Thứ bảy, 4/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Thu phí không dừng: Phải ‘siết’ nhà cung cấp dịch vụ trước

Song Nghi

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đã không hoàn thành việc triển khai dịch vụ thu phí tự động không dừng (ETC) theo tiến độ Chính phủ đặt ra và đang nôn nóng đẩy mạnh các biện pháp để chủ xe dán tem ETC. Thế nhưng, để người dân nhanh chóng dùng ETC thì ngoài các biện pháp hành chính, chính các trạm BOT và nhà cung cấp dịch vụ ETC là những nơi cần được Bộ GTVT “siết” trước, sau đó mới tới người sử dụng là người dân, doanh nghiệp.

Trạm thu phí quốc lộ 51 hiện vẫn thu phí tự động được đối với xe dán tem ETC ePass, eTag. Ảnh minh hoạ: H.P

Mục tiêu Chính phủ đặt ra cho Bộ GTVT là đến tháng 6 năm nay phải đạt tối thiểu 90% số xe dán thẻ và sử dụng dịch vụ ETC để đạt mục tiêu thu phí ETC đại trà từ giữa năm 2022. Thế nhưng, dù được triển khai từ năm 2015, đến nay cả nước mới có 575 làn thu phí không dừng tại 118 trạm, chiếm 70% tổng số làn. Đến hết quí 1 năm nay vẫn còn gần 250 làn chưa lắp đặt xong hệ thống thu phí ETC và chỉ mới đạt gần 60% trên tổng số 5 triệu xe cần dán thẻ ETC.

Hạ tầng công nghệ vẫn chưa đạt yêu cầu

Hiện tại dịch vụ ETC dùng chuẩn công nghệ RFID do hai đơn vị cung cấp là Công ty cổ phần Giao thông số Việt Nam (VDTC) thuộc tập đoàn Viettel với tem ETC thương hiệu ePass và Công ty TNHH Thu phí tự động (VETC) với tem ETC thương hiệu eTag.

Trong khi đó, do đã đầu tư trước đây khá lâu nên Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) dùng chuẩn công nghệ DSRC và phải chuyển sang dùng chuẩn RFID như các trạm BOT khác trên toàn quốc. VEC đang quản lý 5 tuyến cao tốc nhưng mới chỉ có tuyến cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình có làn thu phí ETC theo công nghệ RFID, còn các tuyến cao tốc khác dự kiến phải đến quí 3-2022 mới hoàn tất xong việc chuyển đổi (1).

Đây là một điểm phiền toái không nhỏ, vì chỉ riêng ở phía Nam các trạm BOT do VEC quản lý như cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây và quốc lộ 51 đi Vũng Tàu thì xe đã dán tem ePass hay eTag đều không được thu phí tự động được mà vẫn phải mua vé thủ công.

Về lý thuyết, trạm BOT dùng công nghệ RFID liên thông dữ liệu được với nhau, xe dán tem ePass hay eTag đều có thể qua trạm mà không phân biệt trạm dùng công nghệ của VDTC hay VETC. Tuy nhiên, việc liên thông dữ liệu giữa VDTC và VETC thỉnh thoảng vẫn còn trục trặc. Hồi đầu năm nay, hơn 300 xe dán thẻ ePass đã không qua được các trạm thu phí trên hai cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ và Hà Nội - Hải Phòng trong suốt hơn hai giờ, do hệ thống của VETC bị hư ổ cứng không đọc được tem ePass.

Trong năm qua, các hệ thống ETC vẫn còn bị lỗi kỹ thuật như xe qua trạm phải trả tiền mặt trong khi tài khoản ETC vẫn bị trừ tiền, hoặc tài khoản bị trừ tiền hai lần khi qua trạm, thậm chí có xe không lưu thông vẫn bị trừ tiền. Gần đây nhất, hôm 24-4, cáp quang nội bộ truyền dữ liệu thu phí không dừng trên cao tốc Hà Nội - Hải Phòng bị đứt nên xe dán thẻ phải xếp hàng 2-3 ki lô mét chờ trả tiền qua trạm. Lẽ ra, nhà cung cấp dịch vụ ETC phải có phương án dự phòng trong mọi tình huống chứ không thể để chủ xe lãnh đủ ùn tắc và chờ đợi như vậy.

Hai nhà cung cấp dịch vụ ETC chạy đua giành thị trường dẫn đến phiền toái cho khách hàng, như trong đợt phát hành ồ ạt tem ePass hồi cuối năm 2020 một số tài khoản ETC đã kích hoạt và nạp tiền xong nhưng tem bị lỗi không nhận diện trên hệ thống. Khi tem bị lỗi, người dùng phải mất thời gian liên hệ, rồi phải mang xe đi kiểm tra vì tem đã dán trên xe. Điều này khá phiền phức vì ở nội thành TPHCM thì không khéo đậu xe dán tem xong lại bị phạt.

Đó là chưa kể khi đến điểm dán tem của Viettel Post theo hướng dẫn của tổng đài ePass thì nơi này cho biết không cung cấp dịch vụ này và chỉ đến điểm khác. Thêm nữa, dù là công ty công nghệ nhưng website ePass lại có giao diện và tiện ích rất kém. Danh sách các trạm, điểm dán tem chỉ là những file ảnh được đưa lên một cách cẩu thả vừa bất tiện (không hỗ trợ tìm kiếm bằng cách nhập từ khóa), vừa thiếu thông tin (theo thứ tự bảng chữ cái thì chỉ có đến tỉnh Nghệ An), vừa khó đọc vì chữ nhỏ như con kiến.

Còn một vấn đề khác cũng gây khó chịu cho người dùng là cả VETC và VDTC đều cho đăng ký tạo tài khoản trực tuyến rất dễ dàng nhưng khi muốn ngưng sử dụng dịch vụ thì phải làm thủ tục trực tiếp, tức là phải đến tận trụ sở hay một số điểm giao dịch của họ, mà số điểm này lại rất ít, gây bất tiện cho người dùng. Rõ ràng là việc mở tài khoản luôn khó hơn việc đóng tài khoản, vậy mà cả hai nhà cung cấp ETC đều tìm cách làm làm khó, đây là cách ứng xử mang hơi hướng “tiểu xảo” cần sớm dẹp bỏ.

Quan hệ thị trường, sao lại “mách mẹ”?

Với dịch vụ ETC, trách nhiệm của bên cung cấp dịch vụ gồm trạm BOT và nhà cung cấp dịch vụ ETC là phải cung cấp dịch vụ thông suốt, tỷ lệ trục trặc gần như bằng zero ở cả hai tiêu chí: đọc tem và trừ tiền. Hạ tầng thu phí phải bảo đảm 99,99% số xe có dán tem ETC qua trạm BOT thông suốt, không bị trục trặc vì tem không quét được, tiền không trừ được.

Ngoài ra, tại các trạm BOT còn phải có nhân sự hỗ trợ nhanh nhất trong trường hợp lỗi kỹ thuật xảy ra do thiết bị của trạm, hạn chế tối đa việc bắt xe dán tem hợp lệ, đủ tiền trong tài khoản phải chờ đợi như những vụ hư ổ cứng, đứt cáp quang vừa qua.

Một tiêu chuẩn kỹ thuật khác bắt buộc đạt được là hệ thống ETC phải “trong suốt về mặt công nghệ” đối với người dùng. Điều này có nghĩa là khi người dùng đã mở tài khoản, dán tem ETC và kết nối với tài khoản ngân hàng/ví điện tử, họ phải đi qua được bất cứ trạm BOT trên toàn quốc. Nghĩa vụ của các trạm BOT và nhà cung cấp dịch vụ ETC là bất cứ xe nào có dán tem ETC hợp lệ là phải được qua trạm tự động và trừ tiền chính xác.

Cần bỏ quy định bắt buộc người dùng phải nạp sẵn tiền vào tài khoản ETC như hiện nay, mà thay vào đó các nhà cung cấp dịch vụ ETC phải cho người dùng quyền lựa chọn giữa nạp tiền sẵn vào tài khoản với thanh toán thông qua một số ví điện tử, tài khoản ngân hàng phổ biến.

Người dùng phải có thêm quyền lựa chọn kết nối vào một số ví điện tử hay tài khoản ngân hàng trong danh sách do nhà cung cấp dịch vụ đưa ra và trừ tiền từ đó khi đi qua trạm BOT. Cần chấm dứt tình trạng ưu đãi cho “gà nhà”, như hiện nay tài khoản ETC của ePass chỉ ưu ái cho người dùng trừ tiền trực tiếp từ ví điện tử Viettel Money, còn các ví khác thì không được hỗ trợ.

Với hàng triệu xe dán tem ETC, nếu tính mức mỗi tài khoản duy trì khoảng 100.000 đồng thì cứ một triệu tài khoản thì nhà cung cấp dịch vụ đã được khách hàng ứng trước 100 tỉ đồng mà không phải trả đồng lãi nào. Tiền lãi có được từ nguồn tiền nằm trong tài khoản ETC lẽ ra phải được dùng vào việc chăm sóc khách hàng đã dán tem như tạo thêm ưu đãi khách hàng cũ, khuyến mãi để thu hút thêm khách hàng mới, tăng thêm các tiện ích cho khách hàng…

Thế nhưng, để tăng thêm số khách hàng sử dụng ETC, nhà cung cấp dịch vụ lại báo cáo còn nhiều xe chưa dán tem ETC. Điều này chẳng khác gì đi “mách mẹ” để sau đó Tổng cục Đường bộ ban hành văn bản cho biết sẽ phạt xe không dán tem đi vào làn ETC hay tài khoản ETC không đủ tiền(2).

Đúng ra Bộ GTVT phải để doanh nghiệp tự vận động, vì đây đơn thuần là quan hệ của doanh nghiệp với khách hàng, thay vì hỗ trợ bằng cách ra văn bản - biện pháp hành chính - như vậy.

Trách nhiệm bên mua dịch vụ là chủ xe đã rõ, còn trách nhiệm bên bán dịch vụ là trạm thu phí BOT và các đơn vị cung cấp dịch vụ ETC khi không cung cấp dịch vụ đúng chất lượng thì sao, đây là vấn đề cần giải quyết sớm để việc triển khai thu phí không dừng về đích đúng tiến độ Chính phủ đặt ra.

Muốn thu hút thêm xe dán tem ETC, Bộ GTVT cần giám sát và thúc đẩy các trạm BOT và nhà cung cấp dịch vụ ETC hoàn thiện hạ tầng công nghệ, tăng cường tiện ích phục vụ khách hàng, không để xảy ra sự cố kỹ thuật thường xuyên như vừa qua.

----------

(1) https://baotintuc.vn/kinh-te/bo-gtvt-bao-cao-thu-tuong-tien-do-thu-phi-khong-dung-cua-vec-20220328203628390.htm

(2) https://baotintuc.vn/kinh-te/tong-cuc-duong-bo-viet-nam-yeu-cau-xu-ly-nghiem-xe-o-to-di-sai-lan-thu-phi-khong-dung-20220308203930624.htm

1 BÌNH LUẬN

  1. Cơ quan quản lý đi trước, doanh nghiệp và người dân theo sau. Công thức này đúng mọi nơi mọi lúc. Rất tiếc, thực tế lâu nay luôn có sự lộn ngược quy trình. Từ đó dẫn đến cơ quan quản lý thì ì ạch, doanh nghiệp thì ù lỳ, người dân thì…makeno. Cần phải nhanh chóng sắp xếp lại trật tự, nói như Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, trên dưới đồng lòng/ ngang dọc thông suốt. Rất đơn giản !

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới