Thứ năm, 21/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Thủ tướng giải đáp hàng loạt câu hỏi ‘nóng’ về phát triển kinh tế

Lê Hoàng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Hàng loạt câu hỏi về phát triển kinh tế như việc chuyển đổi công nghiệp, phát triển xanh, kinh tế tuần hoàn, phát triển năng lượng tái tạo, thu hút FDI thế hệ mới… mà cộng đồng doanh nghiệp đang thắc mắc đã được Thủ tướng Chính phủ giải đáp vào ngày 25-9, tại phiên đối thoại trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế TPHCM 2024 lần thứ 5.

Tại sự kiện này, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã gửi thông điệp về thu hút đầu tư và định hướng phát triển của Việt Nam nói chung, TPHCM nói riêng trong phiên đối thoại chính sách, với sự tham gia của khoảng 1.500 đại biểu trong nước và quốc tế.

Thủ tướng Chính phủ và đại diện các bộ ngành tại phiên Đối thoại chiều 25-9. Ảnh: Lê Hoàng

Khẳng định định hướng phát triển xanh

Tại phiên đối thoại, người điều phối chương trình, TS. Trần Du Lịch đặt nhiều câu hỏi với Thủ tướng Chính phủ. Với câu hỏi là Chính phủ đang và sẽ đưa ra những chính sách ưu tiên gì để hỗ trợ doanh nghiệp thúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi nền kinh tế, Thủ tướng cho biết, Chính phủ đang đẩy mạnh xây dựng và hoàn thiện thể chế.

Trong kỳ họp thứ 8 lần này, Quốc hội dự kiến sẽ thông qua các luật và sửa đổi các luật nhiều nhất từ trước đến nay với khoảng 16-17 luật được thông qua và hơn 10 luật được thảo luận. Chính phủ cũng xây dựng cơ chế chính sách để huy động nguồn lực thực hiện.

"Muốn làm gì thì làm, hạ tầng phải phát triển, đặc biệt là hạ tầng số, hạ tầng giao thông, hạ tầng chống biến đổi khí hậu, phát triển xanh và không thể không có hạ tầng xã hội, y tế, giáo dục, văn hóa", Thủ tướng nói.

Thủ tướng trả lời những vấn đề "nóng" về phát triển kinh tế mà cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư quan tâm. Ảnh: LT

Liên quan đến việc hành động để chuyển đổi xanh, đặc biệt là kinh tế tuần hoàn, Thủ tướng khẳng định, không hy sinh môi trường để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần. Chính phủ đang tập trung vào hai nội dung là nâng cao nhận thức và xây dựng cơ chế, chính sách để huy động nguồn lực từ người dân để thực hiện kinh tế tuần hoàn. "Đây là yếu tố quan trọng, mang tính quyết định”, ông nói.

Một câu hỏi khác là Chính phủ đã có chủ trương, chính sách gì để các địa phương hành động nhằm đạt mục tiêu Net Zero 2050 như cam kết? Thủ tướng cho biết, Trung ương đang làm chính sách, cơ chế, kế hoạch để dẫn dắt việc đào tạo nhân lực, quản lý, huy động nguồn vốn… cho việc này. Với địa phương, cần chủ động thực hiện theo thẩm quyền để thực hiện theo chủ trương, chính sách, phù hợp điều kiện, hoàn cảnh cụ thể; huy động sự tham gia của người dân và doanh nghiệp để thực hiện mục tiêu.

Chính phủ cũng đã đề ra các nhiệm vụ cụ thể. Đó là, thực hiện chuyển đổi năng lượng, chuyển từ năng lượng phát thải nhiều carbon như nhiệt điện than sang năng lượng sạch, năng lượng xanh, có lộ trình chấm dứt hoạt động của các nhà máy nhiệt điện than. Cùng với đó là phát triển năng lượng sạch, gồm điện năng lượng nguyên tử, điện gió, điện mặt trời, hydrogen, điện sinh khối, khí hóa lỏng và nghiên cứu phát triển năng lượng nguyên tử.

Việt Nam đã ban hành và thực hiện Quy hoạch điện 8 theo hướng nói trên. Vừa qua, cơ quan quản lý cũng đã ban hành cơ chế mua bán điện trực tiếp và sắp ban hành nghị định về khuyến khích điện mặt trời mái nhà. Cùng với đó là phát triển giao thông xanh, xe điện, vận tải ít phát thải; thúc đẩy xây dựng các dự án lớn về đường sắt tốc độ cao...

“Đây là những việc chúng ta đang làm rất tích cực và cần phải có sự ủng hộ của người dân, doanh nghiệp, sự hỗ trợ của các đối tác quốc tế”, Thủ tướng nói.

Bảo vệ lợi ích hợp pháp cho nhà đầu tư FDI

Trong bối cảnh nhiều nước cạnh tranh để thu hút các doanh nghiệp "đầu đàn" về chip, bán dẫn… câu hỏi được đặt ra là Việt Nam có chính sách cụ thể nào để thu hút đầu tư, đặc biệt là thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) thế hệ mới?

Trả lời câu hỏi này, ông Trần Quốc Phương, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cho biết bên cạnh việc chuẩn bị tốt hạ tầng và nguồn nhân lực, Chính phủ đã chỉ đạo xây dựng chương trình hành động, các cơ chế, chính sách cụ thể. Trong đó, có việc khẩn trương hoàn thiện Nghị định về quỹ hỗ trợ đầu tư để hỗ trợ nhà đầu tư.

Quang cảnh buổi đối thoại.

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Đức Long cũng thông tin, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Chiến lược về công nghiệp bán dẫn. Trong đó, có rất nhiều chính sách ưu đãi liên quan đến thủ tục hải quan, các chi phí về thuế. Chính phủ sẽ dành nguồn ngân sách xây dựng các phòng thí nghiệm dùng chung cấp quốc gia để các doanh nghiệp trong và ngoài nước cùng sử dụng.

Về việc đầu tư xây dựng các trung tâm dữ liệu, quy định về đầu tư sẽ không giới hạn về tỷ lệ tham gia góp vốn của nhà đầu tư nước ngoài. “Chúng tôi theo nguyên tắc hậu kiểm để bảo đảm các quy định được thực hiện", ông Long nói.

Nói thêm về vấn đề này, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, để thu hút vốn FDI, cùng với việc tạo nên các chính sách thông thoáng và tháo gỡ những vướng mắc, cản trở về thủ tục đầu tư thì hạ tầng phải thuận tiện, thông suốt. Hiện chi phí logistics của Việt Nam chiếm khoảng 17-18% GDP, phải kéo xuống ngang các nước tiên tiến là khoảng 11-12% GDP.

Theo ông, muốn làm được điều này thì phải phát triển hạ tầng. Việc này không những tạo nên không gian phát triển mới mà còn tăng giá trị đất đai, giảm chi phí, nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm và nền kinh tế.

Liên quan đến việc nhiều nhà đầu tư đang lo ngại về việc sẽ không còn được giảm thuế trong các chương trình thu hút đầu tư khi Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu, Thủ tướng cho biết, Việt Nam phải sử dụng công cụ khác để hỗ trợ nhà đầu tư như hỗ trợ bằng tiền, sản phẩm và cơ chế, chính sách.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới