Thương hiệu cá nhân cầu thủ, bắt đầu từ đâu?
Mỹ Linh(*)
(TBKTSG Online) - Cảm giác ngất ngây với kỳ tích lịch sử của đội bóng đá U23 đã giảm đi phần nào thế nhưng những câu chuyện xung quanh U23 Việt Nam vẫn chưa dừng lại mà thậm chí đang ngày càng “hot” hơn xoay quanh thương hiệu cá nhân của các cầu thủ. Giữa muôn vàn tranh luận, bên nào cũng có lý của mình, thế nhưng trong thời đại 4.0, khi truyền thông số phát triển mạnh, thương hiệu cá nhân của cầu thủ là yếu tố tiên quyết để họ phát triển cũng như bảo vệ hình ảnh và sự nghiệp của mình.
Ai "sở hữu" hình ảnh, thương hiệu cá nhân cầu thủ?
Các cầu thủ U23 Việt Nam. Nguồn: www.vir.com.vn |
Cần một chiến lược bài bản và lâu dài
Xây dựng thương hiệu cá nhân ở đây không có nghĩa là làm cho cầu thủ trở nên nổi tiếng mà là một bản kế hoạch chi tiết, cụ thể để giúp cầu thủ định hướng đúng khả năng, tìm ra hướng phát triển bản thân, xây dựng uy tín với công chúng, doanh nghiệp, truyền thông để có được một sự nghiệp bền vững lâu dài.
Người hâm bộ bóng đá Việt Nam vẫn chưa quên những hình ảnh của các lứa cầu thủ thế hệ trước, những vinh quang trên sân cỏ cùng những nỗi buồn ngậm ngùi khi họ giã từ nghiệp quần đùi áo số, có những cựu cầu thủ phải vất vả mưu sinh và cũng có những người lặng lẽ với những chấn thương dai dẳng đeo bám sau ánh hào quang. Sự nghiệp của một vận động viên nói chung và cầu thủ nói riêng rất ngắn, chỉ khoảng trên dưới 10 năm thế nên việc một cầu thủ xây dựng được thương hiệu cá nhân cho riêng mình cần phải được chuẩn bị và tiến hành từ khi cầu thủ ấy mới bước vào sự nghiệp bóng đá và cần được sự đồng lòng của gia đình, câu lạc bộ chủ quản, người quản lý và chính nỗ lực của cầu thủ đó.
Một thương hiệu cá nhân bền vững được xây dựng dựa trên các nền tảng cốt lõi như phát huy được đúng sở trường và tài năng thiên bẩm, bên cạnh luôn có người dẫn dắt, định hướng đúng chiến lược, có một môi trường phù hợp để phát triển, người đồng hành (cha mẹ, anh chị em, bạn đời, công ty quản lý…), biết cách đa dạng hóa thương hiệu cá nhân trên các kênh và có một chiến lược hậu đỉnh cao đúng đắn.
David Beckham là một minh chứng sống, là một tấm gương về thương hiệu cá nhân bài bản, đúng chiến lược và thành công vang dội mà cả thế giới phải nhìn vào khi hiện tại giải nghệ đã lâu mà anh vẫn được xếp vào một trong những cầu thủ kiếm tiền nhiều trên thế giới. Tiếp sau đó là Cristiano Ronaldo, Lionel Messi hay Neymar… cũng là những cầu thủ có thương hiệu cá nhân thành công vì lợi thế của họ là được chơi bóng trong môi trường chuyên nghiệp và đằng sau họ là một ê kíp quản lý hình ảnh cũng như đại diện pháp luật hùng hậu.
Ở Việt Nam, cũng có một thương hiệu Công Vinh khôn ngoan khi sau bóng đá là những hợp đồng đóng quảng cáo, xuất hiện tại các sự kiện và lấn sân “nhẹ” sang showbiz nhưng những cầu thủ Việt Nam như Công Vinh có mấy ai?
Người quản lý kiêm đại diện pháp luật
Việc một cầu thủ có người đại diện hay công ty quản lý riêng là vô cùng cần thiết để các cầu thủ bảo vệ được hình ảnh và sự nghiệp của mình. Người đại diện của cầu thủ phải am hiểu luật pháp, hợp đồng để thương thảo với câu lạc bộ chủ quản và khai thác hình ảnh bên ngoài. Bên cạnh đó, cách làm truyền thông cũng phải văn minh và phù hợp với hình ảnh đẹp của cầu thủ. Người hâm mộ bóng đá đã được chiêm ngưỡng thứ bóng đá đẹp, cống hiến thì hình ảnh của cầu thủ mà họ hâm mộ phải đẹp xứng tầm.
Một cầu thủ đang được hàng triệu người hâm mộ nhìn vào với hình ảnh mạnh mẽ, oai hùng trên sân bóng, truyền cảm hứng cho hàng nghìn thiếu niên thì không thể nổi tiếng với những hình ảnh scandal không đẹp. Dẫu biết, phong cách làm truyền thông của mỗi người khác nhau thế nhưng hình ảnh thể thao phải gắn liền với sự khỏe khoắn và lành mạnh.Tất nhiên, hình ảnh đẹp của cầu thủ không phải tự nhiên mà có mà là cả một chiến lược bài bản, dài hạn của công ty quản lý cầu thủ, của người đại diện pháp luật và phong độ ổn định trên sân cỏ cũng như ngoài sân cỏ của chính bản thân các cầu thủ.
Cầu thủ tự trang bị kiến thức
Thu nhập của một cầu thủ tại Việt Nam hiện nay không còn quá thấp như ngày xưa, thế nhưng vẫn chưa gọi là quá cao để họ có thể đảm bảo cho một cuộc sống ổn định sau khi đến tuổi giã từ sự nghiệp. Các cầu thủ Việt Nam hiện nay vì nhiều lý do khác nhau nên không phải ai cũng biết khai thác hình ảnh của mình một cách bài bản và hiệu quả mà việc này cần sự hỗ trợ chuyên nghiệp của cả một ê kíp.
Người hâm mộ Việt Nam đã từng đau và hối tiếc khi thế hệ Văn Quyến, Quốc Vượng ngày ấy “lạc lối” vì chưa có những người dẫn đường đúng đắn. Để thế hệ vàng hôm nay giữ vững phong độ thì rất cần sự đồng lòng, chung sức của các bên liên quan.
Hiện bóng đá Việt Nam vẫn chưa rõ ràng về điều luật quản lý hình ảnh cầu thủ và vẫn còn rất nhiều kẻ hở để những người xấu trục lợi, thế nên đây là lúc chính các cầu thủ cũng phải tự mình trang bị kiến thức về luật pháp, điều khoản hợp đồng, nên lựa chọn một người đại diện xứng tầm với cách làm truyền thông đúng đắn, phải có chính kiến và tiếng nói riêng bởi mỗi cầu thủ chính là một thương hiệu cá nhân cần được xây dựng, bảo vệ và duy trì.
Các mối quan hệ cung cầu đều phải dựa trên một hành lang pháp lý vững chắc, cầu thủ cũng như nghệ sĩ, cần có một ê kíp bên cạnh lo cho mọi thứ để họ có thể duy trì ngọn lửa đam mê, chuyên tâm cống hiến kỹ năng chơi bóng cho đất nước và câu lạc bộ của mình.
Để bóng đá Việt Nam vươn xa hơn ra thế giới thì các cầu thủ cũng phải học cách đối mặt với áp lực của sự nổi tiếng và thành công, kỹ thuật khéo léo và chiến thuật tinh tế của các cầu thủ phải được phát huy ở bên trong và cả bên ngoài sân cỏ bên cạnh là một người đại diện am hiểu luật pháp và có chiến lược PR hình ảnh đúng đắn và hướng đi lâu dài. Song song đó, các câu lạc bộ nên có tầm nhìn, xây dựng một môi trường chuyên nghiệp, đừng xem cầu thủ như một món hàng mà nên tạo mọi điều kiện cho các tài năng bóng đá Việt Nam được phát triển mạnh mẽ.
(*) Nhân viên Tiếp thị truyền thông kỹ thuật số