Chủ Nhật, 5/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Thủ tướng: “Phải thu hồi Cảng Quy Nhơn, Hãng phim truyện Việt Nam”

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Thủ tướng: “Phải thu hồi Cảng Quy Nhơn, Hãng phim truyện Việt Nam”

Ngọc Lan

(TBKTSG Online) - “Có lãnh đạo tập đoàn, tổng công ty ngồi đây có tới 13-14 doanh nghiệp “sân sau”, đừng tưởng Thủ tướng không biết”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nói thẳng tại Hội nghị đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của DNNN diễn ra tại Hà Nội hôm 21-11.

Thủ tướng: “Phải thu hồi Cảng Quy Nhơn, Hãng phim truyện Việt Nam”
Thủ tướng yêu cầu phải thu hồi Cảng Quy Nhơn bị bán rẻ và vượt quyền Thủ tướng về cho  Nhà nước. Ảnh:TL

Năm 2018 không CPH được doanh nghiệp nào theo kế hoạch

Hàng loạt những tồn tại, khó khăn của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước đã được “mổ xẻ” thẳng thắn tại hội nghị nêu trên. Mục tiêu của hội nghị này là đánh giá lại Đề án “Cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước (DNNN), trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2016-2020” đã được thực hiện 3 năm qua.

Theo Báo cáo được Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng trình bày, các tồn tại, hạn chế của việc thoái vốn, sắp xếp và CPH tại các tập đoàn, tổng công ty nhà nước là: chậm phê duyệt phương án cơ cấu lại doanh nghiệp, làm ảnh hưởng đến tiến độ triển khai thực hiện và khả năng hoàn thành mục tiêu cơ cấu lại DNNN. Đến nay mới có 35 /526 DNNN được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cơ cấu lại.

Điều đáng nói là trong 11 tháng đầu năm nay, dù đã CPH 12 doanh nghiệp, trong đó có 3 doanh nghiệp thuộc danh sách 2017 song chưa có doanh nghiệp nào thuộc danh sách 2018 đã được phê duyệt. Kế hoạch năm 2018 dự định hoàn tất CPH ít nhất 85 doanh nghiệp chắc chắn không thể hoàn thành.

Bộ Tài chính tính toán đến nay mới CPH được 27/127 doanh nghiệp trong kế hoạch 2017-2020 được Thủ tướng phê duyệt (chiếm 21%)

Khi bán cổ phần lần đầu ra công chúng, còn nhiều doanh nghiệp tỉ lệ bán được rất thấp so với phương án đã được phê duyệt như Tổng công ty máy và thiết bị công nghiệp (chỉ đạt 0,1%), Tổng công ty phát điện 3 (đạt 3%), Tổng công ty Sông Đà (chỉ đạt 0,8%), Tập đoàn cao su Việt Nam (chỉ đạt 21%).

Bộ Tài chính cũng cho biết là số lượng DNNN sau CPH chưa niêm yết, đăng ký giao dịch năm ngoái là 747 doanh nghiệp. Đến 15-10 vừa qua, bộ đã yêu cầu các đơn vị rà soát báo cáo tình hình đăng ký giao dịch, niêm yết của các doanh nghiệp đã CPH và đến nay vẫn còn 667 doanh nghiệp vẫn chưa thực hiện đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán.

Thoái vốn cũng “dậm chân tại chỗ”

Cũng theo kế hoạch đặt ra thì năm 2017 phải thoái vốn tại 135 doanh nghiệp, năm nay thoái vốn tại 181 doanh 

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định ông biết ai trong số các lãnh đạo tập đoàn, tổng công ty hiện nay có tới 13-14 doanh nghiệp “sân sau” song ông không nêu tên.

nghiệp. Tuy nhiên thực tế đến nay mới có 31 doanh nghiệp thực hiện thoái vốn theo kế hoạch. Như vậy việc triển khai thoái vốn cũng rất chậm và cũng không đạt kế hoạch đề ra. Việc bàn giao quyền đại diện vốn chủ sở hữu nhà nước về Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) cũng chung một tiến độ không khá gì. Hiện có 35 doanh nghiệp chưa bàn giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn về SCIC.

Sự chậm trễ trong việc tái cơ cấu và thay đổi quản trị của doanh nghiệp tại khối DNNN có nhiều nguyên nhân. Tuy nhiên, Thủ tướng và các lãnh đạo các cơ quan dự hội nghị vẫn cho rằng, nguyên nhân chủ quan là sự thiếu trách nhiệm của một bộ phận lãnh đạo các doanh nghiệp là rất lớn. Như Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An nói: Bộ sẽ có những biện pháp xử lý trách nhiệm người đứng đầu trong việc chậm thực hiện các quyết định về CPH và thoái vốn.

Bộ Tài chính cũng yêu cầu các bộ, ngành, tập đoàn kinh tế... trước 31-12-2018 phải hoàn thành việc phê duyệt hoặc trình cấp có thẩm quyền phương án CPH, thoái vốn, thuộc lĩnh vực quản lý theo đúng quy định tại Quyết định số 707/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, trong đó nêu rõ tiến độ, cơ quan tổ chức thực hiện, người chịu trách nhiệm.

Thủ tướng nhấn mạnh việc không thể để sự chậm trễ này ảnh hưởng đến hoạt động tái cơ cấu doanh nghiệp, không loại trừ lợi ích nhóm. Ông nói thẳng việc không thể bán rẻ tài sản nhà nước, và nhấn mạnh: “Phải thu hồi Cảng Quy Nhơn, Hãng phim truyện Việt Nam về cho Nhà nước”. Thủ tướng còn khẳng định ông biết ai trong số các lãnh đạo tập đoàn, tổng công ty hiện nay có tới 13-14 doanh nghiệp “sân sau” song ông không nêu tên.

Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương Nguyễn Đình Cung đã đưa ra những nhận xét rất khách quan về quá trình tái cơ cấu, CPH DNNN. Theo ông, tại nhiệm kỳ này của Chính phủ không còn những ưu đãi, chỉ đạo vay vốn, cấp phát vốn tái cơ cấu cho các doanh nghiệp thua lỗ. Mọi vấn đề của doanh nghiệp cơ bản được xử lý theo nguyên tắc thị trường.

Tuy nhiên, theo ông vẫn cần áp dụng những nguyên tắc thị trường khác với các DNNN như đánh giá lại toàn bộ tài sản của doanh nghiệp chứ không phải chỉ khi CPH mới đánh giá lại tài sản.

“Đánh giá để biết được DNNN có những tài sản gì, giá trị thực tế ra sao, cao hơn sổ sách như thế nào để khi chủ sở hữu giao cho doanh nghiệp những mục tiêu lợi nhuận không thể là những mục tiêu thấp”. Ông Cung cho rằng mục tiêu là là lợi nhuận ít ra phải cao hơn lãi suất đi vay của các ngân hàng. Ông nhấn mạnh việc phải gây áp lực với các lãnh đạo và thậm chí đầu tư vào các doanh nghiệp mang về tỷ suất lợi nhuận/vốn chủ sở hữu là 20-30% chứ không thể bằng lòng với mức lợi nhuận/vốn chủ vài phần trăm được xem là có lãi.

Đến lúc đó, cũng không nên thắc mắc việc lãnh đạo doanh nghiệp nhận lương cao từ 1 tỉ đồng đến 2-3 tỉ đồng/năm vì hiệu quả đi liền với thu nhập và chỉ khi DNNN tự chủ trong hoạt động sản xuất kinh doanh sẽ mang lại hiệu quả đích thực.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới