Thứ năm, 23/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Thủ tục ‘lòng vòng’, doanh nghiệp bị tăng chi phí và suy giảm niềm tin

Lê Hoàng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Tình trạng thủ tục hành chính kéo dài, phải qua nhiều quy trình, nhiều cơ quan khác nhau, dẫn tới mất thời gian, tăng chi phí gián tiếp cho hoạt động sản xuất - kinh doanh, đồng thời cũng làm suy giảm niềm tin của các doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, hàng loạt vướng mắc khác về thẩm định môi trường, cấp giấy phép xây dựng phức tạp... đã được các doanh nghiệp phản ánh tại cuộc hội nghị đối thoại giữa chính quyền với doanh nghiệp TPHCM vào ngày 31-8.

Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên (phải) gặp gỡ doanh nghiệp tại sự kiện. Ảnh: Website Thành ủy TPHCM

Thủ tục kéo dài, doanh nghiệp bị tăng chi phí gián tiếp

Bà Hồ Thị Thu Uyên, Chi hội trưởng Chi hội doanh nghiệp khu công nghệ cao TPHCM (SBA), đồng thời là Giám đốc đối ngoại của Intel Việt Nam, ngoài dẫn chứng về những vướng mắc liên quan đến thủ tục hành chính, đã nêu phản ánh của các doanh nghiệp thành viên về vấn đề điều chỉnh quy hoạch, quy định pháp luật.

Cụ thể, từ cơ chế “một cửa” trở lại cơ chế “nhiều cửa”, dẫn đến nhiều khó khăn cho doanh nghiệp, từ khâu tiếp nhận thủ tục, cơ quan có thẩm quyền giải quyết chính đã thiếu sự phối hợp, tiếp nối và góp ý khẩn trương của các cơ quan liên đới.

"Việc này dẫn tới các doanh nghiệp không nhận được hướng dẫn thủ tục rõ ràng và đầy đủ", bà Uyên nói và cho rằng: "Tình trạng chạy theo ý kiến và yêu cầu của các cơ quan liên đới làm mất nhiều thời gian, hồ sơ và trình tự bổ sung. Quá trình này rất dễ phát sinh tiêu cực như cửa quyền, hành chính, hối lộ và tham nhũng".

Bà Thu Uyên dẫn chứng, thời gian qua đã có tình trạng doanh nghiệp tiến hành phê duyệt điều chỉnh quy hoạch tổng thể (SMP), dù là điều chỉnh cục bộ, nhưng vẫn mất khoảng 2 năm mới xong (trước đây thông thường từ 3-6 tháng). "Các doanh nghiệp và đơn vị tư vấn phải tự tìm hiểu rất nhiều quy định và thủ tục vì những hướng dẫn của Ban quản lý hay đơn vị liên quan thường chưa đầy đủ, chưa chính xác cập nhật do đó qui trình giải quyết tới đâu thường phát sinh thủ tục và yêu cầu mới từ cơ quan liên đới", bà Uyên nêu.

Một yếu tố quan trọng đã từng rất hiệu quả, giúp Khu công nghệ cao TPHCM thu hút thành công các doanh nghiệp đầu tư chính là vai trò làm đầu mối, cơ quan một cửa giải quyết các thủ tục giờ theo doanh nghiệp là không còn.

Đồ án quy hoạch chi tiết Khu công nghệ cao TPHCM giai đoạn II tỷ lệ 1/2000 tại quận 9 cho phép mật độ xây dựng đối với khu vực quản lý – dịch vụ là 40%. Tuy nhiên trên thực tế, một số doanh nghiệp có nhu cầu xây dựng thêm hạng mục dịch vụ nhỏ hay công trình phụ trợ (như ki-ốt, mái che, khu vực để xe, nhà vệ sinh, nhà chuyển tiếp chất thải công nghiệp ...) để đáp ứng nhu cầu chính đáng cho người lao động và tiến độ sản xuất, nhưng gặp nhiều khó khăn do Ban quản lý phải lấy ý kiến Thanh tra Sở Xây dựng thậm trí Sở Quy hoạch Kiến trúc và chính quyền địa phương trước khi chấp thuận.

Bên cạnh sự thay đổi về thẩm quyền phê duyệt theo luật định từ Khu công nghệ cao sang quận 9 và hiện nay là thành phố Thủ Đức, qua tìm hiểu của SBA thì trình tự phê duyệt quy hoạch (kể cả cục bộ) còn phải thực hiện qua Thường vụ Thành ủy, Thường trực thành phố ở cấp quận/huyện/thành phố trước khi lãnh đạo có thẩm quyền ký quyết định.

"Các bước thẩm định phi kỹ thuật, mang nặng tính hành chính và chính trị này góp phần kéo dài thời hạn giải quyết thủ tục, dẫn tới những ảnh hưởng lớn cho doanh nghiệp như thời gian chờ đợi, đội vốn chi phí dự án do yếu tố lãi suất, lạm phát và ảnh hưởng tới tiến độ thực hiện dự án đầu tư sản xuất và chế tạo", bà Uyên lưu ý.

Cải tạo nhà vệ sinh cũng phải chờ duyệt cấp phép...

Liên quan đến xây dựng, UBND TPHCM duyệt đồ án quy hoạch chi tiết Khu công nghệ cao TPHCM giai đoạn II tỷ lệ 1/2000 tại quận 9 có quy định về hệ số sử dụng đất cho sản xuất tối đa là 50% thay vì 70% như áp dụng cho Khu công nghiệp Sóng Thần, Khu công nghiệp Viet Nam - Singapore (VSIP). Theo các doanh nghiệp, điều này cho thấy sự chênh lệch đáng kể giữa khu công nghệ cao và các khu công nghiệp lân cận và làm giảm lợi thế cạnh tranh, thu hút vốn đầu tư của doanh nghiệp vào khu công nghệ cao.

Một góc khu công nghệ cao TPHCM

Ngoài ra, quy định này cũng dẫn đến việc doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn khi muốn xây dựng công trình phụ trợ cho nhà máy, cơ sở sản xuất. Đơn cử một doanh nghiệp trong khu công nghệ cao có 2.000 công nhân thì phải cân đối khoảng 4.000m2 để làm nhà để xe.

Trong khi đó giá thuê đất, phí hạ tầng hiện nay cho một m2 khá cao. Một số doanh nghiệp chọn phương án xây dựng nhà xe với cọc sắt, mái tôn hoặc nhựa dẻo để bảo vệ tài sản và an toàn mưa nắng cho nhân viên, không xây tường bao nhưng vẫn bị tính vào mật độ xây dựng chung. Đây là ví dụ về sự bất hợp lý và thiếu tính nhân văn trong qui định xây dựng.

Thậm chí doanh nghiệp phải chờ đợi cấp phép xây dựng nhà vệ sinh (cải tạo hoặc xây mới) ngay trong nhà máy hiện hữu.

Đây được cho là vướng mắc cụ thể về khâu thủ tục và phân quyền của các cơ quan hành chính không mạch lạc nên các nhu cầu cơ bản cho người lao động tại doanh nghiệp tiếp tục bị trì hoãn, khiến người lao động ức chế, bất bình về điều kiện lao động mà nguyên nhân không phải do người sử dụng lao động.

Liên quan đến môi trường, dù đã có quy định ủy quyền Ban quản lý Khu công nghệ cao về việc duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, tuy nhiên theo các doanh nghiệp trên thực tế thủ tục, quy trình thẩm định bảo vệ môi trường, đánh giá tác động và giấy phép về môi trường phức tạp và mất rất nhiều thời gian.

Doanh nghiệp ngoài việc gửi văn bản, hồ sơ tới Ban quản lý Khu công nghệ cao nhưng vẫn phải chờ đợi do qui trình phải có sự thông qua của Sở Xây dựng hay Sở Tải nguyên Môi trường. Các doanh nghiệp cho rằng đây là qui trình cấp phép "2 lớp", "giấy phép con trong giấy phép lớn". "Ở mỗi cấp đều cần rất nhiều thủ tục và nhiều lần Sở Tài nguyên Môi trường hay Phòng Tài nguyên Môi trường của Ban quản lý Khu Công nghệ cao đẩy lên, đẩy xuống làm khổ doanh nghiệp cho cùng một vấn đề", bà Uyên nêu.

Nhiều vướng mắc khác

Bên cạnh các vấn đề về trình tự, thủ tục, thành phần hồ sơ, thông tin, một yếu tố nữa theo các doanh nghiệp sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới hiệu quả giải quyết thủ tục hành chính là năng lực, kinh nghiệm, thái độ và sự tận tâm của đội ngũ cán bộ làm công tác này ở các khâu, các cấp liên đới. Đây là vấn đề cần sớm được quan tâm và có giải pháp bền vững về lâu dài.

Một góc Hội nghị tiếp xúc, đối thoại doanh nghiệp 2022 diễn ra ngày 31-8. Ảnh: N.B

Đơn cử về thủ tục bảo vệ môi trường đã thực hiện hơn 1 năm nhưng vẫn chưa xin được giấy phép. Có doanh nghiệp đang thuê nhà xưởng từ đơn vị cho thuê (Công ty SHTPCo) có quy mô nhà xưởng 4 tầng với tổng diện tích hơn 4.400 m2.

Về hạ tầng, nhà xưởng đã có sẵn hệ thống xử lý nước thải nội bộ với công suất hoạt động tối đa 55 m3/ngày đêm. Hiện tại, thủ tục bảo vệ môi trường của công ty đã gửi hồ sơ (lần 3) đến Sở Tài nguyên và Môi trường nhưng vẫn chưa xin được giấy phép vì lý do doanh nghiệp đổi tên (từ Công ty Sunshine Tech - chi nhánh TPHCM sang Công ty Unicloud - chi nhánh TPHCM, hồ sơ đổi tên đã hoàn thành hợp lệ) và cần xin thêm ý kiến của Ban quản lý Khu Công nghệ cao trong trường hợp doanh nghiệp sử dụng hệ thống xử lý nước thải nội bộ của nhà xưởng ở chế độ thấp tải.

Dù Sở Tài nguyên và Môi Trường đã có công văn gửi đến Sở Kế hoạch - Đầu tư, Ban quản lý Khu Công nghệ cao lấy ý kiến để doanh nghiệp có căn cứ nộp lại hồ sơ báo cáo kế hoạch bảo vệ môi trường cho Sở Tài Nguyên Môi trường nhưng vẫn chưa có trả lời của cơ quan được hỏi?!

Từ thực tế trên, Chi hội SBA kiến nghị UBND TPHCM và cơ quan thẩm quyền cho phép Khu Công nghệ cao tiếp tục giữ vai trò cơ quan một cửa để có thể hỗ trợ doanh nghiệp nhanh chóng hơn.

Trước mắt, SBA mong muốn Ban quản lý Khu Công nghệ cao TPHCM và các cơ quan sở ngành phải có sự thống nhất, tiếp nối, phối hợp trong giải quyết nhanh nhất các thủ tục hành chính; kiến nghị Ban quản lý hủy bỏ việc tính diện tích khu vực nhà để xe có mái lợp đơn giản vào mật độ xây dựng chung. Ngoài ra, những thủ tục hành chính liên quan đến điều chỉnh đầu tư, hạ tầng, xây dựng, nhân sự, tài chính... cũng rất cần sự hỗ trợ và kịp thời giải quyết về giấy phép của Ban quản lý và chính quyền quận/huyện, thành phố.

Phản hồi ý kiến của đại diện doanh nghiệp, ông Nguyễn Anh Thi, Trưởng Ban quản lý Khu Công nghệ cao TP HCM, thừa nhận vấn đề thực hiện thủ tục hành chính hiện rất phiền hà vì thẩm quyền nằm ở nhiều nơi.

Theo ông Thi, Ban quản lý Khu Công nghệ cao đã thống nhất với UBND thành phố Thủ Đức và các sở, ngành về cơ chế một cửa liên thông. Theo đó, Ban quản lý sẽ là đầu mối tiếp nhận, giải quyết hồ sơ để rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính cho doanh nghiệp.

Về xây dựng, Ban quản lý đang thực hiện các thủ tục để điều chỉnh quy hoạch 1/2000 nhằm tối ưu hóa diện tích cho doanh nghiệp. Trước mắt, theo ông Thi, đã có cơ chế phối hợp giữa ban quản lý, thanh tra Sở Xây dựng và Quản lý trật tự đô thị địa phương. Các bên sẽ linh động giải quyết cho các doanh nghiệp triển khai các công trình phụ trợ.

Bà Nguyễn Thị Lệ, Chủ tịch HĐND TPHCM nhấn mạnh, Hội nghị là dịp để lãnh đạo TPHCM được lắng nghe trực tiếp từ các doanh nghiệp, các nhà đầu tư, qua đó đánh giá tác động của việc ban hành và thực thi các chính sách, quy định liên quan và những đề xuất về cơ chế để hỗ trợ doanh nghiệp đăng ký đầu tư, tham gia các dự án của thành phố; lắng nghe, tiếp thu ý kiến của các doanh nghiệp làm cơ sở để TPHCM sửa đổi, bổ sung hoặc đề nghị các cơ quan Trung ương có thẩm quyền xem xét, hoàn thiện cơ chế, chính sách nhằm tạo dựng môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới