(KTSG Online) - Trong phiên họp Chính phủ tháng đầu năm 2024, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị các đơn vị, địa phương tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh; thực hiện tổng thể và đồng bộ các chính sách, giải pháp về thuế, phí, tiền tệ, thương mại, đầu tư đã ban hành...
- Gần 44.000 doanh nghiệp tạm dừng kinh doanh trong tháng đầu năm
- Ưu tiên cung cấp đủ khí, than cho sản xuất điện
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ tháng đầu tiên năm 2024, diễn ra ngày 1-2. Các vấn đề được tập trung thảo luận là tình hình kinh tế - xã hội tháng 1, giải ngân vốn đầu tư công, 3 chương trình mục tiêu quốc gia và những trọng tâm nhiệm vụ thời gian tới, theo TTXVN.
Nhiều nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện trong thời gian tới, trong đó, có việc tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh; thực hiện tổng thể và đồng bộ các chính sách, giải pháp về thuế, phí, tiền tệ, thương mại, đầu tư đã ban hành; kịp thời phát hiện những bất cập, chồng chéo để sửa đổi, bổ sung hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung.
Các bộ, ngành, địa phương thúc đẩy các ngành, lĩnh vực chủ yếu như công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ; thúc đẩy phát triển sản xuất công nghiệp; trong đó, tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy công nghiệp chế biến chế tạo, các ngành công nghiệp chủ lực; đẩy nhanh tiến độ các dự án quy mô lớn, công nghệ cao; chủ động triển khai các giải pháp bảo đảm an ninh năng lượng; không để xảy ra tình trạng thiếu điện, xăng dầu.
Thủ tướng cũng yêu cầu các thành viên Chính phủ thảo luận đánh giá tình hình, đưa ra các giải pháp làm mới động lực cũ gồm đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng. Ngoài ra, việc thực hiện các động lực mới như kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, đổi mới sáng tạo cũng cần được chú trọng thực hiện.
Thông tin tại phiên họp, các báo cáo, ý kiến đại biểu cũng thống nhất rằng tình hình kinh tế- xã hội đang được phục hồi với nhiều kết quả tích cực trên các lĩnh vực. Dẫn chứng là kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 3,37% so với cùng kỳ. Thị trường tiền tệ, tỉ giá cơ bản ổn định, mặt bằng lãi suất huy động và cho vay duy trì xu hướng giảm. Từ đầu năm, Ngân hàng Nhà nước đã giao toàn bộ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng định hướng 15% để các tổ chức tín dụng chủ động thực hiện.
Ngoài ra, thu ngân sách Nhà nước đạt 231.000 tỉ đồng, bằng 13,6% dự toán, giảm 2,8% so với cùng kỳ. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt gần 64,22 tỉ đô la, tăng 37,7% so với cùng kỳ. Giải ngân vốn đầu tư công tháng 1 ước đạt 2,58% kế hoạch, cao hơn so cùng kỳ 1,81%. Vốn FDI đăng ký đạt 2,36 tỉ đô la, tăng 40,2%; vốn FDI thực hiện đạt 1,48 tỉ đô la, tăng 9,6% so với cùng kỳ…