Thứ hai, 24/02/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Thủ tục tinh gọn, bộ máy sẽ tinh gọn theo

Kinh tế Sài Gòn

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Báo chí đưa tin Bộ Giao thông Vận tải đã ban hành kế hoạch cắt giảm, đơn giản hóa ít nhất 20% số quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh trong năm 2025, từ đó cũng cắt giảm ít nhất 20% chi phí tuân thủ quy định. Đồng thời bộ sẽ kiểm soát chặt chẽ việc ban hành quy định về kinh doanh, ngăn chặn quy định không cần thiết, không hợp lý, không hợp pháp, tránh gây khó khăn cho doanh nghiệp và người dân.

Đây là một xu hướng nổi trội trong giai đoạn sắp tới và điểm đặc biệt là xu hướng này đang diễn ra ở nhiều nước. Tờ Economist tường thuật hiện đang có phong trào ở các nước tìm cách đơn giản hóa thủ tục hành chính, bãi bỏ bớt quy định để giảm thiểu sự quan liêu của bộ máy quản lý, tạo điều kiện cho nền kinh tế tăng trưởng, doanh nghiệp phát triển. Từ Buenos Aires đến Delhi, từ Brussels đến London, đâu đâu cũng rộ chuyện cắt giảm quy định.

Cải cách thủ tục hành chính có thể khơi mở một đợt phát triển mới, đem lại giá thành thấp và công nghệ mới, bởi trong nhiều năm liền thủ tục rắc rối khó tuân thủ đã ngăn chặn các dự án nhà ở mới, phát triển đô thị, mở rộng đầu tư và bóp nghẹt cải cách công nghệ. Thật ra cuộc sống thay đổi buộc Nhà nước phải đặt ra quy định mới để bảo vệ người dân; chẳng hạn lừa đảo qua Internet đòi hỏi phải có những yêu cầu chặt chẽ với doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trực tuyến hay biến đổi khí hậu buộc phải có những quy định mới bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, vấn đề là các nhóm lợi ích can thiệp để chi phí tuân thủ rơi vào nơi khác, gián tiếp hưởng lợi từ từng quy định.

Vì thế nỗ lực của nước ta nhằm sắp xếp lại, tinh giản bộ máy cần đi kèm các nỗ lực xóa bỏ các quy định không cần thiết đang cản trở sự phát triển của doanh nghiệp. Đặc biệt cần chú ý đến các quy định mới ra đời nhằm điều chỉnh một lĩnh vực mới nào đó như năng lượng tái tạo hay phát triển cơ sở hạ tầng. Cần có một cuộc rà soát tổng thể các quy định hành chính, xem thử các quy định này có vượt thẩm quyền so với luật nền hay chưa có luật nền làm gốc.

Một ví dụ rất thời sự là việc Chính phủ đề xuất bãi bỏ thẩm quyền của chính quyền cấp xã trong việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Theo quy định hiện hành, 18 chủ thể có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật, trong đó có nghị quyết của HĐND xã, phường, thị trấn (gọi chung là cấp xã) và quyết định của UBND cấp xã. Đây là một đề xuất hoàn toàn đúng đắn theo hướng xóa bỏ các quy định không cần thiết. Nhu cầu ban hành văn bản quy phạm pháp luật ở cấp xã là thấp nên trong thực tế nhiều xã chưa bao giờ sử dụng thẩm quyền này. Số còn lại cũng dễ rơi vào sai sót vì nhân sự thiếu kỹ năng soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật.

Một hướng khác nhằm cắt giảm quy định là các bộ, ngành phải ngồi lại với nhau để rà soát xem quy định của bộ, ngành này tác động như thế nào đến đối tượng quản lý của bộ, ngành khác. Nhiều lúc chỉ vì để an tâm hay dồn trách nhiệm lên nơi khác, có những quy định chồng chéo, giẫm chân lên nhau, cần đơn giản hóa hay rút gọn về một mối.

Triết lý của phong trào cắt giảm quy định trên thế giới xoay quanh quan điểm Nhà nước nhỏ - doanh nghiệp lớn. Trong thực tế, chúng ta cũng đang chủ trương bộ máy càng tinh gọn, nền kinh tế càng phát triển. Bộ máy tinh gọn được hiểu là tinh gọn về tổ chức, về con người và cả quy định nữa.

1 BÌNH LUẬN

  1. CHÍNH XÁC. Vì việc, săn người. Chứ không phải ngược lại, vì người, đẻ việc. Thực tế này sẽ dẫn đến tình trạng rối ren kinh niên : Ưu đãi và ưu tiên bộ máy trước, phục vụ và cống hiến nhân dân sau. Vướng mắc chính của thể chế nằm ở chỗ này.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới