Thứ sáu, 27/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Thu thuế sàn thương mại điện tử: các giải pháp bắt đầu cho kết quả

T.H

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Việt Nam là một trong 4 nước đi đầu ở khu vực Đông Nam Á về việc quản lý thuế xuyên biên giới thông qua việc các nhà mạng phải kê khai thuế trên Cổng thông tin điện tử. Tuy nhiên, so với thu nhập và doanh thu tăng cao, số thuế nộp ngân sách nhà nước từ lĩnh vực kinh doanh thương mại điện tử chưa tương xứng với tiềm năng phát triển, gây thất thu ngân sách nhà nước. Hơn thế nữa, điều này đang gây mất bình đẳng giữa những người kinh doanh.

Làm thế nào để có thể thích ứng, bắt kịp và hoàn thiện các chính sách thuế phù hợp với tình hình thị trường thương mại điện tử tại Việt Nam đang là bài toán nan giải với cơ quan thuế và các ban ngành có liên quan. Ảnh minh họa: Lê Vũ.

36 nhà cung cấp nước ngoài đăng ký, kê khai và nộp thuế

Các  thông tin nêu trên được các chuyên gia chia sẻ tại cuộc tọa đàm trực tuyến với chủ đề "Quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử” do Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức ngày 29-9.

TTXVN dẫn lời GS.TS Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính ngân sách Quốc hội, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, cho rằng việc quản lý thu thuế với hệ thống sàn thương mại điện tử hiện đang rất lúng túng, đặc biệt là vấn đề kinh doanh xuyên biên giới.

Tuy nhiên, nhờ nền tảng chuyển đổi số trong quản lý thuế, Việt Nam được đánh giá là một trong 4 nước đi đầu ở khu vực Đông Nam Á về việc quản lý thuế xuyên biên giới thông qua việc các nhà mạng phải kê khai thuế trên Cổng thông tin điện tử, khẳng định quyền thu thuế của Việt Nam đối với các hoạt động kinh doanh thương mại điện tử kinh doanh dựa trên nền tảng số.

Việt Nam cũng đã chủ động để hình thành nên yếu tố như sửa đổi Luật Quản lý thuế tích hợp ngay những nội cung về quản lý thuế đối với sàn thương mại điện tử, sau đó là quy định của pháp luật về thực thi của Chính phủ.

Bà Nguyễn Thị Lan Anh, Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp nhỏ và vừa và hộ kinh doanh, cá nhân, Tổng cục Thuế, cũng cho hay ngành thuế tiếp tục hiện đại hóa quản lý thuế; nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin để kết nối, lưu trữ thông tin để hỗ trợ, kết nối với người nộp thuế (nhà cung cấp nước ngoài, sàn thương mại điện tử...) theo hình thức điện tử trực tiếp tại Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế.

Nhằm hiện đại hóa công tác quản lý thuế, tạo thuận lợi cho người nộp thuế trong việc thực hiện khai thuế, nộp thuế, Bộ Tài chính đã chính thức khai trương Cổng thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài không có cơ sở kinh doanh cố định tại Việt Nam và triển khai ứng dụng thuế điện tử trên nền tảng thiết bị di động (eTax Mobile) cho các cá nhân.

Sau hơn 6 tháng triển khai Cổng thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài, đến nay đã có 36 nhà cung cấp nước ngoài đăng ký, kê khai và nộp thuế qua cổng. Trong số đó, có 6 nhà cung cấp nước ngoài lớn như Meta (Facebook), Google, Microsoft, TikTok, Netfix, Apple chiếm 90% thị phần doanh thu dịch vụ thương mại điện tử kinh doanh trên nền tảng số xuyên biên giới tại Việt Nam đã thực hiện đăng ký thuế, khai thuế và nộp thuế tại Việt Nam với tổng số thuế đã nộp hàng chục triệu đô la Mỹ, tương đương hàng trăm tỉ đồng. Chỉ tính riêng Meta đã nộp thuế khoảng 16,8 triệu euro, Tiktok đã nộp thuế 81,7 tỉ đồng,…

Đại diện Tổng cục Thuế cũng cho biết các nhà cung cấp nước ngoài lớn như Meta (Facebook), Google, Microsoft, TikTok,Netfix, Apple đã chủ động phối hợp với cơ quan thuế để tìm hiểu các chính sách thuế, có các đề xuất, góp ý cho cơ quan thuế để hoàn thiện chính sách thuế, công cụ quản lý thuế, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý của cơ quan thuế.

Những khó khăn, trở ngại không nhỏ

Theo quy định về quản lý thuế hiện hành, việc quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử của cá nhân trong nước bao gồm hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh có hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, cá nhân kinh doanh bán hàng qua mạng xã hội (Facebook, Youtube, Zalo...) và cá nhân tại Việt Nam có cung cấp sản phẩm nội dung thông tin số (game, video, app, phần mềm, âm nhạc...) và nhận được thu nhập từ việc cho đặt quảng cáo trả từ nước ngoài.

Tuy nhiên, theo đại diện Tổng cục Thuế, đối với việc triển khai thu thuế sàn thương mại điện tử, ngành thuế gặp khó khăn trong việc quản lý đầy đủ các nguồn thu, đối tượng nộp thuế, xác định căn cứ tính thuế...

Cụ thể là khó phân biệt rõ loại thu nhập làm cơ sở đánh thuế bởi trong nền kinh tế số rất khó phân biệt một số loại thu nhập, đặc biệt là bản quyền, phí dịch vụ và lợi nhuận kinh doanh.

Kế đó là việc kiểm soát giao dịch kinh doanh để quản lý đối tượng thu thuế đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử. Một đối tượng có thể có nhiều gian hàng trên 1 sàn giao dịch sàn thương mại điện tử và cùng lúc trên nhiều sàn giao dịch sàn thương mại điện tử hoặc cùng lúc trên nhiều trang mạng xã hội.

Ngoài ra, việc kiểm soát dòng tiền cũng không dễ dàng khi mà hệ thống thanh toán theo hình thức COD (trả tiền mặt khi giao hàng) được áp dụng phổ biến hơn các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt.

Theo bà Nguyễn Thị Minh Huyền, Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương, về nguyên tắc quản lý thuế thì mọi tổ chức cá nhân phải thực hiện. Nghị định 85/2021/NĐ-CP về sàn thương mại điện tử đã quy định rất rõ ràng và có những điểm rất mới về quản lý thương mại điện tử. Đó là tăng trách nhiệm chủ sàn thương mại điện tử và có những điều chỉnh đối với các sàn sàn thương mại điện tử có yếu tố nước ngoài.

Thúc đẩy các giải pháp về công nghệ

Theo ý kiến của các chuyên gia tại tọa đàm, một trong những giải pháp hữu hiệu giúp chống thất thu thuế đó là hiện đại hóa, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý thuế, tạo điều kiện thuận lợi cho người nộp thuế.

Báo Công Thương dẫn lời bà Nguyễn Thị Minh Huyền, Phó cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương, cho biết Bộ Công Thương đã trình Chính phủ ban hành Nghị định 85 sửa đổi bổ sung Nghị định 52 về thương mại điện tử hướng tới mục tiêu là thúc đẩy hóa các giao dịch thương mại điện tử đảm bảo cạnh tranh lành mạnh trên môi trường điện tử, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển thương mại điện tử, hình thành tập quán tiêu dùng thương mại hiện đại tại Việt Nam.

Tại đó, tất cả các quy trình đăng ký, thông báo thương mại điện tử được thực hiện trực tuyến và trên Cổng thông tin quản lý thương mại điện tử này các cá nhân, doanh nghiệp, hộ kinh doanh cũng như các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan có thể truy cập dữ liệu để có được thông tin về các chủ thể đã được cung cấp dịch vụ hành chính tại cổng dữ liệu này là dữ liệu mở.

Đồng thời, ngành thuế cũng xây dựng cơ sở dữ liệu để quản lý rủi ro đối với thương mại điện tử; áp dụng trí tuệ nhận tạo (AI) để xử lý dữ liệu, đưa ra các cảnh báo đối với trường hợp vượt ngưỡng rủi ro và đề xuất các biện pháp quản lý thuế quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử và lúc đó xử lý dữ liệu lớn ở đây là cả quản lý các dữ liệu về công tác quản lý thuế và dữ liệu về hóa đơn điện tử.

Ngoài ra, ngành cũng đã xây dựng hệ thống quản lý thuế thông minh, đáp ứng kết nối dữ liệu với các cơ quan quản lý nhà nước và người nộp thuế, các sàn giao dịch thương mại điện tử để tạo điều kiện cho việc kê khai nộp thuế 24/7 đáp ứng nhu cầu thương mại điện tử.

Nguồn: TTXVN, congthuong.vn, Baochinhphu.vn

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới