Thứ năm, 2/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Thủ thuật thương lượng giá khi mua xe

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Thủ thuật thương lượng giá khi mua xe

Tuấn Kiệt

(TBKTSG Online) - Khi bạn đi mua xe, bạn hãy nhớ rằng mình là “thượng đế”. Bạn là người bỏ ra một số tiền lớn để mua một chiếc xe. Trừ một số hiếm trường hợp phải tranh nhau mua những phiên bản giới hạn của Ferrari hay Lamborghini thì khách hàng phải luôn là người ở thế thượng phong trong những lần đàm phán về giá cả.

>> Nên mua xe cũ hay xe mới?

>> Thử xe trước khi mua như thế nào?

Thủ thuật thương lượng giá khi mua xe
Hãy chiếm lại thế chủ động khi trả giá mua xe - Ảnh minh họa: Caranddriver

Bạn hãy nhớ rằng họ là người cần bạn nhưng bạn thì có vô số sự lựa chọn khác. Nếu ví von chiếc xe là một “cô vợ tương lai” thì việc mua xe cũng giống như thể đối phó với những “ông bố vợ” khó tính, tức những người bán xe dày dạn kinh nghiệm và giỏi thuyết phục. Đây có thể là một quá trình “trèo đèo lội suối” vì hầu hết người mua thì rất “thật thà”, còn người bán thì lại có đủ cách để “dụ” người mua trả với giá cao nhất có thể. Đa số họ sẽ “chơi chiêu” và đánh vào tâm lí người mua. Vậy làm cách nào bạn có thể làm điều tương tự, để tránh khỏi cái bẫy đó?

Những nguyên tắc chung nhất khi đàm phán về giá cả

Không bao giờ nói “Tôi đồng ý” từ lần đầu tiên họ đưa ra mức giá. Đối với những người bán xe chuyên nghiệp, câu nói “Tôi đồng ý” là một đặc ân đối với họ. Còn khi bạn nói “Tôi sẽ cân nhắc…”, hoặc “Có thể tôi sẽ mua…” thì họ cũng đã tin tưởng vào 70% khả năng bán được xe. Kể cả khi bạn nói “Không” thì họ sẽ tìm cách để thuyết phục và làm bạn lung lay. Bạn càng tỏ ra không hài lòng thì bạn sẽ càng dễ dàng trả giá.

Ngược lại, bạn cũng nên cẩn thận với lời lẽ cũa những người bán hàng. Nếu họ nói “Có” với những yêu cầu của bạn, chẳng hạn về phiên bản xe, màu sơn, dung tích máy, các gói trang bị… thì bạn phải nghĩ đó là “Có thể có”. Còn nếu họ trả lời “Có thể có”, hoặc “Chúng tôi sẽ cố gắng để…” có nghĩa là tại thời điểm đó họ chưa thể đáp ứng nhu cầu của bạn. Và gần như tuyệt đối tất cả những người bán xe, các đại lý sẽ không bao giờ nói “Không”.

Đừng bao giờ để họ thấy rằng chiếc xe của họ là sự quan tâm duy nhất của bạn, cho dù đó là sự thật. Ngay từ đầu khi đến xem và thử xe, bạn nên cho họ biết bạn cũng quan tâm đến vài mẫu xe khác. Ngay cả khi đã để họ biết bạn quan tâm mẫu xe nào đó thì bạn vẫn có thể có nhiều đại lý để đến. Mua xe hơi là một việc khá quan trọng vì số tiền bỏ ra tương đối lớn nên bạn không nên đi mua những lúc thời gian eo hẹp.

Sự eo hẹp về mặt thời gian đồng nghĩa với việc ít cơ hội xem xét và lựa chọn, tức là bạn sẽ ở vào thế bị động trong lúc đàm phán giá cả. Và sau đây là 8 tình thế mà bạn bị người bán xe đưa vào thế khó. Chúng tôi sẽ chỉ cho bạn cách đối phó với chúng, và biến những chiêu thức của họ thành của mình. Nếu bạn cảm thấy “áp lực” khi đi mua xe, thì những điều sau đây sẽ giúp bạn “lật ngược thế cờ”.

1. Người bán nói: “Mua ngay hôm nay kẻo hết”; Bạn nên nói: “ Xin lỗi, nhưng tôi chỉ mua trong hôm nay với giá...”

Trong trường hợp này, người bán đưa ra một mức giá, và gây áp lực để bạn nghĩ rằng phải mua ngay trong ngày hôm đó thì mới có đựơc giá tốt. Điều này khiến bạn ít có cơ hội đi “dọ giá” ở những nơi khác, hay tìm hiểu thêm về những lời mời chào hấp dẫn từ các đối thủ cạnh tranh. Thay vào đó, bạn nên “chiếm lại thế thượng phong” bằng cách đưa ra một mức giá của riêng mình, và “bâng quơ”: “Tôi chỉ mua với giá đó trong hôm nay thôi đấy, ông không bán thì thôi vậy”.

Người bán sẽ bị đặt trong một sự lựa chọn: Nếu không đồng ý với mức giá đó, khách hàng sẵn sàng “dứt áo ra đi”. Nhưng phải thật chắc chắn rằng bạn phải tìm hiểu kĩ trước khi đi mua, để đảm bảo rằng mức giá bạn đưa ra là chấp nhận được.

2. Người bán nói: "Để tôi hỏi lại cấp trên”; Bạn nên nói: “Tôi phải về hỏi chồng/ vợ tôi đã”

Người bán thường sẽ nói rằng anh ra phải “bẩm” lại với giám đốc bán hàng đề xem mức giá có được chấp nhận hay không. Khi đó, người giám đốc này bất chợt “phải đóng vai ác” và người bán lại “dường như” đứng về phe của người mua. Đừng bị đánh lừa và đừng ngần ngại “tung chiêu” tương tự.

Nếu bạn cần thời gian suy nghĩ và muốn từ chối khéo, hãy nói với người bán rằng bạn phải hỏi thêm ý kiến của vợ/chồng, như một cách thoái thác gián tiếp. Bạn chưa lập gia đình? Không sao, có thể thay bằng bất cứ thứ gì trên trời dưới đất có thể, khiến cho lí do của bạn trở nên đáng tin.

Chỉ cần đưa người khác ra làm “bình phong” để giúp bạn chiếm lại ưu thế. Việc để “người vợ bé nhỏ” hay “người chồng gia trưởng” quyết định mọi thứ đã là “chuyện thường ngày ở huyện”, vì thế, hãy dẹp lòng tự ái qua một bên và ra vẻ là bạn không thể tự quyết định tất cả.

3. Người bán sẽ nói: “Bán vậy tụi em không lời được”; Người mua nói: “Mua vậy thì anh không đủ tiền đâu”

Đánh vào tâm lý người mua, người bán có thể sẽ nói với bạn rằng anh ta không thể bán với mức giá đó. Vì thế, họ khiến người mua tưởng rằng họ sẽ “chết đói” nếu phải hạ giá thêm nữa. Hãy nhớ rằng, bạn mới chính là người “mất” tiền, chứ không phải người bán. H

Nếu nói khéo, người bán sẽ liên lạc lại với bạn - Ảnh minh họa: Caranddriver

Hãy nói với họ: “Với giá này chắc tôi không thể xoay sở được”. Dù họ bảo là “không lời được”, nhưng thực sự họ chỉ lời ít hơn chút ít mà thôi. Nếu không tin, bạn thử tìm sang đại lý khác hoặc xin ra về, họ sẽ liên lạc với bạn cho xem.

4. Người bán nói: “Bán giá này là tụi em chịu lỗ rồi đó”; Bạn nên nói: “Tôi mới là ngừơi mất cả đống tiền thì có”

Để thuyết phục người mua rằng họ đang được mua với giá “hời” nhất, người bán có thể sẽ nói rằng họ không có lời. Đây là một mánh để tạo nên sự cảm thông từ phía khách hàng. Cứ cho rằng họ bị lỗ hàng nghìn đô, thì bạn phải nên nhớ và nhắc cho họ nhớ rằng chính bạn mới là người “cho ra đi” rất nhiều tiền.

5. Người bán nói: “Sản phẩm này đang “cháy hàng”; Bạn nên nói: “Không mua ở đây thì tôi đi chỗ khác”

Người bán sẽ luôn tìm cách thuyết phục để khách hàng mua xe ngay lập tức. Vì thế họ sẽ nói rằng mẫu xe đó đang rất “hút hàng” và nếu khách hàng không “nhanh tay lẹ chân” thì sẽ mất cơ hội sở hữu nó. “Những khách hàng khác đang rất muốn có nó” và “tình trạng cực kì khan hiếm” là những lí do để người mua tin rằng nhất định phải mua nó ngay. Thực tế, những chiếc xe sản xuất hàng loạt sẽ được tung ra thị trường với số luợng lớn. Dù cho những gì nguời bán nói là thật đi nữa, chiếc xe mà bạn muốn có sẽ sớm trở nên phổ biến.

6. Người bán sẽ nói: “Cái này chỉ có một chiếc duy nhất, không thích mua thì thôi”; Bạn nên nói: “Chỉ có tôi mới dám mua cái xe lạ lùng thế này”

Những người chơi xe “độc” thường đi lùng những chiếc mà người bình thường thậm chí còn không biết đến sự tồn tại của chúng. Kết quả là những nhà sản xuất xe không sản xuất nhiều vì thị trường quá nhỏ. Tuy vậy, chúng vẫn đầy ra đó.

Ví dụ, những chiếc Cadillac CTS với hộp số tay 6 cấp vẫn tồn tại và không đến mức khan hiếm như nhiều đại lý ở Mỹ đã thổi phồng lên, “Chỉ có một chiếc như thế thôi đấy, anh không mua cũng không thiếu người muốn có nó”. Người mua nên đáp trả rằng, “Chỉ có tôi mới dám mua cái xe lạ lùng thế này thôi”.

Chẳng hạn như thời gian đầu ra mắt tại Việt Nam, Kia Koup có màu xanh chuối dạ quang. Dù là một màu trẻ trung và đậm chất thể thao nhưng rất ít người thích màu này. Tuy vậy, vẫn có không ít đại lý vẫn giới thiệu đó là “màu độc”.

7. Người bán nói: “Tăng giá và phụ phí vào phút chót”; Bạn nên nói: “Giảm thêm giá vào phút chót”

Nếu người bán biết bạn thật sự hài lòng với giá cả mà hai bên đã nhất trí, đôi khi họ sẽ tìm cách tăng giá hoặc thu thêm phụ phí vào phút chót, và tất nhiên là kèm với một lí do “vô cùng xác đáng”. Đừng bị đánh lừa, thay vì chấp nhận tăng giá, hãy thử đề nghị giảm giá. Bạn cũng có thể tỏ ra bất ngờ và nói rằng: "Phụ phí như vậy là vượt quá giới hạn chi tiêu của tôi rồi”.

Nếu bạn không muốn những quà tặng kèm, hãy nói với nguời bán rằng: “Những thứ này chỉ làm mất giá trị chiếc xe này thôi” - Ảnh minh họa: Caranddriver

8. Người bán nói: “Bán như thế chẳng khác nào cho không”; Bạn nên nói: “Tôi thậm chí còn không muốn có nó”

Thông thường, người bán hàng sẽ cố gắng tăng giá bán, đồng thời “dụ dỗ” khách hàng mua bằng cách tặng kèm những thứ không đáng giá là bao. Nhiều khi những thiết bị đó vẫn được đi kèm sẵn với sản phẩm, nhưng họ lại làm khách hàng nhầm tưởng là được cho không. Nếu bạn không muốn những quà tặng kèm, hãy nói với nguời bán rằng: “Những thứ này chỉ làm mất giá trị chiếc xe này thôi”.

Nguồn: Caranddriver

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới