(KTSG Online) - Thủ tướng Phạm Minh Chính thẳng thắn phê bình 17 bộ, cơ quan Trung ương và 21 địa phương chưa phân bổ hết kế hoạch vốn đã được giao với tổng số vốn gần 8 ngàn tỉ đồng.
- Bộ Xây dựng lên kế hoạch giải ngân hơn 9.500 tỉ đồng trong tháng Năm
- TPHCM mới giải ngân hơn 7% tổng vốn đầu tư trong 4 tháng đầu năm 2025

Sáng nay (20-5), Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị thúc đẩy động lực tăng trưởng đầu tư công năm 2025. Hội nghị được kết nối trực tuyến từ trụ sở Chính phủ tới UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, baochinhphu.vn đưa tin.
Theo các báo cáo tại hội nghị, ngay từ ngày 4-12, Thủ tướng Chính phủ đã giao kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2025 với tổng số vốn gần 829,4 nghìn tỉ đồng cho bộ, cơ quan và địa phương, đạt 100% kế hoạch vốn được Quốc hội phân bổ để quyết tâm đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công ngay từ đầu năm 2025.
Tính đến 30-4, kết quả giải ngân chung cả nước là 128,5 ngàn tỉ đồng, đạt 15,56% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, thấp hơn cùng kỳ năm 2024 (16,64%).
Thủ tướng nêu rõ, việc giải ngân đầu tư công vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế cần nghiêm túc khắc phục. Đến nay vẫn còn 17 bộ, cơ quan Trung ương và 21 địa phương chưa phân bổ hết kế hoạch vốn đã được Thủ tướng Chính phủ giao với tổng số vốn gần 8 ngàn tỉ đồng, phải phân bổ hết trong tháng 5.
Có 37/47 bộ, cơ quan và 27/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới mức trung bình cả nước, trong đó một số đơn vị được giao số vốn lớn nhưng tỉ lệ giải ngân thấp.
Tiến độ giải ngân của một số dự án quan trọng quốc gia, dự án trọng điểm ngành giao thông vận tải, dự án giao thông liên vùng do địa phương làm chủ quản còn thấp như dự án đường cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ kết nối với đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai, Hòa Bình - Mộc Châu - Sơn La, Gia Nghĩa - Chơn Thành, vành đai 4 TPHCM, Tân Phú - Bảo Lộc, Bảo Lộc - Liên Khương…
Theo Thủ tướng, giải ngân vốn đầu tư công còn một số khó khăn như giải phóng mặt bằng, tiêu chuẩn kỹ thuật, nguồn cung nguyên vật liệu, giải ngân vốn ODA. Công tác kiểm tra, đôn đốc có lúc còn lỏng lẻo. Một số bộ, cơ quan, địa phương chưa chủ động, thậm chí có tâm lý né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, chờ đợi chỉ đạo.
Thủ tướng chỉ đạo cần huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc để giải phóng mặt bằng. Những dự án khó, phức tạp, Bí thư cấp uỷ phải trực tiếp chỉ đạo, trong đó lưu ý quan tâm những người dân khó khăn về chỗ ở, đất ở.
Ngoài ra, Bộ Nông nghiệp và Môi trường, Bộ Xây dựng hướng dẫn, UBND các tỉnh, thành phố cũng cần tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, bảo đảm nguồn cung vật liệu xây dựng thông thường. Các bộ có liên quan khẩn trương hướng dẫn về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và đơn giá, hoàn thành trước ngày 15-6.
Về định hướng, giải pháp thời gian tới, Thủ tướng nhấn mạnh quyết tâm giải ngân đạt 100% kế hoạch được giao để thúc đẩy tăng trưởng, tạo công ăn, việc làm, sinh kế cho người dân, nhất là tại những vùng khó khăn. Cùng với đó giúp tăng khả năng cạnh tranh của hàng hóa, sản phẩm, doanh nghiệp và nền kinh tế; góp phần khơi thông các nguồn lực, lấy nguồn lực nhà nước dẫn dắt và kích hoạt mọi nguồn lực xã hội.