Thứ sáu, 20/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Thu hút FDI vào ĐBSCL: đáng lo với thủ tục, pháp lý chồng chéo

Trung Chánh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Hạ tầng kém phát triển, nhân lực yếu về tay nghề… được xác định là những “nút thắt” cơ bản cản trở thu hút dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào ĐBSCL. Tuy nhiên, ý kiến của các chuyên gia cho thấy, thể chế, thủ tục pháp lý chồng chéo, mâu thuẫn lẫn nhau còn đáng lo hơn khi kêu gọi đầu tư vào vùng này.

Thuỷ sản là 1 trong 5 cụm ngành có lợi thế thu hút đầu tư của ĐBSCL. Trong ảnh là nhân công chế biến cá tra xuất khẩu tại một doanh nghiệp. Ảnh: Trung Chánh

TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC), nguyên Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (nay là Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam) - VCCI - đánh giá, ĐBSCL giữ vai trò đặc biệt quan trọng đối với phát triển kinh tế của đất nước. Trước những diễn biến tình hình kinh tế thế giới hiện nay cũng như trong tương lai, khu vực ĐBSCL đang ngày càng thế hiện khá rõ hơn những tiềm năng, cơ hội vốn có.

Theo đó, đây là vùng trọng điểm sản xuất nông nghiệp của cả nước khi chiếm trên 50% sản lượng lúa, 90% lượng gạo xuất khẩu, 65% sản lượng thuỷ sản và 70% sản lượng trái cây của cả nước. ĐBSCL cũng là vùng có đóng góp lớn nhất về thặng dư thương mại của cả nước (năm 2022 đạt 12,6 tỉ đô la Mỹ - PV).

Chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cũng cho rằng lúa gạo, thuỷ sản, rau quả, du lịch và năng lượng là năm cụm ngành có lợi thế lớn về thu hút đầu tư của ĐBSCL.

Tuy nhiên, theo ông, đến thời điểm hiện nay, thu hút FDI của ĐBSCL vẫn chưa có sự bứt phá, dù có sự chuyển biến. Trong đó, đáng lưu ý là trường hợp của tỉnh Long An - là địa phương dẫn đầu thu hút FDI ở ĐBSCL, hay như thành phố Cần Thơ - đã thu hút được dự án xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp Vĩnh Thạnh giai đoạn 1, có tổng vốn đầu tư 160 triệu đô la Mỹ (tương đương khoảng 3.718 tỉ đồng) do Tập đoàn Khu công nghiệp Việt Nam- Singapore (VSIP Group) làm chủ đầu tư.

Có triển vọng, nhưng khó “hút” vốn FDI

Tại hội nghị “Nhận diện các vấn đề khó khăn trong thu hút đầu tư và giao thương quốc tế tại ĐBSCL” được tổ chức mới đây ở thành phố Cần Thơ, ông Vũ Tiến Lộc cho biết, hai tài nguyên lớn nhất cho sự phát triển kinh tế của cả nước nói chung và ĐBSCL nói riêng là đất và con người. “ĐBSCL đang có nguồn nhân lực dồi dào, với khoảng 10 triệu người trong độ tuổi lao động trong tổng số trên dưới 20 triệu dân”, ông nói.

Bên cạnh lợi thế có thể trở thành trung tâm logistics của khu vực và cả nước (cảng Trần Đề được quy hoạch trở thành cảng xuất khẩu lớn của cả nước và khu vực- PV), cũng như có chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), nhất là về chất lượng điều hành, quản trị được đánh giá cao, thì ĐBSCL là vùng có tiềm năng rất lớn trong phát triển nguồn năng lượng xanh - vốn là xu thế của nền kinh tế toàn cầu.

“Đối với phát triển nguồn năng lượng sạch, đây không chỉ là lĩnh vực có khả năng thu hút nhiều nguồn vốn đầu tư, mà quan trọng hơn, nó sẽ tạo ra cơ sở hạ tầng cho vùng thu hút được những dòng vốn chất lượng cao trên thế giới. Bởi lẽ, dòng vốn đầu tư chất lượng cao bao giờ cũng cần có nguồn năng lượng sạch”, ông Lộc giải thích.

Tuy nhiên, khi nhìn vào cấu trúc trong tổng nguồn vốn đầu tư ở ĐBSCL, ông Nguyễn Phương Lam, Giám đốc VCCI chi nhánh Cần Thơ, cho biết vốn FDI vào vùng này vẫn rất khiêm tốn, chỉ đạt gần 1,22 tỉ đô la Mỹ vào năm 2021, trong khi vốn tư nhân và nhà nước lần lượt đạt 8,94 và 3,43 tỉ đô la.

Theo ông, thu hút vốn FDI của vùng ĐBSCL thời gian gần đây có sự tăng vọt nhờ đột biến của các dự án năng lượng, bao gồm dự án nhà máy điện khí đầu tư vào tỉnh Bạc Liêu có tổng vốn khoảng 4 tỉ đô la Mỹ hay 1,3 tỉ đô la Mỹ được liên danh Tập đoàn Marubeni (Nhật Bản) và Tổng công ty cổ phần thương mại xây dựng (Vietrancimex) rót vào dự án nhiệt điện Ô Môn II ở thành phố Cần Thơ.

Tuy nhiên, nếu loại trừ những dự án mang tính đột biến nêu trên, rõ ràng nguồn vốn FDI vào ĐBSCL vẫn ở mức rất thấp so với cả nước (hiện tổng vốn FDI của cả nước là 449,5 tỉ đô la Mỹ - PV), chỉ đứng trên vùng miền núi phía Bắc với 23,46 tỉ đô la (đến năm 2021) và Tây Nguyên là 1,74 tỉ đô la (đến năm 2021).

Tính đến tháng 6-2023, vốn FDI được các doanh nghiệp rót vào ĐBSCL chủ yếu tập trung ở lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, chiếm trên 15 tỉ đô la Mỹ; ngành năng lượng chiếm 13,21 tỉ đô la; lĩnh vực bất động sản chiếm 2,97 tỉ đô la; logistics và xây dựng lần lượt chiếm 778 và 645 triệu đô la Mỹ.

Theo ông Lam, Singapore là quốc gia đầu tư lớn nhất vào ĐBSCL với 9,98 tỉ đô la Mỹ; Nhật Bản thứ hai với 4,09 tỉ đô la; Malaysia đứng thứ 3, đạt 2,91 tỉ đô la; Hàn Quốc là 2,84 tỉ đô la và Trung Quốc là 2,39 tỉ đô la…

“Với việc vốn FDI đang hạn chế ở ĐBSCL, như vậy chúng ta còn gì cho các nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư Hàn Quốc, Nhật Bản và Singapore?”, ông Lam đặt vấn đề và cho rằng, với tin hiệu vui là các “nút thắt” của vùng, nhất là về hạ tầng giao thông đang được tháo gỡ sẽ là yếu tố được kỳ vọng giúp “kéo” vốn FDI vào vùng nhiều hơn thời gian tới.

Cụ thể, với việc Chính phủ dành nguồn lực khoảng 6,4 tỉ đô la Mỹ cho ĐBSCL thông qua các dự án sẽ giúp bức tranh hạ tầng giao thông của vùng từ nay đến đến năm 2025 và 2030 sẽ “khá hoàn chỉnh”, giúp kết nối giữa các địa phương trong vùng ĐBSCL và giữa vùng với TPHCM thuận lợi hơn.

Tại lễ khởi công dự án cao tốc Cao Lãnh- An Hữu hôm 25-6 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng nhấn mạnh, dự án này được kết nối với đường cao tốc Trung Lương- Mỹ Thuận và Mỹ An- Cao Lãnh, giúp các địa phương vùng ĐBSCL kết nối thuận lợi với nhau, tạo hệ thống giao thông tốt hơn, mở ra không gian phát triển mới, rộng hơn. “Đây là điều kiện hình thành các khu công nghiệp, đô thị, dịch vụ phù hợp với sự phát triển theo quy hoạch đã được duyệt ở ĐBSCL và theo quy hoạch chung của cả nước”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Dự án nêu trên cùng chuỗi các dự án đã được khởi công vừa qua, bao gồm Cần Thơ- Hậu Giang- Cà Mau và Châu Đốc (An Giang)- Cần Thơ- Trần Đề (Sóc Trăng) sẽ cùng một số dự án trong khu vực phía Nam như đường vành đai 3 (TPHCM), tuyến cao tốc Biên Hoà- Vũng Tàu…, sẽ là động lực phát triển, thu hút đầu tư rất lớn cho khu vực nói chung và ĐBSCL nói riêng.

Nếu các dự án đã khởi công hoàn thành đúng kế hoạch dự kiến sẽ giúp giải quyết được “nút thắt” về hạ tầng giao thông cho các nhà đầu tư, tạo điều kiện cho vùng ĐBSCL thu hút nguồn lực đầu tư mạnh mẽ hơn, nhất là nguồn lực FDI.

“Nút thắt” thể chế mới đang lo!

Khi “nút thắt” về hạ tầng của vùng ĐBSCL dần được tháo gỡ, thì “nút thắt” về thể chế đang là vấn đề được các chuyên gia cảnh báo sẽ gây cản trở không nhỏ trong việc thu hút nguồn lực đầu tư vào vùng này nói riêng và Việt Nam nói chung.

“Về thể chế, đây là nút thắt rất lớn, trong đó có vấn để quy hoạch phát triển, vấn đề về thủ tục hành chính và những vấn đề về pháp lý”, ông Lộc của VIAC cho biết và nói rằng đây là vấn đề nổi lên hàng đầu, gây cản trở trong thu hút nguồn lực đầu tư phát triển đất nước và khu vực ĐBSCL.

Ông Lộc dẫn chứng, đối với các dự án lớn ở khu vực ĐBSCL, đặc biệt là trong lĩnh vực bất động sản và năng lượng tái tạo đang gặp trở ngại rất lớn về mặt pháp lý, từ quy hoạch cho đến những vấn đề hành chính, thậm chí bất cập, chồng chéo và mâu thuẫn về thể chế chưa được xử lý.

Liên quan câu chuyện này, ông Lam của VCCI chi nhánh Cần Thơ cho biết: “Kêu gọi đầu tư, thì cơ hội từ vùng ĐBSCL các doanh nghiệp, nhà đầu tư đều thấy. Thế nhưng, khi nhà đầu tư đã tham gia thì đang gặp rất nhiều khó khăn về thủ tục, thể chế, các vấn đề cần cho triển khai dự án...”.

Cụ thể, trong lĩnh vực xây dựng, đầu tư bất động sản, Luật Đất đai yêu cầu phải có chủ trương đầu tư mới được duyệt và được thay đổi quyền sử dụng đất. Trong khi đó, Luật Đầu tư yêu cầu phải có quyền khai thác đất, có quyền sử dụng thì mới xin chủ trương đầu tư. “Như vậy, các dự án khi thực hiện không biết sử dụng luật nào và chúng ta đang vướng cái này rất nhiều tại các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản”, ông Lam nói.

Hay giữa Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp, thì với Luật Doanh nghiệp yêu cầu trong 90 ngày sau khi thành lập phải góp vốn, trong khi đó Luật Đầu tư chỉ yêu cầu các doanh nghiệp thực hiện góp vốn theo tiến độ dự án. “Vậy, doanh nghiệp và nhà đầu tư phải theo luật nào?”, ông Lam đặt vấn đề và nói rằng đây là câu chuyện có rất nhiều doanh nghiệp đã than phiền với đơn vị này.

Riêng với ngành dược - vốn là lĩnh vực ở ĐBSCL có nhiều doanh nghiệp FDI, quy định là các doanh nghiệp ở ngành này không được thuê kho bãi, tức phải tự đầu tư. Trong khi đó, Luật Kinh doanh hay Luật Bất động sản lại cho phép các doanh nghiệp được quyền thoả thuận mặt bằng hoặc thuê kho. “Với điều này, các doanh nghiệp dược cho rằng nếu yêu cầu phải đầu tư kho bãi thì chi phí sẽ rất lớn, ảnh hưởng các nhà đầu tư”, ông Lam cho biết.

Còn về quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch, theo ông Lam, trong khoảng 3 năm gần đây, riêng khu vực ĐBSCL, các vấn đề liên quan đến đất đai hầu như phải “chững lại” vì các địa phương bắt đầu xây dựng quy hoạch tích hợp riêng (để phù hợp với quy hoạch tích hợp ĐBSCL- PV). “Tôi được biết chỉ riêng tỉnh Long An ở ĐBSCL đã được Chính phủ phê duyệt, 12 địa phương còn lại chưa được phê duyệt”, ông nói và cho biết điều này đẩy nhiều dự án rơi vào cảnh bị “treo”.

Đối với lĩnh vực năng lượng tái tạo, hiện cũng đang gặp rất nhiều trở ngại, trong đó, quan trọng nhất là Chính phủ vẫn chưa xác định giá, khiến nhiều dự án trị giá hàng tỉ đô la đang phải nằm chờ, theo ông Lam.

Trong khi đó, ông Lộc của VIAC cho rằng, bên cạnh việc hoàn thiện hệ thống văn bản pháp lý và thể chế thì việc nâng cao năng lực của chính quyền địa phương cũng cần phải quan tâm nhiều hơn. “Chúng tôi có kế hoạch phối hợp với các địa phương, bộ ngành và cộng đồng doanh nghiệp xây dựng mạng lưới hỗ trợ pháp lý để hỗ trợ cho chính quyền địa phương, doanh nghiệp trong việc thực thi pháp luật, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của doanh nghiệp”, ông nói.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới