Thứ ba, 1/04/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Thực hư sức mạnh chi tiêu của người tiêu dùng Mỹ

Song Thanh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Các dữ liệu kinh tế gần đây cho thấy người tiêu dùng Mỹ đang có dấu hiệu thu hẹp chi tiêu. Điều này đang làm dấy lên những lo ngại về động lực quan trọng của nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Chi tiêu tiêu dùng Mỹ có dấu hiệu suy yếu

Trong những năm gần đây, sức chi tiêu bền bỉ của người tiêu dùng Mỹ là nguyên nhân chính làm chệch hướng mọi dự đoán về khả năng kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái, ngay cả trong bối cảnh Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) liên tục tăng lãi suất. Trên thực tế, người tiêu dùng từ lâu đã là động lực quan trọng nhất của nền kinh tế Mỹ.

Tuy nhiên, với những biến động trong chính sách thương mại của Tổng thống Donald Trump và sự bất ổn kinh tế không ngừng gia tăng, ngày càng có nhiều lo ngại rằng sức chi tiêu đang bị cắt giảm và suy thoái đang đến gần. Các dữ liệu về doanh số bán lẻ yếu hơn dự kiến trong tháng 2 càng củng cố thêm nỗi lo ngại này.

Theo số liệu chính thức từ Cục Thống kê Kinh tế Mỹ, doanh số bán lẻ của nước này trong tháng 2-2025 chỉ tăng 0,2% so với tháng trước, thấp hơn mức dự báo 0,6% của các nhà kinh tế. Dữ liệu từ Cục Phân tích Kinh tế (BEA) cũng cho thấy chi tiêu cá nhân thực tế của người Mỹ trong tháng 1 đã giảm lần đầu tiên kể từ tháng 3-2023.

Những tín hiệu đáng lo ngại cũng được ghi nhận từ các nhà bán lẻ. Theo Công ty tư vấn RetailNext, lượng khách đến các cửa hàng tại Mỹ vào đầu tháng 3 đã giảm 4,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Placer.ai, công ty tổng hợp tín hiệu từ các thiết bị di động của người tiêu dùng, đã ghi nhận ít lượt truy cập hơn vào các cửa hàng lớn bao gồm Walmart, Target và Best Buy trong những tuần gần đây.

Ngành dịch vụ cũng đối mặt với áp lực lớn. Theo Revenue Management Solutions, lượng khách đến các nhà hàng thức ăn nhanh của Mỹ đã giảm 2,8% trong tháng 2-2025, trong đó, lượng khách đến vào giờ ăn sáng giảm ở mức hai chữ số. Bốn hãng hàng không lớn của Mỹ mới đây cũng đã lên tiếng cảnh báo về nhu cầu chậm lại.

Người tiêu dùng Mỹ có xu hướng thận trọng hơn

Điều đáng chú ý là sự sụt giảm này không xuất phát từ việc thu nhập khả dụng giảm (thực tế thu nhập đã tăng), mà từ việc người dân Mỹ quyết định tiết kiệm nhiều hơn. Các thống kê cho thấy, tỷ lệ tiết kiệm cá nhân tại Mỹ đã tăng 32% trong giai đoạn từ tháng 12-2024 đến tháng 1-2025, từ chỗ chiếm 3,5% thu nhập khả dụng, tăng lên 4,6%.

Nguyên nhân chính dẫn đến chi tiêu suy giảm là sự suy yếu trong niềm tin tiêu dùng. Theo Đại học Michigan, Chỉ số tâm lý người tiêu dùng Mỹ đã giảm từ 74 hồi tháng 12-2024 xuống còn 57,9 trong tháng 3-2025 - mức thấp nhất kể từ cuối năm 2022, đánh dấu tháng giảm thứ ba liên tiếp.

Khảo sát cũng cho thấy kỳ vọng lạm phát đang tăng lên, trong đó, kỳ vọng lạm phát dài hạn của người tiêu dùng đã tăng lên mức cao nhất kể từ đầu những năm 1990. Kết quả này đang đặt ra thách thức lớn cho Fed trong việc kiểm soát giá cả.

Điều này có thể buộc Fed phải xem xét lại kế hoạch cắt giảm lãi suất trong năm nay. Nếu kỳ vọng lạm phát tiếp tục tăng cao, Fed có thể phải duy trì chính sách tiền tệ thắt chặt lâu hơn dự kiến, gây ảnh hưởng tiêu cực đến chi tiêu tiêu dùng và tăng trưởng kinh tế nói chung.

Theo các chuyên gia, có nhiều lý do dẫn đến sự sụt giảm niềm tin trên diện rộng. Đầu tiên là các yếu tố chính trị, khi các cử tri đảng Dân chủ thường có xu hướng tâm lý bi quan, không tin tưởng vào các chính sách của chính quyền Tổng thống Donald Trump.

Tuy nhiên, một lý do khác hợp lý hơn có thể là do những thay đổi trên thị trường. Trong một bài phát biểu gần đây, Thống đốc Fed, Philip Jefferson, chỉ ra rằng những đợt tăng mạnh trên thị trường nhà đất và chứng khoán từng giúp củng cố bảng cân đối tài chính của các hộ gia đình - yếu tố quan trọng đứng sau sức mạnh tiêu dùng Mỹ.

Thế nhưng giờ đây, các nguồn tạo ra sự gia tăng tài sản này đang suy yếu. Chỉ số S&P 500 của chứng khoán Mỹ đã chao đảo suốt nhiều tuần trước khi rơi vào vùng điều chỉnh. Trong khi đó, giá bán nhà trung bình tại Mỹ cũng thấp hơn đáng kể so với mức đỉnh năm 2022, góp phần làm suy yếu sức mạnh tài chính của các hộ gia đình.

Áp lực với người tiêu dùng ngày càng gia tăng

Người tiêu dùng Mỹ cũng đang cảm nhận rõ áp lực từ chi phí sinh hoạt tăng cao, đặc biệt là chi phí nhà ở, trong khi tăng trưởng tiền lương chậm lại và nỗi lo thất nghiệp gia tăng. Điều này làm dấy lên mối quan ngại về khả năng họ có thể duy trì chi tiêu cho các mặt hàng không thiết yếu trong tương lai.

Trong một báo cáo công bố mới đây, Joe Wadford, chuyên gia kinh tế tại Viện Nghiên cứu Bank of America, nhận định rằng mặc dù chi tiêu tiêu dùng nói chung vẫn duy trì được sức bền, nhưng các áp lực tài chính đang gia tăng - đặc biệt đối với nhóm người tiêu dùng có thu nhập thấp.

Thách thức lớn nhất đối với nhiều hộ gia đình là chi phí nhà ở ngày càng đắt đỏ hơn. Theo dữ liệu của Bank of America, các khoản thanh toán tiền thuê nhà và thế chấp của nhóm khách hàng thu nhập thấp trong tháng 2 đã tăng 11% so với mức trung bình năm 2023, trong khi nhóm khách hàng có thu nhập cao hơn ghi nhận mức tăng 9%.

Trong khi các hộ gia đình có thu nhập cao hơn có thể ứng phó tốt hơn, các hộ gia đình có thu nhập thấp lại chịu tác động khá nặng nề, bởi nhà ở là khoản chi tiêu lớn nhất của họ, chiếm gần một nửa thu nhập sau thuế, tiếp theo là chi phí đi lại, thực phẩm và hóa đơn tiện ích. Điều này chỉ để lại một khoảng rất nhỏ cho các khoản chi tiêu tùy ý.

Trong khi đó, thị trường lao động - yếu tố giúp duy trì sức chi tiêu của người tiêu dùng, dù vẫn khá vững vàng, nhưng đang dần có dấu hiệu rạn nứt. Tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ đã đạt mức 4,1% trong tháng 2-2025, cao hơn so với những năm trước, trong khi kỳ vọng của người tiêu dùng về an ninh việc làm đã xấu đi.

Trong dự báo kinh tế vào tháng 3-2025, Fed đã điều chỉnh nâng tỷ lệ thất nghiệp từ 4,3% lên 4,4% trong năm 2025. Khảo sát người tiêu dùng của Đại học Michigan cũng cho thấy 66% số người được hỏi trong tháng 3-2025 dự báo ​​tình trạng thất nghiệp sẽ tồi tệ hơn trong 12 tháng tới - tỷ lệ cao nhất trong 10 năm qua.

Báo cáo của Đại học Michigan nhấn mạnh rằng “con số này cao hơn 14% so với hai tháng đầu của đại dịch Covid-19”, cho thấy nỗi lo sợ của người tiêu dùng về việc mất việc làm có thể sớm ảnh hưởng đến quyết định chi tiêu của họ.

Người tiêu dùng có thể lo ngại nhưng vẫn sẽ chi tiêu

Tuy vậy, theo Giám đốc điều hành của ngân hàng Bank of America - ông Brian Moynihan, mặc dù lo ngại về tình hình tài chính, người tiêu dùng Mỹ có thể sẽ vẫn tiếp tục chi tiêu để hỗ trợ nền kinh tế.

“Chúng ta đang ở trong một thời điểm kinh điển... khi người tiêu dùng nói rằng: “Tôi đang trở nên bi quan hơn” trong một số cuộc khảo sát”, ông Moynihan chia sẻ với CNBC. “Nhưng nếu bạn thực sự nhìn vào những gì đang diễn ra hàng ngày, họ vẫn tiếp tục chi tiêu, và nền kinh tế có thể vững vàng hơn những gì mọi người nghĩ”.

Do vậy, bất chấp các mối đe dọa về thuế quan, Bank of America vẫn kỳ vọng kinh tế Mỹ có thể tăng trưởng ổn định ở mức 2% trong năm 2025 và 2026, khi người tiêu dùng đang điều chỉnh thói quen mua sắm để thích ứng với lạm phát.

Cụ thể, theo Bank of America, trong bối cảnh giá thực phẩm tăng cao, nhiều người tiêu dùng Mỹ có xu hướng mua sắm tạp hóa thường xuyên hơn, nhưng chi tiêu ít hơn cho mỗi lần tới cửa hàng. Bằng cách này, họ có thể tập trung vào việc mua những sản phẩm có mức giá ưu đãi nhất tại các cửa hàng cụ thể. Và một xu hướng tự nhiên là các hộ gia đình cũng ngày càng dành nhiều sự ưu tiên cho các cửa hàng tạp hóa có mức giá hấp dẫn, chẳng hạn như Costco, Walmart và Target.

Một điều đáng ngạc nhiên là ngay cả khi ngân sách chi tiêu eo hẹp hơn, nhiều người tiêu dùng vẫn có kế hoạch mua sắm lớn. Khoảng 31% số người tham gia khảo sát của Bank of America cho biết có ý định đầu tư vào cải thiện nhà cửa trong ba tháng tới, tăng từ mức 27% trong năm ngoái. Khảo sát cho thấy tỷ lệ người có kế hoạch mua nhà hoặc thiết bị gia dụng mới, hoặc sinh con trong 12 tháng tới cũng tăng. Hơn 40% số người tiêu dùng được khảo sát có kế hoạch mua xe mới trong thời gian tới.

Do vậy, theo các chuyên gia, cần thận trọng hơn khi đánh giá về sức khỏe của người tiêu dùng Mỹ, ngay cả khi những dấu hiệu về sự thận trọng trong chi tiêu đang trở nên rõ ràng hơn. Trong khi nhiều gia đình Mỹ trở nên bi quan, hàng triệu người Mỹ khác đã bỏ phiếu cho Tổng thống Donald Trump có thể sẽ chi tiêu như thể nước Mỹ đang bước vào thời kỳ hoàng kim và giúp duy trì động lực cho nền kinh tế lớn nhất thế giới. Điều này sẽ khiến những dự đoán về một sự suy giảm trở nên không chính xác - điều từng xảy ra không ít lần trong quá khứ.

Nguồn: Financial Times, CNBC, Investopedia, Fortune, Finance Yahoo.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới