(KTSG Online) - Ngành nông nghiệp đang có xu hướng sử dụng ít hơn thuốc bảo vệ thực vật hoá học và dùng nhiều hơn thuốc bảo vệ thực vật sinh học. Việt Nam cũng đặt ra mục tiêu thuốc bảo vệ thực vật sinh học chiếm 30% tổng lượng thuốc bảo vệ thực vật sử dụng trong ngành nông nghiệp.
- Bổ sung 79 hoạt chất thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam
- Cảnh báo dư lượng hóa chất trong một số nông thủy sản xuất khẩu
Theo số liệu thống kê của Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), trong giai đoạn 2020-2022, tổng lượng thuốc bảo vệ thực vật hoá học sử dụng bình quân trong cả nước có xu hướng giảm. Cụ thế, nếu năm 2020, mỗi hecta sử dụng trung bình 3,81 kg thì đến năm 2022 giảm xuống còn 3,19 kg/hecta. Bên cạnh đó, lượng thuốc bảo vệ thực vật sinh học có xu hướng tăng lên, từ 16,7% trong năm 2020 đã tăng lên gần 18,5% trong năm 2022.
Xu hướng sử dụng ngày càng nhiều thuốc bảo vệ thực vật sinh học được thể hiện trong “Đề án phát triển sản xuất và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050” của Bộ NN&PTNT.
Trong đề án nói trên, Bộ NN&PTNT đặt ra nhiều mục tiêu và chính sách để thúc đẩy ngành sản xuất thuốc bảo vệ thực vật sinh học trong nước.
Theo Bộ NN&PTNT, mục tiêu cụ thể là đến 2030, nâng tỷ lệ sản phẩm thuốc bảo vệ thực vật sinh học trong danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam lên 30% so với tổng số thuốc bảo vệ thực vật.
Trong đề án nói trên, Bộ NN&PTNT đưa ra những công việc cụ thể, đề xuất nguồn tài chính để hỗ trợ các công ty sản xuất thuốc bảo vệ thực vật sinh học ở quy mô công nghiệp với công nghệ và trang thiết bị hiện đại… đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu.
Theo Cục Bảo vệ thực vật, hiện cả nước đã có 99 cơ sở sản xuất thuốc bảo vệ thực vật đủ điều kiện sản xuất, trong đó có 85 cơ sở có sản xuất thuốc bảo vệ thực vật sinh học, sản xuất được gần 30 dạng thuốc bảo vệ thực vật sinh học khác nhau.