Thứ bảy, 10/05/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Thuế quan của Mỹ thúc đẩy các nước đa dạng hóa thương mại

Song Thanh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

A.I

(KTSG) - Đối mặt với các mức thuế cao của chính quyền Tổng thống Donald Trump, Trung Quốc, Liên minh châu Âu (EU) và nhiều nền kinh tế khác đang chạy đua tìm kiếm các đối tác thương mại mới để giảm thiểu rủi ro từ sự phụ thuộc vào thị trường Mỹ.

Trung Quốc tìm cách đa dạng hóa thương mại

Trung Quốc là nền kinh tế có động lực lớn hơn cả sau khi các hàng hóa sản xuất tại nước này bị Mỹ áp mức thuế quan đáng kinh ngạc là 145%. Hy vọng về một thỏa thuận giảm căng thẳng đã nhanh chóng tan biến khi Bắc Kinh đáp trả bằng mức thuế 125% lên hàng hóa Mỹ và áp đặt các hạn chế rộng rãi đối với doanh nghiệp Mỹ.

Chuyên gia Julian Evans-Pritchard của Capital Economics cảnh báo, nếu các mức thuế quan này không giảm, lượng hàng xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ sẽ giảm tới 80% trong hai năm tới. Cũng theo Capital Economics, tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc có thể giảm tới 1,5%.

Căng thẳng thương mại với Mỹ cũng là lý do khiến Goldman Sachs hạ dự báo tăng trưởng GDP của Trung Quốc xuống còn 4% trong năm 2025 và 3,5% trong năm 2026, thấp hơn 0,5 điểm phần trăm so với các dự báo trước đó. Các chuyên gia ước tính, sẽ có tới 16 triệu việc làm liên quan trực tiếp đến hoạt động xuất khẩu sang Mỹ đối mặt với nguy cơ bị cắt giảm.

“Việc nối lại các cuộc đối thoại kinh tế giữa Trung Quốc với Nhật Bản (lần đầu tiên sau sáu năm) và Hàn Quốc cho thấy các cường quốc khu vực đang đánh giá lại mối quan hệ để ứng phó với sự bất ổn từ Mỹ . Sau nhiều năm căng thẳng, đây có thể là dấu hiệu của một sự chuyển hướng chiến lược”.

Trên thực tế, những tác động đầu tiên đã bắt đầu xuất hiện trong tháng 4-2025 khi chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) của lĩnh vực sản xuất Trung Quốc giảm xuống mức 49 - mức thấp nhất kể từ tháng 12-2023, phản ánh hoạt động của các nhà máy đã bị thu hẹp đáng kể. Chỉ số thành phần đơn hàng xuất khẩu mới cũng giảm xuống 44,7 - mức thấp nhất kể từ năm 2022, khi thuế quan ảnh hưởng lớn đến nhu cầu đối với hàng hóa Trung Quốc.

Để ứng phó với sự suy giảm xuất khẩu, giới chức Trung Quốc đã cam kết thúc đẩy tiêu thụ các sản phẩm xuất khẩu ở thị trường nội địa. Tuy nhiên, sự chuyển hướng này là không hề dễ dàng bởi nhiều mặt hàng của Trung Quốc được sản xuất dành riêng cho thị trường Mỹ. Do vậy, Bắc Kinh sẽ cần xem xét lại chiến lược xuất khẩu để ưu tiên các đối tác thương mại toàn cầu khác.

Hồi tháng trước, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã cam kết tăng cường “hợp tác toàn diện” với các nước láng giềng của Trung Quốc, cũng như đã kêu gọi EU hợp tác với Bắc Kinh để chống lại “sự bắt nạt đơn phương” từ Washington.

Bà Diana Choyleva, nhà sáng lập và chuyên gia Kinh tế trưởng tại Enodo Economics, một tổ chức nghiên cứu về Trung Quốc có trụ sở tại London, tin rằng Bắc Kinh sẽ tìm cách thúc đẩy xuất khẩu với các nước láng giềng trong khu vực, bao gồm cả một số nước mà họ từng có quan hệ căng thẳng trong lịch sử.

“Việc nối lại các cuộc đối thoại kinh tế giữa Trung Quốc với Nhật Bản (lần đầu tiên sau sáu năm) và Hàn Quốc cho thấy các cường quốc khu vực đang đánh giá lại mối quan hệ để ứng phó với sự bất ổn từ Mỹ”, bà Choyleva nói. “Sau nhiều năm căng thẳng, đây có thể là dấu hiệu của một sự chuyển hướng chiến lược”.

EU sẽ gặp khó khăn trong việc thay thế việc xuất khẩu hàng hóa xuyên Đại Tây Dương bằng các thị trường khác vì nền kinh tế Mỹ vừa “lớn hơn vừa giàu có hơn”.

Với Đông Nam Á, Chủ tịch Tập Cận Bình đã có các chuyến thăm để củng cố quan hệ thương mại. Theo dữ liệu từ Chính phủ Trung Quốc, trong năm 2023, tổng khối lượng thương mại giữa nước này và ASEAN đạt khoảng 872 tỉ đô la. Con số này dự kiến sẽ tiếp tục tăng khi các công ty Trung Quốc bị đóng băng khỏi thị trường Mỹ.

“Các nhà sản xuất Trung Quốc sẽ tìm kiếm những cơ hội nhỏ hơn ở Đông Nam Á, nơi mà trước đây họ có thể không dành nhiều thời gian, công sức và tiền bạc để nghiên cứu vì họ đã có một thị trường Mỹ hấp dẫn hút hết mọi thứ họ sản xuất”, chuyên gia thương mại Deborah Elms tại Hinrich Foundation nhận định.

Châu Âu cũng cần giảm thiểu phụ thuộc vào thị trường Mỹ

Với EU, mức thuế quan đối ứng 20% đã tạm thời được hoãn trong 90 ngày. Tuy nhiên, trong khi tìm kiếm những giải pháp đàm phán với Mỹ, giới chức EU cũng cho biết họ dự định tiếp cận các quốc gia ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương và Nam Bán cầu nhằm giảm thiểu rủi ro cho nền kinh tế.

“Châu Âu sẽ tiếp tục tập trung vào việc đa dạng hóa các quan hệ đối tác thương mại của mình, hợp tác với các quốc gia chiếm 87% thương mại toàn cầu”, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen cho biết, đồng thời nói thêm rằng EU cũng sẽ xóa bỏ các rào cản và củng cố thị trường chung của riêng mình.

Trong chuyến thăm Việt Nam hồi tháng trước, Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez nhấn mạnh rằng châu Âu cần khám phá các thị trường mới và cho biết chính phủ của ông “cam kết mạnh mẽ” với việc mở cửa nền kinh tế Tây Ban Nha cũng như châu Âu để tăng cường thương mại với Đông Nam Á.

Mới đây nhất, EU đang xem xét hợp tác chiến lược với khối Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Một quan chức châu Âu xác nhận hai bên đang bước vào giai đoạn “xem xét nghiêm túc khả năng hợp tác có cấu trúc”, dù hiện vẫn còn ở giai đoạn rất sớm. Nếu sự hợp tác trở thành hiện thực, mối liên kết này sẽ bao phủ khoảng 30% GDP toàn cầu, và phát đi thông điệp rằng phần lớn thế giới vẫn ủng hộ trật tự thương mại dựa trên luật lệ, vốn đang bị thách thức bởi chính sách thuế quan của Mỹ.

Tuy nhiên, ông Varg Folkman, nhà phân tích chính sách tại Trung tâm Chính sách châu Âu (EPC), cảnh báo rằng EU sẽ gặp khó khăn trong việc thay thế việc xuất khẩu hàng hóa xuyên Đại Tây Dương bằng các thị trường khác vì nền kinh tế Mỹ vừa “lớn hơn vừa giàu có hơn”.

Ông Folkman cũng lưu ý rằng có “một sự phản kháng lớn” giữa các thành viên EU đối với các thỏa thuận thương mại mới, đặc biệt là sự dè dặt của Pháp trong việc mở cửa ngành nông nghiệp cho Brazil và Argentina trong thỏa thuận thương mại giữa EU và Khối Thị trường chung Nam Mỹ (Mercosur). Thỏa thuận này đã mất tới 25 năm để đàm phán và hiện vẫn chưa được phê chuẩn.

Một kịch bản đang được nhiều người nhắc tới là EU và Trung Quốc - những nền kinh tế mới đây còn đối đầu gay gắt, giờ có thể xích lại gần nhau hơn để thúc đẩy thương mại song phương. Giới chức hai bên gần đây đã thảo luận về việc khởi động lại các cuộc đàm phán thương mại cũng như giải quyết những bất đồng về xe điện.

Thế nhưng, các nhà kinh tế và nhà hoạch định chính sách cũng lo ngại rằng châu Âu có thể gặp khó khăn khi phải đối mặt đồng thời với mức thuế cao hơn từ Mỹ và sự cạnh tranh thương mại mới từ Trung Quốc - nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), một tổ chức có trụ sở tại Washington, nhận định thuế quan của Mỹ đối với Trung Quốc “có thể tạo ra sự chuyển hướng hàng xuất khẩu từ Trung Quốc sang EU, điều này sẽ gây thêm áp lực lên các nhà sản xuất châu Âu và có thể dẫn tới lời kêu gọi phản ứng bảo hộ từ Brussels”.

Theo ông Jörg Wuttke, cựu lãnh đạo Tập đoàn công nghiệp Đức BASF tại Trung Quốc, nguy cơ về một “cơn sóng thần dư thừa năng lực sản xuất” từ Trung Quốc hướng tới châu Âu.

Châu Á: Chủ động tìm kiếm các đối tác mới

Tại châu Á, Ấn Độ hiện đang là một trong những nền kinh tế tích cực trong việc thúc đẩy các hiệp định thương mại để bảo vệ nền kinh tế trước áp lực thuế quan Mỹ. Nước này và Vương quốc Anh đã khởi động lại các cuộc đàm phán thương mại tự do, sau gần một năm bị trì hoãn, và đạt được nhiều tiến triển đáng kể.

Cùng lúc đó, Ấn Độ cũng đang đẩy nhanh các nỗ lực đàm phán với EU và New Zealand.

Các quốc gia trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) cũng được khuyến cáo thúc đẩy đa dạng hóa thương mại trong bối cảnh thuế quan ảnh hưởng đến triển vọng tăng trưởng, và xu hướng “bán tháo đô la” khiến các đồng tiền khu vực tăng giá, làm giảm sức cạnh tranh xuất khẩu. Chủ tịch Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) Masato Kanda nhấn mạnh, việc đa dạng hóa ngành nghề, đối tác thương mại sẽ là giải pháp quan trọng giúp các nước tăng sức chống chịu trước các cú sốc bên ngoài.

Theo bà Maria Monica Wihardja, chuyên gia kinh tế và nghiên cứu viên thỉnh giảng tại Viện ISEAS-Yusof Ishak ở Singapore, bên cạnh việc cân bằng quan hệ thương mại với Mỹ và Trung Quốc, các nước ASEAN nên mở rộng sang các thị trường ở Nam Bán cầu, như Ấn Độ, Nam Phi và Trung Đông, cũng như EU để thúc đẩy thương mại.

Bà Chan Heng Chee, Đại sứ lưu động tại Bộ Ngoại giao Singapore, cũng lưu ý rằng các thành viên ASEAN trong những năm qua đã tham gia nhiều thỏa thuận song phương hơn và đa dạng hóa thương mại với các đối tác phi truyền thống. “Đó không phải là sự thay thế cho Mỹ, nhưng sẽ giúp các nước giảm bớt sự phụ thuộc”.

Bà Chan nêu bật một số ví dụ về các chiến lược thương mại chủ động của ASEAN, lưu ý rằng Malaysia và Indonesia đã ký các hiệp định thương mại tự do (FTA) với Các Tiểu vương quốc Ảrập Thống nhất (UAE), trong khi Thái Lan cũng đang trong giai đoạn cuối của một thỏa thuận với quốc gia vùng vịnh này. Indonesia cũng đang theo đuổi FTA với Liên minh Kinh tế Á - Âu, bao gồm Nga, Kyrgyzstan, Kazakhstan, Armenia và Belarus, còn Singapore đã ký FTA với Thổ Nhĩ Kỳ và Mercosur.

Cũng theo các chuyên gia, trong bối cảnh bất ổn thương mại ngày càng tăng do chính sách thuế quan của Washington, đây là thời điểm thích hợp để ASEAN khai thác tối đa lợi thế từ các hiệp định thương mại khu vực hiện có của mình, như Hiệp định CPTPP và Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) - cả hai đều tập trung vào khu vực châu Á - Thái Bình Dương và không bao gồm Mỹ.

Nguồn: DW, SCMP, CNBC, Fortune, Bloomberg, Reuters, Financial Times

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới