(KTSG Online) - Đi theo sự gia tăng nhu cầu chăm sóc sức khỏe, thị trường cung ứng sản phẩm đang ngày càng phát triển, trong đó thực phẩm chức năng đang được nhiều người tiêu dùng quan tâm và sử dụng. Các chuyên gia nhận định thực phẩm chức năng vẫn sẽ là mảng kinh doanh đầy tiềm năng trong tương lai. Tuy nhiên, các nhà sản xuất - kinh doanh vẫn đối mặt nhiều khó khăn, bao gồm sự bất cập trong cơ chế quản lý, quy định sản phẩm và xây dựng lòng tin ở người tiêu dùng.
Mảnh đất màu mỡ để doanh nghiệp khai thác
Theo Informa Markets, thị trường thực phẩm chức năng ở châu Á - Thái Bình Dương có mức tăng trưởng lên đến 187 tỉ đô la Mỹ và dự kiến đạt 229 tỉ đô la Mỹ vào năm 2025, tốc độ tăng trưởng 6%. Còn tại Thái Lan, thị trường thực phẩm chức năng có mức tăng trưởng nhanh chóng là 190 tỉ đô la Mỹ vào năm 2021, dự kiến đạt 239 tỉ đô la Mỹ vào năm 2025 với tốc độ tăng trưởng 9%. Không chỉ Thái Lan mà những nước như Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Singapore… cũng được đánh giá có tiềm năng tăng trưởng cao từ ngành này.
Trao đổi với KTSG Online, ông Jason Foo, Phó chủ tịch Tập đoàn công nghiệp sữa Morinaga (Nhật Bản), cho biết chất lượng cuộc sống đang ngày càng được nâng cao, đặc biệt là sau đại dịch Covid-19, hầu như ai cũng đều quan tâm đến nhu cầu chăm sóc sức khỏe. Với ý thức chăm sóc sức khỏe ngày càng cao, nhiều người tìm đến các loại thực phẩm chức năng có khả năng bồi bổ sức khỏe, ngăn ngừa bệnh tật và nhằm giúp nâng cao tuổi thọ hơn. Đây chính là dư địa lớn để các doanh nghiệp gia nhập thị trường sản xuất các sản phẩm chăm sóc sức khoẻ, thực phẩm chức năng.
Tương tự, một đại diện của Công ty trách nhiệm hữu hạn quốc tế Grace Biotech - chuyên cung ứng thực phẩm dinh dưỡng tại Đài Loan, cho biết hiện nay, mọi người ít tập thể dục không phải vì họ không muốn mà chủ yếu là do áp lực từ công việc và lối sống hiện đại. Mọi người dành ít thời gian để tập thể dục nên họ cần tìm các cách khác để duy trì sức khỏe. Một trong những phương pháp đó là duy trì chế độ ăn uống lành mạnh, sử dụng các chất bổ sung dinh dưỡng hay còn gọi là dùng thực phẩm chức năng.
Với nhu cầu ngày càng lớn, thực phẩm chức năng hiện đang là ngành có sự tăng trưởng mạnh mẽ ở hầu hết các quốc gia trên thế giới bất chấp những khó khăn của nền kinh tế. Theo dự báo của tổ chức nghiên cứu thị trường Mordor Intelligence, quy mô thị trường thực phẩm chức năng toàn cầu dự kiến sẽ tăng từ 186,22 tỉ đô la Mỹ vào năm 2023 lên 212,85 tỉ đô la Mỹ vào năm 2028, với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) là 2.71% trong giai đoạn dự báo 2023-2028, đại diện của Công ty trách nhiệm hữu hạn quốc tế Grace Biotech cho biết.
Nói về quan niệm sai lầm của nhiều người hiện nay, ông Jason Foo, cho biết việc sử dụng các chất bổ sung dinh dưỡng không có nghĩa là dùng thuốc hoặc không phải là sử dụng những sản phẩm dược phẩm, mà là dùng các chất bổ sung nhằm giúp chậm lại quá trình xuất hiện bệnh tật. Hầu hết mọi người luôn muốn sử dụng các chất bổ sung để trở nên khỏe mạnh hơn. Tuy nhiên, thực tế mục tiêu của các chất bổ sung không phải để trở nên khỏe mạnh mà để duy trì sức khỏe hoặc làm chậm quá trình lão.
Bên cạnh đó, một số thực phẩm dinh dưỡng có nguồn gốc tự nhiên hiện không còn lành mạnh như trước vì có thể tồn tại dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, quá trình bảo quản chưa đúng… Do đó, “nhiều người lựa chọn sử dụng các sản phẩm bổ sung chất dinh dưỡng đã qua công nghệ xử lý, giúp dung nạp an toàn và đủ chất cho cơ thể. Một trong những thành phần quan trọng để làm được quá trình này là sử dụng Probiotics sau khi đã qua xử lý”, ông Jason Foo nói và cho biết theo Tổ chức Y tế giới (WHO), Probiotics là những vi sinh vật sống khi được đưa vào cơ thể một lượng đầy đủ sẽ có lợi về sức khỏe cho người sử dụng.
Ngoài việc được tìm thấy trong các loại thực phẩm như cafe, bánh mì... thì lợi khuẩn này có thể được cung cấp như một sản phẩm bổ sung dinh dưỡng ở dạng lỏng, bột hoặc viên nang. Tuy nhiên, người tiêu dùng cũng cần lưu ý các chế phẩm Probiotics thường gọi là men tiêu hoá không phải là thuốc mà được xếp vào nhóm chất bổ sung dinh dưỡng.
Nâng cao chất lượng, chuẩn hóa quy trình quản lý
Hiện nay, thị trường thực phẩm đang chứng kiến gia tăng chóng mặt của các cơ sở sản xuất thực phẩm chức năng, cũng như các loại sản phẩm. Nhận thấy thực phẩm chức năng là mảnh đất màu mỡ nên nhiều doanh nghiệp chuyên sản xuất dược phẩm cũng đã tham gia vào hoạt động sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh sản phẩm này. Tuy nhiên, theo Phó chủ tịch Tập đoàn công nghiệp sữa Morinaga, một trong những thách thức quan trọng ở các quốc gia chính là khâu quản lý và quy định trong lĩnh vực này.
Cụ thể, các quy định của một số nước có thể khiến doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc nhập khẩu những nguyên liệu cần thiết. Ngoài ra, những quy định liên quan đến chức năng của sản phẩm là một câu chuyện vô cùng phức tạp. Một số doanh nghiệp trong ngành này không thực thi đúng quy định. Cụ thể, nhiều sản phẩm có thông tin không phù hợp, quảng cáo sai sự thật, không đúng với chất lượng bản đăng ký công bố sản phẩm… Không chỉ thổi phồng công dụng, vượt quá nội dung quảng cáo đã thẩm định, hình thức vi phạm quảng cáo đang ngày càng khó kiểm soát, khiến người tiêu dùng nhầm lẫn là thuốc chữa bệnh và dễ bị hiểu nhầm khi sử dụng sản phẩm. Theo quy định của pháp luật của nhiều quốc gia, các đơn vị chỉ được quảng cáo thực phẩm chức năng theo nội dung đã được đăng ký, thẩm định và cơ quan chuyên môn cho phép, ông Jason Foo chia sẻ.
Ngược lại, đôi khi quy định của một số nước quá nghiêm ngặt, có thể cản trở sự phát triển của lĩnh vực này. Ông Jason Foo cho rằng các nước cần phải tìm một mô hình quản lý và quy định tương tự như ở Nhật Bản - nơi có nhiều loại thực phẩm chức năng và hệ thống quy định linh hoạt hơn. Điều này giúp xây dựng lòng tin của người tiêu dùng vào sản phẩm. Bởi khi nhận thức người dân tăng cao với những đòi hỏi ngày càng khắt khe hơn, thị trường thực phẩm thời gian tới sẽ thuộc về những đơn vị biết đầu tư và nâng cao chất lượng sản xuất để khẳng định chất lượng sản phẩm nội tương đương sản phẩm nhập. Vì vậy, các doanh nghiệp cần đầu tư dây chuyền sản xuất bài bản, tuân thủ các quy trình sản xuất thực phẩm chức năng an toàn.
Nói về thị trường thực phẩm chức năng của Thái Lan, ông Jason Foo đánh giá đây là một quốc gia bắt kịp nhanh xu hướng trong lĩnh vực này. Điều này chứng minh qua việc xuất khẩu đa dạng sản phẩm tại nhiều thị trường như Indonesia, Nhật Bản, các nước Đông Nam Á, cũng như trên toàn thế giới. Thái Lan thường áp dụng những đổi mới sáng tạo theo xu hướng của Nhật Bản. Chẳng hạn như khi Nhật Bản có sản phẩm mới, chỉ sau một năm, mọi người có thể nhanh chóng thấy tại Thái Lan.
“Điều này chứng tỏ Thái Lan luôn có sự đổi mới và hướng đến xuất khẩu. Tôi tin rằng nếu Việt Nam bắt đầu thay đổi và hướng đến xuất khẩu nhiều hơn, cũng sẽ phát triển vượt bậc và có tiếng tăm trên thị trường quốc tếtrong ngành này”, ông Jason Foo chia sẻ và cho rằng song song với việc nghiên cứu, sản xuất thì công tác giám sát, quản lý các doanh nghiệp sản xuất cũng cần phải được triển khai, tổ chức chặt chẽ hơn nữa nhằm tạo hướng đi đúng cho thị trường thực phẩm chức năng.
Theo Hiệp hội thực phẩm chức năng Việt Nam, nếu như năm 2000, ở Việt Nam chỉ có vài chục loại thực phẩm chức năng và chủ yếu là sản phẩm nhập khẩu, đến nay số lượng đăng ký mới hàng năm đã lên tới hàng chục nghìn sản phẩm. Tuy nhiên, thống kê của Cục An toàn Thực phẩm, năm 2020 có 48 cơ sở vi phạm về quảng cáo thực phẩm chức năng với số tiền xử phạt hành chính hơn 2,2 tỉ đồng. Năm 2021 có 28 cơ sở vi phạm với số tiền hơn 1,5 tỉ đồng và năm 2022 là 28 cơ sở với số tiền là hơn 1,2 tỉ đồng.Đặc biệt, thời gian gần đây, Cục An toàn thực phẩm liên tục phát đi cảnh báo về thực phẩm bảo vệ sức khỏe vi phạm nhưng tình trạng này vẫn tái diễn. Những vi phạm khá đa dạng từ vi phạm quy định của pháp luật về quảng cáo đến điều kiện an toàn thực phẩm, chất lượng và ghi nhãn… Số tiền phạt dao động từ vài chục đến vài trăm triệu đồng.