Thứ sáu, 24/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Thúc đẩy kinh tế số: Trông… Singapore

Phan Minh Ngọc

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Tháng 11-2014, Singapore khởi động chương trình Quốc gia Thông minh (Smart Nation) nhằm thúc đẩy chuyển đổi số trên toàn quốc. Mục tiêu của Singapore thông qua chương trình này là biến họ thành động lực chính dẫn dắt làn sóng số hóa ở Đông Nam Á.

Trong số nhiều cấu phần của chương trình, có cấu phần quan trọng là số hóa doanh nghiệp. Ngoài việc đầu tư vào cơ sở hạ tầng số, Chính phủ Singapore còn khuyến khích các doanh nghiệp trong nước đầu tư vào số hóa. Về phần doanh nghiệp, họ cũng thấy rõ lợi ích của chuyển đổi số nên đã điều chỉnh chiến lược kinh doanh của mình để chuẩn bị tốt cho tham vọng này của chính phủ.

Ở Việt Nam, các cơ quan chức năng đang trong giai đoạn xác định và đề xuất một Kế hoạch chuyển đổi số năm 2022 với khoảng 45 nhiệm vụ quan trọng, kèm theo đó là 50 tiêu chí định lượng.

Đến đây, đã thấy một số khác biệt lớn giữa Singapore và Việt Nam. Họ đã có một tầm nhìn trước ta ngót cả thập kỷ trong câu chuyện chuyển đổi số quốc gia. Nhưng sự chậm trễ, đi sau quá xa này chưa phải là điều đáng nói nhất. Điều đáng nói ở đây là tư duy làm chiến lược, chính sách.

Đọc các chiến lược, chương trình của Singapore nói riêng trong chuyển đổi số và nói chung cho các lĩnh vực, vấn đề khác thì rất ít thấy những con số mục tiêu định lượng cụ thể cho một thời gian cụ thể. Trong khi, như Kế hoạch chuyển đổi số năm 2022 của Việt Nam, phải nói là có rất nhiều nhiệm vụ và tiêu chí cụ thể, thậm chí chi li đến hàng thập phân, ví dụ như tỷ trọng kinh tế số trong GDP năm 2022 (11,5%).

Không rõ vì lý do gì, nhưng chỉ biết rằng đến năm 2019, tức mãi đến năm năm sau khi khởi động chương trình chuyển đổi số quốc gia mà chỉ có 40% doanh nghiệp Singapore cho biết rằng họ đã đầu tư vào số hóa(1). Trong khi đó, Việt Nam xem ra sẽ thành công hơn Singapore nhiều, theo kế hoạch trên giấy, khi có đến 30% doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng nền tảng số trong năm 2022, tức chỉ sau một năm kể từ khi Kế hoạch chuyển đổi số năm 2022 được... đề xuất!

Nhưng trên khía cạnh thực hiện, người Singapore rất biết cách biến chiến lược, chương trình của mình thành hiện thực bằng những giải pháp cụ thể rất thực tiễn, thực dụng. Chẳng hạn, cũng là giải pháp thúc đẩy số hóa dành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, Chính phủ Singapore đã thiết kế và tung ra một số chương trình cụ thể, mỗi chương trình nhắm đến một đối tượng và phạm vi cụ thể(2).

Chương trình trợ giúp doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi số đầu tiên là “SMEs Go Digital” (tạm dịch: Doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi số). Mục đích của chương trình này là làm cho việc chuyển đổi số trở nên đơn giản với các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Đã có hơn 75.000 doanh nghiệp nhỏ và vừa áp dụng các giải pháp số từ chương trình này.

Tiếp theo là “Industry Digital Plans” (kế hoạch số hóa các ngành), hướng dẫn từng bước một cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong một số ngành nghề cụ thể về các giải pháp số hóa và đào tạo nhân viên của mình trên từng giai đoạn phát triển của doanh nghiệp.

Kế đến là giải pháp hỗ trợ tài chính của chính phủ. Các doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi số theo các giải pháp được thiết kế và cung ứng bởi các nhà cung cấp dịch vụ có chất lượng, đáng tin cậy và cạnh tranh về chi phí thì sẽ được chính phủ tài trợ tới 80% chi phí thực hiện các giải pháp này.

Bên trên mới chỉ là ba giải pháp đầu tiên trong số chín giải pháp cụ thể mà Chính phủ Singapore thực hiện để trợ giúp doanh nghiệp nhỏ và vừa. Các giải pháp còn lại rất đa dạng, xử lý các vấn đề cụ thể khác, bao gồm giải pháp cho doanh nghiệp mới thành lập và chưa thực hiện chuyển đổi số thì sẽ chuyển đổi số thông qua những nền tảng cơ bản nhất như viễn thông và ngân hàng; giải pháp thành lập các nền tảng/sàn giao dịch giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp, và doanh nghiệp với người tiêu dùng để bán hàng ra nước ngoài mà không cần phải hiện diện ở đó; và dịch vụ tư vấn chuyên môn chuyển đổi số miễn phí cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa có nhu cầu được tư vấn...

So với Singapore trên khía cạnh thực hiện, chương trình hành động và giải pháp của Việt Nam đang khá là mông lung. Thậm chí, nếu căn cứ vào nội dung của các cuộc hội thảo với hội nghị cho đến tận thời điểm gần đây thì có cảm tưởng như bản thân các khái niệm số hóa, chuyển đổi số là gì và các giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số ra sao ở Việt Nam... vẫn còn đang ở giai đoạn tranh luận, làm rõ!

Nếu có giải pháp tương đối cụ thể nào đó về chuyển đổi số như của Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA) dành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trong 26 lĩnh vực thì, không mấy ngạc nhiên, đó là giải pháp “học” của Singapore(3).

Có lẽ Việt Nam nên có cách làm thực dụng hơn, như Singapore...

---------

(1) https://www.statista.com/topics/7166/digitalization-of-business-in-singapore/#dossierKeyfigures
(2) https://www.imda.gov.sg/-/media/Imda/Files/Programme/SMEs-Go-Digital/Factsheet_16September2021a.pdf
(3) https://vneconomy.vn/sap-co-khung-huong-dan-chuyen-doi-so-cho-doanh-nghiep-smes-va-san-xuat.htm

1 BÌNH LUẬN

  1. Chuyển đổi số nói chung, các lĩnh vực “ảo” nói riêng (tiền ảo/ tài sản ảo…) đòi hỏi phải có hành lang pháp lý hỗ trợ kịp thời và hiệu quả. Nhưng việc này không thể làm nhanh và toàn cục một sớm một chiều. Giải pháp khả thi nhất là chính thức hợp pháp hóa mô hình “Sandbox”. Công bố rõ phạm vi/ đối tượng/ điều kiện triển khai công khai minh bạch, đi kèm chính sách hỗ trợ từ nhà nước rõ ràng. Như vậy sẽ tạo cơ hội để tiến nhanh và tiến vững chắc, nếu được thì có lợi cho cả nền kinh tế, nếu có rủi ro thì cũng cần biết chấp nhận trong giới hạn cho phép.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới