(KTSG Online) - Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị Tập đoàn Thái Bình Dương và các doanh nghiệp khác của Trung Quốc nghiên cứu, tham gia vào các dự án hạ tầng lớn tại Việt Nam.
Trong đó, có các dự án như xây dựng cầu Tứ Liên, tuyến đường sắt đô thị thành phố Hà Nội, đoạn Văn Cao - Ngọc Khánh - Láng - Hòa Lạc; đường sắt đô thị hoặc tàu điện ngầm kết nối sân bay Tân Sơn Nhất với sân bay Long Thành.
- Cuba muốn doanh nghiệp Việt Nam trồng thêm 80.000 hecta lúa
- Việt Nam và Tập đoàn NVIDIA ký hợp tác thành lập hai trung tâm về AI
TTXVN đưa tin, chiều tối hôm qua (9-12), Thủ tướng Phạm Minh Chính đã làm việc với đoàn lãnh đạo 18 doanh nghiệp dòng họ Trang, dòng họ Nghiêm đến từ 11 tỉnh, thành phố của Trung Quốc đang thăm, tìm hiểu cơ hội hợp tác, đầu tư tại Việt Nam.
Đoàn công tác do ông Nghiêm Giới Hòa, người sáng lập Tập đoàn xây dựng Thái Bình Dương và Tập đoàn xây dựng Tô Thương, là những doanh nghiệp thuộc 500 doanh nghiệp lớn nhất toàn cầu dẫn đầu.
Tại đây, Thủ tướng đề nghị tập đoàn nghiên cứu, tham gia vào các dự án hạ tầng như xây dựng cầu Tứ Liên, tuyến đường sắt đô thị thành phố Hà Nội, đoạn Văn Cao - Ngọc Khánh - Láng - Hòa Lạc; đường sắt đô thị hoặc tàu điện ngầm từ sân bay Tân Sơn Nhất đến sân bay Long Thành; các tuyến đường sắt, đường bộ xuyên biên giới gồm Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng; Lạng Sơn - Hà Nội; Quảng Ninh - Hải Phòng; cầu Ngọc Hồi nối Hưng Yên với Hà Nội.
Việt Nam đang có nhiều tiềm năng, lợi thế để hợp tác, đầu tư như có lợi thế phát triển kinh tế biển, đặc biệt là năng lượng gió ngoài khơi, tăng trưởng kinh tế và mức thu nhập ngày càng tăng, môi trường đầu tư thuận lợi…
Trên nền tảng quan hệ hai nước, lãnh đạo các doanh nghiệp Trung Quốc mong muốn hợp tác, đầu tư tại Việt Nam trong nhiều lĩnh vực như xây dựng, năng lượng, thương mại, bất động sản, thiết bị điện, điện tử, môi trường, y tế, sinh học, hóa chất, vật liệu mới, nông sản.
Với kinh nghiệm tại Trung Quốc cũng như tại Việt Nam trong triển khai các dự án hợp tác công tư phát triển hạ tầng, Tập đoàn xây dựng Thái Bình Dương và các doanh nghiệp Trung Quốc mong muốn tham gia các dự án hạ tầng giao thông tại Việt Nam; cam kết đảm bảo chất lượng và tiến độ tốt nhất.
Thủ tướng cho biết, Việt Nam đang nghiên cứu khai thác, phát triển không gian vũ trụ, không gian biển, không gian ngầm và đề nghị doanh nghiệp Trung Quốc mở rộng không gian hợp tác đầu tư vào các lĩnh vực đối tác có thế mạnh. Cùng với đó, Việt Nam cũng có nhu cầu và ưu tiên như đổi mới sáng tạo, phát triển xanh, năng lượng tái tạo, đô thị thông minh, công nghiệp chế tạo, chuyển đổi số; tham gia xây dựng các khu hợp tác qua biên giới, nâng cấp các cửa khẩu quốc tế.
Trong hơn 10 năm qua, thương mại giữa hai nước đã tăng hơn 4 lần, đưa Trung Quốc trở thành thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam. Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc tại ASEAN. Đầu tư của doanh nghiệp nước này vào Việt Nam đã tăng hơn 7 lần. Trung Quốc đã trở thành nhà đầu tư lớn thứ 6/146 đối tác đầu tư của Việt Nam.