Chủ Nhật, 26/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Thực thi EUDR: Cần thêm ‘trợ lực’ cho nông hộ tuân thủ

Trung Chánh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – “Dòng chảy” hàng hoá bị ngăn cản bởi Luật chống phá rừng của Liên minh châu Âu (EUDR- EU Deforestation Regulation) được chuyên gia cảnh báo có khả năng làm bùng nổ sản lượng cà phê toàn cầu, bao gồm Việt Nam. Trong khi đó, để tuân thủ quy định mới của EU, doanh nghiệp kiến nghị nhà nước phải có hỗ trợ, nhất là với nông hộ…

Cảnh báo bùng nổ sản lượng cà phê từ quy định của EUDR. Ảnh: TL

EUDR được thông qua cuối năm 2022 và ban đầu dự kiến có hiệu lực vào cuối năm nay. Tuy nhiên, Hội đồng châu Âu (EUCO) đã thống nhất lùi thời gian thực hiện thêm một năm như đề xuất của Uỷ ban châu Âu (EC), tức áp dụng từ 30-12-2025 đối với doanh nghiệp lớn, trong khi doanh nghiệp nhỏ thực thi muộn hơn 6 tháng.

Quyết định lùi áp dụng được đưa ra sau khi một số quốc gia xuất khẩu nông nghiệp lớn trên thế giới lo ngại EUDR gây ra những tác động tiêu cực đến tình hình xuất khẩu.

Đối với Việt Nam, quy định của EU dự kiến có tác động đối với một số sản phẩm như cà phê, ca cao, gỗ, cao su… xuất xứ từ vùng trồng có rừng bị tàn phá/làm suy thoái rừng sau ngày 31-12-2020. Tuy nhiên, trong phạm vi bài viết này, chúng tôi đề cập những tác động của EUDR và việc thực thi để tuân thủ ở ngành hàng cà phê- ngành hàng có khoảng 40% tổng sản lượng xuất khẩu sang EU.

Cảnh báo bùng nổ sản lượng cà phê

Khi EU đưa ra rào cản mới, logic thông thường sẽ tác động tiêu cực đến khả năng phát triển ở ngành hàng có xuất khẩu lớn vào thị trường này. Tuy nhiên, với trường hợp của ngành cà phê, rào cản EUDR được cảnh báo có tác động làm “bùng nổ” diện tích, sản lượng ngành cà phê thế giới, trong đó, có Việt Nam. Đâu là nguyên nhân dẫn đến tình trạng này?

Trao đổi với KTSG Online, chuyên gia Nguyễn Quang Bình cho rằng, EUDR đã ngăn “dòng chảy” hàng hoá, nhất là cà phê sang châu Âu, trong khi đây là thị trường tiêu thụ Robusta (cà phê vối) Việt Nam rất lớn.

Việc lưu thông hàng hoá bị ngăn lại dẫn đến tình trạng đầu cơ, bao gồm cả những quỹ tài chính trên sàn và bên sản xuất là Việt Nam (có thể nông dân và cũng có thể không phải là nông dân) đầu cơ nâng giá. “Đây là lý do mà giá cà phê trên sàn London có thời điểm lên mức cao kỷ lục chưa từng thấy (có lúc lên mức gần 5.500 đô la Mỹ/tấn)”, ông Bình nói.

Tuy nhiên, khi thông tin EUDR hoãn áp dụng 1 năm đối với doanh nghiệp lớn và 1,5 năm đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa, lập tức khiến lượng luân chuyển hàng hóa bùng nổ trở lại. Điều này, khiến giá cà phê giảm 1.000 đô la Mỹ/tấn chỉ trong thời gian ngắn. Đây là vấn đề đã được dự báo, thậm chí từ thời điểm EUDR chưa hoãn thời điểm thi hành.

Tuy nhiên, vấn đề nêu trên đã dẫn đến một hệ luỵ, đó là các nước sản xuất tăng diện tích và sản lượng, tức khoảng 3 năm tới, sau giai đoạn kiến thiết sẽ có đợt bùng nổ về sản lượng do giá tăng cao thời gian qua đã kích thích các nước lao vào cây cà phê. Ở vùng châu Phi, một số nước sản xuất cà phê mít (cà phê Liberica có nguồn gốc ở Liberia, Tây Phi) đã lên kế hoạch trồng vài chục ngàn héc ta.

Khi cà phê “bùng nổ” sản lượng, câu chuyện thị trường từ chỗ nằm trong tay người bán trong khoảng hai năm qua sẽ nhanh chóng chuyển sang tay người mua, tức người mua sẽ quyết định giá.

Từ những vấn đề nêu trên, ông Bình cảnh báo, nếu địa phương/nông dân nào có ý định trồng thêm cà phê, thì nên dừng lại để chuyển sang một loại cây/con khác. Bởi lẽ, khi thế giới bùng nổ, nếu Việt Nam vẫn lao vào thì tương lai sẽ rất khó khăn. “Vấn đề quan trọng hiện nay là tìm thị trường, bảo vệ thị trường bằng uy tín, chất lượng sản phẩm”, ông Bình nhấn mạnh và tái cảnh báo, sản lượng ở Việt Nam đã nhiều nên cân nhắc giảm.

Cần “trợ lực” để nông hộ tuân thủ

Trong khi đó, EUDR được lùi thời hạn áp dụng có nghĩa các nước, bao gồm Việt Nam sẽ có thêm thời gian để tuân thủ quy định. Do đó, đối với các sản phẩm xuất khẩu lớn vào thị trường này, bao gồm cà phê, gỗ, cao su… sẽ có hai lựa chọn hoặc là tuân thủ để tiếp tục xuất khẩu hoặc là từ bỏ thị trường.

Trao đổi với KTSG Online, ông Trịnh Đức Minh, Chủ tịch Hiệp hội cà phê Buôn Ma Thuột cho rằng, sản phẩm muốn xuất khẩu vào EU phải chứng minh không phá rừng/không làm suy thoái rừng thông qua bản đồ rừng, bản đồ cà phê, lô thửa/thông tin từng lô thửa vùng trồng của nông hộ/trang trại. “Những quy định đó phải chứng minh hết sức vất vả, tốn nhiều công sức nên phía EU mới lùi lại một năm”, ông cho biết.

Theo chủ tịch Hiệp hội cà phê Buôn Ma Thuột, từ năm ngoái đến nay, đã và đang đẩy mạnh triển khai trên thực địa, nhưng không thể nhanh được. Bởi, thứ nhất, phải xem xét tình trạng bản đồ rừng, bản đồ vùng trồng cho chính xác và phải được EU thừa nhận là đúng; thứ hai, phải điều tra/thống kê thông tin các trạng trại/nông hộ. “Tôi nghĩ, hiện chỉ 20-30% trên tổng diện tích đáp ứng quy định thôi”, ông Minh ước đoán và thông tin, hiện doanh nghiệp đang tự bỏ kinh phí để thực thi là chính.

Trao đổi với KTSG Online, ông Nguyễn Anh Dũng, Phó tổng giám đốc Công ty TNHH Dakman Việt Nam tuy không tiết lộ con số cụ thể về diện tích, nhưng thông tin có khoảng 40-50% trong tổng diện tích vùng trồng của đơn vị này đã đáp ứng quy định EUDR.

Để tuân thủ quy định, doanh nghiệp tốn khá nhiều chi phí, bao gồm mở rộng diện tích, đào tạo nông dân, tài liệu, mời giảng viên và hoạt động khác của doanh nghiệp trong tuân thủ quy định. “Tất cả doanh nghiệp phải tự túc hết”, ông Dũng nói.

Theo ông, với những vùng trồng từ ngày 31-12-2020 trở về trước mặc nhiên được chấp nhận vì quy định EUDR chỉ xem xét từ sau năm 2020 đến nay. “Vùng trồng có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, tức đã xác định đất nông nghiệp, không phải đất rừng nên có thuận lợi. Tuy nhiên, với đất chưa có giấy thì phải chứng minh”, ông cho biết.

Ông Minh của Hiệp hội cà phê Buôn Ma Thuột cho biết, khó khăn hiện nay là với nông hộ vì không có nguồn lực hỗ trợ. “Lực lượng nào đi lấy thông tin lô thửa, đáp ứng quy định của EU? Mua hệ thống bản đồ, thì ai mua, ai trả tiền?”, ông đặt câu hỏi và gợi ý, nhà nước hoặc một tổ chức nào đó cần đứng ra tài trợ cho thành phần nông hộ nhỏ lẻ này.

Đồng quan điểm, ông Dũng của Dakman Việt Nam cũng đề xuất, cần có sự hỗ trợ về mặt tài chính/nhân lực từ phía nhà nước, nhất là với các nông hộ trong tuân thủ quy định EUDR. “Đúng ra để triển khai việc này cần có 4 nhà, gồm nhà nước, nhà nông, doanh nghiệp và nhà khoa học. Hiện nhà nước chỉ mới tổ chức họp, chưa hỗ trợ về mặt chi phí", ông Dũng cho hay.

Trong khi đó, chuyên gia Nguyễn Quang Bình nhận định, đa phần diện tích ngành cà phê Việt Nam không liên quan phá rừng/không làm suy thoái rừng là điều có thể khẳng định. Thế nhưng, vấn đề của Việt Nam là phải chứng minh điều đó. “Nếu có xảy ra, thì cũng chỉ một lượng cà phê rất ít được trồng bên dưới tán rừng thôi, chứ không khai thác để trồng. Đó là điều có thể khẳng định”, ông nhấn mạnh.

Dĩ nhiên, với trường hợp xảy ra (nếu có), thì cần phải loại bỏ, không được phép xuất vào EU, tức có thể tiêu thụ ở thị trường khác không có quy định như EU.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới