Thứ Năm, 17/07/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Thực thi ACFTA: cửa khó

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Thực thi ACFTA: cửa khó

Ngọc Lan

(TBKTSG) - Việt Nam là một trong bốn quốc gia ASEAN còn lại (cùng với Lào, Campuchia và Myanmar) được trì hoãn nghĩa vụ thực hiện đầy đủ Hiệp định thương mại tự do ASEAN - Trung Quốc (ACFTA) thêm năm năm nữa (đến 2015), thay vì bắt đầu thực hiện toàn diện kể từ ngày 1-1-2010 như các nước khác. Liệu điều này có giúp Việt Nam đẩy mạnh được xuất khẩu và hạn chế nhập siêu từ Trung Quốc?

“Đi đường cao tốc bằng phương tiện thô sơ”

Một chuyên gia chuyên nghiên cứu về quan hệ thương mại Việt Nam - Trung Quốc đã dùng hình ảnh như vậy khi nói về việc Việt Nam đang và sẽ làm gì với tư cách là thành viên ASEAN, thực thi ACFTA với Trung Quốc.

Theo báo cáo mới nhất của Bộ Công Thương, kể từ năm 2004 đến nay Trung Quốc trở thành nước chiếm vị trí số 1 trong các quốc gia xuất khẩu vào Việt Nam (chiếm tới 19,3% thị phần nhập khẩu của Việt Nam, tính ra bằng 1,38% tổng kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc). Xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc chỉ chiếm khoảng 7,2% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam (tính ra chiếm chưa đầy 0,4% tổng kim ngạch nhập khẩu của Trung Quốc).

Tóm lại, buôn bán với Trung Quốc chiếm khoảng 14,07% tổng kim ngạch ngoại thương của Việt Nam nhưng Việt Nam chỉ chiếm 0,78% tổng kim ngạch ngoại thương của đất nước đông dân nhất thế giới.

Đó là sự mất cân đối lớn trong cán cân thương mại. Tổng cục Thống kê còn công bố năm 2009 Việt Nam nhập siêu  từ Trung Quốc tới 16,1 tỉ đô la (tăng 2,8% so với năm 2008). Mức nhập siêu từ thị trường này còn cao hơn mức nhập siêu hàng hóa cả nước cộng lại trong năm qua, là 12,2 tỉ đô la.

Kể từ khi những bước đi đầu tiên của ACFTA được khởi động, từ năm 2004, nhập siêu giữa Việt Nam và Trung Quốc ngày một tăng. Một phần của tình trạng này là do các cơ quan quản lý, đàm phán về hiệp định đã thiếu chuẩn bị, phổ biến đầy đủ về ACFTA cho các doanh nghiệp Việt Nam trong  các năm qua.

Do vậy, số lượng doanh nghiệp tận dụng được cơ hội mà ACFTA mang lại để đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường này còn rất ít vì họ phải đáp ứng điều kiện được cấp giấy chứng nhận xuất xứ ACFTA (có nguồn gốc từ Việt Nam, kê khai từ nơi nuôi trồng, đến các điều kiện kiểm dịch, sản xuất... theo C/O mẫu E) để đủ tiêu chuẩn miễn giảm thuế.

Nhưng các doanh nghiệp và hộ kinh doanh ở nước ta còn rất lúng túng với việc tiếp cận các điều kiện này. Ví dụ cùng là trái cây xuất khẩu, nhưng Thái Lan và Đài Loan đã và đang chiếm thị phần của trái cây Việt Nam, mà trong số các lý do là nhờ việc tận dụng ưu thế ACFTA  tốt hơn.

Giảm nhập siêu: chuyện ở thì tương lai

Trên thực tế, việc được hay mất từ ACFTA là tùy thuộc vào khả năng thâm nhập thị trường của từng nước và từng nhà sản xuất.

Hiệp định này sẽ không đột ngột làm thay đổi cán cân thương mại Việt Nam - Trung Quốc hay Việt Nam - ASEAN, bởi sự tác động gián tiếp và dài hạn của nó, lại đặt trong mối tương quan với các hiệp định có liên quan khác.

Song, nếu không có sự chuẩn bị chu đáo hơn, Việt Nam sẽ gặp khó khăn và thách thức lớn. Không đơn thuần là việc Trung Quốc có thừa điều kiện tận dụng tốt ACFTA để gia tăng việc xuất khẩu qua Việt Nam, nới rộng nhập siêu.

Các quốc gia ASEAN 6 (trừ ba nước Đông Dương và Myanmar)  cũng sẽ nhanh chóng tận dụng hiệp định, do có quan hệ khá ngang hàng với Trung Quốc, để xuất nhập khẩu chủ yếu là hàng công nghiệp. Như vậy, cơ hội xuất khẩu của Việt Nam càng bị đẩy xa thị trường hơn.

Trong xuất khẩu, cơ cấu hàng xuất của Việt Nam phần lớn là tương đồng với hàng Trung Quốc, trong khi đó chất lượng lại không bằng và giá thành cao do quy mô sản xuất nhỏ nên khó cạnh tranh với hàng Trung Quốc và hàng hóa nước khác ngay tại thị trường Trung Quốc.

Ngoài ra, giá xuất hàng sang Trung Quốc cũng thấp hơn nhiều thị trường khác nên các doanh nghiệp Việt Nam cũng nghiêng về các thị trường châu Âu hay châu Mỹ hơn.

Bên cạnh đó, nhóm hàng nguyên liệu như dầu thô, than đá, cao su, là nhóm các mặt hàng chủ lực xuất sang Trung Quốc (55% tổng kim ngạch), theo nhận định của Bộ Công Thương đã giảm đáng kể do yêu cầu hạn chế xuất thô của Chính phủ và tài nguyên không còn dồi dào như trước.

Ngược lại, Trung Quốc đang đứng trước những cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu với giá rẻ hơn nhờ miễn giảm thuế theo ACFTA, trong đó Việt Nam luôn là thị trường tiêu thụ tốt. Trong nhóm các mặt hàng nhập khẩu cần thiết để phục vụ cho sản xuất, hàng Trung Quốc chiếm tới 67,08% và việc giảm tỷ lệ này là ít khả thi.

Đó là chưa kể đến việc Trung Quốc hiện là nhà thầu nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam (Bộ Công Thương tính riêng năm 2008, họ ký được hơn 1.600 hợp đồng, trị giá khoảng hơn 3 tỉ đô la Mỹ). Do vậy, việc nhập khẩu thiết bị toàn bộ từ Trung Quốc là khó tránh.

Cũng có một lý do khác để giải thích chuyện nhập siêu là do ít có các tập đoàn đa quốc gia lớn đặt “cứ điểm” sản xuất ở Việt Nam để bán hàng cho khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Theo phân tích của vị chuyên gia nêu ở đầu bài, đây chính là điểm khác biệt giữa Việt Nam với các quốc gia ASEAN 6.

Trong khi, tỷ trọng xuất khẩu các mặt hàng như linh kiện điện tử, máy móc, thiết bị điện hay cơ khí của Philippines vào Trung Quốc là 88,7%, của Malaysia là 70% hay của Thái Lan là 52,5% thì Việt Nam chỉ có 8,7%. Do vậy, nhập siêu cứ ngày một lớn và ACFTA không phải là lời giải cho bài toán giảm nhập siêu với đối tác láng giềng này.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới