Thứ hai, 30/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Thủ tướng Modi củng cố sức mạnh công nghệ Ấn Độ qua chuyến thăm Mỹ

Chánh Tài

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đang thực chuyến thăm cấp nhà nước đầu tiên ở Mỹ trong bối cảnh ảnh hưởng địa chính trị của New Delhi cao hơn bất kỳ thời điểm nào kể từ khi ông lên nắm quyền vào năm 2014. Giới quan sát đánh giá, ông sẽ tìm cách tận dụng vị thế đó để trở thành một đối tác không thể thiếu cho tham vọng công nghệ của Mỹ.

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi (phải) gặp tỉ phú Elon Musk, CEO của Tesla ở New York, Mỹ hôm 20-6. Ảnh: Pmindia

Thúc đẩy hợp tác công nghệ và quốc phòng

Chuyến thăm Mỹ của ông Modi là một sự kiện ngoại giao nổi bật, với một bữa tiệc tại Nhà Trắng và một bài phát biểu trước quốc hội Mỹ. Điều đó sẽ khiến ông Modi trở thành thủ tướng Ấn Độ đầu tiên phát biểu trước cơ quan lập pháp của Mỹ hai lần. Bên cạnh cuộc gặp cấp cao với Tổng thống Joe Biden, Thủ tướng Modi còn gặp hàng loạt nhà lãnh đạo khu vực tư nhân bao gồm tỉ phú Elon Musk, CEO của hãng xe điện Tesla và các CEO của Apple, Google và, Microsoft.

Tổng thống Biden xem Ấn Độ là một đối trọng ngoại giao và quân sự để kiềm chế  sức mạnh của Trung Quốc trong khu vực, vào thời điểm Mỹ đang xa rời đối tác thương mại lớn nhất và cường quốc sản xuất của thế giới. Cả Washington và New Delhi đều e dè trước sự trỗi dậy kinh tế và quân sự của Bắc Kinh.

Tổng thống Biden đã mở rộng các hạn chế xuất khẩu sang Trung Quốc được thiết lập dưới thời chính quyền Tổng thống Donald Trump. Trong khi đó, chính phủ của Thủ tướng Modi đã cấm hàng trăm ứng dụng của Trung Quốc sau cuộc đụng độ biên giới khiến 20 binh sĩ Ấn Độ thiệt mạng vào năm 2020.

Ưu tiên hàng đầu trong chương trình nghị sự giữa Ấn Độ và Mỹ trong chuyến thăm của ông Modi là loại bỏ các hạn chế pháp lý của Ấn Độ đối với hoạt động kinh doanh, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ. Khi chính quyền của ông Biden tìm cách ngăn chặn Trung Quốc tiếp cận chip tiên tiến và công nghệ khác, Mỹ và Ấn Độ muốn thúc đẩy sản xuất bán dẫn ở Ấn Độ, theo các quan chức nắm rõ chương trình nghị sự.

Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ, Jake Sullivan cho biết, tần suất liên lạc gần đây giữa các quan chức của cả hai chính phủ là “chưa từng có tiền lệ”. “Tất cả đều được thiết kế để loại bỏ bất kỳ rào cản nào đang khiến chúng tôi không thể tiến về phía trước”, ông nói.

Một quan chức cấp cao của Ấn Độ cho biết hợp tác trong lĩnh vực chất bán dẫn, không gian mạng, hàng không vũ trụ, cơ sở hạ tầng chiến lược và truyền thông, điện toán lượng tử và sử dụng trí tuệ nhân tạo trong các lĩnh vực công nghiệp và quốc phòng cũng sẽ được thảo luận trong chương trình nghị sự.

Hiện nay, tham vọng của ông Modi về việc đưa Ấn Độ trở thành một đối tác sản xuất chip hàng đầu thế giới đáng tin cậy hơn nhiều, với nhập khẩu chip của Mỹ từ quốc gia Nam Á này đã tăng hơn 38 lần trong quí đầu tiên. Apple đã  tăng gấp ba lần sản lượng iPhone ở Ấn Độ trong năm tài chính vừa qua khi hãng “Quả táo khuyết” tìm cách giảm sự phụ thuộc vào Bắc Kinh. Micron Technology, nhà sản xuất chip nhớ lớn nhất Mỹ, gần đây bị điều tra ở Trung Quốc cũng sắp được New Delhi chấp thuận triển khai dự án nhà máy bán dẫn trị giá 1 tỉ đô la .

“Ấn Độ muốn xây dựng các tiêu chuẩn cùng với các nước có cùng chí hướng vì tương lai của công nghệ”, Rajeev Chandrasekhar, Bộ trưởng Công nghệ thông tin và điện tử Ấn Độ, nói với Bloomberg trong cuộc phỏng vấn gần đây.

Sự hợp tác công nghệ với Mỹ cũng đang mở rộng lĩnh vực quốc phòng. Trong khuôn khổ chuyến thăm Mỹ của Thủ tướng Modi, General Electric (Mỹ) và Hindustan Aeronautics (Ấn Độ) sẽ ký kết một thỏa thuận hợp tác sản xuất động cơ cho máy bay chiến đấu của Ấn Độ.

“Mỹ khá kén chọn trong việc chia sẻ công nghệ quân sự với ai. Một thỏa thuận cho phép GE sản xuất động cơ phản lực ở Ấn Độ sẽ cho thấy Mỹ rất coi trọng mối quan hệ đối tác này”, Manjari Chatterjee Miller, một thành viên cấp cao tại Hội đồng Quan hệ đối ngoại (Mỹ) nhận định.

Cơ hội lớn từ thị trường 830 triệu người dùng internet

Các lãnh doanh nghiệp Mỹ vẫn đánh giá cao thị trường Ấn Độ ngay cả khi chính phủ nước này duy trì mức thuế nhập khẩu cao ngất ngưởng đối trong một loạt lĩnh vực. Để xây dựng nền sản xuất tiên tiến hơn trong biên giới của mình, Ấn Độ đã kết hợp thuế nhập khẩu cao đối với điện thoại thông minh với các khoản trợ cấp được thiết kế để thu hút các nhà lắp ráp hàng điện tử tiêu dùng như Hon Hai Precision Industry và Wistron (Đài Loan) đến thành lập nhà máy.

Chính sách này đang gặt hái kết quả, với Hon Hai lên kế hoạch xây dựng một nhà máy trị giá 700 triệu đô để sản xuất linh kiện của iPhone và Samsung Electronics cũng đang tìm cách mở rộng sản xuất ở Ấn Độ.

“Ấn Độ tạo ra một thử thách công nghệ nghệ rất đặc biệt. Những thành công đạt được ở đây chắc chắn có thể nhân ra ở bất kỳ nơi nào khác trên thế giới”, Sanjay Gupta, người đứng đầu chi nhánh của Google ở Ấn Độ nói.

Dù Ấn Độ đã có một số thành công ban đầu với việc lắp ráp điện thoại thông minh, giúp Apple xuất khẩu hơn 7 tỉ đô la thiết bị trong năm tài chính vừa qua, nhiều linh kiện vẫn được nhập khẩu từ Trung Quốc. Trong khi chương trình sản xuất chip trị giá 10 tỉ đô la của Ấn Độ chỉ mới bắt đầu, vẫn còn nhiều hoài nghi về việc liệu quốc gia này có thể cung cấp nguồn điện và nước liên tục cần thiết cho các công ty sản xuất chip tiên tiến nhất, bao gồm cả TSMC của Đài Loan hay không.

Chuyến thăm Mỹ của ông Modi diễn ra vào thời điểm quan trọng đối với hệ sinh thái công nghệ của Ấn Độ, nơi một đạo luật về kỹ thuật số mới đang được xây dựng với sự tham vấn,và đôi khi xung đột, từ với những tên tuổi lớn như Google, Meta Platforms và Twitter. Dự thảo của đạo luật này, dự kiến ​​sẽ hoàn tất trong vòng vài tuần tới, sẽ giúp xác định chính xác cơ hội mà Ấn Độ mang đến cho các tay chơi nước ngoài lớn ở mức nào.

Vào tháng 3, một tòa án ở Ấn Độ đã giữ nguyên mức phạt chống độc quyền 160 triệu đô la đối với Google của Alphabet bị cáo buộc lạm dụng sự thống trị hệ sinh thái cũ hãng này với các nền tảng di động. Không hề nản lòng, Google đang đầu tư để điều chỉnh phần mềm Android phù hợp với Ấn Độ, bao gồm cả việc mở rộng các ngôn ngữ địa phương được hỗ trợ

Bộ trưởng Chandrasekhar cho biết Ấn Độ có khối người dùng internet lớn nhất trên thế giới với khoảng 830 triệu người. Ông nhấn mạnh điều đó có nghĩa là các công ty phải tuân theo các quy định của Ấn Độ nếu họ muốn có một phần thị trường.

“Đừng ảo tưởng rằng họ đến đây vì bất kỳ mục đích từ thiện nào. Không có thị trường kỹ thuật số khác nào lớn hơn Ấn Độ”, Chandrasekhar nói về các nhà đầu tư công nghệ ở Ấn Độ.

Sau cuộc gặp với Thủ tướng Modi ở New York hôm 20-6, tỉ phú Elon Musk cho biết  “vô cùng phấn khích về tương lai của Ấn Độ”. Vị tỉ phú này nhận định, Ấn Độ có triển vọng hơn bất kỳ quốc gia lớn nào trên thế giới và cho biết, Tesla sẽ nhanh chóng đầu tư vào nước này trong thời gian sớm nhất có thể.

“Ông ấy (Thủ tướng Modi) thực sự muốn làm điều đúng đắn cho Ấn Độ. Ông ấy muốn cởi mở, muốn hỗ trợ các công ty mới, nhưng đồng thời muốn đảm bảo rằng điều đó mang lại lợi ích cho Ấn Độ”, CEO của Tesla nói.

Theo Bloomberg

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới