Thứ tư, 29/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe từ chức vì lý do sức khỏe

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe từ chức vì lý do sức khỏe

Chánh Tài

(TBKTSG Online) – Hôm 28-8, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, 65 tuổi, tuyên bố từ chức để điều trị căn bệnh viêm loét đại tràng, khiến ông phải hai lần nhập viện trong tháng này.

Là vị thủ tướng có thời gian cầm quyền không gián đoạn lâu nhất Nhật Bản, ông Shinzo Abe được đánh giá là vị lãnh đạo đã giúp đất nước thoát ra khỏi chu kỳ giảm phát kéo dài từ giữa thập niên 1990 đồng thời giúp củng cố hình ảnh của Nhật Bản trên trường quốc tế.

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe từ chức vì lý do sức khỏe
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe thông báo từ chức tại cuộc họp báo ở Tokyo hôm 28-8. Ảnh: AP

Tại cuộc họp báo ở Tokyo hôm 28-8, Thủ tướng Shinzo Abe thông báo ông quyết định từ chức vì ông không đủ tự tin đưa ra các quyết định đúng đắn do vấn đề sức khỏe cá nhân. Ông nói: “Tôi xin lỗi từ đáy lòng vì dù nhận được sự ủng hộ của nhân dân Nhật Bản, tôi phải rời chức vụ dù còn một năm trong nhiệm kỳ và trong tình cảnh đất nước đang ứng phó dịch Covid-19”.

Ông nói tình trạng bệnh tật của ông xấu đi trong mùa hè vừa qua và các bác sĩ đã chỉ định liều thuốc mới đối với ông. “Điều quan trọng nhất trong chính trị là phải đạt kết quả. Tôi đã làm mọi thứ mà tôi có thể để đạt những kết quả trong bảy năm và tám tháng cầm quyền”, ông Shinzo Abe nói.
Ông Shinzo Abe đã nhập viện hai lần trong tháng này nhưng các trợ lý của ông chỉ nói rằng đó chỉ là những cuộc kiểm tra sức khỏe theo định kỳ. Hồi đầu tháng 7, ông được cho là nôn ra máu khi đang làm việc tại văn phòng của mình.
Phó tổng thư ký Đảng Dân chủ tự do (LDP) cầm quyền của Nhật Bản ,Tomomi Inada, cho biết: “Quyết định từ chức của Thủ tướng Shinzo Abe hoàn toàn bất ngờ vì nó xảy ra quá đột ngột”.

Ông Shinzo Abe đã yêu cầu các nhà lãnh đạo cấp cao của đảng LDP nhanh chóng bầu người kế nhiệm. Ông không chỉ định vị thủ tướng tạm quyền mà sẽ phục vụ cho đến khi vị thủ tướng kế nhiệm được chọn.

Những ứng viên hàng đầu để thay thế ông Shinzo Abe bao gồm Chánh Văn phòng Nội các Yoshihide Suga, Bộ trưởng Tài chính Taro Aso và Shigeru Ishiba, cựu bộ trưởng Quốc phòng. Trong những người này, ông Ishiba được xem là ứng cử viên sáng giá nhất vì ông ủng hộ mạnh mẽ chính sách kinh tế mang tính dân túy hơn so với ông Shinzo Abe. Trong một cuộc phỏng vấn hồi tháng 4, ông Ishiba nói rằng quá nhiều của cải tập trung trong tay các cổ công và chủ doanh nghiệp.

Ông Shinzo Abe lên nắm quyền thủ tướng vào năm 2006 ở độ tuổi 52 nhưng một năm sau đó, ông từ chức vì căn bệnh viêm loét đại tràng. Đến năm 2012, ông quay trở lại nắm chức chủ tịch đảng LDP, rồi được bầu làm thủ tướng lần thứ hai và nắm quyền từ đó cho đến nay.

Ông là vị thủ tướng nắm quyền lâu nhất Nhật Bản và điều này mang lại sự ổn định cho đất nước. Ông đã giúp Nhật Bản thoát khỏi chu kỳ giảm phát kéo dài từ giữa thập niên 1990, chống đỡ sức ép thương mại từ chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump và cải thiện mối quan hệ với đối tác thương mại lớn nhất, Trung Quốc.

Ông Shinzo Abe nổi tiếng với kế hoạch khôi phục nền kinh tế Nhật Bản bằng chính sách nới lỏng định lượng chưa có tiền lệ, kích thích tài khóa và cải cách cấu trúc kinh tế, hay còn được được gọi là Abenomics.
Ông Shinzo Abe đã củng cố quyền lực trong suốt thời kỳ nắm quyền dài kỷ lục và vượt qua nhiều vụ bê bối bao gồm vụ chính phủ Nhật Bản bị cáo buộc bán rẻ đất cho một người bạn của vợ chồng ông để xây dựng trường học.

Là cháu ngoại của cố Thủ tướng Nhật Bản, Nobusuke Kishi và con trai của cố Ngoại trưởng Nhật Bản, Shintaro Abe, ông Shinzo Abe đã nỗ lực củng cố hình ảnh và sức mạnh của Nhật Bản trên trường quốc tế. Ông đã nới lỏng các hạn chế đối với quân đội Nhật Bản bên ngoài biên giới đất nước, gia tăng ngân sách quốc phòng, phát triển vũ khí mới và thành lập lực lượng lính thủy đánh bộ. Ông cũng vận động thay đổi hiến pháp hòa bình của Nhật Bản, trong đó, tuyên bố từ bỏ quyền phát động chiến tranh như là phương tiện giải quyết các xung đột quốc tế có liên quan đến Nhật Bản

Năm 2016, ông trở thành nhà lãnh đạo đầu tiên của một nước lớn tiếp cận Tổng thống Mỹ Donald Trump để xây dựng quan hệ sau khi ông Trump được bầu làm tổng thống Mỹ.

Song nỗ lực này bị nghi ngờ khi Nhật Bản bị Mỹ đe dọa áp thuế trừng phạt vào ô tô xuất khẩu sang Mỹ. Sau đó, chính phủ của Thủ tướng Shinzo Abe buộc phải thương thảo để ký kết một thỏa thuận thương mại song phương với Mỹ mà phe đối lập cho rằng Nhật Bản nhượng bộ quá nhiều.

Trong khi Chính phủ của ông Abe thận trọng trong việc chỉ trích Trung Quốc, đảng LDP cầm quyền của ông bày tỏ thông điệp cứng rắn hơn với nước này trong những tháng gần đây. Một số thành viên đảng LDP muốn ngăn chặn chuyến thăm cấp nhà nước đến Tokyo của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vì cho rằng nó không còn thích hợp đặc biêt là sau khi Bắc Kinh áp dụng luật an minh mới đối với Hồng Kông.

Tsutomu Soma, một nhà giao dịch trái phiếu ở Công ty Monex Inc. nói: “Phải mất một thời gian rất lâu Nhật Bản mới có một chính phủ cầm quyền lâu như vậy một lần nữa. Một chính phủ ổn định đã giúp đất nước theo đuổi nhiều cải cách khác nhau nhưng các biến động chính trị có thể gây rủi ro cho vị thế của Nhật Bản trên trường quốc tế”.

Tuy nhiên, uy tín của ông Shinzo Abe đang đi xuống trong cuộc khủng hoảng Covid-19. Khi số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 ở Nhật Bản tăng nhanh trong những tuần gần đây, tỷ lệ tín nhiệm của công chúng dành cho ông rơi xuống mức thấp kỷ lục 35,4% trong một cuộc khảo sát do mạng lưới truyền hình JNN công bố hồi đầu tháng 8. Những người chỉ trích cho rằng các chính sách ứng phó dịch Covid-19 của ông được đưa ra quá muộn và không đáp ứng đủ nhu cầu.

Tác động tàn phá của đại dịch Covid-19 đối với tiêu dùng trong nước và xuất khẩu khiến kinh tế Nhật Bản trải qua mức suy giảm kỷ lục trong quí 2-2020. GDP thực của nước này rớt xuống mức thấp hơn quí cuối của năm 2012, thời điểm Thủ tướng Shinzo Abe lên cầm quyền.

Theo Bloomberg, WSJ

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới