Thứ tư, 4/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Thù lao cho sáng chế trong quá trình làm việc: Cửa ải khó cho người lao động?

Lê Vũ Vân Anh(*)

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Vai trò quan trọng của nhân viên trong hoạt động sáng tạo đã thúc đẩy các quốc gia châu Âu xem xét áp dụng các quy định về trả thù lao cho người lao động. Nhưng các quy định này ở mỗi nước một khác nhau.

Rất nhiều công ty hiện nay, đặc biệt là các công ty chuyên về khoa học sự sống (life science) phụ thuộc đáng kể vào khả năng sáng tạo của người lao động để thúc đẩy hoạt động nghiên cứu và phát triển, tạo ra các bằng sáng chế độc quyền. Theo báo cáo của WIPO năm 2022, hơn 90% số bằng sáng chế được cấp cho doanh nghiệp, trường đại học, viện nghiên cứu, cơ quan chính phủ và các tổ chức khác(1). Hay nói một cách khác, hình ảnh lãng mạn về các nhà sáng chế cá nhân như Graham Bell, Thomas Edison, ngồi cần mẫn làm việc từ sáng sớm đến tối khuya, đã trở thành dĩ vãng.

Vai trò quan trọng của nhân viên trong hoạt động sáng tạo đã thúc đẩy các quốc gia châu Âu xem xét áp dụng các quy định về trả thù lao cho người lao động. Tuy nhiên, các quy định này không đồng nhất giữa các nước. Ví dụ, tại Vương quốc Anh, việc trả thù lao được tích hợp vào luật sáng chế. Trong khi đó, Đức và Ba Lan có các luật riêng về vấn đề này. Ireland và Thụy Điển lại không có yêu cầu cụ thể về việc trả thù lao.

Mặc dù pháp luật Việt Nam đã có các quy định tương tự yêu cầu chủ sở hữu phải trả thù lao cho tác giả sáng chế, tuy nhiên, việc áp dụng trong thực tế có thể tham khảo từ các vụ việc cũng như pháp luật từ các quốc gia khác, chẳng hạn từ vương quốc Anh.

“Lợi ích vượt trội” do bằng sáng chế mang lại

Theo quy định tại Mục 40 của Đạo luật sáng chế 1988 của Vương quốc Anh, người lao động có thể yêu cầu người sử dụng lao động (sau đây gọi là doanh nghiệp) trả tiền thù lao nếu bằng sáng chế tạo ra mang lại “lợi ích vượt trội” (outstanding benefit) cho doanh nghiệp. Xác định đâu là “lợi ích” đến từ bằng sáng chế không phải là một nhiệm vụ dễ dàng vì các cơ quan có thẩm quyền sẽ tính đến chi phí mà NSDLĐ phải trả để đạt được lợi ích đó.

Trong vụ việc British Steel’s Patent, cơ quan Sở hữu trí tuệ Anh (UKIPO) đã chấp nhận lập luận của doanh nghiệp rằng họ phải chịu các chi phí tháo gỡ các rào cản kỹ thuật để đưa bằng sáng chế từ một ý tưởng ban đầu thành hiện thực mang lại lợi nhuận.

Tương tự trong vụ việc Memco-Med’s Patent, tòa án Anh nhận thấy rằng doanh số cao của sản phẩm có bằng sáng chế chủ yếu đến từ giá cả và chất lượng của sản phẩm cộng thêm mối quan hệ lâu dài của doanh nghiệp với người mua hơn là đến từ chính bằng sáng chế đó. Tòa án vì vậy kết luận rằng lợi ích mà bằng sáng chế mang lại cho người sử dụng lao động là không đáng kể.

Ngay cả khi UKIPO hay tòa án đồng ý rằng bằng sáng chế mang lại lợi ích cho doanh nghiệp, người lao động cần phải chứng minh rằng đó là lợi ích “vượt trội” (outstanding). Các thẩm phán Anh lập luận rằng từ “vượt trội” biểu thị một điều gì đặc biệt, tuy nhiên tìm cách định nghĩa khái niệm này là một điều vô ích. “Tòa án sẽ công nhận một lợi ích vượt trội khi nó xảy ra”.

Trong vụ việc GEC Avionics’ Patent, yêu cầu trả thù lao của người lao động đã bị từ chối với lý do doanh nghiệp đã đạt được những lợi ích tương tự liên quan đến các sản phẩm không có bằng sáng chế.

Thành công hiếm hoi cho người lao động

Mặc dù quy định về trả thù lao được đề ra từ năm 1978, phải tới hơn ba thập kỷ sau đó, người lao động mới dành phần thắng đầu tiên trong vụ kiện Kelly v GE Healthcare vào năm 2009.

Vụ việc liên quan đến Kelly và Chiu, hai bác sĩ từng làm việc tại Amersham International, một công ty thiết bị y tế đã được GE Healthcare mua lại sau đó. Cả hai đã khởi kiện GE ra tòa để yêu cầu tiền thù lao liên quan đến các bằng sáng chế của sản phẩm mang thương hiệu Myoview mà họ đã tạo ra.

Myoview là sản phẩm hết sức thành công, ước tính mang về hơn 1,3 tỉ bảng Anh doanh thu và góp phần quan trọng vào lợi nhuận của GE. Chi phí nghiên cứu và phát triển cho Myoview đã được thu hồi trong năm đầu tiên bán hàng và được coi là vượt xa kỳ vọng từ công việc của một nhân viên thông thường.

Tòa án nhận định rằng, sáng chế của Kelly và Chiu đóng một vai trò quan trọng trong hai giao dịch lớn của công ty và nếu sản phẩm không được cấp bằng sáng chế thì có khả năng đáng kể là các giao dịch này sẽ không đạt được, hoặc ít nhất là không đạt được các điều khoản có lợi như vậy cho doanh nghiệp.

Vì tòa án đã công nhận “lợi ích nổi bật” của bằng sáng chế, tính đến quy mô và bản chất hoạt động của GE, doanh nghiệp phải trả 1 triệu bảng Anh cho Tiến sĩ Kelly với tư cách là nhà sáng chế chính và 500.000 bảng Anh cho người đồng sáng chế của ông, Tiến sĩ Chiu.

Phải đến 10 năm sau, vào năm 2019, tòa án Anh mới một lần nữa đứng về phía người lao động trong vụ việc Shanks v Unilever trong một tranh chấp kéo dài 13 năm.

Giáo sư Shanks đã được Công ty Unilever UK Central Resources Ltd (CRL) thuê làm nhà nghiên cứu trong bốn năm vào những năm 1980. Trong thời gian này, ông đã đưa ra một sáng chế được sử dụng rộng rãi trong xét nghiệm đường huyết. Các quyền đối với sáng chế đã được chuyển nhượng từ CRL cho các công ty khác trong tập đoàn Unilever với giá 100 bảng Anh. Sáng chế cũng đồng thời được nộp dưới tên của các công ty này.

Shanks cho rằng các bằng sáng chế đến từ nghiên cứu của ông đã mang lại “lợi ích vượt trội” cho doanh nghiệp, do đó theo luật định ông có quyền được chia lợi nhuận công bằng. Vì vậy, ông nộp đơn yêu cầu bồi thường lên UKIPO vào năm 2006. Phải sáu năm sau, phiên điều trần giữa Shanks và Unilever mới diễn ra.

Mặc dù viên chức điều trần ước tính lợi ích ròng của Unilever thu được từ các bằng sáng chế do Shanks tạo ra là khoảng 24,3 triệu bảng Anh, người này lại cho rằng lợi ích nêu trên không “vượt trội”, “xét đến quy mô và bản chất” của Unilever. Tuy nhiên, viên chức điều trần cũng tính toán rằng trong trường hợp “lợi ích vượt trội”, Giáo sư Shanks sẽ nhận được con số đền bù thỏa đáng là 5% (khoảng 1,2 triệu bảng Anh).

Giáo sư Shanks đã kháng cáo lên tòa án sơ thẩm chống lại quyết định nói trên. Tuy nhiên đơn kháng cáo của ông đã bị tòa bác bỏ, rằng viên chức điều trần đã không sai khi kết luận các bằng sáng chế của Shanks không mang lại lợi ích vượt trội cho Unilever. Ngay cả khi có kết luận ngược lại, một phần lợi ích hợp lý được chia cho Shanks sẽ chỉ có 3%. Không nản lòng, ông lại tiếp tục kháng cáo lên tòa án phúc thẩm. Nhưng rất tiếc, phán quyết vẫn không thay đổi.

Vụ việc cuối cùng được đưa lên tòa án tối cao, nơi đã bác bỏ những phán quyết trước đó của UKIPO, tòa án sơ thẩm và tòa án phúc thẩm. Tòa án tối cao cho rằng các phán quyết đã sai lầm khi xem xét 24,3 triệu bảng dựa vào các hoạt động kinh doanh và lợi nhuận của toàn bộ tập đoàn Unilever, chứ không phải của công ty con (CRL), nơi thuê nhà sáng chế. Tòa án kết luận, lợi ích phải dành cho NSDLĐ thực tế của nhà sáng chế, chứ không phải là nhóm rộng hơn (tập đoàn Unilever).

Tòa án tối cao còn lập luận rằng viên chức điều trần đã sai lầm khi so sánh sáng chế của Giáo sư Shanks với các sản phẩm khác của Unilever như kem, bơ phết và chất khử mùi khi thành công của những sản phẩm này phụ thuộc vào chất lượng, xây dựng thương hiệu và định giá.

Mặc dù bằng sáng chế có thể bảo vệ một phần nào đó các quy trình sản xuất, viên chức điều trần đã thừa nhận chỉ một phần nhỏ của giá bán sản phẩm có liên quan đến bằng sáng chế và Unilever đã không thành công trong việc định giá các bằng sáng chế như vậy. So với lợi ích của các bằng sáng chế khác, rõ ràng bằng sáng chế của Shanks được xem là “vượt trội”.

Dựa vào các nhận định nói trên, tòa án tối cao đã yêu cầu Unilever trả cho Giáo sư Shanks mức bồi thường 5% trên tổng lợi nhuận 23,4 triệu bảng, và có tính đến 2,8% chỉ số lạm phát tính từ năm 1999, thời điểm mà công ty bắt đầu hưởng lợi từ sáng chế theo tính toán của Shanks. Tổng cộng, ông nhận được 2 triệu bảng Anh. Mặc dù đây là một kết quả tích cực cho Giáo sư Shanks, vụ việc đã mất hơn 13 năm và trả qua bốn lần kiện tụng để người lao động được nhận được một phán quyết có lợi tại tòa án tối cao.

Kết luận

Thực tiễn ở Vương quốc Anh cho thấy rằng thành công của người lao động trong việc đòi thù lao cho sáng chế phát sinh trong quá trình làm việc là rất hiếm. Không chỉ cần chứng minh rằng sáng chế mang lại lợi ích cho doanh nghiệp, mà người lao động còn phải chứng minh lợi ích đó là “vượt trội”. Doanh nghiệp càng lớn, điều này càng khó khăn.

Thêm vào đó, người lao động phải nắm vững hiểu biết về công nghệ, thị trường và khả năng thương mại của sáng chế. Họ cần làm việc chặt chẽ với các bộ phận liên quan trong doanh nghiệp để thu thập dữ liệu và chứng minh được giá trị mà sáng chế đó mang lại. Thiếu đi một cơ chế tưởng là phù hợp và có thể áp dụng trên thực tế sẽ làm ảnh hưởng đến động lực sáng tạo của người lao động, từ đó ảnh hưởng đến hoạt động đổi mới của doanh nghiệp.

(*) Giảng dạy môn Luật SHTT, khoa Luật, Đại học Oxford, Vương quốc Anh

(1) https://www.wipo.int/edocs/pubdocs/en/wipo-pub-901-2022-en-patent-cooperation-treaty-yearly-review-2022.pdf, trang 24.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới