(KTSG) - Theo Bộ Tài chính, lũy kế thu ngân sách nhà nước 11 tháng đầu năm 2021 ước đạt 1.389,2 ngàn tỉ đồng, bằng 103,4% dự toán, tăng 8,9% so với cùng kỳ năm 2020. Con số thu ngân sách vượt dự toán cả năm trong 11 tháng hoàn toàn trái ngược với tốc độ tăng trưởng GDP. Tăng trưởng GDP quí 3 âm 6,17%, mức thấp nhất trong lịch sử ngành thống kê và nếu tính chung chín tháng năm 2021 thì tăng trưởng GDP cũng chỉ đạt 1,47%, thấp nhất trong cùng kỳ nhiều năm qua. Vậy có vấn đề gì ở đây?
Thuế trong GDP chỉ bao gồm những khoản thuế mang tính gián thu, mà ngày nay cơ quan thống kê Việt Nam đặt tên cho giống với Hệ thống các tài khoản Quốc gia phiên bản 2008 của Liên Hiệp quốc là thuế sản phẩm. Thuế sản phẩm ở đây cơ bản bao gồm thuế giá trị gia tăng, thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt. Theo quy định chung của quốc tế, các khoản thuế trực thu như thuế thu nhập cá nhân, thuế thu nhập doanh nghiệp, thu từ bán đất… không nằm trong tài khoản sản xuất và không được tính vào GDP.
Tại một số nước phát triển, khi nền kinh tế phục hồi trở lại thì giá cả cũng có xu hướng tăng lên. Ở Việt Nam, thời gian qua nền kinh tế nhìn từ phía cung dường như cũng đang trên đà phục hồi. Sản xuất công nghiệp trong tháng 11 tiếp tục khởi sắc khi các địa phương trên cả nước thực hiện Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19. Chỉ số sản xuất công nghiệp tính chung 11 tháng năm 2021 ước tính tăng 3,6% so với cùng kỳ năm trước (cao hơn tốc độ tăng 3% của cùng kỳ năm 2020).
Tuy nhiên, nếu nhìn từ phía cầu sẽ thấy tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 11-2021 ước tính tăng 6,2% so với tháng trước và giảm 12,2% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 11 tháng năm 2021 giảm 8,7% so với cùng kỳ năm trước; nếu loại trừ yếu tố giá thì giảm 10,4% (cùng kỳ năm 2020 giảm 3,8%).
Số liệu quá khứ cho thấy tiêu dùng cuối cùng của hộ gia đình chiếm khoảng 68% GDP. Do đó, với sự sụt giảm về tổng mức bán lẻ như trên, rất khó để GDP cả năm tăng quá 2,5%.
Thời gian qua, dù giá xăng tăng rất cao nhưng không kéo được chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng lên; CPI tính chung 11 tháng năm 2021 tăng 1,84% so với cùng kỳ năm trước, mức tăng thấp nhất kể từ năm 2016. CPI tăng thấp chẳng những không đáng để tự hào, mà còn cho thấy có sự giảm sút rất nghiêm trọng về cầu, đặc biệt cầu tiêu dùng do người dân phải thắt lưng buộc bụng để đề phòng dịch Covid và các quyết định đầy bất ngờ của chính quyền địa phương.
Việc thu ngân sách tăng cao trong khi cầu tiêu dùng đang giảm mạnh cũng chẳng phải là một thành tích để tự hào. Thậm chí nó còn khiến cho doanh nghiệp và người dân có cảm giác như đang bị tận thu, trong khi điều cần làm là nâng đỡ phía cung, tránh lạm thu thông qua thanh tra, kiểm tra và đưa ra những chính sách tùy tiện làm doanh nghiệp đã khó khăn còn khó khăn hơn.
Đáng chú nữa là một phần lý do tăng thu ngân sách có thể cơ bản do tăng giá, như giá dầu thế giới tăng cao khiến thu từ dầu thô lũy kế 11 tháng ước đạt 38.100 tỉ, bằng 164,2% dự toán, tăng 20% so với cùng kỳ. Giá nhập khẩu đầu vào tăng cao cũng khiến thu ngân sách được hưởng lợi, thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu lũy kế 11 tháng đạt gần 211.000 tỉ đồng, bằng 118% dự toán, tăng 24,3% so với cùng kỳ. Việc thu ngân sách tăng vì những lý do này nên lo lắng hơn nên vui mừng vì chu kỳ sản xuất sau sẽ chịu hậu quả của giá đầu vào khiến chi phí đẩy tăng lên từ đó ảnh hưởng đến tăng trưởng GDP hoặc chỉ số giá tiêu dùng tăng lên.
Ngân sách là của cả quốc gia, không riêng gì của Bộ tài chính. Nếu tăng thu/ tăng chi đúng hướng thì tốt. Nếu ngược lại, không đúng hướng, không phản ánh sát bối cảnh thực tế thì cần phải xem lại năng lực điều hành ? Chỉ riêng việc yêu cầu giảm giá xăng không thôi là đã thấy rõ sự “ngược dòng” trong điều hành chính sách tài chính.