Thứ tư, 23/04/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Thuế quan đối ứng, tương lai của dự trữ ngoại hối toàn cầu và ứng xử của Việt Nam

Đinh Tuấn Minh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Có thể có độc giả nào đó sẽ thắc mắc, tại sao trong bài viết đăng trên số báo trước tôi lại khẳng định chủ nghĩa tự do cá nhân đang định hình chính sách của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump trong khi đây chỉ là tư tưởng của một nhóm nhỏ trong Đảng Cộng hòa. Độc giả có thể tìm thấy phần nào lời giải đáp trong bài viết này.

Nếu chính sách thuế đối ứng của ông Trump thành công, chúng ta sẽ chứng kiến sự ra đời của một loạt hiệp định thương mại song phương của nhiều quốc gia với Mỹ.

Vì mục đích cô đọng, giới hạn bàn luận những nội dung chỉ liên quan đến chính sách thuế quan đối ứng, tôi sẽ chỉ ra rằng ngoại trừ những mục tiêu được chia sẻ với nhóm chủ nghĩa tự do cá nhân (TDCN), những mục tiêu khác của nhóm đa số theo chủ nghĩa bảo thủ Mỹ (American conservatism) chỉ là những giải pháp mang tính tình thế chứ không phải là giải pháp triệt để cho nan đề mà nước Mỹ đang phải đối mặt - thế tiến thoái lưỡng nan Triffin. Điều này sẽ khiến chính quyền Tổng thống Donald Trump, vì mục đích chính trị, sẽ dần ngả sang theo đuổi các mục tiêu mà nhóm chủ nghĩa TDCN chia sẻ hơn là cố gắng theo đuổi đến cùng các mục tiêu của nhóm chủ nghĩa bảo thủ Mỹ.

Những khác biệt căn bản giữa chủ nghĩa bảo thủ Mỹ và chủ nghĩa tự do cá nhân

Chủ nghĩa bảo thủ Mỹ, giống như chủ nghĩa bảo thủ ở nhiều nơi khác, là hệ tư tưởng của những người có niềm tin mạnh mẽ vào các giá trị truyền thống của quốc gia, chủng tộc. Do đặc thù lịch sử nước Mỹ, những giá trị truyền thống đó lại trùng với các giá trị đạo đức Thanh giáo của Anh quốc và đặc biệt là gắn với Hiến pháp Mỹ. Những giá trị truyền thống này vốn dĩ là một phần không thể tách rời của chủ nghĩa tự do cổ điển được David Hume, Adam Smith, I. Kant, Thomas Jefferson... cổ xúy xây dựng. Đây là căn nguyên khiến cho chủ nghĩa bảo thủ Mỹ gần gũi với chủ nghĩa TDCN hiện đại, cùng chia sẻ những giá trị như quyền tự do cá nhân, quyền sở hữu vũ khí (súng) để tự vệ, chính phủ nhỏ gọn, và mô hình nhà nước cộng hòa.

Nếu chính sách thuế đối ứng của ông Trump thành công, chúng ta sẽ chứng kiến sự ra đời của một loạt hiệp định thương mại song phương của nhiều quốc gia với Mỹ. Bất kể các điều khoản riêng với từng quốc gia thế nào, nhưng có lẽ tất cả đều “vui vẻ” chấp nhận mức thuế quan cơ sở 10% do Mỹ ấn định.

Tuy nhiên, sự khác biệt giữa hai hệ tư tưởng chính trị này nằm ở nguồn gốc dẫn đến những giá trị chung ở trên. Với chủ nghĩa bảo thủ Mỹ đó là từ Chúa trời ban cho “tổ tiên” người Mỹ và do đó cần giữ gìn và truyền những giá trị này từ thế hệ này sang thế hệ khác; còn với chủ nghĩa TDCN đó là từ bản tính con người - một sinh vật có lý trí - vốn tự nhận ra rằng mình có quyền tự do sống theo cách mình muốn miễn là không xâm phạm đến quyền tự do của người khác.

Theo dòng lịch sử, những khía cạnh “chủng tộc” (da trắng), “tôn giáo” (Thiên chúa giáo) dần được lược bỏ đáng kể khỏi chủ nghĩa bảo thủ Mỹ. Những khác biệt còn lại giữa chủ nghĩa bảo thủ Mỹ và chủ nghĩa TDCN chủ yếu ở phương diện chủ nghĩa bảo thủ Mỹ đôi lúc đề cao những giá trị truyền thống, lợi ích quốc gia/cộng đồng, niềm tin tôn giáo vượt trên quyền tự do cá nhân, yêu cầu cá nhân trong một số trường hợp phải hy sinh quyền tự do cá nhân vì lợi ích của cộng đồng.

Nhưng những sự khác biệt trên tìm được sự dung hòa khi cả hai đều ủng hộ mạnh mẽ trường phái nguyên bản luận (originalism) trong giải thích pháp luật, vốn nổi lên từ cuối thập niên 1980, bất kể xuất phát từ những lý lẽ khác nhau. Theo trường phái này, việc giải thích pháp luật, đặc biệt là Hiến pháp Mỹ (và các Tu chính án), phải được giới hạn trong ý nghĩa nguyên thủy của ngôn từ hoặc ý định ban đầu của nhà lập pháp, thay vì diễn giải theo bối cảnh xã hội hoặc các giá trị hiện đại.

Hiện có 6/9 thẩm phán của Tòa án tối cao Mỹ được coi là chịu ảnh hưởng của trường phái nguyên bản luận. Chia sẻ với nhau về cách diễn giải Hiến pháp có lẽ là mối gắn kết chính trị quan trọng bậc nhất khiến hai hệ tư tưởng này có thể “chung lưng đấu cật” với nhau trong chiếc ô Đảng Cộng hòa trong trận chiến với hệ tư tưởng tự do khai phóng (liberal) của Đảng Dân chủ.

Sự khăng khít của hai hệ tư tưởng này gần đến mức, Vivek Ramaswamy - ứng viên tranh cử đề cử tổng thống của Đảng Cộng hòa và hiện là nhân vật thân cận với chính quyền Tổng thống Donald Trump - thậm chí còn tuyên bố tại Hội nghị chủ nghĩa bảo thủ quốc gia (tháng 7-2024) rằng cuộc tranh đấu giữa những người theo đường hướng “chủ nghĩa TDCN quốc gia” (national libertarians) và đường hướng “chủ nghĩa bảo hộ quốc gia” (national protectionists) sẽ định đoạt tương lai của phong trào “Nước Mỹ trước tiên”.

Mục tiêu và tính khả thi của chính sách thuế quan đối ứng từ quan điểm của phái chủ nghĩa bảo thủ Mỹ trong Đảng Cộng hòa

Có đồng tiền quốc gia vừa là phương tiện thanh toán quốc tế vừa là đồng tiền dự trữ toàn cầu, nước Mỹ thu được những lợi ích đặc quyền khó có thể đong đếm được, bao gồm tiếp cận nguồn tài chính giá rẻ và quyền lực trừng phạt tài chính.

Sau chính sách thuế quan đối ứng, chính quyền Tổng thống Donald Trump có lẽ sẽ cố gắng thúc đẩy thỏa thuận Mar-a-Lago. Nếu thành công, chúng ta sẽ chứng kiến một liên minh tiền tệ mới với mục tiêu hạ giá đô la Mỹ và những quốc gia trong liên minh này được hưởng mức thuế quan ưu đãi thấp hơn 10%, thậm chí là 0%.

Nhưng lợi thế của đô la Mỹ như là đồng tiền thanh toán quốc tế và dự trữ toàn cầu có thể bị triệt tiêu bởi cái gọi là “Tình thế lưỡng nan Triffin” (một phát hiện do nhà kinh tế học người Mỹ gốc Bỉ Robert Triffin chỉ ra từ thập niên 1950).

Khi trở thành tài sản dự trữ toàn cầu, đô la Mỹ bị định giá cao hơn so với giá trị thực của nó (khi không phải là đồng tiền dự trữ), khiến Mỹ bị thâm hụt thương mại triền miên. Không những thế, với việc Mỹ “xuất khẩu” trái phiếu chính phủ để cho các quốc gia khác sử dụng làm tài sản dự trữ, Mỹ không chỉ rơi vào tình trạng thâm hụt thương mại mà còn cả thâm hụt tài khóa; nợ công ngày một gia tăng.

Tình trạng này sẽ trở nên nghiêm trọng khi quy mô của nền kinh tế Mỹ bị thu hẹp so với quy mô của nền kinh tế toàn cầu, và đặc biệt khi có nhiều nước chủ ý hạ giá đồng tiền để tạo lợi thế xuất khẩu. Đến một thời điểm nào đó, những người nắm giữ trái phiếu Mỹ nhận ra rằng tài sản mà họ nắm giữ không có giá trị tương xứng với thực lực của nền kinh tế Mỹ. Đó là thời điểm họ sẽ bán trái phiếu Mỹ và chuyển sang nắm giữ tài sản có khả năng dự trữ khác. Khi đó, nước Mỹ không chỉ vĩnh viễn mất đi vị thế có đồng tiền dự trữ toàn cầu mà còn có thể rơi vào trạng thái vỡ nợ do nợ công cao khi năng lực nội tại của nền kinh tế yếu.

Việc Trung Quốc, với quy mô dân số lớn hơn Mỹ 4 lần, sẽ có quy mô kinh tế vượt qua Mỹ có lẽ chỉ còn là vấn đề thời gian. Dù cố trấn an rằng điểm tới hạn của thế giới Triffin vẫn còn xa, như Stephen Miran, Chủ tịch Hội đồng cố vấn kinh tế cho Tổng thống Mỹ, viết trong bài luận The User’s Guide to Restructuring the Global Trading System, thì chính quyền của Tổng thống Donald Trump cần phải dũng cảm đối mặt với nan đề này trước khi quá muộn.

Từ quan điểm của phái chủ nghĩa bảo thủ Mỹ, chính sách thuế quan đối ứng trên hết thảy là sự “chia sẻ gánh nặng” của các quốc gia trên thế giới với Mỹ để quốc gia này tiếp tục cung cấp tài sản dự trữ an toàn cho toàn thế giới. Đích đến tiếp theo là kéo ngành sản xuất về Mỹ, qua đó giúp giảm thâm hụt cán cân thương mại cũng như đảm bảo an ninh kinh tế cho quốc gia này. Và một đích đến quan trọng khác nữa, đó là tạo ra đòn bẩy để giúp Mỹ thuyết phục các đồng minh tham gia vào một thỏa thuận tiền tệ quốc tế mới - tạm gọi là “Mar-a-Lago Accord” - để bảo vệ đô la Mỹ tiếp tục là đồng tiền dự trữ toàn cầu.

Vì an ninh tiền tệ quốc gia, Việt Nam có lẽ cũng cần cân nhắc điều chỉnh cơ cấu dự trữ ngoại hối của mình. Cụ thể là tăng dần nắm giữ vàng...

Chính sách thuế quan của ông Trump, dù cho thành công đến đâu, không thể giải quyết được mấu chốt vấn đề khiến cho “tình thế lưỡng nan Triffin” dịch chuyển theo chiều hướng ngày càng tệ đi đối với vị thế của đô la Mỹ như là đồng tiền dự trữ toàn cầu: quy mô tương đối của nền kinh tế Mỹ nhỏ dần theo thời gian. Và mức thuế quan cơ sở 10% lên hàng hóa nhập khẩu thế giới, cứ tạm coi là “công bằng” để đổi lấy việc Mỹ cung cấp đồng tiền dự trữ toàn cầu, cũng vẫn chỉ mang lại đôi chút lợi thế cho các ngành sản xuất Mỹ.

Việc doanh nghiệp quyết định có đặt nhà máy sản xuất ở Mỹ hay không còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố khác như giá nhân công, nguồn nhân công kỹ thuật, xây dựng chuỗi cung ứng cho hàng trăm ngàn linh kiện... Đây là bài toán về chuyên môn hóa và phân công lao động. Chúng được quyết định bởi các quy luật thị trường và không chính phủ nào có thể thiết kế làm thay được, kể cả chính quyền ông Trump hiện nay.

Nhưng chính sách thuế quan đối ứng của ông Trump trao cho Mỹ một quyền lực khác - quyền đe dọa các đối tác thương mại. Với quyền lực này, tuy hoạt động sản xuất có thể không diễn ra ở nước Mỹ, nhưng Mỹ vẫn có thể kiểm soát tốt hơn những khâu quan trọng của những chuỗi cung ứng mà Mỹ cho rằng quan trọng với Mỹ như sản xuất ô tô, bán dẫn hoặc dược phẩm. Mỹ cũng có thể dùng quyền lực này để đe dọa, yêu cầu các đối tác thương mại của Mỹ chỉ tích lũy vừa đủ một lượng trái phiếu chính phủ Mỹ nhằm phục vụ cho mục đích phòng ngừa rủi ro. Và quan trọng hơn cả, nó tạo ra đòn bẩy để giúp Mỹ thuyết phục các đồng minh tham gia vào “Thỏa thuận tiền tệ quốc tế Mar-a-Lago” nhằm kéo dài tuổi thọ của đô la Mỹ như là đồng tiền dự trữ toàn cầu.

Triển vọng hệ thống thương mại toàn cầu mới

Để bảo vệ vị thế của đô la Mỹ, phái bảo thủ Mỹ gần đây đưa ra đề xuất “Mar-a-Lago Accord” - một thỏa thuận tiền tệ quốc tế tương tự như Plaza Accords năm 1985 hay Bretton Woods năm 1944. Theo đề xuất này, Mỹ có thể giảm hoặc miễn mức thuế quan 10% cũng như bảo đảm an ninh tiền tệ cho các quốc gia đồng minh tham gia thỏa thuận Mar-a-Lago, miễn là các quốc gia này chấp nhận việc hoán đổi trái phiếu Mỹ ngắn hạn mà các quốc gia này đang nắm giữ sang trái phiếu Mỹ dài hạn, chẳng hạn trái phiếu kỳ hạn 100 năm. Thỏa thuận này, nếu thành công, sẽ giúp Mỹ đạt được cả hai mục đích: (i) ngăn ngừa được nguy cơ các trái chủ bán trái phiếu Mỹ và qua đó bảo vệ vị trí đồng tiền dự trữ toàn cầu của đô la Mỹ, và (ii) giúp cho đô la Mỹ yếu đi, qua đó giúp Mỹ giảm thâm hụt thương mại.

Dù Mỹ có đưa ra củ cà rốt là miễn giảm mức thuế quan cho các đồng minh thì đề xuất về thỏa thuận Mar-a-Lago này đối mặt với rất nhiều chông gai bởi những nước nắm nhiều trái phiếu của Mỹ hiện nay không phải là những đồng minh thân cận của Mỹ như từ thập niên 1980 trở về trước. Các nước châu Âu lại đang phải vật lộn với một nền kinh tế tăng trưởng èo uột, đặc biệt là trong bối cảnh họ phải gánh chịu phần lớn chi phí chiến tranh liên quan đến cuộc xung đột Nga - Ukraine và phải dành nguồn lực để tái xây dựng lực lượng quốc phòng của riêng mình. Ngoài ra, theo Reuters, 55% lượng trái phiếu của Mỹ được nắm giữ bởi các định chế tư nhân. Những trái chủ này có thể sẽ bán ra bất kỳ khi nào nếu cảm thấy bất an, đặc biệt là khi bị kích thích bởi hành động chủ ý bán ra của những quốc gia “không thân thiện” với Mỹ.

Dù có khó khăn như thế, rất có thể phái bảo thủ Mỹ vẫn cố gắng thử, đặc biệt là sau triển vọng thành công bước đầu của sách lược thuế quan đối ứng. Nếu thỏa thuận này thành công, chúng ta sẽ chứng kiến một hệ thống thương mại toàn cầu bao gồm một nhóm tham gia thỏa thuận Mar-a-Lago được hưởng thuế quan bằng 0% hoặc dưới 10% khi xuất khẩu vào Mỹ, một nhóm các nước không tham gia chịu mức thuế 10%, và có thể còn có nhóm “không thân thiện” sẽ chịu mức thuế cao hơn.

Tuy nhiên, từ góc nhìn của phái TDCN trong Đảng Cộng hòa, thỏa thuận này ẩn chứa một mối nguy đe dọa vị thế của đô la Mỹ còn nhanh hơn nữa. Đó là việc hoán đổi trái phiếu Mỹ ngắn hạn sang trái phiếu Mỹ dài hạn sẽ khuyến khích Chính phủ Mỹ tăng vay nợ công để chi tiêu. Hệ quả là càng khiến nước Mỹ tiêu dùng nhiều hơn, dẫn đến nhu cầu nhập khẩu nhiều hơn; khu vực tư nhân sẽ phải huy động tài chính đắt đỏ hơn; và việc chủ ý làm đô la Mỹ mất giá sẽ dẫn đến lạm phát tăng cao hơn. Nếu viễn cảnh đó xảy ra, nền kinh tế Mỹ sẽ lao dốc nhanh hơn khi không có thỏa thuận này.

Vì vậy, chắc chắn đề xuất này sẽ không nhận được sự ủng hộ của phái TDCN trong Đảng Cộng hòa trừ khi đi kèm theo nó là các giải pháp cắt giảm mạnh chi tiêu chính phủ, giảm nợ công và đẩy mạnh các chính sách trọng cung như giải quy, giảm thuế thu nhập... Hoặc chấp nhận đây chỉ là một giải pháp tạm thời để hướng đến một hệ thống tiền tệ quốc tế mới dựa trên quy tắc như John Taylor đề xuất (trong một hội thảo của viện Cato năm 2017) hoặc dựa trên ý tưởng của F.A. Hayek (Commodity Reserve Currrency, năm 1943 - đã được dịch ra tiếng Việt, trong Hayek, Chủ nghĩa cá nhân và trật tự kinh tế, NXB Tri Thức) về đồng tiền gắn với dự trữ là rổ hàng hóa thương phẩm quan trọng như dầu thô, vàng, ngũ cốc... hay thậm chí một số loại tiền mã hóa đã được thị trường thừa nhận như bitcoin, ether...

Đó cũng có thể là một hệ thống tiền tệ quốc tế dựa trên các đồng tiền tư nhân cạnh tranh với nhau (cũng do F.A. Hayek đề xuất vào năm 1976 trong tác phẩm Denationalisation of Money). Bất kể hệ thống nào thì cũng vẫn tốt hơn hệ thống hiện tại, nơi các đồng tiền pháp định đang là tài sản dự trữ toàn cầu.

Việt Nam nên làm gì?

Ở thời điểm hiện nay, điều quan trọng trên hết là thái độ của chúng ta với chính sách thuế quan đối ứng của Mỹ. Chúng ta cần thấu hiểu rằng chính sách này nhằm giải quyết một nan đề nước Mỹ đang phải đối mặt do có đồng tiền là tài sản dự trữ toàn cầu, hiểu lo âu của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump và chiến lược đơn phương mà ông Trump lựa chọn, dù nó gây sốc cho toàn thế giới, để giải quyết nan đề này.

Và bất kể hai phái trong Đảng Cộng hòa kỳ vọng thế nào về những mục tiêu đạt được của chính sách này thì chúng ta cần xây dựng những kịch bản chính sách để chủ động đối phó linh hoạt với những bước đi tiếp theo của chính quyền Mỹ.

Nếu chính sách thuế đối ứng của ông Trump thành công, chúng ta sẽ chứng kiến sự ra đời của một loạt hiệp định thương mại song phương của nhiều quốc gia với Mỹ. Bất kể các điều khoản riêng với từng quốc gia thế nào, nhưng có lẽ tất cả đều “vui vẻ” chấp nhận mức thuế quan cơ sở 10% do Mỹ ấn định.

Sau chính sách thuế quan đối ứng, chính quyền Tổng thống Donald Trump có lẽ sẽ cố gắng thúc đẩy thỏa thuận Mar-a-Lago. Nếu thành công, chúng ta sẽ chứng kiến một liên minh tiền tệ mới với mục tiêu hạ giá đô la Mỹ và những quốc gia trong liên minh này được hưởng mức thuế quan ưu đãi thấp hơn 10%, thậm chí là 0%.

Tuy nhiên, như phân tích ở trên, thỏa thuận Mar-a-Lago sẽ đối mặt với rất nhiều chông gai. Và ngay cả khi thành công thì nó vẫn không thể đảo ngược được xu hướng tỷ trọng toàn cầu của nền kinh tế Mỹ sẽ bị giảm dần - nguyên nhân khiến cho tình thế lưỡng nan Triffin dịch chuyển theo hướng bất lợi cho vị trí toàn cầu của đô la Mỹ. Có lẽ không phải là vô tình khi chính quyền của ông Trump đẩy mạnh khai thác dầu thô, khoáng sản, đất hiếm, dự trữ vàng, và mở Quỹ dự trữ bitcoin chiến lược. Đấy rất có thể là những bước đi mà chính quyền Mỹ đang chuẩn bị cho phương án B về một hệ thống tiền tệ quốc tế gắn với tài sản dự trữ toàn cầu là một rổ hàng hóa thương phẩm quan trọng.

Vì an ninh tiền tệ quốc gia, Việt Nam có lẽ cũng cần cân nhắc điều chỉnh cơ cấu dự trữ ngoại hối của mình. Cụ thể là tăng dần nắm giữ vàng và một số đồng tiền mã hóa (như bitcoin, ether...). Ngoài ra, cũng có thể cân nhắc xây dựng kho dự trữ dầu thô cũng như quyền khai thác một số tài nguyên khoáng sản quan trọng khác.

Và trên hết thảy, để xây dựng nội lực kinh tế vững mạnh, đủ sức chống chọi với các cú sốc bên ngoài, Việt Nam cần đẩy mạnh hơn nữa cải cách thể chế, xây dựng những thể chế kinh tế và chính trị có độ tin cậy cao, nhằm bảo vệ và nâng đỡ nền kinh tế thị trường Việt Nam phát triển theo hướng tự do và cạnh tranh công bằng.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới