(KTSG Online) - Các thương hiệu nhà hàng và chuỗi bán lẻ giá rẻ từ Nhật Bản và Trung Quốc đại lục đang liên tiếp mở rộng sang Hồng Kông, tận dụng giá thuê mặt bằng thương mại thấp và tâm lý tiêu dùng dè xẻn của người tiêu dùng khi kinh tế khó khăn.
- Chuyện độc quyền thương hiệu khi doanh nghiệp Việt tiến ra sân chơi quốc tế
- Làm thương hiệu cho thành phố
![](https://cdn.thesaigontimes.vn/wp-content/uploads/2025/02/Matsuya@HongKong.jpg)
Số lượng thương hiệu Nhật Bản có mặt ở Hồng Kông trong năm 2024 tăng 58%, riêng các thương hiệu từ Trung Quốc đại lục tăng gần 50%, theo Cathie Chung, giám đốc cấp cao của hãng cung cấp dịch vụ bất động sản Jones Lang LaSalle tại Mỹ.
Thích ứng với hành vi tiêu dùng mới
Trước đây, các doanh nghiệp Nhật Bản khi xâm nhập thị trường Hồng Kông đều định vị “mình là những thương hiệu Nhật Bản, và vì thế phải giá cao”. Chẳng hạn như trung tâm tâm mua sắm Sogo, chuỗi mì ramen Ichiran và các cửa hàng sushi cao cấp. Họ đã từng thành công. Nhưng nay bối cảnh đã khác, người tiêu dùng đang siết chặt hầu bao, tìm cách đi mua sắm và ăn tiệm ở Thâm Quyến hay Quảng Châu với giá rẻ hơn.
Các doanh nghiệp Nhật đang tìm cách thích nghi với hành vi tiêu dùng mới ở xứ cảng. Nhiều chuỗi giá rẻ đã bước vào Hồng Kông để tìm kiếm cơ hội. Năm ngoái, có chuỗi bánh rán Mister Donut, chuỗi món lươn Naruse's Unagi và chuỗi nhà hàng Izakaya Torikizoku…
Tháng 1-2025, Matsuya, chuỗi cửa hàng mì thịt bò gyudon của Nhật Bản, khai trương cửa hàng thứ hai ở khu Cửu Long, sau cửa hàng đầu tiên vào tháng 8 năm ngoái.
Thường tô mì sủi cảo tôm ở các quán ăn địa phương giá khoảng 50 đô la Hồng Kông, hoặc một tô ramen của các quán ăn Nhật Bản khác giá đến 100 đô la Hồng Kông. Nhưng tô mì gyudon cỡ trung ở Matsuya được bán với giá 35 đô la Hồng Kông. Mức giá rẻ đã khiến Matsuya trở nên nổi bật.
Một lý do khác cho sự đổ bộ của các thương hiệu của các thương hiệu Nhật Bản là giá thuê mặt bằng tại Hồng Kông đã giảm đáng kể.
Dòng tiền từ Trung Quốc đại lục đổ vào Hồng Kông những năm trước đây khiến giá thuê mặt bằng tăng vọt. Causeway Bay, hay Vịnh Đồng La, là khu mua sắm nhộn nhịp nhất trên đảo Hồng Kông. Năm 2018, Vịnh Đồng La đã vượt Fifth Avenue ở New York để trở thành nơi có giá thuê mặt bằng đắt nhất thế giới, theo hãng tư vấn dịch vụ bất động sản Cushman & Wakefield của Mỹ.
Các biến động chính trị xã hội, dịch Covid-19 đã khiến nhu cầu thuê xuống thấp từ năm 2019. Vịnh Đồng La xếp thứ hai sau Fifth Avenue vào năm 2022. Sau dịch, thị trường hồi phục với tốc độ rất chậm, giá thuê năm 2024 vẫn thấp hơn 40% so với năm 2019.
Các thương hiệu Trung Quốc đại lục cũng đang thâm nhập thị trường xứ cảng.
HotMaxx là chuỗi bán lẻ thực phẩm và nhu yếu phẩm sắp cận date (hạn sử dụng) với giá rẻ, với hơn 800 cửa hàng khắp đại lục. Tháng 9-2024, chuỗi đã mở cửa hàng đầu tiên ở Hồng Kông và đang chuẩn bị mở hàng loạt các tiệm khác.
Chuỗi Luckin Coffee của Trung Quốc đang áp dụng chiến lược tiếp cận khác. Tháng 12-2024, chuỗi đã mở cùng lúc năm cửa hàng. Tại đại lục, Luckin bán một ly cà phê với giá 9,9 nhân dân tệ (gần 35.000 đồng). Sang Hồng Kông, Luckin bán một ly latte với giá 39 đô la Hồng Kông (127.000 đồng), ngang với Starbucks.
![](https://cdn.thesaigontimes.vn/wp-content/uploads/2025/02/LuckinCoffee@HongKong.jpg)
Tại sao lại phải có mặt tại Hồng Kông?
Hãng bán lẻ đồ nội thất Nitori Holdings của Nhật Bản đã mở cửa hàng flagship toàn cầu của hãng tại Hồng Kông hồi cuối năm 2024, mà không phải tại Nhật Bản hay quốc gia nào khác. “Hồng Kông là một địa điểm quan trọng để truyền bá thông tin ra thế giới. Việc chúng tôi có mặt và thành công ở đây sẽ rất quan trọng trong việc đẩy nhanh việc mở cửa hàng ở nước ngoài”, Nitori tuyên bố
Hồng Kông là một thị trường nhỏ. Chính quyền đặc khu dự đoán dân số sẽ đạt 8,19 triệu người vào tháng 6-2046, tăng gần 10% so với năm 2024. Tỷ lệ sinh thấp và dân số già dự kiến sẽ được bù đắp bởi số lượng lớn người nhập cư từ Trung Quốc đại lục.
Các công ty Trung Quốc đang đẩy nhanh việc mở rộng sang Hồng Kông bằng cách đặt cược vào nhu cầu của tệp khách hàng này.
Cơ hội mở rộng cho mọi người, và vẫn có kẻ phải rời thị trường. Bershka, thương hiệu nhắm đến tệp khách trẻ của hãng thời trang Tây Ban Nha Inditex – công ty điều hành chuỗi Zara – đã phải rút khỏi Hồng Kông trong năm 2024.
Theo Nikkei Asia