Thứ tư, 1/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Thực trạng xăng dầu: Không thiếu ‘máu’ nhưng vẫn có thể bị ‘hoại tử’!

Song Nghi

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Bài học còn nóng hổi từ hệ thống phân phối trong mùa dịch Covid-19 năm ngoái tại TPHCM đang lặp lại với mạng lưới phân phối xăng dầu. Bất kể việc Bộ Công Thương khẳng định “không thiếu xăng dầu” trên báo cáo thì ngoài đời thực, từ một hai tuần qua ngư dân không mua được dầu diesel để ra khơi dù đang mùa ngư trường đầy cá, trong khi nông dân không có xăng dầu chạy máy gặt dù lúa đang chín rộ cần sớm thu hoạch.

Thực tế này hoàn toàn trái ngược với lời Bộ trưởng Bộ Công Thương  được báo Lao Động ngày 31-8 trích dẫn trong cuộc họp với Quản lý thị trường hôm 26-8. Tại cuộc họp này, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên khẳng định: “Chúng ta khẳng định với chỉ đạo, điều hành, lượng dự trữ xăng dầu, khả năng cung ứng, nguồn cung từ xăng dầu trong nước từ Nhà máy Bỉm Sơn và Nghi Sơn thì chúng ta khẳng định, đến thời điểm này và từ nay cho đến hết năm không bao giờ thiếu nguồn cung(1).

Đúng là nguồn cung thì không thiếu nhưng vấn đề lại nằm ở chỗ hệ thống phân phối. Nói một cách nôm na, mọi loại hàng hoá - trong đó có xăng dầu - đều phải đi qua hệ thống phân phối từ lớn đến nhỏ như máu trong cơ thể đi qua các mạch máu lớn và vừa rồi đến các mao mạch nhỏ.

Cơ thể có thể không thiếu máu nhưng nếu các mao mạch nhỏ nhất ở đâu đó bị tắc nghẽn thì phần cơ thể đó sẽ bị hoại tử vì máu không đến được.

Mùa dịch Covid-19 năm 2021, trước khi bước vào đợt phong toả căng thẳng nhất, ngành công thương TPHCM đã trấn an người dân rằng lượng thực phẩm, rau quả đưa từ các tỉnh về TPHCM vẫn đủ. Thế nhưng sau đó, ở nhiều khu vực tình trạng thiếu thực phẩm vẫn xảy ra. Lý do rất dễ hiểu: lượng thịt cá, rau quả về đến TPHCM tuy đủ nhưng không có hệ thống phân phối đưa đến tận tay người dân, tương tự như các mao mạch bị tắc nghẽn.

Thị trường xăng dầu cũng đang có hiện tượng như vậy. Trong khi các kho dự trữ xăng dầu vẫn đủ thì ngư dân đang không thể mua dầu trong nhiều ngày qua. Như vậy, vấn đề hệ thống phân phối đến người dùng cuối đang có chỗ tắc nghẽn.

Một khi các nhà bán lẻ không tìm được nguồn cung thì khách hàng của họ - người dùng cuối - sẽ lãnh đủ hậu quả. Cảnh ngư dân phải chạy khắp nơi tìm mua từng can dầu lẻ diễn ra khắp nhiều tỉnh ven biển.

Có thể dẫn chứng trường hợp tại tỉnh Sóc Trăng như một minh chứng điển hình. Kết quả kiểm tra trực tiếp ngày 29-8 của Cục Quản lý thị trường tỉnh Sóc Trăng cho thấy, có đến 100/450 cửa hàng xăng dầu toàn tỉnh này chỉ nhận được lượng hàng nhỏ giọt từ doanh nghiệp đầu mối. Có cửa hàng không nhận được xăng, dầu từ đầu mối trong ba ngày liên tiếp. Có doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu cho biết trước đây mỗi tháng bán hơn 1 triệu lít thì tháng 8 chỉ nhận được khoảng 700.000 lít(2).

Trên suốt một dải bờ biển tỉnh Bình Thuận, tàu cá nằm chết dí tại các cảng cá Phan Thiết, Tuy Phong, La Gi, Phú Hải. Ngư dân ở đây cho biết, đang vào cao điểm vụ Nam nên sản lượng đánh bắt rất cao. Một chuyến đi biển mỗi tàu cá cần vài ngàn lít dầu nhưng không nơi nào bán. Có hôm cây xăng trong cảng cá Phan Thiết có về được… 1.000 lít, ngư dân tranh nhau mua nhưng không thấm vào đâu. Cục Quản lý thị trường tỉnh Bình Thuận cho biết, qua kiểm tra nhanh, chưa phát hiện cửa hàng xăng dầu nào có hiện tượng găm hàng, chủ yếu là do nguồn cung bị gián đoạn(3).

Tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu tình trạng khan hiếm dầu cũng đã diễn ra khoảng một tuần nay. Một ngư dân có đội tàu 5 chiếc cho biết, với một chuyến đi biển 20 ngày mỗi tàu cần 2.500 lít dầu. Hiện tại, mỗi tàu của ngư dân này chỉ mua được 400 lít dầu để ra khơi và có một tàu còn không thể mua được dầu phải nằm bờ(4).

Thời tiết thuận lợi, nhu cầu ra khơi đánh bắt của ngư dân đang rất lớn nhưng họ đang bất lực nhìn cảnh tàu cá của mình phải nằm bờ vì không mua được dầu diesel. Vậy mà trong hàng tuần qua, ngư dân phải chôn chân trên bờ trong mùa đánh bắt chỉ vì không thể mua được dầu thì còn gì cay đắng hơn?

Không chỉ ngư dân trên biển mà nông dân trên bờ cũng lao đao với tình trạng thiếu dầu. Tại TP Cần Thơ và nhiều tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, nông dân không thuê được máy gặt trong khi lúa đã chín rộ vì các thương nhân cung cấp dịch vụ gặt thuê cũng không mua được dầu diesel chạy máy. Thậm chí, nông dân đi mua dầu để chạy máy bơm nước cho lúa cũng hết sức cực khổ, có người cần mua 10 lít nhưng chỉ được bán 5 lít.

Dù nguồn xăng dầu không thiếu nhưng thực trạng được báo chí và cơ quan chức năng ghi nhận cho thấy, xăng dầu đang thiếu trầm trọng tại một số khu vực vì hệ thống cung ứng cho các cửa hàng bán lẻ bị cắt đứt đột ngột.

Thực trạng này đã được các đại lý bán lẻ xăng dầu báo động từ rất sớm ngay từ khi Bộ Công Thương công bố có 7 doanh nghiệp đầu mối xuất, nhập khẩu xăng dầu bị rút giấy phép hoạt động hồi đầu tháng 8 vừa qua. Khi đó, khả năng thiếu nguồn cung xăng dầu đã được các đại lý bán lẻ nêu ra. Một số đại lý chỉ ký hợp đồng với các doanh nghiệp bị rút giấy phép nên không có nguồn cung ứng thay thế.

Lẽ ra, trước khi rút giấy phép thì Bộ Công Thương phải nắm được 7 doanh nghiệp này đang cung ứng bao nhiêu xăng dầu cho bao nhiêu đại lý. Sau đó bộ phải thông báo cho các đại lý có liên quan đồng thời bảo đảm thay thế nguồn cung tương ứng cho đại lý. Việc rút giấy phép như vậy đồng nghĩa cắt ngang nguồn cung xăng dầu cho một loạt đại lý bán lẻ mà họ lại không được hỗ trợ tìm nguồn cung ứng thay thế.

Chưa hết, việc rút giấy phép diễn ra trong tháng 7, nhưng đến tuần đầu tháng 8, Bộ Công Thương mới đăng tải thông tin trên website khiến các đại lý bán lẻ có liên quan đến 7 doanh nghiệp bị rút giấy phép rơi vào thế bị động khi tìm nguồn cung bổ sung.

Thậm chí việc không thông báo của Bộ Công Thương còn khiến các đại lý bán lẻ bị đẩy vào tình trạng làm sai luật, vì theo Nghị định 95/2021/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu, họ đang vi phạm quy định ký hợp đồng với một nhà cung cấp không có giấy phép. Cũng theo Nghị định 95 này thì doanh nghiệp xăng dầu bị đẩy vào thế kẹt và bị quy là làm sai luật bất kể thực trạng xăng dầu thì không có, bán thì lỗ, mà đóng cửa thì có thể bị phạt.

Chính vì vậy, trong kiến nghị gửi Bộ Công Thương mới đây, Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam cũng chỉ ra bất cập của Nghị định 95, khi kỳ điều hành kéo dài và giá bán trong nước có độ trễ nhất định sẽ gây khó cho thương nhân trong đảm bảo nguồn, đặc biệt là gây tâm lý găm hàng, đầu cơ, bất ổn cho thị trường.

Về lâu dài, để giải quyết tận gốc các bất ổn của thị trường xăng dầu, Bộ Công Thương cần thẳng thắn nhận diện những quy định nào của Nghị định 95 không còn phù hợp và đưa ra phương án sửa đổi.

Có như vậy thì thị trường xăng dầu mới hết chệch choạc, tình trạng "cơ thể" thị trường xăng dầu không thiếu máu nhưng một số bộ phận vẫn có thể bị hoại tử vì các "mao mạch" dẫn đến đại lý bị tắc nghẽn mới chấm dứt.

------------

(1) https://laodong.vn/su-kien-binh-luan/xang-dau-thieu-la-thieu-chu-khong-the-bao-cao-thi-khong-thieu-1087306.ldo

(2) https://dantri.com.vn/kinh-doanh/chu-cay-xang-o-soc-trang-than-kho-mua-hang-tu-dau-moi-20220829220829732.htm

(3) https://tienphong.vn/treo-tau-ca-vi-thieu-dau-post1466017.tpo

(4) https://bnews.vn/khan-hiem-dau-diesel-loat-tau-ca-nam-bo-giua-mua-troi-em-bien-lang/256749.html

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới