(KTSG Online) - Việc thu hút những dự án công nghệ cao, công nghệ nguồn, ít tác động môi trường và tạo tính lan tỏa khu vực doanh nghiệp trong nước sẽ giúp kinh tế phát triển bền vững hơn.
Để đạt mục tiêu, bên cạnh tiếp tục cải cách với chính sách thông thoáng - minh bạch, việc phát triển hạ tầng, nhân lực cũng như hình thành hệ sinh thái chất lượng cho sản xuất.
Điểm sáng công nghệ, bất động sản...
Với 31,4 tỉ đô la Mỹ vốn cam kết trong 11 tháng đầu năm cùng với sự nhộn nhịp vốn ngoại cam kết trong tháng cuối năm, dự báo tổng vốn đầu tư nước ngoài cả năm 2024 có thể chạm mức kỷ lục của năm 2023 đạt hơn 36,6 tỉ đô la.
Theo đánh giá của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, kết quả vốn ngoại cam kết 11 tháng tăng 7,1% so với cùng kỳ 2023 cho thấy Việt Nam tiếp tục là điểm đến hấp dẫn của dòng vốn FDI toàn cầu vốn đang suy giảm và cạnh tranh ngày càng quyết liệt giữa các quốc gia.
Năm 2024 cũng đánh dấu năm thứ ba liên tiếp Việt Nam đạt mức giải ngân FDI trên 20 tỉ đô la cho thấy dòng vốn ngoại ngày càng triển khai nhanh, đi vào thực chất của nền kinh tế.
Các doanh nghiệp FDI hiện hữu tiếp tục đưa ra các cam kết về đầu tư thêm vốn, hỗ trợ năng lực sản xuất đang mở rộng của Việt Nam.
Đơn cử sau khi đầu tư khoảng 4 tỉ đô la vào Việt Nam, ông Cho Hyun-joon, Chủ tịch Tập đoàn Tập đoàn Hyosung, cho biết sẽ rót thêm 4 tỉ đô nữa để thực hiện các dự án về trung tâm dữ liệu, sản xuất vật liệu công nghệ cao, nhà máy nhiên liệu bay sinh học…
Hay SpaceX có kế hoạch đầu tư 1,5 tỉ đô la để phát triển internet vệ tinh; Samsung Display ký bản ghi nhớ phát triển dự án màn hình, linh kiện điện tử trị giá 1,8 tỉ đô la...
Nhìn về phía trước, nhóm chuyên gia thuộc Khối ngoại hối, thị trường vốn và dịch vụ chứng khoán của Ngân hàng HSBC Việt Nam, cho rằng dòng vốn FDI vào lĩnh vực sản xuất vẫn tiếp tục có khả năng tăng trưởng, với chuyến thăm gần đây của Tổng Bí thư Tô Lâm tới Mỹ đã mở ra ý định đầu tư từ nhiều công ty, điển hình như Meta.
Shunsin, một công ty con của Foxconn, được cho là đã xin giấy phép đầu tư 80 triệu đô la để sản xuất mạch tích hợp tại tỉnh Bắc Giang, cho thấy năng lực sản xuất tại Việt Nam đang được cải thiện.
Không chỉ riêng sản xuất điện tử mà cả những lĩnh vực giá trị công thêm cao cũng đã thu hút sự quan tâm từ các tập đoàn đa quốc gia lớn như Google dự định mở văn phòng tại Việt Nam vào tháng 4-2025.
Đáng chú ý, Tập đoàn công nghệ Nvidia đã ký kết với Chính phủ để thành lập Trung tâm nghiên cứu và phát triển và Trung tâm Dữ liệu AI.
Mặt khác, những chuyến thăm của các tỉ phú công nghệ khác cho thấy nhiều doanh nghiệp công nghệ cao trên toàn cầu đang cạnh tranh tìm kiếm cơ hội đầu tư vào Việt Nam.
Bất động sản cũng được kỳ vọng thu hút nhiều vốn ngoại trong thời gian tới khi thực tế dòng vốn vào lĩnh vực này đã bắt đầu tăng trở lại trong những tháng gần đây.
Điều này được đánh giá là nhờ sự hỗ trợ bởi Luật đất đai sửa đổi có hiệu lực vào tháng 8-2024, chuẩn hoá một số quy định để thúc đẩy nhu cầu. Nhà đầu tư an tâm hơn do luật này làm rõ phương pháp định giá đất, quy định mới về sử dụng đất, nâng cao tính minh bạch cho thị trường. Ngoài ra, nhu cầu trong nước dự kiến củng cố.
Những nỗ lực liên tục nhằm tích cực tăng cường quan hệ ngoại giao về cả chiều rộng và chiều sâu với các đối tác quốc tế cũng sẽ đóng vai trò là động lực thúc đẩy dòng vốn đầu tư tiếp theo.
Giữ chân "đại bàng", hình thành hệ sinh thái...
Cũng đánh giá thu hút FDI là điểm sáng, TS. Huỳnh Thanh Điền, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành, nhận định các nhà đầu tư nước ngoài chọn Việt Nam vì có thị trường mở, ổn định, vị trí chiến lược và môi trường đầu tư thuận lợi.
Đáng chú ý, Chính phủ mới đây đã ban hành Nghị định 182 quy định về thành lập Quỹ hỗ trợ đầu tư, phần nào sẽ giảm bớt nỗi trăn trở mất lợi thế cạnh tranh của nhà đầu tư FDI, nhất là các tập đoàn đa quốc gia sau khi thuế tối thiểu toàn cầu có hiệu lực.
Dự báo năm 2025, Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump nhiều khả năng sẽ khiến căng thẳng thương mại với Trung Quốc tăng nhiệt, khiến nhiều tập đoàn lớn tiếp tục chuyển hướng đầu tư hoặc dời dây chuyền sản xuất sang Việt Nam.
Theo báo cáo từ Trung tâm Phân tích, Công ty CP Chứng khoán Tiên Phong, điều này không chỉ thúc đẩy các lĩnh vực như sản xuất bán dẫn, AI và công nghệ tự động hóa mà còn tạo tiền đề cho sự bùng nổ của FDI năm 2025.
Năm nay, Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng GDP hai con số đầy thách thức, do đó theo các chuyên gia, việc thu hút FDI chất lượng sẽ góp phần quan trọng tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững hơn.
Đáng chú ý, xuất khẩu là một trong ba trụ cột chính của tăng trưởng kinh tế. Kim ngạch xuất khẩu của khu vực doanh nghiệp FDI chiếm hơn 70% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước. Nếu tận dụng được nguồn lực này sẽ tạo ra động lực tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ trong thời gian tới.
Giới quan sát nhìn nhận dòng vốn FDI đang rất phù hợp với hướng FDI mà Việt Nam đã và đang cần thu hút và cho rằng đất nước sẽ sớm trở thành một phần quan trọng của thị trường công nghệ toàn cầu.
Vấn đề hiện nay là triển khai những giải pháp nào để dòng vốn FDI lan tỏa nhiều hơn tới khu vực doanh nghiệp trong nước, tạo thêm giá trị gia tăng và thúc đẩy khu vực doanh nghiệp nội địa tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng.
Theo TS. Lê Hoài Quốc, chính sách cần thúc đẩy chuyển giao công nghệ từ FDI, nâng cao năng lực sản xuất và cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam. "Điều này đòi hỏi sự chuẩn bị kỹ lưỡng về hạ tầng, chính sách ưu đãi, đào tạo nhân lực chất lượng và sự phối hợp giữa các bên liên quan”, ông nói.
Tương tự, theo TS. Huỳnh Thanh Điền, khi hệ sinh thái phụ trợ cho hoạt động sản xuất của doanh nghiệp FDI được tổ chức chặt chẽ, “ăn sâu bám rễ” tại Việt Nam, doanh nghiệp FDI sẽ duy trì cam kết lâu dài ở Việt Nam.
Các chuyên gia cũng khuyến nghị cần tiếp tục đảm bảo các yếu tố thuận lợi cho những tập đoàn đang hoạt động. Đây cũng là tiền đề tạo ra sự tin tưởng cho những nhà đầu tư đang do dự, quan sát.
Việc sắp xếp lại bộ máy của các bộ ngành, địa phương với thủ tục hành chính sẽ ngày càng tinh gọn hơn sẽ là điểm cộng lớn trong mắt nhà đầu tư. Cần đẩy mạnh xây dựng hạ tầng giao thông, các dự án điện lớn… để giảm chi phí logistics, đảm bảo năng lực cho sản xuất nói chung và lĩnh vực công nghệ nói riêng.
Theo chuyên gia HSBC, cần tiếp tục tập trung đầu tư cho hạ tầng, vì đây là một trong nền tảng quan trọng cho tăng trưởng kinh tế và thu hút vốn FDI chất lượng vào Việt Nam.
Chính phủ đang cho thấy một tinh thần quyết liệt trong thúc đẩy đầu tư công, tập trung vào nhiều dự án hạ tầng chiến lược kết nối các trung tâm kinh tế. Đây là sẽ một bệ phóng quan trọng đưa Việt Nam bước vào kỷ nguyên vươn mình.