Thứ hai, 23/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Thủ tướng yêu cầu rà soát khả năng thanh toán trái phiếu đến hạn của doanh nghiệp

V.Dũng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Thủ tướng Chính phủ vừa yêu cầu Bộ Tài chính rà soát, đánh giá kỹ lưỡng khả năng thanh toán, chi trả của các tổ chức phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Trong đó, cần lưu ý các trái phiếu đến hạn thanh toán trong cuối năm 2023 và năm 2024.

Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa ký công điện 1177 về việc tiếp tục thực hiện giải pháp tăng cường khả năng tiếp cận vốn tín dụng, thúc đẩy phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản hiệu quả, an toàn, lành mạnh và bền vững.

Đánh giá kỹ lưỡng khả năng chi trả trái phiếu doanh nghiệp

Theo công điện, với việc triển khai đồng loạt các giải pháp trong thời gian qua, tình hình thị trường trái phiếu doanh nghiệp từng bước đi vào ổn định, thị trường bất động sản đã có những chuyển biến theo chiều hướng tích cực.

"Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã thực hiện hạ lãi suất điều hành, chỉ đạo các ngân hàng tiết kiệm chi phí, hạ lãi suất cho vay đối với tất cả các đối tượng doanh nghiệp, trong đó có lĩnh vực bất động sản; triển khai thực hiện Chương trình tín dụng khoảng 120.000 tỉ đồng cho vay ưu đãi phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo xây dựng lại chung cư", Công điện nêu.

Tuy nhiên, thị trường trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản mặc dù đã được cải thiện nhưng chưa đạt như kỳ vọng; tăng trưởng tín dụng thấp, khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế tiếp tục khó khăn, nợ xấu có xu hướng gia tăng.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính  phối hợp với các cơ quan liên quan rà soát, đánh giá kỹ lưỡng khả năng thanh toán của các tổ chức phát hành trái phiếu. Ảnh: DNCC

Để tăng thúc đẩy phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản hiệu quả, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính  phối hợp với các cơ quan liên quan rà soát, đánh giá kỹ lưỡng khả năng thanh toán, chi trả của các tổ chức phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Trong đó, cần lưu ý đến các trái phiếu đến hạn thanh toán trong cuối năm 2023 và năm 2024.

Theo dõi sát, đánh giá chính xác khả năng, phương án thanh toán của doanh nghiệp phát hành, nhất là các doanh nghiệp còn khó khăn và có thể có rủi ro về khả năng trả nợ để chủ động có biện pháp, giải pháp phù hợp theo thẩm quyền nhằm ổn định thị trường.

Cơ quan chức năng cần yêu cầu doanh nghiệp ưu tiên nguồn lực thực hiện đầy đủ nghĩa vụ theo quy định, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhà đầu tư, các chủ thể liên quan và an toàn, an ninh thị trường tài chính, tiền tệ theo đúng quy định pháp luật hiện hành.

Cùng với đó là có các giải pháp thiết thực, hiệu quả để củng cố, tăng cường và khôi phục niềm tin nhà đầu tư, thúc đẩy thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển an toàn, minh bạch, lành mạnh, bền vững. Thủ tướng cũng chỉ đạo khẩn trương rà soát, đánh giá tình hình thực hiện việc chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế.

"Tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát chặt chẽ, toàn diện việc tuân thủ pháp luật, không để trục lợi, lợi ích nhóm, tiêu cực, tham nhũng. Xử lý nghiêm đối với các trường hợp sai phạm, vi phạm quy định pháp luật", Thủ tướng yêu cầu các Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan.

Đẩy mạnh gỡ vướng tín dụng, pháp lý

Đối với Ngân hàng Nhà nước, Thủ tướng giao theo dõi sát, chặt chẽ diễn biến thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp, tín dụng bất động sản để có các giải pháp vừa đảm bảo an toàn của hệ thống ngân hàng, vừa góp phần giải quyết khó khăn, tháo gỡ điểm nghẽn, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và đảm bảo sự phát triển lành mạnh, bền vững của thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp.

Ngân hàng Nhà nước tiếp tục nghiên cứu kỹ lưỡng, có giải pháp khả thi triển khai quyết liệt, hiệu quả chương trình tín dụng nhà ở xã hội 120.000 tỉ đồng, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 11 năm 2023 về kết quả triển khai thực hiện gói tín dụng này.

Cơ quan này cũng phải thực hiện các giải pháp tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân tiếp cận vốn tín dụng; rà soát, kiên quyết cắt giảm thủ tục hành chính không còn phù hợp gây tốn kém, phiền hà, tăng chi phí cho người dân, doanh nghiệp.

xử lý nghiêm những ngân hàng thương mại đưa thêm các điều kiện không khả thi gây phiền hà cho việc tiếp cận  vốn tín dụng của doanh nghiệp, người mua nhà. Ảnh minh họa: DNCC

Thủ tướng cũng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng rà soát, tiết giảm chi phí hoạt động, đơn giản hóa các thủ tục, điều kiện cho vay, giảm mặt bằng lãi suất cho vay; xử lý nghiêm những ngân hàng thương mại đưa thêm các điều kiện yêu cầu không khả thi, gây khó khăn cho việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng của doanh nghiệp, dự án bất động sản và người mua nhà...

Các bộ, gồm Bộ Xây dựng và Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng được yêu cầu thực hiện nhiều nhiệm vụ nhằm hướng dẫn các địa phương, doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn vướng mắc để hoàn thiện pháp lý các dự án, đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án bất động sản...

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới