Thứ năm, 28/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Thủ tướng chỉ thị về định hướng phát triển quy hoạch kiến trúc nông thôn

Thái Huy

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Xây dựng nông thôn mới thời gian qua còn nhiều hạn chế, quá trình đô thị hóa nông thôn diễn ra nhanh chóng khiến việc phát huy không gian kiến trúc truyền thống, bảo vệ di tích văn hóa lịch sử gặp nhiều khó khăn. Thủ tướng Chính phủ ngày 7-2 ban hành Chỉ thị số 04/CT-TTg về định hướng phát triển quy hoạch kiến trúc nông thôn Việt Nam, tạo bản sắc và giữ gìn kiến trúc truyền thống.

Gìn giữ không gian kiến trúc truyền thống đang là vấn đề khó trong quy hoạch nông thôn mới hiện nay - Ảnh: TL

Theo TTXVN, Thủ tướng Chính phủ chỉ thị các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương rà soát, đánh giá việc lập và thực hiện quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; soạn thảo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn; Luật Nhà ở (sửa đổi); Thông tư hướng dẫn về Quy hoạch chung xây dựng xã (sửa đổi) phù hợp với tình hình thực tiễn.

Tăng cường kiểm tra, kịp thời khắc phục những hạn chế, khiếm khuyết trong công tác quy hoạch xây dựng và quản lý kiến trúc nông thôn mới, đồng thời tiếp tục tập trung hoàn thiện hệ thống các tiêu chuẩn, quy chuẩn, cập nhật các vấn đề mới để nội dung phù hợp với yêu cầu thực tiễn cho từng vùng nông thôn trong bảo tồn và tôn tạo di sản, di tích; kiến trúc cảnh quan điểm quần cư nông thôn.

Nghiên cứu xây dựng tiêu chuẩn nhà ở nông thôn mới; các tiêu chuẩn quản lý chất lượng các công trình xây dựng, hạ tầng nông thôn mới; bổ sung các thiết kế mẫu, mô hình nhà ở nông thôn, nhà ở kết hợp với sản xuất, các yếu tố đặc thù riêng về sản xuất nông nghiệp… các công trình dịch vụ tiện ích cộng đồng, đặc biệt với các vùng miền đặc trưng như: vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc, thiểu số với rất nhiều khó khăn và đặc thù riêng.

Quy hoạch kiến trúc nông thôn Việt Nam cần định hướng để không phá vỡ bản sắc văn hóa, giữ gìn kiến trúc truyền thống, phù hợp với điều kiện sống văn minh, hiện đại - Ảnh TL: Một góc làng cổ Đường Lâm, Hà Nội

Theo Cổng thông tin Văn phòng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong chỉ thị yêu cầu Bộ Xây dựng trực tiếp hỗ trợ các địa phương khó khăn trong việc triển khai quy hoạch xây dựng nông thôn (quy hoạch xây dựng vùng huyện, quy hoạch chung xây dựng xã, quy hoạch chi tiết điểm dân cư nông thôn). Nghiên cứu, hướng dẫn điều chỉnh một số chỉ tiêu quy hoạch phù hợp hơn (khoảng cách nghĩa trang, bãi rác thải đến điểm dân cư; nhà văn hóa thôn…).

Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn các địa phương lập kế hoạch, quản lý và có sử dụng đất tại nông thôn phải bảo đảm phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định, phê duyệt; hướng dẫn các địa phương về thu gom, phân loại rác thải, cải tạo, nâng cấp và xử lý ô nhiễm môi trường tại các bãi chôn lấp rác thải không hợp vệ sinh, giảm thiểu chất thải nhựa ở khu vực nông thôn.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nâng cao chất lượng xây dựng đời sống văn hóa gắn với giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025; hướng dẫn địa phương tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy xây dựng đời sống văn hóa, phát triển du lịch nông thôn gắn với giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Thủ tướng Chính phủ đề nghị UBND các cấp trong giai đoạn 2021-2025, cần đẩy mạnh phát triển các yếu tố tạo đô thị trên địa bàn cấp huyện trên cơ sở tiềm năng của từng khu vực làm cơ sở hình thành các đô thị nhỏ trên địa bàn huyện. Phát triển các điểm dân cư tập trung có quy mô, có điều kiện sống như điều kiện sống của người dân đô thị tại các vùng có kinh tế phát triển từ mức trung bình trở lên.

Các địa phương quy hoạch, bảo tồn và phát triển các hệ sinh thái nước mặt phục vụ mục tiêu thoát nước, kết hợp xử lý nước thải, tạo cảnh quan, vui chơi giải trí và các hoạt động khác; hướng dẫn các địa phương thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt trên địa bàn nông thôn (tập trung, phi tập trung) phù hợp với đặc thù của các địa phương; tiếp tục đẩy mạnh công tác lập quy hoạch xây dựng xã, đầu tư xây dựng nông thôn gắn với quá trình phát triển đô thị.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới