Thứ bảy, 25/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Thương mại điện tử tăng trưởng 20% trong năm 2024

Gia Nghi

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Theo báo cáo số 9950/BCT-KHTC của Bộ Công Thương, trong 10 tháng năm 2024, tăng trưởng thị trường thương mại điện tử B2C đã đạt 18-20%, hoàn thành mục tiêu Chính phủ giao.

Theo Bộ Công Thương, tăng trưởng thị trường thương mại điện tử B2C năm 2024 đã đạt 18-20%. Ảnh: TL

Theo Bộ Công Thương, đến nay, đã có 116 nhà cung cấp nước ngoài đăng ký và thực hiện nghĩa vụ thuế qua cổng thông tin điện tử với tổng số thu ngân sách lên đến 19.774 tỉ đồng.

Các công ty điện tử hàng đầu thế giới như Google, Meta, Microsoft, TikTok, Netflix và Apple cũng đã đóng góp đáng kể với số thu khai trực tiếp qua cổng thông tin năm nay đạt 8.687 tỉ đồng, tăng 26% so với cùng kỳ.

Bên cạnh đó, 11 tháng qua, các tổ chức, cá nhân có hoạt động kinh doanh thương mại điện tử cũng đã nộp khoảng 108.000 tỉ đồng tiền thuế, tăng 22%.

Mặc dù phải đối mặt với nhiều thách thức từ kinh tế toàn cầu, thương mại điện tử Việt Nam vẫn ghi nhận tốc độ tăng trưởng, đạt 25% vào năm 2023, quy mô thị trường đã đạt 20,5 tỉ đô la Mỹ và dự kiến sẽ tiếp tục tăng lên 25 tỉ đô la Mỹ trong năm nay.

Để thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của hạ tầng thương mại, đặc biệt là thương mại điện tử, Bộ Công Thương đã chủ động phối hợp với các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp để xây dựng và triển khai các tiêu chí, tiêu chuẩn.

Đồng thời, cơ quan quản lý đã đầu tư xây dựng và vận hành các nền tảng hỗ trợ như Trục phát triển hợp đồng điện tử Việt Nam và KeyPay, nhằm tạo ra một môi trường kinh doanh số thuận lợi, hiện đại và thông suốt.

Trước những kết quả đã đạt được trong năm 2024, sang năm 2025, Bộ Công Thương sẽ chủ động triển khai các giải pháp nhằm thúc đẩy phát triển thương mại điện tử, tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý, theo dõi tình hình thị trường để kịp thời điều chỉnh chính sách.

Bộ cũng sẽ chủ động trình Chính phủ kế hoạch phát triển thương mại điện tử giai đoạn mới, đồng thời tăng cường phối hợp với các bộ, ngành để tạo ra một môi trường thương mại điện tử an toàn, minh bạch và phát triển bền vững.

Bên cạnh đó, cơ quan này sẽ đẩy mạnh các hoạt động truyền thông, hỗ trợ doanh nghiệp và người tiêu dùng, nhằm thúc đẩy kinh tế số và nâng cao vị thế của hàng hóa Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Trong năm 2025, Bộ Công Thương nhận định, hoạt động xuất khẩu của Việt Nam sẽ có nhiều triển vọng phát triển. Sự phục hồi của các nền kinh tế lớn, cùng với các chính sách hỗ trợ của Chính phủ và sự nỗ lực của doanh nghiệp sẽ tạo ra nhiều cơ hội mới. Tuy nhiên, các doanh nghiệp cần chủ động thích ứng với những thay đổi của thị trường và chuẩn bị tốt để tận dụng tối đa những cơ hội này.

Bộ Công Thương đặt mục tiêu xuất khẩu năm 2025 tăng khoảng 6% so với năm 2024. Để đạt được mục tiêu đặt ra, bộ sẽ chủ động theo dõi sát sao diễn biến thị trường, cung cấp thông tin kịp thời cho doanh nghiệp và thường xuyên điều chỉnh kế hoạch. Ngoài ra, Bộ sẽ đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tận dụng tối đa các FTA và đơn giản hóa thủ tục hành chính, nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho hoạt động xuất khẩu.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới