Chủ Nhật, 19/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Thúc đẩy xuất khẩu công nghệ số, gia nhập chuỗi giá trị toàn cầu

Vân Ly

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Ngành công nghiệp công nghệ số thời gian qua tiếp tục là một điểm sáng của kinh tế Việt Nam với doanh thu tăng trưởng hơn 10% hàng năm. Tuy nhiên, trên thực tế, thị trường phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin trong nước ước chỉ đạt khoảng 2 tỉ đô la Mỹ, quá nhỏ bé so với quy mô 1.800 tỉ đô la của thế giới. Điều này đặt ra cơ hội lớn để các doanh nghiệp và hàng trăm ngàn kỹ sư Việt Nam có thể khai thác thị phần xuất khẩu công nghệ thông tin.

Cả doanh nghiệp công nghệ nội địa đang nỗ lực tăng trưởng doanh thu xuất khẩu tại các thị trường quốc tế. Ảnh minh họa: DNCC

Theo báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông, nhu cầu chuyển đổi số đang ngày càng gia tăng trên toàn cầu, thị trường quốc tế còn rất nhiều dư địa cho các công ty công nghệ Việt Nam. Doanh thu của ngành này năm 2022 ước đạt 148 tỉ đô la Mỹ, tăng trưởng trên 10% so với năm 2021. Trong đó, xuất khẩu công nghiệp công nghệ số vào năm 2022 ước đạt 136 tỉ đô la, mục tiêu của năm nay có nhỉnh hơn một chút, dự kiến sẽ đạt 137 tỉ đô la.

Số lượng doanh nghiệp công nghệ số của Việt Nam hiện trên 70.000, trong đó, lực lượng kỹ sư là 550.000. Có khoảng 1.400 doanh nghiệp công nghệ số có sản phẩm vươn ra thị trường nước ngoài. Tổng doanh thu tại thị trường nước ngoài của các doanh nghiệp phần mềm, dịch vụ công nghệ thông tin mới chỉ đạt hơn 2,2 tỉ đô la.

Những robot "Make in Vietnam" đang được cung cấp cho 30.000 doanh nghiệp tại 20 quốc gia như Nhật Bản, Đức và Trung Đông, giúp gia tăng năng suất 30%. Tăng trưởng thị trường của các robot trong những năm qua luôn duy trì hơn 20%.

Đặc biệt, năm 2022 lần đầu tiên có một doanh nghiệp đạt doanh thu giải pháp, dịch vụ phần mềm và dịch vụ công nghệ số tại nước ngoài hơn 1 tỉ đô la. Nhìn thấy tiềm năng rộng lớn, vừa qua 15 doanh nghiệp tại Hà Nội đã ký kết liên minh doanh nghiệp chuyển đổi số xuất khẩu sang thị trường nước ngoài. Các ngành chức năng cũng đưa ra hàng loạt giải pháp để tiếp tục thúc đẩy xuất khẩu công nghệ số

Đẩy mạnh hoạt động tại thị trường công nghệ lớn nhất thế giới

Công ty phần mềm Rikkeisoft của Việt Nam vừa công bố thành lập công ty con RKTech (100% vốn sở hữu của Rikkeisoft) và đặt văn phòng tại thành phố Plano (bang Texas, Mỹ). Công ty công nghệ với quy mô 1.600 nhân sự này mở công ty con tại Mỹ sau khi đã rất thành công khi khai thác thị trường Nhật Bản.

Tại Mỹ, RKTech đặt mục tiêu cùng với các công ty trong hệ sinh thái của Rikkeisoft từng bước đưa sản phẩm, dịch vụ và công nghệ vào một trong những thị trường được cho là khó tính nhất thế giới này.

Thực tế cho thấy, có rất nhiều công ty công nghệ Việt hoạt động ở Nhật Bản, nhưng tại thị trường Mỹ lại chưa có nhiều doanh nghiệp Việt hiện diện tại đây. Trong khi đó, đây lại là thị trường công nghệ lớn nhất thế giới.

Để thuận tiện cho việc vào thị trường Mỹ, Rikkeisoft đã mời ông Bùi Hoàng Tùng, người từng giữ vị trí giám đốc điều hành của tập đoàn FPT tại Mỹ về làm Phó chủ tịch điều hành cấp cao của Rikkeisoft kiêm giám đốc điều hành của RKTech.

Cung cấp thông tin cho báo chí, ông Bùi Hoàng Tùng, cho biết ông nhận thấy cơ hội thị trường để có thể đưa nhiều hơn nữa các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam sang Hoa Kỳ. Đó là lý do mà ông quyết định đầu quân để đưa Rikkeisoft sang Mỹ với việc thành lập RKTech.

Với việc mở công ty con tại Mỹ, Rikkeisoft đang từng bước thực hiện tham vọng sẽ trở thành doanh nghiệp tỉ đô la Mỹ trong tương lai.

Được biết, trước khi Rikkeisoft mở công ty tại Mỹ, khi còn làm tại FPT, ông Tùng đóng góp nhiều nhất cho thương vụ FPT mua lại 90% cổ phần của công ty Intellinet, một doanh nghiệp công nghệ với trụ sở chính đặt tại Atlanta, Mỹ. Đây cũng là thương vụ mua bán đầu tiên được một doanh nghiệp công nghệ Việt Nam thực hiện trên đất Mỹ.

Cuối tháng 2 vừa qua, FPT công bố thêm thương vụ mua lại toàn bộ mảng dịch vụ công nghệ của Intertec International, một công ty của Mỹ. Với thương vụ này, FPT mở rộng hiện diện tại Costa Rica, Colombia và Mexico. Đây cũng là 3 nước có trung tâm sản xuất công nghệ của Intertec.

Theo đó, cùng với mạng lưới 22 trung tâm cung ứng công nghệ của FPT trên toàn thế giới, mảng dịch vụ công nghệ của Intertec mới sáp nhập sẽ giúp hai bên đảm bảo đồng hành cùng khách hàng nhanh nhất ở mọi múi giờ, mọi địa điểm trên thế giới và khai thác tối đa các cơ hội không giới hạn từ thị trường các nước nói tiếng Anh. Đồng thời, giúp FPT nâng cao hơn năng lực đáp ứng chất lượng sản phẩm, giải pháp trên mảng phần mềm linh hoạt cho khách hàng.

Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch hội đồng quản trị tập đoàn FPT kỳ vọng thương vụ mua bán sáp nhập này sẽ tạo ra giá trị cộng hưởng lớn vào mục tiêu mở rộng quy mô và tăng trưởng hoạt động kinh doanh của FPT trên phạm vi toàn cầu, đặc biệt là tại thị trường các nước nói tiếng Anh.

Mỹ là một trong hai thị trường lớn nhất của FPT, đóng góp mức lợi nhuận cao nhất trong số toàn bộ các thị trường, với mức độ tăng trưởng năm 2022 là 50%. Doanh số FPT tại Mỹ đã tăng 5 lần và 10 lần về lợi nhuận từ 2017 đến 2022. Được biết chi nhánh Mỹ của FPT tiếp tục triển khai kế hoạch mở rộng hiện diện và đặt mục tiêu đạt quy mô 1.000 nhân sự ở khu vực Mỹ Latin trong hai năm tới.

Được biết, nhằm đáp ứng sức nóng của thị trường công nghệ toàn cầu, FPT liên tục mở rộng hiện diện của mình tại nhiều quốc gia. Trong đó các thương vụ mua bán sáp nhập đóng vai trò quan trọng trong chiến lược toàn cầu của FPT. Năm 2022, tập đoàn này đã đạt doanh số một tỉ đô la Mỹ tại thị trường nước ngoài.

Gia tăng sự hiện diện trong chuỗi giá trị toàn cầu

Nhằm thúc đẩy việc đưa sản phẩm công nghệ Việt ra thế giới, Diễn đàn Quốc gia về Phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam (Make in Việt Nam) được tổ chức gần đây, Bộ Thông tin và Truyền thông đã lấy chủ đề “Phát triển bền vững và nâng cao giá trị Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu.”

Được biết hiện đã có hơn 1.400 sản phẩm Make in Việt Nam đã được cung cấp ra các nước trên thế giới. Tại sự kiện trên, ông Joseph Saib, đại diện Công ty Tel.rec đã chia sẻ nhiều thông tin từ một chuyên gia công nghệ nước ngoài.

Ông Joseph Saib cho hay, số liệu năm 2018 cho thấy, khoảng 70% các tổ chức có những hoạt động liên quan đến chuyển đổi số, 40% doanh nghiệp có ngân sách dành cho chuyển đổi số. Trên toàn cầu, khoảng 2.000 tỉ đô la Mỹ đã được các công ty chi cho chuyển đổi số trong năm 2019. Chuyển đổi số là hiện tượng mang tính toàn cầu và là xu hướng không thể đảo ngược. Tổng đầu tư cho chuyển đổi số trên toàn cầu được dự đoán tăng lên 7.000 tỉ đô la Mỹ trong năm 2023.

Vị chuyên gia nước ngoài trên cho rằng chuyển đổi số là xu hướng công nghệ mang đến cơ hội cho nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Việt Nam có tiềm năng rất lớn về công nghệ và không nên bỏ lỡ cơ hội này. Song, để làm được điều này, các doanh nghiệp Việt phải tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

Còn tại sự kiện hội nghị “Doanh nghiệp Công nghệ số Việt Nam đi ra thế giới” được tổ chức cuối tháng 2 vừa qua, ông Phan Tâm, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, gần đây, doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đã phát triển nhanh về số lượng. Sau Covid-19, nhu cầu chuyển đổi số bùng nổ trên thế giới, tạo ra thị trường rất lớn cho các sản phẩm và dịch vụ công nghệ số.

Xuất phát từ thực tế trên, ông Tâm cho hay năm 2023 Bộ Thông tin và Truyền thông đặt trọng tâm làm việc với các doanh nghiệp, hiệp hội công nghệ số Việt Nam, các cơ quan đại diện ngoại giao, đại diện đầu tư - thương mại các nước nhằm thúc đẩy, hỗ trợ doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đi ra thế giới. Hội nghị “Doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đi ra thế giới” là khởi đầu cho chương trình này.

“Đi cùng nhau” là một trong những cách mà Bộ Bộ Thông tin và Truyền thông định hướng cho các doanh nghiệp công nghệ. Doanh nghiệp lớn dẫn dắt doanh nghiệp nhỏ hơn, doanh nghiệp đi trước dẫn dắt doanh nghiệp đi sau. Bí quyết và chiến lược chinh phục thị trường thế giới của các doanh nghiệp tiên phong sẽ là những bài học, mở hướng cho các doanh nghiệp công nghệ trong nước tự tin bước ra thị trường quốc tế.

Được biết thời gian tới, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ tiếp tục tổ chức các hội nghị, diễn đàn xúc tiến đầu tư thương mại số, gian hàng công nghệ số Việt Nam ở nước ngoài; tham mưu chính phủ ký kết các Hiệp định về đối tác số với các nước. Mỗi tháng Bộ này sẽ tổ chức ít nhất 1 sự kiện để giúp đỡ các doanh nghiệp công nghệ số làm ăn ở nước ngoài hoặc đi ra nước ngoài.

Là một hoạt động nằm trong chiến dịch hỗ trợ doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đang kinh doanh ở nước ngoài hoặc đi ra nước ngoài, trong khuôn khổ hội nghị trên, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ra mắt “Tổ tư vấn hỗ trợ doanh nghiệp công nghệ số đi ra nước ngoài”. Tổ này được thành lập nhằm phối hợp các cơ quan liên quan triển khai các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp công nghệ Việt Nam phát triển hoạt động kinh doanh tại nước ngoài.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói: “Không đi ra nước ngoài, không cạnh tranh, không chinh phục, không có doanh thu từ thị trường nước ngoài thì Việt Nam không thể trở thành nước phát triển có thu nhập cao được.”

Thêm nữa ông Hùng cho rằng, thị trường công nghệ Việt Nam là một thị trường chật chội. Chi cho công nghệ số thì không lớn nhưng số lượng doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này lại rất nhiều. Nhưng cũng chính vì sự cạnh tranh ấy mà ông Hùng cho rằng các doanh nghiệp công nghệ có khả năng tạo ra các sản phẩm, dịch vụ chất lượng với giá rẻ, khai thác thành công các thị trường mà các công ty công nghệ số lớn đang bỏ ngỏ. Đây là năng lực cạnh tranh chính của chúng ta để có thể đi ra nước ngoài.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho rằng, đi ra nước ngoài là nhiệm vụ khó khăn, nhưng là con đường mà có thể giúp Việt Nam trở thành nước phát triển có thu nhập cao vào năm 2045. Ông kêu gọi các doanh nghiệp công nghệ số Việt hãy gắn sứ mệnh của mình với sứ mệnh quốc gia để phát triển bền vững và trường tồn.

Hoạt động giới thiệu sản phẩm của một doanh nghiệp công nghệ Việt. Ảnh minh họa: DNCC

 

Ở góc độ một doanh nghiệp công nghệ đã có những chuyển mình mạnh mẽ từ gia công phần mềm sang sản xuất các sản phẩm công nghệ, Tổng giám đốc FPT Nguyễn Văn Khoa tại nhiều sự kiện công nghệ gần đây cho biết, đến nay doanh nghiệp này đã sản xuất được hơn 200 sản phẩm công nghệ và đặt mục tiêu thời gian tới ít nhất mỗi năm phải có 10 sản phẩm mới.

FPT cũng có nhiều sản phẩm như hệ thống quản lý về thuế, hải quan, ngân hàng, kho bạc, mới đây nhất là hệ thống sàn giao dịch HOSE. Hệ thống e-Hospital của FPT đang phục vụ 400 bệnh viện Việt Nam và hơn 10 bệnh viện ở nước ngoài. Tổng giám đốc FPT đề xuất quốc gia cần có những bài toán lớn cho doanh nghiệp, thúc đẩy ngoại giao kinh tế trong lĩnh vực công nghệ. Bên cạnh đó cần đẩy mạnh thương hiệu số quốc gia để thuận tiện cho các doanh nghiệp đưa sản phẩm ra nước ngoài.

Tại một sự kiện công nghệ được tổ chức gần đây, ông Tào Đức Thắng, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Viettel cho rằng doanh nghiệp đi ra nước ngoài sẽ “lớn” rất nhanh. Song ông mong muốn có cơ chế hợp tác để các doanh nghiệp công nghệ trong nước, nhà nước và tư nhân đi phát triển thị trường nước ngoài cùng nhau để tận dụng được các thế mạnh của nhau.

Còn tại hội nghị Make in Việt Nam, ông Hoàng Tuấn Hải, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty VMO Holdings - hiện có khoảng 1.200 nhân sự, có các văn phòng ở Mỹ, Nhật Bản, Singapore và Thái Lan, chia sẻ muốn làm việc với quốc tế, chúng ta phải có văn phòng ở nước ngoài, gặp gỡ trực tiếp và trao đổi với họ nhằm hiểu được khách hàng muốn gì. Ông Hải đề xuất Chính phủ cần xây dựng các trung tâm công nghệ Việt Nam tại những thị trường công nghệ lớn, giúp doanh nghiệp kết nối ở nước ngoài.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới