(KTSG Online) - Cục Đường bộ Việt Nam đề nghị đơn vị chức năng kiểm tra tình trạng kỹ thuật, khổ giới hạn và tải trọng của các công trình cầu, đường bộ. Đồng thời, với trường hợp cấp giấy phép lưu hành xe quá tải trọng thì cơ quan có thẩm quyền về cấp giấy phép lưu hành sẽ trao đổi thông tin và xác định tuyến đường lưu thông, theo TTXVN.
- Dự án Vành đai 4 vùng thủ đô có nguy cơ chậm tiến độ
- Quảng Trị lo ngại về an toàn vì cao tốc Cam Lộ-La Sơn thiếu dải phân cách
TTXVN thông tin, ngày 8-3, Cục đường bộ Việt Nam đề nghị khu Quản lý đường bộ, Sở Giao thông Vận tải, nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án BOT công trình đường bộ thực hiện rà soát về tình trạng kỹ thuật, khổ giới hạn và tải trọng các công trình cầu, đường bộ, đặc biệt là kiểm tra các cầu có kết cấu bê tông cốt thép dự ứng lực, cầu dây văng.
Nếu phát hiện công trình hư hỏng, xuống cấp và không đảm bảo tải trọng, khổ giới hạn thì đơn vị có thẩm quyền cần đưa ra giải pháp xử lý như sửa chữa, cắm biển hạn chế tải trọng, khổ giới hạn…
Đối với các cầu yếu đã được kiểm định, đảm bảo tải trọng khai thác theo quy định thì đơn vị sẽ dỡ biển hạn chế tải trọng, đồng thời, báo cáo Cục Đường bộ Việt Nam để công bố khổ giới hạn và tải trọng phù hợp.
Ngoài ra, đối với việc cấp giấy phép lưu hành xe quá tải trọng, xe quá khổ giới hạn, xe vận chuyển hàng siêu trường, siêu trọng, xe bánh xích thì cơ quan có thẩm quyền về cấp giấy phép lưu hành sẽ trao đổi thông tin và thống nhất hành trình lưu thông của phương tiện.
Trường hợp đường bộ có hai chiều lưu thông mà một chiều có cầu với tải trọng, khổ giới hạn hoặc đường bộ không đảm bảo an toàn thì các đơn vị nghiên cứu phương án tổ chức giao thông một chiều hoặc hướng dẫn cho phương tiện đi lộ trình khác phù hợp với thực tế.
Trước đó, Cục Đường bộ Việt Nam đã có Văn bản số 720 về công tác kiểm tra, cập nhật tình trạng kỹ thuật, tải trọng, khổ giới hạn của đường bộ nhằm tạo điều kiện cho việc vận tải hàng hóa đường bộ; lưu hành xe quá tải trọng, xe quá khổ giới hạn, xe bánh xích trên đường bộ; vận chuyển hàng siêu trường, siêu trọng và giới hạn xếp hàng hóa trên phương tiện giao thông.