(KTSG Online) - Hệ thống thương mại toàn cầu đang trải qua những thay đổi về kết cấu sẽ định hướng lại chuỗi cung ứng quốc tế trong nhiều thập niên tới. Các chuyên gia gọi thay đổi này là “tái toàn cầu hóa”.
- ‘Cha đẻ’ ngành chip Đài Loan cảnh báo toàn cầu hóa đã đến hồi kết
- Các công ty đa quốc gia có đang ít toàn cầu hóa hơn?
Có hai lý do dẫn đến sự thay đổi trên. Thứ nhất, các công ty đa quốc gia đang tăng tốc đa dạng hóa chuỗi cung ứng để ứng phó tình trạng thiếu hụt nguồn cung, giá cả tăng đốt biến và tình trạng gián đoạn sản xuất như từng diễn ra trong đại dịch Covid-19. Thứ hai, các chính phủ, đặc biệt là ở Mỹ và châu Âu, muốn đảm bảo quyền tiếp cận các vật liệu và linh kiện quan trọng như chip bán dẫn và khoáng sản đất hiếm trong trường hợp thương mại thế giới bị chia cắt theo các khối địa chính trị.
Quá trình “tái toàn cầu hóa” này sẽ mất nhiều năm và dữ liệu thương mại mới chỉ bắt đầu cho thấy những manh mối đầu tiên về quy mô của những thay đổi cũng như cũng như nền kinh tế nào sẽ thắng và thua. Dưới đây là 8 diễn biến cần theo dõi để giúp hiểu được ý nghĩa của kỷ nguyên kinh tế địa chiến lược mới này.
Toàn cầu hóa tiếp tục
Bất chấp những câu chuyện bàn luận về sự sụp đổ của toàn cầu hóa, hội nhập kinh tế thông qua thương mại xuyên biên giới đã cho thấy khả năng chống chọi tốt trước chiến tranh, nạn đói và đại dịch. Trong ba năm qua, thương mại thế giới đã yếu một chút nhưng phần lớn vẫn phù hợp với xu hướng lịch sử. Trên thực tế, không có sự thay đổi lớn nào trong quỹ đạo hướng tới mở cửa thương mại kể từ năm 2006, theo một phân tích gần đây của ngân hàng ING (Hà Lan)
Sự tách rời kinh tế Mỹ-Trung
Căng địa chính trị dâng cao Washington và Bắc Kinh đã thúc đẩy các suy đoán về sự tách rời của các ngành công nghiệp của hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Dù giá trị nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ của từ Trung Quốc của Mỹ đạt mức cao nhất lịch sử trong năm 2022, có những dấu hiệu cho thấy thuế quan của Mỹ đang làm dịch chuyển dòng chảy thương mại song phương. Năm ngoái, giá trị hàng hóa chịu thuế mà Mỹ nhập khẩu từ Trung Quốc giảm khoảng 14% so với mức trước của năm 2017, trước khi chiến tranh thương mại giữa hai nước nổ ra, theo phân tích của Chad Bown, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Kinh tế quốc tế Peterson.
Đa dạng hóa thương mại của Mỹ
Trong 5 năm qua, các biện pháp như áp thuế, hạn chế xuất khẩu và trợ cấp của Washington đã thuyết phục các công ty Mỹ đa dạng hóa hàng nhập khẩu để giảm phụ thuộc vào Trung Quốc. Tổng tỷ trọng hàng nhập khẩu của Trung Quốc vào Mỹ giảm khoảng 3 điểm phần trăm kể từ năm 2018, khi chính quyền Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump áp đặt thuế quan đối với hàng ngàn mặt hàng của Trung Quốc. Trong thời gian này, Trung Quốc đã mất một phần trong tổng giá trị hàng nhập khẩu của Mỹ sang các nền kinh tế xuất khẩu khác ở châu Á như Việt Nam, Ấn Độ, Đài Loan, Malaysia và Thái Lan.
Nhưng các sản xuất Trung Quốc đang tìm cách tránh thuế quan của Mỹ và rút ngắn chuỗi cung ứng đang chuyển một số hoạt động sản xuất sang các nước như như Việt Nam, Thái Lan và Mexico.
Bùng nổ sản xuất ở Mexico
Đối với Mỹ, Mexico đang trở thành nguồn cung ứng quan trọng để thay thế cho Trung Quốc. Các tuyến cung ứng Mỹ-Mexico có mức độ tích hợp cao và được đối xử thương mại ưu đãi theo Thỏa thuận tự do thương mại Mỹ-Mexico-Canada. Điều này giúp tạo ra các cơ hội đầu tư xuyên biên giới. Để đa dạng hóa chuỗi cung ứng, các nhà nhập khẩu và thậm chí một số nhà xuất khẩu Trung Quốc, đang chạy đua thuê không gian công nghiệp của Mexico, vốn đạt tỷ lệ lấp đầy 97,5% trong năm 2022. Nhu cầu về nhà kho và các bất động sản công nghiệp khác đặc biệt cao ở khu vực dọc biên giới Mỹ gần thành phố Tijuana (Mexico), nơi tỷ lệ trống mặt bằng khu công nghiệp gần bằng zero. Theo Hiệp hội các khu công nghiệp tư nhân Mexico, khoảng 47 khu công nghiệp mới đã được lên kế hoạch hoặc đang được xây dựng ở Mexico.
Thay đổi thương mại xuyên Đại Tây Dương
Những nỗ lực của Tổng thống Joe Biden nhằm cải thiện quan hệ thương mại với châu Âu đã dẫn đến việc Mỹ chuyển sang phụ thuộc nhiều hơn vào hàng nhập khẩu từ châu Âu hơn là từ Trung Quốc. Chính sách xoay trục thương mại được triển khai sau khi Mỹ và châu Âu tạm dừng áp thuế đối với thương mại song phương trị giá 21,5 tỉ đô la vào năm 2021, tạm dừng các tranh cãi về trợ cấp sản xuất máy bay và khởi động các cuộc đàm phán để giảm sản xuất thép và nhôm quá mức ở mỗi bên. Trong năm qua, giá trị nhập khẩu của Mỹ từ châu Âu tăng gần 13%, trong khi nhập khẩu của Mỹ từ Trung Quốc chỉ tăng 6%.
Sản xuất smartphone toàn cầu
Các nhà sản xuất điện thoại thông minh (smartphone) như Apple đang nỗ lực giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc khi cuộc chiến thương mại giữa Washington và Bắc Kinh dâng cao. Trong năm qua tính đến hết tháng 3, Apple đã tăng gấp ba lần quy mô sản xuất tại Ấn Độ để sản xuất số lượng iPhone trị giá 7 tỉ đô la mỗi năm. Ấn Độ hiện chiếm khoảng 7% sản lượng iPhone toàn cầu của Apple.
Xuất khẩu đồ nội thất của Việt Nam
Việt Nam là một trung tâm khác mà các công ty đa quốc gia nhắm đến khi muốn đa dạng hóa khỏi Trung Quốc. Trong bảy năm qua, nhập khẩu đồ nội thất Việt Nam vào Mỹ tính theo số lượng container tăng 186% so với mức tăng trưởng chỉ 5% đối với hàng nhập khẩu đó từ Trung Quốc. Theo Descartes Systems Group, Việt Nam hiện đã đạt được một nửa tổng kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm nội thất sang Mỹ của Trung Quốc. Nhưng gần đây, các đơn đặt hàng nội thất Việt Nam đang bắt đầu giảm do nhu cầu toàn cầu đối với hàng tiêu dùng giảm.
Trung Quốc tăng tốc xuất khẩu xe điện
Các chính sách công nghiệp của Bắc Kinh đã đưa Trung Quốc trở thành nước xuất khẩu xe điện lớn nhất sau Đức. Năm nay, xe điện và xe lai sạc điện (hybrid) được dự báo sẽ chiếm 40% tổng số xe tiêu thụ ở Trung Quốc. Trong khi đó, thị phần của châu Âu trong doanh số xe điện toàn cầu có khả năng tăng trong năm 2023 khi có nhiều mẫu xe hơn và các vấn đề về chuỗi cung ứng giảm bớt, theo Bloomberg Intelligence.
Theo Bloomberg