Thứ Ba, 23/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Thương hiệu sữa Việt “đem chuông đi đánh xứ người”

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Thương hiệu sữa Việt “đem chuông đi đánh xứ người”

Hồng Văn

Thương hiệu sữa Việt “đem chuông đi đánh xứ người”
Nông trại chăn nuôi bò sữa hiện đại của Vinamilk

Hơn 5 năm trước, trong dịp kỷ niệm 40 năm thành lập, Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) đã tổ chức chương trình “Giấc mơ sữa Việt” tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia Mỹ Đình, Hà Nội được truyền hình trực tiếp trên Đài Truyền hình Việt Nam, kênh VTV1. Đạo diễn Tất My Loan đã dàn dựng hình ảnh ẩn dụ xuyên suốt toàn bộ chương trình là hình ảnh màu trắng và chữ V: V là Việt Nam, V là Vinamilk; còn màu trắng vừa là biểu tượng của sữa, nhưng sâu xa hơn là sự tinh khiết, phẩm giá trong sạch cùng lối kinh doanh minh bạch.

Người tiêu dùng trong nước đã bất ngờ với câu chuyện nhân viên và lãnh đạo Vinamilk đối mặt với hiểm nguy trong khuôn khổ chương trình “Đổi dầu lấy lương thực” vào thời điểm Iraq đang có chiến tranh. 300 tấn sản phẩm sữa bột và 2.000 tấn sữa béo nguyên kem vận chuyển thành công sang Iraq vào năm 1998 là phát pháo mở đường cho các sản phẩm Vinamilk hiện diện tại 43 quốc gia của ngày hôm nay. “Đây là hợp đồng xuất khẩu đầu tiên, chúng tôi đã vui đến mất ăn mất ngủ”, Tổng giám đốc Vinamilk Mai Kiều Liên nhớ lại.

Nhưng đưa tên tuổi của thương hiệu sữa hàng đầu Việt Nam ra thế giới không chỉ dừng lại ở xuất khẩu mà hơn chục năm trước, thương vụ góp vốn xây nhà máy sữa bột Miraka ở New Zealand đã mở đầu cho hành trình đi xa hơn của thương hiệu này ra thế giới, từ Campuchia, Lào, rồi đến New Zealand, Mỹ.

“Vinamilk luôn đặt trách nhiệm cao nhất đối với uy tín thương hiệu, điều đó giúp công ty xây dựng được thương hiệu có giá trị tỉ đô như hôm nay. Cách làm của công ty là bắt tay cùng đối tác như những người bạn đồng hành tại thị trường nước ngoài, cùng chia sẻ một mục đích chung nhằm phát triển kinh doanh và thương hiệu, thay vì vào vai “người bán – người mua” theo cách xuất khẩu truyền thống”, ông Võ Trung Hiếu, Giám đốc Kinh doanh quốc tế của Vinamilk chia sẻ.

Giá trị thương hiệu của Vinamilk, theo đánh giá của Forbes Việt Nam, tăng dần đều từ 2016 đến nay, từ hơn 1,5 tỉ đô la đến 2,4 tỉ đô la Mỹ năm 2020. Để có giá trị thương hiệu như vậy không phải là dễ dàng cho ngành sữa Việt Nam, đó là không có lợi thế về vùng nguyên liệu, cụ thể hơn là chăn nuôi bò sữa. Giải bài toán này là quá trình đầu tư “khủng” của công ty để xây dựng 12 trang trại bò sữa và 13 nhà máy chế biến trong nước và gần đây đã mở rộng ra nước ngoài như tổ hợp trang trại bò sữa organic tại Lào giúp tạo ra được năng lực sản xuất, lợi thế cạnh tranh lớn.

Bên trong nhà máy chế biến sữa của Vinamilk.

Hiếm có doanh nghiệp nào ở Việt Nam trong lĩnh vực chế biến thực phẩm mà trong chục năm qua, thông tin được đưa trên báo chí chỉ xoay quanh lĩnh vực trọng tâm của công ty, như hôm nay Vinamilk nhập khẩu bò sữa bằng tàu biển, rồi bò sữa của công ty nhập đi bằng chuyên cơ; hay Vinamilk mở trang trại ở tỉnh này, tỉnh kia, rồi nhà máy ở tỉnh nọ như…

Không chỉ xuất khẩu hay đầu tư nhà máy ở nước ngoài mà hiện nay công ty còn tiến xa hơn. Như tại thị trường Hàn Quốc, Vinamilk đã bắt tay cùng đối tác để tìm hiểu và đưa ra chiến lược kinh doanh hiệu quả từ việc chọn sản phẩm sữa hạt cao cấp cho đến quyết định sử dụng kênh thương mại điện tử để xâm nhập thị trường. Được biết, Vinamilk đã trực tiếp đầu tư để việc xây dựng kênh bán hàng này cùng với đối tác nhằm tiếp cận người tiêu dùng mục tiêu và “ứng phó” với bối cảnh giãn cách xã hội tại Hàn Quốc. Nhờ vậy, từ đầu tháng 9 năm ngoái, sản phẩm trà sữa Vinamilk Happy đã được bày bán rộng rãi tại 1.500 cửa hàng tiện lợi Ministop ở Hàn Quốc bất chấp dịch bệnh Covid-19.

Tại Trung Quốc, ngoài việc đưa sản phẩm lên kệ các chuỗi siêu thị thì Vinamilk cùng đối tác phát triển kênh thương mại điện tử. Năm ngoái, vượt qua khó khăn do Covid-19, các sản phẩm sữa đặc Ông Thọ vẫn lên đường đến với thị trường tỉ dân này.

Nhật Bản, thị trường nổi tiếng khó tính và “chữ tín” gần như là tiêu chí tối thượng khi hợp tác, ông Hamada, đối tác của Vinamilk cũng đánh giá: “Vinamilk là một công ty có trách nhiệm cũng như tôn trọng sự cam kết đối với sản phẩm, dịch vụ, thương hiệu của họ. Đó chính là điểm nổi bật nhất khiến chúng tôi hợp tác lâu dài với công ty”. Còn ông A.Badi, đối tác lâu năm của Vinamilk tại thị trường Trung Đông, thì cho rằng: “Nhiều năm rồi nhưng chúng tôi vẫn tin tưởng và yên tâm làm đối tác của Vinamilk tại thị trường Trung Đông”.

Bà Mai Kiều Liên, Tổng giám đốc Vinamilk, cho biết kinh doanh quốc tế được xác định là mảng đóng góp tích cực cho sự tăng trưởng của công ty trong tương lai, vì vậy công ty đẩy mạnh chiến lược mở rộng thị trường nước ngoài và xây dựng thương hiệu toàn cầu với định hướng tập trung vào việc gia tăng sự hiện diện thương hiệu tại các khu vực trọng yếu, xây dựng dịch vụ chuyên nghiệp, tạo mối quan hệ bền vững với các đối tác – cầu nối của Vinamilk đến với người tiêu dùng quốc tế.
 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới