Thứ năm, 20/02/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Thủ tướng được quyết định các biện pháp ngoài quy định trong trường hợp cấp bách

Bình Dương

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Theo Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi) vừa được thông qua, trong trường hợp cần thiết, Thủ tướng có thể quyết định các biện pháp cấp bách ngoài quy định và báo cáo cơ quan có thẩm quyền sớm nhất.

Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi) được biểu quyết thông qua với tỷ lệ tán thành cao trong sáng nay (18-2). Ảnh: Media Quốc hội

Sáng nay (18-2), Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi) với 463/465 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành. Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 1-3, quoihoi.vn đưa tin.

Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi) gồm 5 chương, 32 điều. Chính phủ bao gồm Thủ tướng, các cấp phó, bộ trưởng và thủ trưởng cơ quan ngang bộ. Cơ cấu thành viên Chính phủ do Thủ tướng trình Quốc hội quyết định.

Nhiệm vụ, quyền hạn giữa Chính phủ, Thủ tướng, bộ trưởng và thủ trưởng cơ quan ngang bộ phải rõ ràng; phân quyền hợp lý giữa Chính phủ và chính quyền địa phương, bảo đảm quản lý thống nhất và phát huy tính chủ động, sáng tạo của địa phương.

Chính phủ họp mỗi tháng một lần và có thể họp chuyên đề hoặc giải quyết công việc đột xuất theo yêu cầu của Thủ tướng, Chủ tịch nước hoặc ít nhất 1/3 thành viên. Chính phủ cũng họp theo yêu cầu của Chủ tịch nước khi cần thiết.

Điểm nổi bật trong dự luật là bổ sung quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ. Cụ thể, khi có sự đồng ý của cấp có thẩm quyền, Chính phủ có thể báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội để xin phép thực hiện giải pháp khác với quy định hiện hành trong trường hợp cần huy động nguồn lực cho các chương trình mục tiêu quốc gia hoặc dự án quan trọng, sau đó báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.

Đặc biệt, trong trường hợp cần thiết vì lợi ích quốc gia, phòng chống thiên tai, dịch bệnh, hoặc bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân, Thủ tướng có thể quyết định áp dụng các biện pháp cấp bách khác ngoài quy định và báo cáo cơ quan có thẩm quyền trong thời gian gần nhất.

Theo báo cáo giải trình, Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, dự thảo luật phân định rõ nhiệm vụ, quyền hạn giữa Chính phủ, Thủ tướng, bộ trưởng và thủ trưởng cơ quan ngang bộ, đảm bảo nguyên tắc tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách và trách nhiệm của người đứng đầu.

Luật quy định Thủ tướng là người đứng đầu Chính phủ, lãnh đạo và chịu trách nhiệm trước Quốc hội về hoạt động của Chính phủ. Thủ tướng không quyết định các vấn đề thuộc thẩm quyền của bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, nhưng có thể chỉ đạo giải quyết khi cần thiết.

Một số ý kiến đề nghị Thủ tướng giám sát các bộ trưởng và có quyền kiến nghị Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm hoặc chấn chỉnh hoạt động của bộ nếu không hoàn thành nhiệm vụ.

Tuy nhiên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng cơ chế giám sát quyền lực đã được quy định để bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp và thống nhất trong hệ thống pháp luật.

Trong thời gian luật, nghị quyết của Quốc hội chưa sửa đổi, Chính phủ sẽ ban hành văn bản quy phạm pháp luật để điều chỉnh nhiệm vụ, quyền hạn của Thủ tướng, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ.

Văn bản này sẽ được báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội khi cần. Nếu chưa có văn bản quy phạm pháp luật mới, các quy định hiện hành về nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ, Thủ tướng, bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ vẫn tiếp tục áp dụng.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới