Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

“Thương hàn luận” thời văn phòng máy lạnh!

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

“Thương hàn luận” thời văn phòng máy lạnh!

BS. Lương Lễ Hoàng (*)

(minh họa: Khều)

(TBKTSG) – Trời nóng mà bệnh vì lạnh! Thầy thuốc Đông y nếu không thuộc nằm lòng thì ít nhiều cũng đã nghe về tác phẩm Thương hàn luận của Trương Trọng Cảnh. Họ Trương ngày xưa sở dĩ nổi giận quyết học nghề thuốc, sau đó hoàn tất công trình độc đáo nói về bệnh do thời tiết lạnh là vì phẫn uất trước cảnh cả làng mất mạng sau một trận dịch cảm cúm trong mùa đông khắc nghiệt.

Xưa nay nói về bệnh do nhiễm lạnh quả thật chưa thầy thuốc nào của ngành y học cổ truyền phương Đông lại dày công hệ thống hóa từ lý luận cơ bản cho đến bài thuốc kinh điển như Trương Trọng Cảnh. Nhưng rồi, như Kinh Dịch đã ghi rất rõ, đời cũng phải thay đổi theo thời. Nếu tưởng bệnh do thời tiết lạnh chỉ có ở xứ rét run thì lầm.

Bằng chứng là ngay giữa TPHCM, nơi khí hậu nhiều khi oi bức cứ như bị nướng lửa than, lại có nhiều người ngã bệnh vì lạnh! Ở đây không đề cập những trường hợp “lạnh chân” hay “lạnh gáy” vì làm ăn bất chính, mà chỉ đề cập đến những loại bệnh do làm việc trong phòng có gắn máy lạnh!

Máy càng lạnh thầy thuốc càng vui! Một điều lạ, dù nghe trái tai thế nào, là theo thống kê ở Mỹ, thành phố càng nhiều cao ốc với văn phòng máy lạnh thì số bệnh nhân, mặc dù đủ ăn đủ mặc, nghĩa là không thiếu phương tiện chăm sóc sức khỏe, chỉ tăng chứ không giảm!

Nếu trước đây vài thập niên nhiều nhà điều trị đã không tiếc lời chỉ trích các báo cáo đầu tiên về “hội chứng văn phòng cao ốc” (building sickness syndrom) thì hiện nay không thầy thuốc nào dám phủ nhận thực trạng là nhiều người làm việc trong các văn phòng máy lạnh thường ta thán về một số bệnh thường gặp như viêm họng, viêm mũi, viêm xoang, viêm bàng quang, mệt mỏi, chóng mặt, mất ngủ…

Không thể là chuyện ngẫu nhiên nếu nhiều người đồng lòng ngã bệnh như thế! Bệnh vì thanh nhiệt thiệt nhanh. Hệ thần kinh giao cảm sở dĩ có tên như thế một phần là vì rất… nhạy cảm.

Chỉ cần nhiệt độ thay đổi chút đỉnh, chẳng nhằm nhò gì ba cái lẻ tẻ, thì cảm thụ thần kinh ngoài da lại nhanh nhẩu báo về trung ương thần kinh như thể cháy nhà! Khi bước vào văn phòng được mở máy lạnh tối đa, cơ thể phải đối đầu với khác biệt nhiệt độ, từ nóng gắt chuyển sang lạnh ngắt. Tình trạng sai biệt nhiệt độ tuy chỉ kéo dài trong vài giây đồng hồ nhưng với trung khu điều nhiệt lại chẳng khác nào một loại stress không thua gì bị chơi khăm trong công việc, hay mua chứng khoán của công ty bị phá sản, hoặc mâu thuẫn trong gia đình vì tranh chấp nhà đất…

Khỏi nói dông dài cũng hiểu sức đề kháng tránh sao không bị nhiễu loạn nếu nạn nhân phải ra vào phòng làm việc nhiều lần trong ngày?! Khi đó, cho dù có nghe lời đường mật của quảng cáo mà uống cả lố thuốc cảm cũng không xong. Chuyện đời xưa nay là vậy. Quẹo cua quá gắt thế nào cũng có ngày… xuống ruộng!

Ngoại công nội ứng chịu đời sao thấu! Đã vậy, mấy khi máy lạnh được gắn dưới thấp. Thầy thuốc đã chứng minh là chỉ cần nhiệt độ trên đỉnh đầu, trong vùng hầu họng giảm xuống không hơn 2 độ bách phân, thì nhiều loại vi khuẩn sống chực chờ ở chân răng, trong cổ họng trở nên hăng máu lạ thường. Ngồi ngay dưới máy lạnh cho sướng thì đừng than tại sao sau đó phải cà kê trong phòng đợi để chờ đến phiên hội kiến quan lang?

Nào đã xong! Nếu máy lạnh hiếm khi được vệ sinh thường xuyên thì người làm việc trong văn phòng đóng kín, tuy được tiếng sang, nhưng trên thực tế lại là miếng mồi béo bở treo ngay trước mũi của hàng trăm loại vi khuẩn ẩn nấp trong tấm lưới lọc bụi của máy lạnh. Bia mà phơi trần như thế với cự ly trong tầm tay thì xạ thủ có cườm mắt cũng bắn trúng một lần nào đó sau trăm phát cầu may.

Thêm vào đó là điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn tự tung tự tác như độ ẩm trong văn phòng chật hẹp, xà phòng lau nhà, nước lau kính, thuốc xịt phòng, bụi mực in, và nhất là khói thuốc lá… Không lạ gì khi một người lên đường đến phòng khám thì nhiều người khác cũng chuẩn bị nối gót trên tinh thần “một con ngựa đau, cả tàu đau theo”!

Nếu người làm việc trong phòng máy lạnh khi bước ra ngoài trời đang nóng hừng hực tựa lò bánh mì giờ đông khách lại uống thêm ly nước đá cho đã khát thì không lạ gì nếu cả đời phải “đồng hành cùng viêm xoang”. Khác biệt về nhiệt độ của ly nước đá khi chạy dài từ cổ họng dọc theo thực quản là nguyên nhân gây rối loạn hệ thần kinh giao cảm và hệ miễn dịch, thậm chí trầm trọng hơn nhiều giờ sống trong phòng máy lạnh. Ngày nào cũng đỡ đòn hai mặt trong ngoài giáp công mà không bệnh mới là chuyện lạ bốn phương.

Không dịch mà lan. Theo thống kê ở California, có khoảng 1% dân số bên đó phải thường xuyên nghỉ bệnh vì cảm lạnh, ba phần tư trong số đó là người làm việc trong văn phòng đóng kín vì gắn máy lạnh. Khỏi cần làm thống kê cũng thừa hiểu dân ta dễ gì chịu thua về vụ bỏ sở về nhà. Bệnh do lạnh nóng bất thường tất nhiên sẽ tiếp tục hoành hành còn hơn bệnh dịch nếu người ngồi trong văn phòng không chủ động tìm cách nghỉ giữa giờ trong khoảng không gian thoáng khí. Biết đâu có lẽ vì thế mà nhiều người xứ mình “đành” ra đường uống cà phê ngay trong giờ làm việc! Vệ sinh máy lạnh định kỳ, càng thường xuyên càng tốt, chứ đừng theo kiểu nhân ngày “thầy thuốc” hay ngày lễ nào đó quanh năm chỉ có một lần. Hạn chế sử dụng hóa chất bảo quản trong văn phòng đóng kín. Không hút thuốc trong phòng làm việc. Điều chỉnh nhiệt độ trong phòng từ cao đến thấp trước khi bắt đầu làm việc và từ thấp đến cao khoảng nửa giờ trước khi tan sở.

Mượn bàn chân chữa bệnh trên cao. Tiếc ghê! Nhiều người chưa biết là để phòng tránh tình trạng viêm họng, viêm mũi, viêm bàng quang… do làm việc nhiều giờ trong phòng quá lạnh chỉ cần ngâm chân 10 phút trong nước ấm sau giờ làm việc để đánh thức sức đề kháng qua phản xạ của mạng lưới cảm ứng thần kinh trải đều trong lòng bàn chân. Không hẳn lúc nào cũng nên hăng say góp phần xã hội hóa ngành y tế bằng cách dành một phần tiền lương để mua… thuốc cảm!

Trương Trọng Cảnh nếu sống vào thời này chắc phải buộc lòng tái bản tác phẩm Thương hàn luận với phần bổ sung về bệnh lung tung do máy lạnh. Nếu chọn xứ mình để tái bản thì khó cho họ Trương không ở chỗ viết lách, dù là khó tránh việc lách tới lách lui để đừng đụng chạm các công ty, tập đoàn đang sống khỏe nhờ bán máy điều hòa không khí, mà ở chỗ làm sao để sách đừng bị in nhái, nhất là khi tuy gọi là “nhái” nhưng nhà in lậu bao giờ cũng mong là “ếch” với lòng tham nhỏ xíu chỉ cỡ bụng… bò!

________________________________

(*)Trung tâm Oxy cao áp, TPHCM

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới