Thứ Bảy, 5/10/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Thương hồ Cà Mau

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Thương hồ Cà Mau

Phạm Thanh Thôi (*)

Thương hồ Cà Mau
Hàng đồ tươi từ vùng U Minh tại chợ nổi Cái Nước. Ảnh: PHẠM THANH THÔI

(TBKTSG) - Diện mạo kinh tế - xã hội ở vùng sông nước Cà Mau đang đổi thay. Thương hồ (1) đã làm cho các ghe xuồng (vỏ) trở thành những “chợ nổi di động” trên sông, đáp ứng nhu cầu mua sắm“tại nhà” của cư dân. Thương hồ tuy có từ xưa nhưng gần đây đã trở thành sinh kế chính của không ít thanh niên vùng sông nước này. Bài viết này dựa trên những khảo sát trong khuôn khổ đề tài “Hoạt động thương hồ ở vùng đồng bằng sông Cửu Long: Truyền thống và biến đổi” do GS.TS. Ngô Văn Lệ làm chủ nhiệm đề tài, tác giả là thành viên thực hiện.

Chuyên canh theo vùng

Kinh tế nông nghiệp sản xuất hàng hóa ở Cà Mau từ lâu đã chuyên canh theo đặc điểm của hệ sinh thái ở từng vùng nước ngọt và nước mặn. Theo đó, vùng đất phèn U Minh (gồm huyện U Minh, Trần Văn Thời và Thới Bình) là vùng đầm lầy nội địa được giới hạn bởi đê tự nhiên của các dòng sông Ông Đốc, sông Trẹm, sông Cái Tàu và bờ đất cao ven biển Tây. Hơn 10 năm qua, cư dân trong vùng đã tiến hành cải tạo đất, nước bị nhiễm phèn, mặn để gieo trồng các loại cây lương thực nước ngọt, đặc biệt là các loại rau, củ, quả. Do thổ nhưỡng giàu chất dinh dưỡng, vùng U Minh đã sớm trở thành vựa cung cấp các sản phẩm trồng trọt đa dạng như đu đủ, dứa, dừa, khoai lang, mướp, bầu, bí đỏ, khổ qua, bông súng, rau cải các loại, thì là, hành lá, bí đao, đậu các loại, cà, bạc hà, bắp chuối, ốc, cá đồng và cá nuôi nước ngọt các loại... Người Cà Mau thường gọi các loại rau, củ, quả này là hàng đồ tươi. Ngược lại, vùng đất bãi bồi và ngập mặn (theo mùa) bao gồm các huyện Đầm Dơi, Năm Căn, Ngọc Hiển, Phú Tân và Cái Nước thích hợp cho việc nuôi tôm, cua, cá. Từ sau năm 2000, cư dân các huyện này đã đồng loạt cải tạo diện tích đất ruộng trồng lúa (1 hoặc 2 vụ/năm) sang ao vuông và dẫn nước mặn vào ruộng (lẫn vườn, rẫy) để nuôi tôm, cua. Tổng diện tích nuôi thủy sản nước mặn ở Cà Mau đã tăng nhanh và đứng đầu cả nước. Không còn trồng lúa và các loại rau, củ, quả, cư dân ở đây bỏ tiền mua gạo và hàng đồ tươi từ nơi khác chuyển đến.

“Chợ di động” trên sông

Nội vùng Cà Mau có nhiều sông/kênh/rạch chằng chịt, với tổng chiều dài hơn 7.000 ki lô mét và diện tích mặt nước trên 15.750 héc ta. Số lượng các cửa sông đổ ra biển Đông, biển Tây ở Cà Mau nhiều nhất so với các tỉnh/thành khác. Đáng chú ý, từ đầu thế kỷ 20, khi có kênh đào Quản Lộ kết nối hệ thống sông/rạch giữa vùng Hậu Giang với Cà Mau, vận chuyển hàng hóa ra vào Cà Mau chủ yếu qua phương tiện ghe, xuồng (vỏ).

Ở Cà Mau, thương hồ đã xuất hiện từ khá lâu. Trước năm 2000, sông Gành Hào (thành phố Cà Mau) thường có đến hàng trăm ghe hàng ở vùng Hậu Giang, Kiên Giang đến tụ họp, khúc sông trở thành chợ nổi. Ghe hàng của các thương hồ vùng trên xuống Cà Mau bán đủ loại hàng hóa, trong đó chủ yếu là hàng khô (gia dụng, nhu yếu phẩm các loại) và hàng bông (bắp cải, củ, trái quả các loại). Từ sau năm 2000, khi hệ thống giao thông đường bộ liên tỉnh (quốc lộ 1A và 63) và nội vùng đến các huyện được xây dựng, nâng cấp, hàng hóa đến Cà Mau bằng đường bộ đã chiếm ưu thế. Do đó, thương hồ cùng ghe hàng (chở hàng bông đến từ Vĩnh Thuận, Phong Điền, Cái Răng, Phụng Hiệp, Sóc Trăng...) ở chợ nổi trên sông Gành Hào đã thưa vắng dần.

Tuy nhiên, tại ngã tư các sông/kênh tại chợ Cái Nước(2), một chợ nổi đầu mối cung cấp hàng hóa mới đã được hình thành. Cứ mỗi ngày, từ 1 giờ sáng đến 14 giờ chiều, có hàng trăm thương hồ mới “không chuyên” ở vùng Đất Mũi (nhiều nhất ở Cái Nước) đến mua hàng hóa để đi bán trên sông/rạch. Từ chợ nổi Cái Nước, hàng trăm ghe thương hồ mỗi ngày đã chở hàng trăm tấn hàng hóa (chủ yếu là hàng tươi, hàng bông) tỏa đến khắp các sông/rạch trong vùng nuôi tôm để đáp ứng nhu cầu mua thực phẩm của cư dân.

Thương hồ bất đắc dĩ

Thương hồ ở Đất Mũi nay không còn đi bằng ghe chèo mà đi vỏ (ghe/xuồng) có gắn động cơ và phần nhiều là đàn ông, ở độ tuổi từ 25-40.

Trước khi trở thành thương hồ, đa phần trong số họ đã cùng cha mẹ trồng lúa, rau, củ và nuôi, bắt tôm, cá theo mùa để mưu sinh. Chuyển đổi đất ruộng, rẫy sang ao/vuông chứa nước mặn để nuôi tôm cua, cuộc sống của nhiều người đã trở nên khấm khá hơn trong 10 năm đầu. Không ít người đã xây được nhà gạch, mua được xe gắn máy. Cũng có hộ dành tiền nuôi được con cái mình học xong đại học tại các thành phố lớn.
Thế nhưng, với cách nuôi tôm “tự nhiên” (quảng canh, thả rông), đất và nước cũng dần dần nghèo dinh dưỡng và nhiễm bẩn. Tôm cua chậm lớn, hao hụt rất nhiều. Đã có không ít người, thay vì đi thành phố (TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai) để tìm sinh kế, lại đến với cuộc sống thương hồ. Họ sợ xa vợ, xa con thời gian dài sẽ dẫn đến nhiều cảnh đời phức tạp. Họ sắm vỏ (ghe/xuồng) cùng máy nổ, kiếm thêm vài triệu đồng làm vốn mua hàng rồi rong ruổi trên sông rạch để bán cho cư dân trong vùng. Gần 10 năm qua, tại huyện Cái Nước, phần nhiều đàn ông có nhà dọc theo các tuyến kinh/rạch đã trở thành thương hồ. Riêng xã Tân Hưng Đông, hiện có hơn 500 hộ có người trở thành thương hồ bán dạo trên sông.

Đa phần thương hồ thức giấc từ 12 giờ đêm và đến chợ nổi đầu mối Cái Nước để lấy hàng tươi, hàng khô, hàng bông và thịt, mắm các loại rồi trở về nhà cùng với vợ sắp lại hàng hóa theo kích cỡ và đến hừng sáng thì ra đi rao bán đến cuối ngày. Chợ nổi Cái Nước nay có cả 1.000 ghe (vỏ) của thương hồ đến mua hàng sỉ để đi bán dạo trên các tuyến sông/rạch trong vùng.

Hàng tươi trên ghe của thương hồ luôn tươi xanh và rẻ do được lấy trong đêm từ chợ đầu mối và chở đi trên sông nước. Cư dân vùng sông/rạch không phải lúc nào cũng tự mình chạy ghe vài chục ki lô mét ra chợ để mua rau, củ, quả. Vì thế, hàng ngày nếu không có lễ tiệc, các hộ gia đình chỉ cần mua thực phẩm của thương hồ là đủ. Thương hồ đã giúp cư dân vùng Đất Mũi tiết kiệm được chi phí và thời gian đi lại để mua thực phẩm hàng ngày.

Trở thành thương hồ là bất đắc dĩ, nhưng họ luôn hy vọng đó là sinh kế có tương lai, với thu nhập gần 200.000 đồng/ngày/người. Nghề thương hồ đã góp phần làm giảm tình trạng lao động thất nghiệp trong thời kỳ hậu chuyển đổi từ trồng lúa sang nuôi tôm.

(*) (Khoa Nhân học - Đại học Quốc gia TPHCM)

(1) Từ “thương hồ” có nhiều cách hiểu, trong bài viết này thương hồ được hiểu là những người hoạt động mua, bán hàng hóa trên sông/kênh/rạch bằng phương tiện ghe, xuồng (thuyền, vỏ...) để mưu sinh.

(2) Cái Nước cách thành phố Cà Mau 35 ki lô mét, ở vị trí trung tâm của các huyện U Minh, Trần Văn Thời, Phú Tân (phía Tây Bắc), huyện Đầm Dơi (ở phía Đông), Năm Căn và Ngọc Hiển (phía Nam).

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới