Thương hiệu và bảo vệ thương hiệu: Trường hợp thương hiệu gạo ST25
Đặng Đình Cung (*)
(KTSG) - Thương hiệu gạo ST25 có nguy cơ bị chiếm đoạt ở Mỹ và ở Úc. Vấn đề đặt ra cho các chủ nhân của thương hiệu là bây giờ phải làm gì? Giải pháp hiển nhiên là đòi cho bằng được tài sản của mình. Tuy nhiên vấn đề không đơn giản như vậy và giải pháp chưa chắc là như thế.
Trước tiên các chủ nhân cần cân nhắc ba điều: (1) nếu ST25 là mã số quốc tế của giống lúa được đặt theo quy định hay tập quán quốc tế thì không thể coi đó là một thương hiệu và phải đặt thêm tên khác; (2) ST25 đã là mã số của một loại bảng lưới hàn bằng thép.
Không có gì ngăn cản việc dùng mã số đó làm thương hiệu cho một sản phẩm thuộc hạng khác. Nhưng người ta tránh dùng mã số hay thương hiệu của một hạng sản phẩm cho một sản phẩm thuộc hạng khác; (3) một thương hiệu có giá trị tùy ở tiếng tăm của nó và tầm vóc của thị phần sản phẩm mang thương hiệu đó. Nếu giá trị quá kém thì không bõ bỏ tiền đi đăng ký và duy trì chứng chỉ công nhận thương hiệu hay kiện tụng để đòi lại nếu nó bị chiếm đoạt.
Đây không phải lần đầu tiên mà một thương hiệu gặp phải vấn đề như thế này. Những thương hiệu Việt Nam đã bị chiếm đoạt chủ yếu là thương hiệu của nông phẩm thổ sản như là nước mắm Phú Quốc, cà phê Buôn Ma Thuột,... Đa số những đối tác chiếm đoạt thương hiệu của ta là đối tác Trung Quốc và tình trạng này mỗi ngày mỗi phổ biến hơn.
Trong trường hợp của thương hiệu ST25 thì bỗng nhiên có tới ba bốn đối tác xuất phát cùng một lúc. Sự trùng hợp này không thể gán cho ngẫu nhiên. |
Để sáng chế một thương hiệu có sức thu hút vừa không giống hay na ná thương hiệu khác thì phải bỏ ra nhiều công lao về trí tuệ. Công lao đó có thể rất lớn nếu muốn có một thương hiệu hội đủ hai điều kiện đó, vì trên thế giới mỗi năm lại có thêm hàng triệu thương hiệu mới ra đời.
Người ta bắt đầu dùng hệ trí tuệ nhân tạo (AI) để tự động tạo ra những thương hiệu. Trong ngành công nghệ số có người sống bằng nghề chế tạo tên miền để bán lại cho đối tác khác. Một người sáng chế được một thương hiệu hấp dẫn và độc đáo có thể trở thành triệu phú đô la.
Người ta gắn thương hiệu với sản phẩm để phân biệt với sản phẩm cùng loại khác. Giá thành và chất chất lượng phù hợp với yêu cầu thị trường là hai nhân tố để một doanh nghiệp tồn tại và phát triển. Quảng bá để thương hiệu trở nên nổi tiếng là nhân tố thứ ba. Ba nhân tố này tạo nên uy tín cho thương hiệu.
Vì phải mất rất nhiều công sức và tiền bạc để xây dựng và phát triển thương hiệu, nên mọi doanh nghiệp đều muốn bảo vệ nó trước nguy cơ bị tước đoạt và giải pháp trước tiên là đăng ký để được bảo hộ.
Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) mà Việt Nam cũng là thành viên và cơ quan chức năng của mỗi quốc gia thành viên cùng điều hành việc đăng ký thương hiệu. Thủ tục đăng ký được quy định bởi hai hiệp ước gọi chung là Hệ thống Madrid (Madrid System).
WIPO bảo vệ một số quyền lợi của chủ nhân thương hiệu đã được đăng ký ở tất cả các quốc gia thành viên. Nhưng nếu một quốc gia cho thêm số quyền lợi thì chủ nhân của thương hiệu đã được đăng ký ở quốc gia đó cũng được hưởng dù là có quốc tịch của quốc gia đó hay không. Ví dụ, theo WIPO thì thời hạn bảo vệ một thương hiệu là 10 năm, gia hạn vĩnh viễn. Nhưng theo luật của nước Pháp thì thương hiệu đó được bảo vệ thêm năm năm sau khi hết hạn WIPO.
Ăn bám và thủ đoạn
Như phân tích ở phần trên, doanh nghiệp phát triển được hay không phụ thuộc nhiều vào uy tín của thương hiệu, mà muốn có có uy tín thì phải đầu tư. Dựa vào thương hiệu uy tín không phải mình đầu tư phát triển, mà không được phép của chủ nhân, để bán hàng của mình thì gọi là “ăn bám”, hay chính thống hơn thì gọi là “sử dụng bất hợp pháp thương hiệu”. Đây là một hành vi bất lương và bất hợp pháp.
Nhưng cũng có tình huống “cá lớn ăn hiếp cá bé” mà chủ nhân thương hiệu ST25 có vẻ là nạn nhân.
Một hãng khống chế thị trường (oligopoly) muốn làm hại đối thủ cạnh tranh nhỏ hơn, “lương thiện” thì họ làm bằng cách quảng cáo và tiếp thị ồ ạt hay bán phá giá sản phẩm của họ. Bất lương thì dùng những thủ đoạn hợp pháp hay bất hợp pháp.
Trong số những thủ đoạn này thì thủ đoạn rẻ tiền nhất là chiếm đoạt thương hiệu. Trong trường hợp thương hiệu ST25 thì có thể họ nhân dịp chủ sở hữu chưa kịp đăng ký để đăng ký trước, sau đó bắt chủ nhân chấp nhận những điều có lợi cho họ để chuộc lại thương hiệu. Có tình huống họ mua lại hãng của chủ nhân thương hiệu với một giá “tương ứng với cán cân lực lượng” (corresponding to the balance of power) để dùng hay xóa bỏ thương hiệu.
Đây có vẻ như là một giả thuyết âm mưu từ óc tưởng tượng của người viết bài này? Không đâu. Vào thế kỷ thứ 19 các đại gia hóa học, dầu mỏ, luyện thép hay đường sắt Mỹ đã sử dụng thủ đoạn này. Thời hiện đại có một tập đoàn trong ngành hạt giống, thức ăn gia súc, phân bón và hóa chất dùng cho canh nông cũng nổi tiếng về thủ đoạn này. Họ nuôi một đoàn luật sư chuyên át tiếng nói của những người tố cáo họ. Trước pháp luật thì họ luôn luôn thắng kiện vì họ hành động bên rìa luật lệ và không bao giờ phạm pháp.
Hình như có ai đó đang cố ý muốn làm hại các chủ nhân thương hiệu ST25. Chiếm đoạt thương hiệu là bất lương và phạm pháp. Ở một thời điểm nào đó thì trên thế giới chỉ có một đối tác muốn chiếm đoạt một thương hiệu. Trong trường hợp của thương hiệu ST25 thì bỗng nhiên có tới ba bốn đối tác xuất phát cùng một lúc.
Sự trùng hợp này không thể gán cho ngẫu nhiên. Rất có thể có ai đó tổ chức sự việc này để các chủ nhân thương hiệu ST25 phải tốn tiền kiện tụng. Không ít doanh nghiệp đã phải mang nợ hay bị phá sản vì chi phí kiện tụng vượt khả năng tài chính của họ.
Theo tin đọc trên báo chí trong nước thì các chủ nhân thương hiệu ST25 đã xử lý theo kế “tẩu vi thượng sách”, đó là thay đổi thương hiệu và đăng ký xin bảo hộ ngay; bán quyền sở hữu giống lúa ST25 cho Nhà nước.
Đây là kế sách tốt nhất vì các vị này sẽ có thể tập trung vào nghề ruột của mình. Trong kinh doanh thì tập trung vào nghề ruột là chiến lược khôn ngoan nhất. Nghiên cứu và phát triển các loại giống cây trồng là nghề ruột của các vị. Vậy thì các vị hãy dồn tất cả hơi sức để: sáng chế những giống cây trồng mới; lập hồ sơ đăng ký các giống cây trồng đã sáng chế ở Liên minh quốc tế Bảo vệ các giống cây trồng mới (UPOV) mà Việt Nam cũng là thành viên, và ở những nước có trao đổi thương mại với Việt Nam về giống cây trồng; bảo vệ sở hữu và quyền sở hữu những giống cây trồng đã được UPOV công nhận.
Chứng chỉ công nhận giống cây trồng của UPOV giống như một bằng sáng chế của WIPO. Trong thời hạn 15-25 năm, tùy quốc gia đăng ký, bên sáng chế được độc quyền: trồng cây và bán sản phẩm; bán giống cho nông dân để họ sản xuất và nhân giống dùng cho vụ sau; cho phép đối tác khác thuê quyền gây giống. Người sở hữu cũng có thể nhượng quyền sở hữu đó.
(*) Kỹ sư tư vấn