Thứ bảy, 25/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Thu hút khách quốc tế từ nỗ lực liên kết du lịch với các cố đô di sản

Quỳnh Như

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Tỉnh Thừa Thiên Huế kỳ vọng liên kết du lịch với các cố đô di sản ở khu vực ASEAN thông qua các giá trị di sản cũng như các ứng dụng thông minh để thu hút khách Hàn quốc cũng như quốc tế

Du khách nước ngoài tại khu vực Đại nội Huế. Ảnh: Nhân Tâm

Nhắc đến cố đô Huế, người ta sẽ hay nghĩ về một vùng đất, nơi lưu trữ gần như nguyên vẹn tổng thể công trình kiến trúc Kinh đô, nơi chứa đựng dấu ấn lịch sử thông qua những cung điện vàng son, lăng tẩm uy nghiêm cùng các di tích được UNESCO công nhận.

Giá trị du lịch của cố đô Huế

Bên cạnh nét đẹp lịch sử thì xứ Huế còn để lại dấu ấn qua những nét văn hóa độc đáo như Nhã nhạc cung đình Huế được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể. Không chỉ vậy, nơi đây còn níu chân du khách bởi nét văn hóa ẩm thực đa dạng, cùng với đó là những làng nghề truyền thống của xứ Huế như tranh làng Sình, làng nghề Hoa giấy Thanh Tiên, làng gốm Phước Tích,...

Tận dụng được thế mạnh về bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử, Thừa Thiên Huế đang đẩy mạnh phát triển du lịch theo hướng chuyên nghiệp, thông minh và bền vững, nâng cao chất lượng và khả năng cạnh tranh. Từ đó tạo động lực thúc đẩy sự phát triển các ngành và lĩnh vực khác.

Những năm trở lại đây, nhờ vào việc hợp tác giữa Việt Nam và Hàn Quốc, lượng khách du lịch từ Hàn Quốc đến với Việt Nam nói riêng và các nước vùng sông Mekong nói chung có xu hướng gia tăng, nhờ đó mở ra cơ hội lớn cho ngành du lịch tại các quốc gia tiểu vùng sông Mekong như Campuchia, Lào, Myanma, Thái Lan và Việt Nam.

Cùng với cơ hội lớn là thử thách lớn đối với ngành du lịch Huế nói riêng và Việt Nam nói chung đó là làm thế nào để tạo nên thương hiệu du lịch mang tên xứ Huế? Và làm thế nào để tạo được lượng khách hàng mới cũng như duy trì lượng khách hàng cũ? Làm thế nào để các đơn vị nhà nước và doanh nghiệp liên quan của địa phương có thể tham gia hệ sinh thái du lịch kết nối Cố đô Huế với 4 di sản khác ở tiểu vùng sông Mekong?

Kết nối để phát huy giá trị

Để có thể giải quyết những thách thức trên, vừa qua Sở Du lịch Thừa Thiên Huế phối hợp với Viện nghiên cứu Mekong tổ chức “Hội thảo về Du lịch thông minh và bền vững tại Thừa Thiên Huế” trong khuôn khổ dự án “Phát triển du lịch thông minh và bền vững tại khu vực Mekong” do Quỹ Hợp tác Mekong-Hàn Quốc tài trợ.

Dự án sẽ được triển khai tại 5 thành phố có di sản được UNESCO công nhận ở các quốc gia thuộc vùng sông Mekong là Ayutthaya (Thái Lan), Siem Reap (Campuchia), Luang Prabang (Lào), Huế (Việt Nam), và Bagan (Myanmar).

Theo ông Nguyễn Văn Phúc, Giám đốc Sở Du lịch Thừa Thiên Huế, hội thảo lần này được kỳ vọng góp phần tăng cường hợp tác giữa Hàn Quốc và các nước tiểu vùng sông Mekong thông qua kết nối hình thành sự kết nghĩa giữa các thành phố lịch sử và văn hóa cùng vùng. Nhất là tỉnh Thừa Thiên Huế đang có kế hoạch liên kết du lịch với các cố đô di sản ở khu vực ASEAN, không chỉ với các chương trình quảng bá các điểm đến, văn hóa, lịch sử thông qua ứng dụng mà còn thực tiễn hơn, hình thành các tuyến bay kết nối các cố đô này với sự đồng hành của một số hãng hàng không trong khu vực.

Tại hội thảo, ngành du lịch được kỳ vọng phát triển bền vững và thông minh dựa trên những cơ hội, tiềm năng sẵn có tại vùng đất cố đô Huế, qua đó nâng cao chất lượng dịch vụ khách sạn, điểm đến, mua sắm,... cũng như năng lực cạnh tranh du lịch thông qua công nghệ thông minh.

Cũng trong hội thảo này, các giải pháp đã được đề ra nhằm năng cao năng lực cạnh tranh du lịch đó là thực hiện Roadshow Du lịch thông minh và bền vững nhằm hướng tới mục tiêu giới thiệu ứng dụng di động, dự liệu POI cho ứng dụng di động, thúc đẩy việc giao lưu và hội nhập bền vững, thông minh tại địa phương giữa các di tích quốc gia tiểu vùng sông Mekong.

Cụ thể, hội thảo đề ra giải pháp tận dụng công nghệ thông minh nhưng vẫn theo chiến lược quảng bá 5A. Xây dựng thương hiệu du lịch mang tên xứ Huế- vùng đất cố đô nhờ tận dụng sức mạnh của truyền thông, sức ảnh hưởng của người nổi tiếng trên mạng xã hội, truyền tải được câu chuyện du lịch, lôi kéo sự chú ý của du khách nhờ vào nắm vững tâm lý khách hàng, áp dụng những chương trình khuyến mãi, giảm giá sâu. Bên cạnh đó việc tìm hiểu cũng như cung cấp được  đầy đủ thông tin, dịch vụ, sản phẩm du lịch đến du khách cũng rất quan trọng, qua đó giúp nâng cao chất lượng dịch vụ cũng như tạo mới và duy trì lượng khách hàng đến với Huế.

Cầu phao tại làng giấy Thanh Tiên, Thừa Thiên Huế. Ảnh: Hoàng Lê

Nắm được những điểm đó, tại hội thảo giới thiệu ứng dụng di động, dự liệu POI cho ứng dụng di động, tạo các nội dung kỹ thuật số hấp dẫn cũng như cách điền vào biểu mẫu thu thập dữ liệu POI. Cấu trúc cơ bản của ứng dụng bao gồm các điểm đến đáng chú ý, nơi lưu trú khi du lịch, nhà hàng, quán ăn, ngoài ra sẽ có thêm thông tin tình hình các ca COVID-19 tại mỗi quốc gia nhằm đảm bảo an toàn sức khỏe cho khách du lịch. Ứng dụng mang sứ mệnh chuyển giao và phát triển các điểm tốt về du lịch bền vững, đồng thời giới thiệu các giải pháp thông minh để giải quyết các vấn đề môi trường do lượng khách du lịch đến với các di tích lịch sử ngày càng tăng.

Việc tổ chức hội thảo lần này giúp cung cấp, chia sẻ các thông tin, những hiểu biết và kinh nghiệm của các bên liên quan trong ngành Du lịch về những cơ hội và thực tiễn liên kết du lịch bền vững và thông minh; đồng thời cũng là dịp tốt để giới thiệu, quảng bá những tiềm năng, thế mạnh cũng như sự hấp dẫn của các sản phẩm du lịch Cố đô Huế đến với các tổ chức, đối tác trong khu vực.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới