Thứ năm, 19/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Thực hành ESG và sự đầu tư cho phát triển bền vững

Ngọc Nguyễn

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Thực hành ESG và tích hợp mục tiêu ESG vào chiến lược phát triển của doanh nghiệp được xem là sự đầu tư cho cả hiện tại và tương lai. Đây không hẳn chỉ là cuộc chơi của các doanh nghiệp lớn, mà đó còn là xu hướng phát triển tất yếu của các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Các diễn giả chia sẻ tại hội thảo “Góc nhìn và các tiếp cận ESG của doanh nghiệp” diễn ra vào ngày 16-4 tại trụ sở Tạp chí Kinh tế Sài Gòn. Ảnh: SGT

Những vấn đề như ESG bắt đầu từ đâu, thực hành như thế nào, và lợi ích mang lại cho doanh nghiệp phần nào được giải đáp tại buổi ra mắt Câu lạc bộ Kiến tạo Thương hiệu và hội thảo “Góc nhìn và các tiếp cận ESG của doanh nghiệp” diễn ra vào ngày 16-4 tại trụ sở Tạp chí Kinh tế Sài Gòn, quận 1, TPHCM. Sự kiện do Câu lạc bộ Kiến tạo Thương hiệu (The Branding Club), một câu lạc bộ trực thuộc Saigon Times Club, tổ chức với sự đồng hành của Công ty TNHH Cách âm cách nhiệt Phương Nam (Phương Nam Panel) và Công ty Tư vấn thiết kế xây dựng SAGEN.

Sự thay đổi tất yếu

Khái niệm ESG (Môi trường - Xã hội - Quản trị) và phát triển bền vững đã xuất hiện từ rất lâu trên thế giới và đang dần trở nên phổ biến trong cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam hiện nay. Nhiều đại diện doanh nghiệp cho rằng ESG không phải là một xu hướng mới nhưng tại Việt Nam, ESG mới chỉ ở giai đoạn đầu. Với cam kết đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 của chính phủ Việt Nam và xu hướng xanh hóa nền kinh tế của các quốc gia trên thế giới, nhận thức về ESG đang ngày càng trở nên quan trọng.

“Nơi nào có tinh thần trách nhiệm, nơi đó có sự bắt đầu của ESG”, ông Võ Minh Nhựt, Chủ nhiệm câu lạc bộ Kiến tạo Thương hiệu, Tổng giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn NS Bluescope Việt Nam chia sẻ tại sự kiện. Ông nhấn mạnh về sự quan tâm đến ESG của các doanh nghiệp thể hiện trách nhiệm đối với môi trường, xã hội và tương lai.

Thực hành ESG và phát triển bền vững không hẳn chỉ là cuộc chơi của các doanh nghiệp lớn, mà còn là sự đáp ứng của các doanh nghiệp vừa và nhỏ đối với các xu hướng thay đổi trên thị trường. Ông Nguyễn Hoàng Nam, Phó tổng giám đốc Công ty PwC Việt Nam, cho biết hiện tại nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp lớn, nhìn thấy những rủi ro đi kèm với cơ hội trong quá trình thực hành ESG. “Theo số liệu thống kê của PwC trên bình diện toàn cầu, 55% các CEO trả lời khảo sát rằng họ không tự tin rằng trong 10 năm tới doanh nghiệp của họ có thể tồn tại nếu cứ vận hành theo cách bình thường. Nói như thế để cho thấy chúng ta phải thay đổi, phải chuyển đổi”, ông Nam nhấn mạnh.

Trên thực tế, xu hướng tiêu dùng trên thế giới đã và đang có nhiều sự thay đổi lớn, ưa chuộng các sản phẩm có yếu tố bền vững, bảo vệ môi trường, do đó doanh nghiệp cần có kế hoạch kinh doanh phù hợp. Việc thực hành ESG phải tốn nhiều chi phí như chi phí tư vấn, thiết kế kế hoạch, xây dựng đội ngũ, nhưng “đây thực sự là chi phí đầu tư và chi phí này đem lại cơ hội mở rộng thị trường, tăng trưởng của doanh nghiệp và cả quản trị rủi ro”, ông Nam nói.

Chia sẻ bên lề hội thảo, ông Nguyễn Thành Tân, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tư vấn Thiết kế Xây dựng SAGEN, cho rằng việc đầu tư vào ESG không chỉ tùy thuộc vào “túi tiền” mà còn tùy thuộc vào văn hóa, tầm nhìn và sứ mệnh của doanh nghiệp. “Doanh nghiệp nhỏ vẫn có thể vận hành ESG. Khi doanh nghiệp có tâm, muốn thực hiện sứ mệnh phụng sự con người, xã hội và hành động thì tiền sẽ tự đến như một kết quả ắt phải có”, ông Tân chia sẻ.

“Mỗi doanh nghiệp, dù là lớn hay nhỏ, chúng ta cần chung tay góp sức xây dựng và hướng đến mục tiêu phát triển bền vững”, bà Nguyễn Thị Thu Thúy, Phó tổng giám đốc công ty cổ phần Dịch vụ Bảo vệ Seazen, chia sẻ trong một phỏng vấn nhỏ bên lề hội thảo. Việc thực hành ESG và phát triển bền vững khá thách thức và cần có cái nhìn dài hạn, hướng đến lợi ích lâu dài, bà Thúy nói thêm.

Đầu tư cho những giá trị

ESG không hẳn là một xu hướng, mà đó là sự bắt buộc chuẩn bị cho tương lai. Yêu cầu đặt ra là các doanh nghiệp cần có sự thay đổi, chuyển mình để đáp ứng nhu cầu của thị trường và chuẩn bị cho tương lai, tránh tình trạng “trâu chậm uống nước đục”. Sự đầu tư này mang đến nhiều lợi ích không thể cân đong đo đếm, cả trong ngắn hạn và dài hạn.

Ông Đỗ Hữu Nhật Quang, Giám đốc Công ty TNHH Tư vấn Công trình Xanh GreenViet, cho rằng việc thực hành ESG được xem là sự đầu tư chứ không phải chi phí. Có rất nhiều minh chứng cho thấy điều đó. Chẳng hạn, việc tạo được môi trường làm việc tốt, chăm sóc nhân viên chu đáo không chỉ mang lại cho doanh nghiệp lợi ích về phát triển đội ngũ nhân sự mà còn là giảm chi phí tìm kiếm và đào tạo nhân tài.

Bên cạnh những lợi ích dài hạn, ESG cũng tạo ra sự chuyển đổi đáng kể trong tình hình kinh doanh hiện tại của các doanh nghiệp. Tại NS Bluescope Việt Nam, việc lắp đặt những tấm pin năng lượng mặt trời áp mái lên nhà xe của nhà máy NS Bluescope giúp giảm chi phí điện trong quá trình sản xuất. Nhiều đối tác có ý định hợp tác dài hạn đã đến khảo sát nhà máy và được quan sát việc thực hành ESG của doanh nghiệp. “Cứ khoảng 10 khách hàng đi tham quan nhà máy thì năm khách hàng có xu hướng mua hàng”, ông Võ Minh Nhựt chia sẻ. “Khi doanh nghiệp thể hiện tinh thần trách nhiệm và cố gắng thực hiện ESG, kết quả tốt đẹp ắt sẽ đến, đừng quá nôn nóng,” ông nhấn mạnh.

Chia sẻ bên lề sự kiện, ông Nguyễn Cao Trí, Tổng giám đốc Công ty TNHH Ariston Việt Nam, cho biết ông hoàn toàn đồng ý với ý kiến thực hành ESG không hẳn là chi phí, mà nên được xem là sự đầu tư để mang lại sự khác biệt. “Những tập đoàn lớn có trách nhiệm đầu tư để dẫn dắt các ngành hàng đi theo định hướng tích cực hơn, cụ thể là ESG”, ông nói.

Chiến lược thực hành ESG với con người là yếu tố trung tâm

Hiện tại, trong ba trụ cột của ESG – môi trường, xã hội, và quản trị, yếu tố môi trường đang được nhiều doanh nghiệp chú trọng thực hiện tại Việt Nam, theo ông Quang chia sẻ. Tuy nhiên, yếu tố xã hội và quản trị cũng cần được quan tâm nhiều hơn. Việc thực hành ESG không nhất thiết phải đao to búa lớn mà cần sáng tạo hơn, bắt đầu từ những việc nhỏ mà đem lại kết quả tích cực, tiết kiệm chi phí. Một số ví dụ về việc thực hành ESG tại doanh nghiệp được ông Quang nêu ra tại phiên tham luận, bao gồm: tái chế chai nhựa, danh thiếp, sản xuất quần áo may bằng bã cà phê, lắp pin năng lượng mặt trời, trồng thêm cây xanh quanh văn phòng, xây dựng góc làm việc riêng tư cho nhân viên, và nhiều sáng kiến khác. Những giải pháp nhỏ những có thể mang lại cơ hội kinh doanh lớn.

Với kinh nghiệm tư vấn cho nhiều doanh nghiệp lớn thực hành, ông Nam cho rằng để thành công, việc đào tạo và truyền thông về ESG trong mỗi doanh nghiệp là rất quan trọng. Các cá nhân trong tổ chức cần nhận thức được ESG là gì, tại sao phải làm và làm như thế nào. Các hoạt động ESG phải được thực hiện trên cơ sở nhận thức. Kế đến, doanh nghiệp cần đội ngũ nhân sự thực hiện các công việc cụ thể cùng với sự chỉ đạo, giám sát sát sao của lãnh đạo cấp cao.

“Khi xây dựng kế hoạch thực hành ESG, doanh nghiệp cần cân nhắc yếu tố hài hòa với bối cảnh của quốc gia, doanh nghiệp và quan trọng hơn là sự mong đợi của đối tác. Thực tế, việc thực hành ESG không phải là làm điều doanh nghiệp muốn mà thực hiện điều đối tác mong muốn ở doanh nghiệp”, ông nói. Theo ông Nam, đối tác ở đây bao gồm đối tác bên ngoài – khách hàng và các đối tác kinh doanh; đối tác bên trong – các nhân sự, lao động của doanh nghiệp. “Nhân sự là trọng tâm thực hành ESG. Do đó, mỗi nhân sự cần nhận thức tốt để làm, và việc thực hành cần sự phối hợp, liên kết từ các phòng ban quan trọng”, ông nói thêm.

Đồng tình với ý kiến trên, ông Nhựt cho biết thêm về cơ cấu tổ chức ESG tại NS BlueScope. Trong ban điều hành, NS BlueScope có một bộ phận phát triển bền vững, đảm nhận các hoạt động ESG và phát triển bền vững của tập đoàn trên tất cả các quốc gia. Ở góc độ khu vực và quốc gia, NS BlueScope sẽ có nhiều phòng chức năng đảm nhận kiêm nhiệm các vấn đề về an toàn sức khỏe, an toàn sản xuất, sáng tạo, dưới sự giám sát của các thành viên ban lãnh đạo. Điều này có nghĩa là thực hành ESG cần có sự chỉ đạo, giám sát, hướng dẫn từ cấp lãnh đạo đến các phòng ban nhỏ hơn và cấp nhân viên, chứ không chỉ dựa vào một nhóm nhỏ với vài nhân viên.

Ngoài ra, các diễn giả cũng nhấn mạnh việc thực hiện ESG nên đưa và hoạt động vận hành của doanh nghiệp, và trách nhiệm của từng cá nhân là mấu chốt đảm bảo việc đạt được mục tiêu ESG như mong muốn. Một kiến nghị đặt ra là nên tích hợp KPI trong việc thực hành ESG vào từng phòng ban để đo lường hiệu quả của quá trình thực thi và vận hành trên cơ sở công bằng.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới