(KTSG) - Việt Nam chưa công nhận thuốc lá điện tử; các bộ Y tế, Công an muốn tiếp tục cấm, còn Bộ Tài chính đề xuất áp dụng mức thuế nhập khẩu 50%. Bài học sau đợt Evali bùng phát ở Mỹ vẫn còn nóng hổi. Thiết nghĩ, cần đặt lên hàng đầu mục tiêu xây dựng chính sách quản lý thận trọng và chặt chẽ để tránh những thảm họa y tế có thể xảy ra từ loại sản phẩm này hơn là tính đến việc thu thuế ở thời điểm hiện nay.
- Bộ Y tế đề nghị xử lý trường hợp mua, bán thuốc lá điện tử
- Nhà trường hãy nói không với thuốc lá điện tử
Thuốc lá điện tử gồm hai bộ phận chính là dung dịch chứa nicotine (đối với thuốc lá điện tử dạng dung dịch) hoặc điếu thuốc lá (đối với thuốc lá làm nóng dạng điếu có thành phần như thuốc lá truyền thống) và thiết bị dùng để đốt cháy, tạo khói (tẩu thuốc). Theo đề xuất của Bộ Tài chính, tẩu thuốc, dung dịch hoặc điếu thuốc lá điện tử sẽ áp dụng mức thuế nhập khẩu 50%.
Không được công nhận nhưng vẫn bán tràn lan
Liệu thuế suất hay chính sách quản lý là vấn đề quan trọng nhất đối với thuốc lá điện tử? Tại nghị trường kỳ họp Quốc hội hồi tháng 11-2023, có đại biểu đã chất vấn trách nhiệm của Bộ Công Thương về tình trạng thuốc lá điện tử bán tràn lan.
Theo ghi nhận của vị đại biểu này, trên thị trường hàng ngàn loại dung dịch nicotine với đủ loại hương liệu không rõ nguồn gốc đang bày bán công khai tại các cửa hàng tạp hóa, điều này cho thấy việc quản lý đang bị buông lỏng(1).
Hiện chỉ cần gõ từ khóa tìm kiếm qua công cụ Google Search là sẽ có hàng trăm trang web rao bán đủ loại từ tẩu thuốc đến dung dịch và người bán sẽ giao hàng tận nơi. Thuốc lá điện tử dạng dùng điếu thuốc thì giá rất cao, tẩu hút giá 1-2 triệu đồng/cái, còn thuốc lá cũng phải đến trên một triệu đồng/cây (10 gói). Mức giá này hoàn toàn nằm ngoài tầm với của giới học sinh, sinh viên, do đó nhóm người dùng này có khuynh hướng dùng loại tẩu thuốc xài dung dịch nicotine vài trăm ngàn đồng cho cả tẩu thuốc và chai dung dịch.
Hiểm họa lớn nhất nằm ở chỗ dung dịch nicotine cho thuốc lá điện tử có nhiều “vị”, từ thuốc lá truyền thống đến vị trái cây như dâu hay vani, mật ong, chocolate. Tẩu thuốc được thiết kế đẹp, nhiều kiểu dáng bắt mắt và nhỏ gọn dễ cất giấu. Đánh vào tâm lý thích sành điệu, làm người lớn của tuổi teen, thuốc lá điện tử lặng lẽ xâm nhập vào học đường và ngày càng lan rộng một cách đáng lo ngại. Việc quảng cáo hấp dẫn và cả không đúng sự thật về thuốc lá điện tử sẽ làm tăng nhu cầu sử dụng ở giới trẻ và tạo ra thế hệ người hút thuốc lá mới vì về bản chất họ vẫn bị nghiện nicotine như hút thuốc lá truyền thống.
Bài học bùng phát Evali vẫn còn nóng hổi
Hiện nay ở Mỹ chỉ có một loại thuốc lá điện tử dùng thuốc lá điếu là được Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm (FDA) cho phép tiếp thị (authorizing the marketing). Tuy nhiên, FDA luôn nhấn mạnh rằng, việc cho phép này không có nghĩa là “được FDA phê duyệt” (FDA approved) và nghiêm cấm nhà sản xuất, phân phối dùng cụm từ này. FDA cũng cảnh báo không có loại thuốc lá nào an toàn, kể cả loại thuốc lá điện tử được cho phép tiếp thị(2).
Riêng loại thuốc lá điện tử dùng dung dịch thì dù được cho phép bán ở Mỹ nhưng FDA không cho phép tiếp thị kèm theo một số chính sách hạn chế, đặc biệt là các chính sách bán hàng nhắm vào học sinh.
Bài học quản lý ở Mỹ đặc biệt liên quan đến loại thuốc lá điện tử Juul. Ra mắt năm 2015, loại tẩu thuốc dùng dung dịch nicotine với các loại hương vị trái cây và chiến dịch quảng cáo hấp dẫn đã đẩy tỷ lệ thanh thiếu niên Mỹ dùng Juul tăng vọt, qua đó đã tạo ra một thế hệ mới những người trẻ nghiện nicotine.
Hậu quả của việc sử dụng thuốc lá điện tử, trong đó liên quan nhiều đến Juul là tỷ lệ hút trong học sinh trung học phổ thông tăng từ 16% năm 2015 lên 27,5% vào năm 2019, theo khảo sát công bố trên cổng thông tin NIH(3).
Lúc đầu, giới chức quản lý Mỹ chưa xem thuốc lá điện tử là mối nguy lớn cho sức khỏe. Tuy nhiên, khi thống kê về tỷ lệ học sinh hút thuốc lá điện tử được ghi nhận, họ bắt đầu giật mình lo ngại và đặt vấn đề tăng cường quản lý.
Đúng thời điểm đó thì một đợt bùng phát tổn thương phổi liên quan đến sử dụng thuốc lá điện tử (Evali) bắt đầu xảy ra từ tháng 3-2019 kéo dài đến tháng 2-2020. Theo số liệu của Cơ quan Kiểm soát dịch bệnh Mỹ (CDC), có hơn 2.800 người nhập viện vì Evali được ghi nhận, trong số này có 68 người chết. Trong số các bệnh nhân Evali, số người trẻ dưới 24 tuổi chiếm đến hơn 50%(4).
Kết quả điều tra sau đợt bùng phát Evali cho thấy có hơn 80% số người mắc bệnh đã dùng tinh dầu THC (một loại hợp chất từ cần sa) pha vào tinh dầu nicotine để hút thuốc lá điện tử khiến phổi bị tổn thương nghiêm trọng.
Dù Juul không phải là nguyên nhân trực tiếp gây ra đợt bùng phát Evali nhưng công ty sản xuất loại thuốc lá điện tử này vẫn phải đối diện với các vụ kiện tụng sau đó. Cuối năm 2023, nhà sản xuất Juul đã chấp nhận chi trả các khoản bồi thường và tiền phạt hơn 460 triệu đô la để đóng lại các vụ kiện ở nhiều bang tại Mỹ.
Bài học từ việc hàng chục người trẻ Mỹ phải trả giá bằng sinh mạng qua đợt bùng phát Evali cho thấy, việc cần làm sớm là xây dựng chính sách quản lý chặt chẽ các loại tinh dầu cho thuốc lá điện tử để tránh những thảm họa sức khỏe.
Nguy cơ tiềm ẩn về bệnh phổi, tác hại sức khỏe thậm chí gây tử vong từ những loại tinh dầu trôi nổi bán tự do không ai quản lý đang ngày càng hiện rõ hơn. Việt Nam đi sau thì có thời gian để xây dựng chính sách quản lý, kiểm soát chặt chẽ, đặc biệt là siết chặt quản lý các loại tinh dầu dùng cho thuốc lá điện tử.
Ngoài ra, Bộ Y tế cần đẩy mạnh truyền thông để tránh giới trẻ bị tác động của các quảng cáo sai sự thật về thuốc lá điện tử, gây hiểu nhầm rằng thuốc lá điện tử là “an toàn, không hại sức khỏe, không gây nghiện”.
Các cơ quan chức năng khác cũng cần tăng cường kiểm soát việc quảng cáo và buôn bán thuốc lá điện tử, không thể để tình trạng sản phẩm chưa được cho phép kinh doanh nhưng lại bán tràn lan như hiện nay.
Không quản lý kịp thời và chặt chẽ, Việt nam sẽ đối diện với một thế hệ mới của những người trẻ nghiện nicotine và kéo theo là những thảm họa y tế có thể xảy ra trong tương lai.
(2) https://www.fda.gov/tobacco-products/ctp-newsroom/fda-authorizes-three-new-heated-tobacco-products
(3) https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC10057832/
(4) https://www.cdc.gov/tobacco/basic_information/e-cigarettes/severe-lung-disease.html
Một bài viết đúc kết từ quá trình tìm hiểu khá dày công của phóng viên, tuy nhiên có một số chỗ hình như dịch chưa chuẩn lắm, mình xin góp ý đoạn bị dịch sai “Hiện nay ở Mỹ chỉ có một loại thuốc lá điện tử dùng thuốc lá điếu là được Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm (FDA) cho phép tiếp thị (authorizing the marketing).”
Đoạn trên nên sửa là “Hiện nay ở Mỹ chỉ có một loại thuốc lá làm nóng (heated tobacco products) là được Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm (FDA) cho phép tiếp thị (authorizing the marketing).”
Cần làm rõ bản dịch vì thuốc lá làm nóng và thuốc lá điện tử là 2 sản phẩm khác nhau, có 2 khái niệm khác nhau, điểm chung duy nhất là đều thuộc nhóm sản phẩm thuốc lá thế hệ mới. Xin cảm ơn và mong chờ những bài viết sau từ ban biên tập.
Thuốc lá điện tử dễ biến tướng sang nhiều loại chất gây nghiện khác, rất có hại cho sức khỏe. Cần áp dụng quy định cấm, nhưng có linh hoạt. Đối với tiêu dùng nội địa, cấm hoàn toàn. Đối với khách du lịch, người nước ngoài, chỉ được sử dụng những sản phẩm được cấp phép tại nước ngoài, hoặc theo quy định cấp phép riêng của VN. Riêng nơi công cộng (bệnh viện/ trường học/ công sở…) cần cấm triệt để.