Thứ hai, 27/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Thương hiệu vàng hướng về năm năm kế tiếp và xa hơn

Ricky Hồ

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Giải Thương hiệu vàng TPHCM bước sang năm thứ năm, với 137 lượt doanh nghiệp được trao giải trong bốn năm qua. Trong số này, có những thương hiệu còn rất non trẻ, ở giai đoạn đang định hình bản sắc, thường được xem là chưa đứng vững. Nhưng không ít người sẽ ngạc nhiên nếu biết rằng có những cái tên đã đứng vững 100 năm hoặc hơn thế nữa. Đó chính là những thăng trầm, các bước chuyển đổi của nền kinh tế.

Một số thành viên trong Hội đồng bình chọn Giải thưởng Thương hiệu vàng TPHCM lần thứ 5 - năm 2024 tại Lễ công bố giải thưởng.

Thử phác họa nét chung

Năm 2020, San Hà và ABC Bakery là hai công ty trẻ nhất trong 30 công ty đầu tiên được trao giải. Cả hai đều 12 tuổi, giống nhau cả về cách đặt tên, nhưng quá trình ấp ủ các hoạt động kinh doanh khác nhau.

Từ một cơ sở chuyên kinh doanh gia cầm sống vào năm 1991, doanh nhân Phan Thị Ngọc Hà thành lập công ty năm 2008, với tên gọi bằng cách ghép tên của bà và con trai. San Hà giờ là công ty chuyên kinh doanh sản phẩm gia cầm, thủy cầm tươi sống và đông lạnh, và thực phẩm chế biến các loại. Với văn phòng chính ở quận 8, San Hà đã mở rộng mô hình chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn từ trang trại đến bàn ăn. Công ty hiện có bốn nhà máy đặt tại Long An và Đồng Nai.

Ông Kao Siêu Lực trao bảng hiệu Đức Phát cho tiệm bánh mì của hai vợ chồng ông năm 1984. Cuộc hôn nhân tan vỡ, ông để lại cho vợ chuỗi Đức Phát, cùng với ba con lập nên tiệm bánh đầu tiên. Tên tiệm được ghép từ chữ đầu tên tiếng Anh của ba người con.

Năm 2021, thương hiệu trẻ nhất đoạt giải là King Coffee được TNI ra mắt ở thị trường Mỹ vào tháng 10-2016 và sau đó liên tục phát triển ra hơn 60 nước và lãnh thổ trên thế giới. Ở năm trao giải thứ ba 2022, hãng TTC Energy chuyên điện mặt trời áp mái thành lập năm 2017 là công ty trẻ nhất. Năm 2023, Công ty cổ phần công nghệ Citek thành lập năm 2016 là công ty trẻ nhất.

Như vậy, nét chung đầu tiên là sự xuất hiện của những thương hiệu non trẻ. Các chuyên gia thương hiệu thường cho rằng các thương hiệu chưa qua cột mốc năm năm thường khó đứng vững, bởi nền tảng nhận diện thương hiệu và bản sắc thương hiệu chưa định hình rõ. Nhưng King Coffee, TTC Energy và Citek đã cho thấy sự định hình và trưởng thành nhanh của thương hiệu.

Kế đến, phần lớn các công ty đoạt giải là những doanh nghiệp thời kỳ đầu của nền kinh tế sau 1975 (như Vinamilk, Agtex 28, điện lạnh Ree, Nhựa Bình Minh, dây điện Cadivi…) hoặc nhóm sau hình thành trong giai đoạn đổi mới và mở cửa của nền kinh tế (như Bến Thành Tourist, Saigon Coop, PNJ, An Phước, Vinasun…) và nhóm thành lập sau năm 2000 (như Kềm Nghĩa, xuất nhập khẩu Nam Thái Sơn, liên doanh bột Quốc Tế…).

Cuối cùng, mì tôm Colusa - Miliket, dầu ăn Nakydaco hoặc thực phẩm Vissan nhắc nhở về những thương hiệu được hình thành trước năm 1975. Cá biệt, có đến ba thương hiệu trăm tuổi.

Năm đầu tiên 2020, Rex Hotel là thương hiệu lâu đời nhất được trao danh hiệu. Khách sạn thành lập năm 1925 được chuyển giao về cho Saigon Tourist quản lý từ năm 1975.

Năm 2021, hai thương hiệu “cổ” gây không ít chú ý là Bệnh viện Hùng Vương và Bệnh viện Chợ Rẫy.

Nguyên là nhà Bảo sanh Chợ Lớn hình thành năm 1901 với chỉ 60 giường, sau 1975 Hùng Vương trở thành bệnh viện công chuyên về sản khoa hàng đầu Việt Nam với hơn 900 giường. Còn tiền thân của Bệnh viện Chợ Rẫy là Hôpital Municipal de ChoLon, hoàn tất năm 1900. Đây là một trong những cơ sở y tế đầu tiên được Pháp xây dựng tại Việt Nam, cùng với Viện Pasteur Sài Gòn (1891) và Viện Pasteur Nha Trang (1895).

Sự chuyển giao thế hệ quản lý ở các doanh nghiệp gia đình hoặc các doanh nghiệp quốc doanh, quá trình đổi mới công nghệ và tư duy quản lý cũng sẽ là những câu chuyện thú vị về những công ty đạt giải.

Thách thức của ESG

Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM cũng là thành viên của hội đồng bình chọn. Tại lễ phát động mùa giải 2024 vào tháng 6 vừa rồi, ông nói rằng cùng với những tiêu chí đánh giá trước đây, năm nay ban tổ chức sẽ đưa thêm các tiêu chí ESG (môi trường, xã hội và quản trị). Hội đồng bình chọn đánh giá dựa trên kết quả kinh doanh là 40%, đổi mới 30% và bền vững 30%.

Ông Phạm Phú Ngọc Trai, nhà sáng lập kiêm Chủ tịch Liên minh tái chế bao bì Việt Nam (Pro Vietnam), doanh nghiệp Việt đang đối diện với các thách thức và cơ hội của quá trình thực hiện ESG một cách nghiêm túc. Tuy vậy, theo báo cáo của Chương trình Phát triển Liên hiệp quốc (UNDP) tại Việt Nam, chỉ một số ít doanh nghiệp Việt đã sẵn sàng cho hành trình mới ESG. Bởi trong quá trình thực hiện ESG, đến 62% tập trung vào vấn đề quản trị G, 22% đầu tư tiền bạc, thời gian và nỗ lực cho môi trường E và 16% cho các yếu tố xã hội S.

Chủ tịch Pro Vietnam cho rằng ESG không chỉ dành cho doanh nghiệp lớn. Mỗi doanh nghiệp nhỏ đều có thể thực hiện ESG theo nguồn lực, khả năng quản lý của doanh nghiệp. Doanh nghiệp có thể tối ưu hóa số điểm đánh giá dựa vào bộ tiêu chí mà mình chọn, từ hơn 600 bộ tiêu chí quốc tế và Việt Nam. Tính toán giảm bớt rác thải và nguồn phát thải, giảm tiêu hao năng lượng trực tiếp hay gián tiếp, chọn nhà cung cấp hiệu quả và có nguồn phát thải thấp đều nằm trong tầm tay của doanh nghiệp, nhưng điều này phù hợp rất lớn vào khả năng quản trị của nhà lãnh đạo.

Năm 2024 đánh dấu cột mốc 20 năm hình thành và phát triển của Công ty cổ phần xây dựng Coteccons tại thị trường Việt Nam. Ông Bolat Duisenov, Chủ tịch Hội đồng quản trị, nói rằng sẽ tiếp tục hành trình phát triển lâu dài hơn, 50 năm hay nhiều hơn nữa, bởi “ESG rất quan trọng với Coteccons, ngành xây dựng chiếm đến 30-40% lượng phát thải ra môi trường”. Vị chủ tịch cũng nói rằng Coteccons hiện đứng đầu về số dự án công trình xanh đạt chứng chỉ LEED quốc tế tại Việt Nam.

Công ty cổ phần lương thực thực phẩm Colusa - Miliket đầu tư vào sản xuất xanh và chuỗi cung ứng bền vững qua các chương trình sản xuất sạch từ năm 2009, theo Phó tổng giám đốc Nguyễn Anh Tuấn. Quá trình thực hiện tiêu chuẩn ISO 14000 về môi trường vào năm 2014 và các chương trình nâng cấp công nghệ cao hơn của hãng sản xuất thiết bị Hitachi của Nhật Bản cứ mỗi năm năm đã giúp cho thương hiệu mì gói lâu đời nhất Việt Nam tiếp tục tiến lên phía trước khi các tiêu chuẩn ESG ngày một cao.

Kể cả khách sạn Rex với kết cấu công trình 100 tuổi cũng thực hiện chương trình giảm rác, khí phát thải, điện và nước.

Chặng đường xa hơn

Một trong những quy định của giải thưởng Thương hiệu vàng là thương hiệu phải đạt các tiêu chí cao về độ nhận diện, chất lượng và độ lan tỏa của thương hiệu. Một trong những tiêu chí đầu tiên là công ty đã thành lập trên hai năm, có văn phòng chính thức tại TPHCM.

Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM Nguyễn Ngọc Hòa đã bày tỏ về việc nâng tầm của Thương hiệu vàng trong năm năm tới. “Tại sao chúng ta không thể nghĩ đến chương trình thương hiệu quốc gia”, ông bày tỏ.

Tại lễ trao giải Thương hiệu vàng TPHCM năm 2023, Phó chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan khuyến khích các doanh nghiệp Thương hiệu vàng đi tiên phong trong sản xuất kinh doanh, tuân thủ nghiêm chỉnh các quy chuẩn ESG, đưa ra những sản phẩm mang bản sắc địa phương. Không chỉ vậy, Thương hiệu vàng phải là bảo chứng giá trị cho hàng Việt vươn ra thị trường nước ngoài, không chỉ trong thị trường nội địa.

Các thương hiệu có tuổi đời cao càng thể hiện sự nhất quán, hoài niệm và cả sự bảo đảm chất lượng. Trong trường hợp này, Hùng Vương, Chợ Rẫy hay Rex đã “phần nào gắn liền thương hiệu thành phố mà TPHCM đang tìm cách xây dựng”, Tiến sĩ Lý Quý Trung phát biểu tại một hội thảo cuối tuần rồi.

Tuy vậy, sự ưa chuộng các thương hiệu lâu đời có thể khiến người tiêu dùng giảm dần sự kỳ vọng vào sự đổi mới thương hiệu. Sự xuất hiện của công ty khởi nghiệp, đặc biệt là startup 2-5 tuổi, chắc chắn sẽ tạo nên sự đột phá của Thương hiệu vàng. Dĩ nhiên đó là chuyện khó, nhưng không phải không thể.

Sự tích hợp hay tương thích giữa Thương hiệu vàng với các chương trình xây dựng thương hiệu cho TPHCM và thương hiệu quốc gia có thể là bước phát triển của chương trình Thương hiệu vàng ở tuổi thứ năm.

Đó là điều mong mỏi của nhiều người. “Bởi xây dựng thương hiệu cho TPHCM sẽ tạo ra sức hấp dẫn đối với du khách và nhà đầu tư, củng cố bản sắc và phong cách của cư dân địa phương, tạo thêm giá trị cho các sản phẩm cụ thể và văn hóa của thành phố. Những mục tiêu này sẽ trong tay chúng ta thông qua các chiến lược phát triển, quản lý và truyền thông hình ảnh cho TPHCM”, ông Lý Quý Trung nhấn mạnh tại hội thảo cuối tuần rồi.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới