Thứ tư, 20/11/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Thương hiệu thời trang Shein của Trung Quốc ‘phả hơi nóng’ vào Zara, H&M

Chánh Tài

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Với mạng lưới 3.000 nhà cung cấp và đang bán quần áo giá rẻ ở 150 quốc gia, thương hiệu thời trang nhanh trực tuyến Shein trên đà hướng đến mốc doanh thu 24 tỉ đô la Mỹ trong năm nay, áp sát mức doanh thu của các đối thủ lâu đời hơn như Zara (Tây Ban Nha) và H&M (Thụy Điển).

Doanh số tăng trưởng thần tốc

Khách mua sắm xếp hàng trước cửa hàng pop-up (cửa hàng bán lẻ được mở trong một thời gian ngắn) của Shein ở Madrid, Tây Ban Nha hồi tháng 6-2022

Shein, được thành lập tại Trung Quốc và hiện đặt trụ sở tại Singapore, đã phát triển nhanh chóng nhờ mô hình kinh doanh độc đáo cho phép hãng bán được nhiều loại quần áo với giá cực rẻ và phản ứng nhanh với các xu hướng thời trang đang thay đổi. Giá bán lẻ cho các sản phẩm tank top (kiểu áo sát nách hay áo không tay) của phụ nữ trên trang web của hãng thấp đến mức chỉ 2 đô la Mỹ và một số bộ váy có giá dưới 5 đô la Mỹ.

Các nguồn thạo tin cho biết tổng giá trị giao dịch hàng hóa (GMV) trên nền tảng trực tuyến của Shein dự kiến sẽ tăng 50% lên 30 tỉ đô la Mỹ trong năm nay. GMV là một số liệu thường được các nền tảng thương mại điện tử sử dụng để đo lường tổng giá trị của các mặt hàng được bán thông qua một trang web. Trong trường hợp của Shein, phần lớn hàng hóa trên trang web và ứng dụng của hãng đều đến từ kho hàng thuộc sở hữu của hãng, khiến GMV của Shein thực chất là đại diện cho doanh thu và tốc độ tăng trưởng.

Shein chưa niêm yết cổ phiếu và không tiết lộ tài chính hoặc chỉ số bán hàng của mình nhưng đã có lãi kể từ năm 2019, theo các nguồn tin.

Simon Irwin, nhà phân tích bán lẻ tại Ngân hàng Credit Suisse, ước tính Shein đạt doanh thu khoảng 16 tỉ đô la Mỹ vào năm ngoái. Đầu năm nay, Shein đã hoàn thành một vòng gọi vốn dựa trên mức định giá 100 tỉ đô la Mỹ và công ty đang mở rộng kinh doanh ở Mỹ.

Shein đang bán và giao các sản phẩm đến hơn 150 quốc gia, đồng thời cũng cung cấp các loại quần áo đắt tiền hơn như váy dạ hội.

Shein đã trở thành đối thủ lớn của những gã khổng lồ thời trang nhanh của châu Âu bao gồm Zara và H&M, những thương hiệu bán quần áo và phụ kiện ở cửa hàng trực tiếp lẫn trực tuyến. Inditex, công ty mẹ của Zara, báo cáo doanh thu thuần 27,7 tỉ euro trong năm tài chính trước đó. Doanh thu thuần của Inditex trong nửa đầu năm tài chính hiện tại tăng 24%, lên 14,8 tỉ euro nhờ ngày càng có nhiều người mua sắm quay trở lại các cửa hàng sau đợt đại dịch Covid-19 tồi tệ nhất.

Doanh thu trong năm tài chính 2021 của H&M, thương hiệu có trụ sở tại Stockholm (Thụy Điển), đạt khoảng 199 tỉ kronor Thụy Điển, tương đương khoảng 18,1 tỉ đô la Mỹ, tính theo tỷ giá hối đoái hiện nay. Doanh thu thuần của công ty này trong nửa đầu năm tài chính hiện tại tăng 20%​, lên mức 103,7 tỉ kronor.

Nắm trong tay chuỗi cung ứng khổng lồ

Shein được thành lập bởi một nhóm bốn người bạn là Xu Yangtian, Molly Miao, Maggie Gu và Tony Ren, hiện đều đã ngoài 30 tuổi.  Trước đây, họ làm việc cho một công ty tiếp thị kỹ thuật số nhỏ ở phía đông thành phố Nam Kinh, tỉnh Giang Tô của Trung Quốc.

Sau đó, họ nghỉ việc để bắt tay xây dựng một doanh nghiệp bán lẻ trực tuyến tập trung vào việc bán các sản phẩm sản xuất tại Trung Quốc ra thị trường quốc tế. Họ sử dụng các kỹ năng tiếp thị trực tuyến của họ và tối ưu hóa công cụ tìm kiếm để nhắm mục tiêu đến những người mua sắm bên ngoài đất nước.

Molly Miao cho biết trong một cuộc phỏng vấn gần đây với The Wall Street Journal: “Chúng tôi không thực sự chắc chắn nên bán cái gì vào lúc đầu”. Cô cho biết nhóm của cô đã tập trung kinh doanh các mặt hàng từ áo cưới đến kính mát và trong thời gian đầu, những chiếc ấm đất sét nung sử dụng để pha trà là bán chạy nhất.

Sau hai năm thử nghiệm và sửa sai, họ quyết định tập trung bán lẻ thời trang, lĩnh vực thương mại điện tử tương đối kém phát triển vào thời điểm đó.

Họ thành lập Shein.com vào năm 2012, với Xu Yangtian làm giám đốc điều hành. Molly Miao nắm vai trò giám đốc hoạt động và  Maggie Gu chịu trách nhiệm phát triển hoạt động tiếp thị, còn Tony Ren phụ trách quản lý chuỗi cung ứng.

Công ty đã thiết lập chuỗi cung ứng tại Quảng Châu thuộc tỉnh Quảng Đông, trung tâm sản xuất chính của Trung Quốc. Shein hiện có mạng lưới chuỗi cung ứng khổng lồ bao gồm hơn 3.000 nhà sản xuất.

Molly Miao cho biết Shein có thể giữ giá bán rất thấp vì công ty có thể bán hết phần lớn hàng hóa mà công ty sản xuất cho người tiêu dùng. “Rất ít hàng hóa của chúng tôi bị tồn đọng. Đó là cách chúng tôi có thể tiết kiệm chi phí”, Miao nói.

Cô cho biết Shein duy trì tỷ lệ bán hết hàng là 98%, có nghĩa là cứ 100 sản phẩm thì công ty bán được 98.

Dana Telsey, người điều hành Telsey Advisory Group, một công ty môi giới ở New York tập trung vào lĩnh vực tiêu dùng, cho biết tỷ lệ hàng đã bán so với tổng tồn kho đầu chu kỳ là một thước đo quan trọng về hiệu quả của chuỗi cung ứng và là một yếu tố để định giá sản phẩm ở mức cạnh tranh.

“Mọi công ty trong ngành công nghiệp may mặc đều đang nỗ lực để tăng tỷ lệ hàng hóa được bán với nguyên giá”, Telsey nói và cho biết thêm rằng những công ty có thể điều chỉnh sản lượng khớp chính xác với nhu cầu có thể tránh được việc bán giảm giá hoặc bán hàng tồn đọng với mức giá lỗ.

Bị chỉ trích vì sử dụng quá nhiều bao bì nhựa

Sinh viên ngành thời trang người Mỹ Ava Grand (ngoài cùng bên phải) đã tạo ra một bộ sưu tập thời trang từ bao bì nhựa dùng đóng gói các sản phẩm áo quần của Shein. Ảnh: Times Union

Gần đây, nhiều hãng bán lẻ, từ các nhà điều hành các cửa hàng bách hóa đến các siêu thị lớn ở Mỹ, phải vật lộn với tình trạng dư thừa hàng tồn kho khi người tiêu dùng cắt giảm chi tiêu cho những thứ như quần áo và hàng điện tử. Do đó, họ đã phải giảm giá để giải phóng các kệ hàng và nhường chỗ cho các mặt hàng khác.

Shein có thể giải quyết vấn đề này bằng cách sản xuất quần áo và các mặt hàng khác theo từng lô nhỏ với tốc độ nhanh chóng, Miao nói.

Khoảng 6.000 mặt hàng mới xuất hiện trên các kệ hàng trực tuyến của Shein mỗi ngày. Tại bất kỳ thời điểm nào, các nền tảng bán hàng trực tuyến của Shein luôn có từ 600.000-700.000 đơn vị hàng hóa lưu kho, cao hơn nhiều so với bất kỳ nhà bán lẻ truyền thống nào, theo các nguồn tin của công ty.

Shein chỉ đặt hàng sản xuất 100-200 đơn vị cho mỗi mặt hàng quần áo từ các nhà máy của công ty, nơi sử dụng phần mềm độc quyền để theo dõi việc sản xuất mọi mẫu quần áo trong thời gian thực. Shein đánh giá sở thích và nhu cầu của khách hàng bằng cách sử dụng các thuật toán dựa vào doanh thu, hành vi duyệt web của khách hàng và các dữ liệu khác. Nếu nhận thấy mức độ quan tâm cao hơn đến một số mặt hàng nhất định, công ty sẽ tăng sản xuất. Các sản phẩm ít được ưa chuộng hơn sẽ hiển thị ít nổi bật hơn trên trang web hoặc bị loại bỏ.

Đầu năm nay, một chiến dịch chỉ trích Shein đã diễn ra trên mạng xã hội với cáo buộc công ty đang gây hại cho môi trường khi sử dụng quá nhiều bao bì nhựa để đóng gói quần áo. Một sinh viên ngành thời trang người Mỹ đã sử dụng chúng để sản xuất túi và trang phục bằng nhựa thương hiệu Shein. Sau đó, nhiều người khác đăng các video chỉ trích quần áo cực rẻ của Shein đang khuyến khích tiêu thụ quá mức và gây lãng phí cho người tiêu dùng.

Để giải quyết vấn đề này, đầu tháng 10, Shein đã ra mắt một chương trình thử nghiệm ở Mỹ, có tên gọi Shein Exchange, cho phép khách hàng bán lại các sản phẩm mà họ đã mua từ nền tảng của Shein. Công ty cũng có một bộ sưu tập quần áo được làm từ polyester tái chế và đang cố gắng sử dụng nhiều nhựa tái chế hơn trong bao bì đóng gói.

Theo WSJ

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới