(KTSG Online) - Trước những luồng ý kiến trái chiều trong thời gian qua về phương án thu phí khách tham quan, chiều 11-5, lãnh đạo UBND thành phố Hội An tổ chức họp báo để đưa ra thông tin chính thức về phương án thu phí tham quan khu phố cổ Hội An.
Ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch UBND thành phố Hội An, thừa nhận do thành phố chưa tiến hành đầy đủ các bước, từ đó chưa đưa ra được thông tin đầy đủ khiến dư luận tranh cãi trong thời gian qua. Vì vậy sau thời gian lấy ý kiến các bên liên quan, thông tin từ buổi họp báo này mang tính chính thức.
Theo đó, từ ngày 15-5, đối với khách du lịch, bao gồm trong nước và quốc tế, đi tự túc một mình hoặc nhóm nhỏ (không có hướng dẫn viên) thì việc thu phí tham quan không bắt buộc. “Chúng tôi khuyến khích đối tượng khách này mua vé để cùng bảo tồn phố cổ”, ông Sơn nói và cho biết việc kiểm soát bán vé tham quan chỉ tập trung vào các đoàn khách du lịch có hướng dẫn viên, và được kiểm soát từ xa ngay tại bãi đậu xe.
Giá vé có hai mức là 80.000 đồng đối với khách nội địa và 120.000 đồng đối với du khách nước ngoài. Việc chênh lệch mức giá xuất phát từ nhu cầu tham quan các di sản của du khách, không liên quan đến phân biệt trong và ngoài nước. Hơn nữa, mức giá này đã áp dụng từ năm 2012 và cho đến nay vẫn không thay đổi.
Quay lại thông tin thu phí khi vào thành phố Hội An, ông Sơn nói rõ quan điểm của đề án “những thông tin như vậy không đúng bản chất. Hội An không bán vé vào thành phố, mà chỉ thu phí tham quan vào trong phố cổ. Phố cổ cũng chỉ chiếm một phần rất nhỏ trong tổng địa giới hành chính của Hội An.
Giá trị thực của chiếc vé không dừng lại ở con số
Được biết, trước cuộc họp báo, lãnh đạo thành phố Hội An đã lấy ý kiến từ người dân, các công ty lữ hành và các doanh nghiệp lưu trú, khách sạn đều đồng ý với đề án thu phí sau khi được địa phương giải thích.
Nguồn thu từ việc bán vé phục vụ cho mục đích bảo tồn, trùng tu các di tích trong phố cổ.
Theo ông Sơn, việc bán vé tham quan đã giúp Hội An từ một di sản đứng trên bờ vực sụp đổ trở thành di sản có sức sống, là điểm đến du lịch nổi tiếng trong mắt bạn bè quốc tế. Các kiến trúc di sản sẽ được trùng tu cơ bản nhưng vẫn giữ được cái hồn và giá trị vốn có của nó.
Ngoài ra việc thu phí cũng giúp nâng cao ý thức của khách tham quan. Đây cũng là cách giảm tải áp lực lên phố cổ. Lượng khách đổ về Hội An ngày một nhiều, khiến phố cổ trở nên chật chội hơn và cùng với đó lượng rác thải để lại cũng ngày một gia tăng, ảnh hưởng đến môi trường, chất lượng mỹ quan. Vì lẽ đó, việc thu phí cũng sẽ hỗ trợ chi phí duy trì vệ sinh phố cổ hằng ngày.
Ông Sơn cho biết: “Nguồn thu từ bán vé dùng để đầu tư cở sở hạ tầng, tổ chức nhiều hoạt động nghệ thuật giúp nâng cao du lịch Hội An, trích một phần hỗ trợ nhà cổ tư nhân”.
Trao đổi thêm vấn đề này, ông Nguyễn Văn Lanh, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hội An, cũng cho hay thành phố cũng đang xúc tiến nhiều hoạt động trong phố cổ để nâng chất lượng điểm đến bên cạnh đa dạng hóa hình thức bán vé để tạo thuận tiện cho du khách.
Bên cạnh không gian hiện hữu, thành phố Hội An sẽ mở rộng không gian “Phố dành cho người đi bộ và xe không động cơ” tại tuyến đường Phan Châu Trinh từ ngày 15-5-2023.
Cụ thể, từ ngày 15-5, thời gian phố đi bộ sẽ từ 17g30 đến 21g30 mùa hè và đến 21g00 mùa đông, vào tất cả các ngày trong tuần. Không gian hoạt động là từ ngã tư đường Nguyễn Huệ - Phan Châu Trinh đến ngã ba đường Cao Hồng Lãnh - Phan Châu Trinh.
Sau đó, từ ngày 01-01-2024, thời gian hoạt động phố đi bộ là từ 15g00 đến 21g30 mùa hè và đến 21g00 mùa đông, vào tất cả các ngày trong tuần. Không gian hoạt động là từ ngã ba đường Hoàng Diệu - Phan Châu Trinh đến ngã ba đường Cao Hồng Lãnh - Phan Châu Trinh.
Song song với việc mở rộng không gian đề án, thành phố cũng đưa vào các hoạt động trải nghiệm văn hóa, trình diễn nghệ thuật để phục vụ nhân dân và du khách như: “Hát bội” tại Văn chỉ Minh Hương; Nhóm nhạc “Cung đàn xưa” tại số 49 đường Phan Chu Trinh; Không gian trà đạo, dập tranh giấy dó, vẽ đầu lân-mặt nạ ông Địa tại Đình Hội An; Trò chơi dân gian tại Hồ Pháp Bảo; Giao lưu bóng rổ, dạy tiếng Hoa tại Hội quán Ngũ Bang...