khẩu của TPHCM. Cụ thể năm 2021 đạt 20,9 tỉ đô la, chiếm gần 52% kim ngạch xuất khẩu TPHCM và dự kiến sẽ đạt 23 tỉ đô la kim ngạch xuất khẩu khi kết thúc năm nay.
Sau 20 năm thành lập, theo ông Thi, hiện SHTP đã hình thành một trung tâm công nghệ cao quốc gia - nơi tập trung, liên kết hoạt động nghiên cứu và phát triển, ứng dụng công nghệ cao; ươm tạo công nghệ cao, ươm tạo doanh nghiệp công nghệ cao.
Tại đây cũng đào tạo nhân lực công nghệ cao; sản xuất và kinh doanh sản phẩm công nghệ cao, cung ứng dịch vụ công nghệ cao với sự có mặt của các dự án công nghệ cao trong và ngoài nước – nhất là dự án từ các tập đoàn công nghệ cao hàng đầu thế giới, đã góp phần cải thiện, nâng cao môi trường đầu tư của thành phố.
Đồng thời, SHTP cũng đã phát triển một lực lượng năng lực nội sinh về công nghệ cao, có thể đảm nhận các công việc từ chuyển giao, ứng dụng công nghệ cao, nghiên cứu triển khai (R&D), đào tạo, ươm tạo công nghệ cao, doanh nghiệp công nghệ cao đến sản xuất sản phẩm công nghệ cao (made in Việt Nam)...
Tính đến cuối tháng 6-2022, tổng vốn ngân sách Nhà nước đầu tư xây dựng SHTP là hơn 10.007 tỉ đồng, trong đó ngân sách Trung ương hỗ trợ: 1.983,3 tỉ đồng và ngân sách thành phố: 8.024 tỉ đồng. Số vốn trên chưa bao gồm nguồn vốn xã hội hóa đầu tư cho hạ tầng viễn thông, nhà xưởng xây sẵn, hậu cần và kho ngoại quan trên 4.499 tỉ đồng.
Hội thảo trên được tổ chức nhằm lắng nghe các ý kiến của chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, doanh nhân trong và ngoài nước cho định hướng phát triển trong giai đoạn tới, góp phần thực hiện mục tiêu đến năm 2030 SHTP trở thành một tiểu đô thị khoa học, công nghệ, một trung tâm đổi mới sáng tạo, là hạt nhân của khu đô thị sáng tạo.Các ý kiến tham luận của các diễn giả là nhà quản lý có nhiều kinh nghiệm trong quản lý các doanh nghiệp, Khu công viên Khoa học thành công tại Châu Á như: Khu Công viên Khoa học Tân Trúc, Đài Loan; Khu Công viên Khoa học Gyeongbuk, Hàn Quốc; Công ty Sangyo-Times, Nhật Bản...