Thực hư thông tin Vietravel bán Vietravel Airlines
Đào Loan
(KTSG Online) - Hôm nay (11-5), nhiều người trong giới kinh doanh du lịch và hàng không chia sẻ thông tin cho rằng, Công ty cổ phần Du lịch và Tiếp thị Giao thông Vận tải Việt Nam (Vietravel) dự tính bán toàn bộ cổ phần hãng hàng không mới thành lập Vietravel Airlines vì quá khó khăn do dịch bệnh.
Người đứng đầu Vietravel, ông Nguyễn Quốc Kỳ đã trả lời KTSG Online về thông tin này.
Hành khách trên một chuyến bay của Vietravel Airlines. Ảnh: DNCC |
KTSG Online: Ông có thể giải thích thông tin về việc Vietravel đang tìm kiếm đối tác để bán lại toàn bộ vốn góp ban đầu là 700 tỉ đồng tại Vietravel Airlines?
ÔNG NGUYỄN QUỐC KỲ: Thông tin này là không đúng. Tôi khẳng định là không có chuyện bán toàn bộ vốn ở Vietravel Airlines. Chúng tôi chỉ chuyển đổi mô hình của hãng hàng không này từ Công ty TNHH một thành viên sang loại hình công ty cổ phần.
Cụ thể là như thế nào, thưa ông?
Chúng tôi (Vietravel) vừa công bố các thông tin cần thiết cho Đại hội đồng cổ đông công ty, dự kiến sẽ được tổ chức vào cuối tháng 5 này, tùy theo tình hình dịch bệnh.
Nhằm để thống nhất các nội dung quan trọng và chuẩn bị cho đại hội, Hội đồng Quản trị Vietravel đã có các báo cáo và tờ trình cho Đại hội đồng cổ đông xem xét nội dung là thực hiện cổ phần hóa Công ty TNHH MTV Vietravel Airlines (VU), hãng hàng không mà Vietravel đang sở hữu 100% vốn góp.
Dự kiến, trong cơ cấu cổ phần hóa, Vietravel vẫn giữ vai trò là cổ đông sáng lập và chi phối. Việc cổ phần hóa cũng đúng với đề án mà Vietravel đã xin phép các cơ quan chức năng khi thành lập Vietravel Airlines. Đó là, hãng hàng không này sẽ được chuyển sang hình thức doanh nghiệp cổ phần hóa từ năm thứ hai trở đi.
Hiện nay, Vietravel Airlines là Công ty TNHH một thành viên. Để chuyển đổi sang mô hình công ty cổ phần thì phải được phép của Đại hội đồng cổ đông cho nên việc chuẩn bị các bước này là bình thường, theo quy định.
Ông Nguyễn Quốc Kỳ |
Nhưng thông tin về việc Vietravel đang muốn tìm đối tác để bán lại toàn bộ vốn góp vào Vietravel Airlines được cho là có trong tờ trình của Hội đồng Quản trị Vietravel, ông có thể giải thích thêm?
Tôi khẳng định lại một lần nữa là Vietravel không có ý định bán hãng hàng không, chỉ cổ phần hóa đúng kế hoạch nhằm thực hiện các kế hoạch phát triển cho Vietravel Airlines.
Chúng tôi dự kiến sẽ trình thông qua chủ trương chuyển nhượng bớt phần vốn góp của Vietravel tại Vietravel Airlines, chính xác là cổ phần hoá Vietravel Airlines chứ không phải bán hãng hay bán 100% vốn góp.
Hiện tại, Vietravel đang nắm 100% vốn điều lệ của Vietravel Airlines là 700 tỷ đồng. Thông qua cổ phần hóa, công ty muốn tăng vốn để thực hiện các kế hoạch kinh doanh sau này.
Đồng thời, công ty cũng muốn tìm một đối tác chiến lược đồng hành trong việc quản trị, khai thác hãng bay. Kế hoạch này nhằm mục tiêu từng bước đưa Vietravel Airlines trở thành một hãng hàng không du lịch đầu tiên của Việt Nam.
Các bước đi cụ thể để thực hiện kế hoạch cổ phần hóa này sẽ được tính toán tiếp. Hiện tại, chúng tôi chỉ đang chuẩn bị xin phép chuyển đổi.
Hiện tại, tình hình kinh doanh của Vietravel Airlines như thế nào, thưa ông?
Cũng như các hãng khác, Vietravel Airlines đang gặp nhiều khó khăn vì dịch bệnh. Hiện tại, chúng tôi có 3 máy bay, mỗi ngày bay 18 chuyến đến 5 sân bay lớn ở Hà Nội, TPHCM Đà Nẵng, Phú Quốc và Đà Lạt.
Do dịch bùng phát, Vietravel Airlines đang xin Cục hàng không cho phép điều chỉnh, thu gọn lại các tuyến bay đến nơi đang có dịch, chỉ bay các tuyến hiện thời chưa phát hiện dịch bệnh.
Xin cảm ơn ông!
Vietravel Airlines được cấp Giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không vào cuối năm ngoái. Hãng có tổng vốn đầu tư 700 tỉ đồng, đủ điều kiện để thực hiện dự án khai thác vận tải hàng không trong 50 năm với các dịch vụ vận chuyển như hành khách, hàng hóa, hành lý, bưu kiện. Hãng đã thực hiện chuyến bay ra mắt đầu tiên vào ngày 26-12-2020, đến nay đã bay hàng ngày. Theo thông tin đưa ra vào tháng 1-2021, lúc Covid-19 chưa bùng phát mạnh mẽ như hiện nay, Vietravel Airlines đặt mục tiêu có 30 máy bay, khai thác cả đường bay trong nước và quốc tế. Dự kiến, đường bay quốc tế sẽ bắt đầu từ các nước ASEAN, sau đó mở rộng sang các thị trường khác như Trung Đông và vùng Đông Bắc Á. |
Mời đọc thêm: