Thứ bảy, 25/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Thương hiệu nông sản quốc gia cần được ‘phản chiếu’ bằng chất lượng sản phẩm

Trung Chánh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Ẩn sau một thương hiệu có tiếng là sản phẩm phải đạt chất lượng tốt, độ nhận diện cao và đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng. Vậy, Việt Nam phải làm gì trong xây dựng thương hiệu sản phẩm nông sản quốc gia, nhất là khi chất lượng vẫn còn nhiều vấn đề tồn tại như hiện nay…

Năm 2023, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thuỷ sản cả nước đạt trên 53 tỉ đô la Mỹ, thặng dư thương mại đạt hơn 12 tỉ đô la Mỹ. Năm 2024, toàn ngành nông nghiệp tiếp tục đặt mục tiêu đạt kim ngạch xuất khẩu trên 54 tỉ đô la Mỹ.

Dù kết quả đạt được là ấn tượng, nhưng một số doanh nghiệp/hiệp hội vẫn chỉ ra nông sản Việt còn nhiều tồn tại, nhất là về mặt chất lượng sản phẩm. Do đó, khi nhắc đến thương hiệu nông sản, nhất là ở cấp độ quốc gia trên thị trường thế giới vẫn khá… “mờ nhạt”.

Từ củng cố về chất

Tại hội thảo tham vấn hoàn thiện chính sách pháp luật xây dựng thương hiệu nông sản Việt Nam vừa được tổ chức ở thành phố Cần Thơ, bà Hoàng Thị Liên, Chủ tịch Hiệp hội hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam (VPSA) cho biết, phía sau hình ảnh/logo thương hiệu đại diện cho một ngành hàng, đó phải là một bộ quy chuẩn về chất lượng/truy xuất nguồn gốc. Đi kèm đó là tiêu chí phát triển bền vững, và giá trị cốt lõi của ngành hàng đó…

Theo bà, cây tiêu đã có mặt trên bản đồ gia vị thế giới khi Việt Nam là quốc gia xuất khẩu lớn nhất, với khối lượng năm 2023 lên đến khoảng 264.000 tấn. “Còn tính chung ngành gia vị, năm ngoái Việt Nam xuất khẩu 430.000 tấn các loại, đạt kim ngạch gần 1,3 tỉ đô la, chiếm 11% thương mại thế giới, chỉ sau Ấn Độ và Trung Quốc”, bà Liên dẫn chứng và kỳ vọng, tương lai gần sẽ đạt khối lượng xuất khẩu 500.000 tấn, với trị giá 2 tỉ đô la Mỹ.

Cốt lõi thương hiệu nông sản quốc gia vẫn là ở chất lượng. Ảnh: Trung Chánh

Tuy nhiên, theo thừa nhận của vị chủ tịch VPSA, ngành tiêu đang gặp một số vấn đề, bao gồm kiểm soát chất lượng để đảm bảo yêu cầu về truy xuất nguồn gốc và phát triển bền vững. “Nói một cách sòng phẳng, hiện nay các nhà mua trên thế giới dù vẫn đến Việt Nam tìm nguyên liệu. Tuy nhiên, họ luôn nhắc chúng ta là đang còn vấn đề về dư lượng thuốc, kiểm soát hoá chất cần tiếp tục nỗ lực hơn thời gian tới”, bà cho biết.

Thực tế, không riêng cây tiêu, thời gian qua tình trạng sản phẩm “dính” dư lượng hoá chất hoặc đối tượng kiểm dịch thực vật, thậm chí có gian lận về nguồn gốc sản phẩm (lấy sản phẩm bên ngoài đưa vào vùng trồng đã được cấp mã số) diễn ra còn nhiều, dẫn đến việc thị trường nhập khẩu phải ra cảnh báo vi phạm.

Chẳng hạn, theo Cục bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), từ năm 2021 đến tháng 7 năm ngoái, đơn vị này đã nhận được 107 cảnh báo các lô hàng xuất khẩu không đáp ứng các yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm như: dư lượng vượt mức cho phép; sản phẩm chứa nấm mốc, vị khuẩn, kim loại nặng, chứa chất gây dị ứng, chất tạo màu không cho phép…

Trong bối cảnh chất lượng sản phẩm còn nhiều điểm cần khắc phục, thì một số sản phẩm nông sản Việt lại bị cạnh tranh gay gắt từ các nước xuất khẩu khác.

Bà Liên dẫn chứng, nếu năm 2016 Brazil chỉ xuất khẩu được 30.000 tấn tiêu thì năm ngoái đã đạt đến con số hơn 83.000 tấn, tức tăng gần 300%. “Rõ ràng, hiện nay mọi yếu tố đều có thể xảy ra, sắp tới ngôi thứ của Việt Nam liệu có bị ảnh hưởng”, bà cảnh báo.

Ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng lo lắng vị thế trái sầu riêng Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc sẽ bị ảnh hưởng khi Malaysia sắp được xuất khẩu sang Trung Quốc. “Trung Quốc mở cửa trái sầu riêng tươi cho Malaysia, có khả năng lúc đó sầu riêng Việt Nam sẽ mất đi vai trò, vị thế ở thị trường số 1 này”, ông cho biết.

Đến xây dựng quy chuẩn và quảng bá dài hạn

Từ thực trạng nêu trên, ông Nam nhấn mạnh, vấn đề cần làm đối với trái sầu riêng nói riêng và nông sản Việt Nam nói chung là phải xây dựng và bảo vệ thương hiệu cho Việt Nam. Câu hỏi được đặt ra, đó là việc xây dựng và phát triển thương hiệu quốc gia cho nông sản Việt nên triển khai như thế nào?

Bà Tô Tường Lan, Phó tổng thư ký Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP) cho biết, đầu tiên phải có sự thống nhất về cơ chế phối hợp giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn với Bộ Công Thương. Bởi lẽ, hiện Bộ Công Thương đang có chương trình “Foods of Vietnam” với 9 mặt hàng, bao gồm thuỷ sản với logo nhãn hiệu nhận dạng đã được xây dựng từ 2019.

Cà phê là 1 trong 3 sản phẩm đạt mức độ gọi là độc đáo trên thế giới để chúng ta tập trung làm nhận diện. Ảnh minh họa: H. Yến

Theo bà Lan, chương trình nhận diện thương hiệu theo Bộ Công Thương hiện mới dừng lại ở chỗ nhận diện thương hiệu và bộ tiêu chí đi theo để sử dụng logo, nhưng chưa có kinh phí để triển khai bước tiếp theo là bảo hộ. “Do đó, chúng ta cần có sự phối hợp đồng bộ để khi đưa ra thương hiệu quốc gia nhằm tránh chồng chéo và gây hiểu lầm khi đưa ra bộ nhận diện”, bà Lan đề xuất.

Ngoài ra, việc xây dựng thương hiệu quốc gia phải có sự ưu tiên, chú trọng cho một số sản phẩm, chứ không thể dàn trải nhiều sản phẩm.  “Thương hiệu quốc gia ở các nước, họ chú trọng độ nhận diện quốc gia trên một số sản phẩm đã nổi tiếng ở quốc tế và dồn nguồn lực để thực hiện, chứ dàn trải và thiếu kinh phí như chúng ta sẽ không hiệu quả”, bà cho biết.

Vị phó tổng thư ký VASEP gợi ý, Việt Nam có ba sản phẩm có thể chọn làm thí điểm, đó là gạo, cà phê và thuỷ sản. “Ba sản phẩm này đạt mức độ gọi là độc đáo trên thế giới để chúng ta tập trung làm nhận diện”, bà nói.

Ông Hồ Quang Cua, “cha đẻ” của giống gạo ngon nhất thế giới ST25 và là người giữ vai trò cố vấn cho doanh nghiệp tư nhân Hồ Quang Trí cho biết, phía sau “cái bóng” thương hiệu quốc gia là quy chuẩn khắt khe, chặt chẽ về chất lượng sản phẩm. Cho nên, việc đầu tiên là phải xây dựng quy chuẩn chất lượng cho sản phẩm mang thương hiệu quốc gia.

Chẳng hạn, năm 1998, khi Thái Lan xây dựng thương hiệu gạo quốc gia, họ có ba chuẩn được đưa ra, bao gồm một chuẩn có độ lẫn tối đa 10%; một chuẩn lẫn tối đa 20% và một chuẩn lẫn tối đa 30%. “Thế nhưng, để củng cố vị thế hàng đầu thế giới, có một chuẩn không thay đổi là phải đạt độ thuần về gene của gạo là 92%”, ông Cua cho biết.

Theo ông, Chính phủ Thái Lan cực kỳ “khắt khe” trong tiêu chuẩn chất lượng, bởi trong giai đoạn từ năm 1993 đến 1997 (trước khi Thái Lan xây dựng tiêu chuẩn chất lượng thương hiệu gạo năm 1998), tình trạng giả mạo ở Mỹ xảy ra quá nhiều. Hiện Thái Lan đã qua khoảng 7 lần cập nhật phiên bản mới về tiêu chuẩn gạo quốc gia.

Trên cơ sở quy chuẩn nhà nước đưa ra, doanh nghiệp nào đáp ứng, thì được sử dụng nhãn hiệu quốc gia. Khi đó, trường hợp có tranh chấp quốc tế, nhà nước sẽ đứng ra giải quyết, dĩ nhiên doanh nghiệp phải làm đúng chuẩn.

Ngoài ra, theo gợi ý của ông Cua, cần thiết lập quy chế để xét cấp chứng nhận và quy chế kiểm tra trước khi đóng gói cũng như trên kệ hàng ở nước ngoài. “Thương vụ sứ quán có nhiệm vụ mua các mẫu hàng ở nước ngoài về kiểm tra xem có bị pha trộn hay không”, ông nói.

Trong khi đó, bà Lan của VASEP cho rằng, muốn xây dựng thương hiệu quốc gia thành công cần phải có nguồn lực. Đầu tiên chúng ta xây dựng, sau đó phát triển và quảng bá thương hiệu đó một cách lâu dài và liên tục trên thị trường thế giới. "Như vậy, nguồn lực để thực hiện ở đâu?”, bà đặt vấn đề và cho rằng, đối với Thái Lan, Bộ Tài chính nước này tham gia vào chương trình thương hiệu quốc gia và làm trực tiếp.

Một điểm khác được bà Lan lưu ý, đó là cần chọn thị trường trọng điểm để bảo hộ và quảng bá thương hiệu. “Ví dụ, thương hiệu gạo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn được bảo hộ ở 22 quốc gia, nhưng có đến 17 quốc gia ở châu Phi. Vậy, nên chăng chúng ta nâng cấp phiên bản của mình hay không?”, bà đặt vấn đề.

Để thu hút sự quan tâm thương hiệu quốc gia của doanh nghiệp, bà Liên của VPSA cho rằng, bên cạnh củng cố nhận diện thương hiệu, thì phải làm sao lan toả được giá trị hay nói cách khác thương hiệu quốc gia phải đem lại giá trị cho doanh nghiệp.

Ngoài ra, theo bà, cần phải có sự đầu tư quảng bá cho thương hiệu quốc gia nếu muốn tăng nhận diện trên thị trường thế giới. “Việc này có lẽ phải có sự chia sẻ từ ngân sách, nếu không thì cần thẳng thắn rằng, chúng ta không thể làm được công tác truyền thông thương hiệu”, bà nhấn mạnh.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới