Thứ ba, 7/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Thương mại quốc tế: thế giới thoái trào, Việt Nam là ngoại lệ

Vũ Quang Việt

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Sau khi WTO ra đời, tỷ lệ thương mại quốc tế tăng cao hơn, khoảng 3,3% một năm, đạt đỉnh điểm 51% GDP và từ cuộc khủng hoảng kinh tế 2008 thì thoái trào, hiện ở mức 46%. Việt Nam là ngoại lệ; tỷ lệ này không những cao mà còn được đẩy mạnh từ năm 2008, hiện ở mức trên 180% GDP. Ngay Hàn Quốc thời cao nhất cũng chỉ ở mức 82%.

Nhìn lại lý thuyết thương mại quốc tế

Có lẽ mọi sinh viên học kinh tế đều biết rằng, Adam Smith - cha đẻ của lý thuyết kinh tế thị trường tự do, đã đưa ra một quy định đơn giản là khi hai người trao đổi hàng hóa theo giá được thị trường tự do quyết định, nó là bàn tay vô hình dẫn đến hai bên cùng có lợi, và lợi nhất là nó dẫn từng người đến chuyên môn hóa, tập trung sản xuất những gì mình có khả năng và lợi thế nhất, thay vì phải sản xuất mọi thứ mình cần thiết và do đó dẫn đến việc tăng năng suất vừa dựa trên chuyên môn hóa vừa dựa trên tăng quy mô sản xuất.

Với tầm quốc gia cũng thế. Adam Smith đã viết trong Sự thịnh vượng của các quốc gia (The Wealth of Nations), “Nếu một nước ngoài nào đó có thể cung cấp cho chúng ta một mặt hàng rẻ hơn chính chúng ta làm ra, thì tốt hơn là mua chúng bằng một phần sản phẩm của ngành công nghiệp của chúng ta, và chúng được sử dụng vì chúng có một số lợi thế”.

Hiện ngoại thương về hàng hóa của Việt Nam đạt mức trên 180% GDP. Ảnh: H.P

David Ricardo (năm 1821 bỏ phiếu tại Nghị viện Anh cho tự do thương mại, chống bảo hộ mậu dịch bằng thuế nhập khẩu) còn đi xa hơn khi cho rằng trao đổi có lợi không chỉ dựa trên lợi thế tuyệt đối, mà ngay cả trên lợi thế tương đối, “... một quốc gia, giống như một người, thu được lợi nhuận từ thương mại bằng cách xuất khẩu hàng hóa hoặc dịch vụ mà nó có lợi thế so sánh lớn nhất về năng suất và nhập khẩu những thứ mà nó có ít lợi thế so sánh nhất”.

Tức là nếu anh A sản xuất hai sản phẩm khác nhau hơn hẳn anh B, tính theo giờ lao động, thì hai anh vẫn cùng có lợi nếu anh A chuyên vào sản xuất mặt hàng anh ta có lợi thế so sánh so với mặt hàng kia, và để anh B sản xuất mặt hàng kia và trao đổi nhau. Theo các lý thuyết mà Adam Smith và Ricardo đưa ra, khi một quốc gia tham gia hoạt động ngoại thương, quốc gia đó sẽ được hưởng lợi từ việc chuyên môn hóa và phân bổ nguồn lực hiệu quả.

Sau khi WTO ra đời, tỷ lệ thương mại quốc tế tăng cao hơn, khoảng 3,3% một năm, đạt đỉnh điểm 51% GDP và từ cuộc khủng hoảng kinh tế 2008 thì thoái trào, hiện ở mức 46%. Việt Nam là ngoại lệ; tỷ lệ này không những cao mà còn được đẩy mạnh từ năm 2008, hiện ở mức trên 180% GDP. Ngay Hàn Quốc thời cao nhất cũng chỉ ở mức 82%.

Định lý Stolper-Samuelson (1941) cho thấy khi có tự do cạnh tranh, tăng giá sẽ đưa đến tăng lợi tức của các yếu tố sử dụng trong sản xuất mặt hàng đó, và cuối cùng làm ngang bằng chi trả cho các yếu tố sản xuất, trong đó có lương trong quốc gia và giữa các quốc gia có trao đổi. Tuy vậy, trong quá trình cân bằng do có tự do hóa thương mại quốc tế, sẽ có kẻ thắng và người thua.

Kẻ thắng là việc xuất khẩu sản phẩm có lợi thế vì giàu tài nguyên, ít cần lao động, sẽ làm tăng giá và thu nhập của người sản xuất ra chúng và người lao động tham gia. Kẻ thua là lương của người lao động và thu nhập trong sản xuất sản phẩm phải cạnh tranh với hàng nhập khẩu.

Trong thực tế, lý thuyết của Stolper-Samuelson có thể dễ dàng bị bác bỏ vì không chỉ lương và thu nhập bị ảnh hưởng mà lao động cũng không thể dễ dàng di chuyển hoặc huấn nghiệp lại, cho nên kết quả còn là thất nghiệp.

Hơn thế, lý luận thị trường tự do hoàn hảo còn dựa vào giả thiết là nền kinh tế có chu chuyển yếu tố sản xuất sẵn có nhưng lại đứng yên tại một chỗ, với giả thiết không có những yếu tố bên trong và bên ngoài tác động chuyển đổi cơ cấu sản xuất, như sự xuất hiện của công nghệ số đã đưa việc bán hàng qua mạng thay thế dần bán hàng qua các cửa hàng và trung tâm bán lẻ, tạo thất nghiệp cho đa số lao động; và tập trung lợi nhuận vào một số ít người nắm một, hai công ty bá chủ thị trường.

Các yếu tố bên ngoài cũng có thể là chính sách của chính phủ chủ động tiếp thu khoa học kỹ thuật bằng nâng cao giáo dục, đầu tư, học hỏi - kể cả đánh cắp, đó là chưa kể các biện pháp bảo vệ thị trường của họ hoặc nâng đỡ sản xuất.

Và đối với một quốc gia yếu kém về mọi phương diện kỹ thuật nhưng muốn xoay chuyển đi lên bằng giáo dục, nâng cao kỹ năng, đồng thời du nhập kỹ thuật mới thì sao? Liệu họ có được phép bảo vệ thị trường trong thời kỹ thuật còn manh nha để không bị tiêu diệt trong trứng nước không? Đối với nước tư bản, thị trường bị xâm nhập không trên cơ sở tự do cạnh tranh thực sự thì họ phải làm gì? Ngoài ra, vấn đề cũng cần đặt ra là dù có lợi cho nền kinh tế nói chung, nhưng là lợi cho ai, tầng lớp nào trong nền kinh tế? Vấn đề không kém phần quan trọng là với việc chấp nhận sự tranh chấp chính trị đưa tới hạn chế nguồn cung như dầu khí và lương thực vì cuộc chiến tranh ở Ukraine thì sao?

“Toàn cầu hóa”, “thế giới phẳng” không như là mơ

Đây là những vấn đề mà nhà toán học Ralf Gomery đã cùng với giáo sư kinh tế nổi tiếng William Baumol nêu ra trong quyển sách Global Trade and Conflicting National Interests (2000) trên cơ sở kinh tế và toán. Không phải là bác bỏ thuyết cho rằng tự do mậu dịch đưa đến lợi ích chung cho thế giới, nhưng hai ông đặt vấn đề sự phân phối của lợi ích này giữa các quốc gia và giữa các tầng lớp trong quốc gia trong một môi trường động, vì hiện nay ở Mỹ rõ là chỉ tập trung phục vụ doanh nghiệp tăng lợi nhuận và làm giàu cho cổ đông, đẩy nền kinh tế Mỹ đến cạn kiệt việc làm trong sản xuất công nghiệp.

Xuất siêu của Việt Nam sang Mỹ năm 2021 lên đến là 91 tỉ đô la Mỹ theo báo cáo của Mỹ và 113 tỉ đô la theo báo cáo của Việt Nam. Để làm được điều trên, Việt Nam phải nhập siêu 46 tỉ đô la hàng từ Trung Quốc và 34 tỉ đô la hàng từ Hàn Quốc. Chính vì thế, Mỹ có thể cho rằng Việt Nam đã trở thành bình phong che giấu nguồn gốc thật của hàng hóa Trung Quốc và Hàn Quốc nhằm xâm nhập vào thị trường Mỹ.

Paul Samuelson (2004) cũng đồng ý với việc đặt lại vấn đề như thế và tác phẩm của Gomery và Baumol được coi là quan trọng sau Ricardo. Gomery và Baumol thậm chí còn gợi ý rằng thuế quan có thể cần thiết để chống lại tác động có hại của sự trỗi dậy của Trung Quốc đối với sự thịnh vượng của Mỹ.

Quan điểm như trên ngày càng tác động lớn đến việc xem xét lại cái gọi là “toàn cầu hóa”, là “thế giới phẳng” trước đây. Cân bằng mậu dịch bị nhìn, như các chính trị gia ở nhiều nước hiện nay, không chỉ trên cơ sở tổng thể với các nước, mà còn trên cơ sở từng nước. Phản ứng của Mỹ và các nước với Trung Quốc là cụ thể nhất, dù rằng tỷ lệ ngoại thương trên GDP của Trung Quốc còn thua nhiều nước khác nhưng với tầm mức lớn của nền kinh tế, tổng giá trị xuất khẩu năm 2021 là 3.500 tỉ đô la Mỹ đã vượt xa Mỹ là 2.100 tỉ đô la (xem T3), và với các nước ASEAN, tổng thương mại hàng hóa của Trung Quốc cũng hơn gấp đôi Mỹ (xem T2).

Cũng cần nói thêm là hiện tượng thiếu hụt cán cân thanh toán đã đến với Mỹ suốt từ những năm 1970 và ngày càng lớn, có nhiều năm vượt 5-6% GDP và gần như sau này không có năm nào dưới 3%. Với mức thiếu hụt như thế, các nước khác đã bị Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) “rọi đèn đỏ”. Nhưng gần như Mỹ không chịu sự thiệt thòi nào về tài chính, vì nhà nước Mỹ có thể in tiền để chi và các nước cũng sẵn sàng giữ và cho Mỹ vay lại. Hiện nay Trung Quốc và Nhật Bản mỗi nước giữ tài sản ngoại tệ trên dưới 1.000 tỉ đô la Mỹ bằng trái phiếu chính phủ Mỹ trong số 7.400 tỉ đô la nợ của chính phủ Mỹ (bằng 32% GDP); Việt Nam cũng cho Mỹ vay gần 40 tỉ đô la.

Cái giá phải trả lớn nhất là thu nhập của đa số người lao động Mỹ, dù có việc, đã có chiều hướng ngày càng suy giảm. Giới trung lưu Mỹ trước đây nắm 62% thu nhập của Mỹ thì hiện nay chỉ còn nắm 42%. Tôi đã phân tích vấn đề này rất chi tiết trong bài trên Tạp chí Thời đại. Chính điều này đã và đang gây ra bất ổn chính trị lớn ngày nay.

Thương mại quốc tế thoái trào, trừ Việt Nam

Như trình bày ở trên, sự nhìn nhận lại lý thuyết một cách thực tế hơn cho thấy sự hồ hởi về tự do thương mại trên thế giới mà Tổ chức Thương mại quốc tế (WTO) lấy làm nền tảng sẽ không còn và về thực tế sẽ càng ngày càng bị chính trị hóa. Bất cứ một quốc gia nào cũng có thể đặt vấn đề tại sao cán cân thương mại giữa nước tôi và nước anh luôn nghiêng lợi về phía anh?

WTO ra đời năm 1995 sau thương thảo Uruguay kéo dài từ năm 1982-1994 và Mỹ là nước cổ động mạnh nhất cho nó. WTO thay thế GATT (1948-1994), mở rộng các quy luật thương mại vượt khỏi khuôn khổ đổi hàng hóa, để bao gồm thêm thương mại dịch vụ và sở hữu trí tuệ, đặc biệt là gần xóa bỏ các rào cản về bảo vệ mậu dịch như hạn chế mặt hàng hay áp dụng thuế nhập khẩu mang tính phân biệt quốc gia này với quốc gia khác và giữa nội địa với nước ngoài.

Nhưng điều oái oăm là GATT đã mở rộng thương mại quốc tế sau Thế chiến thứ hai, trung bình tỷ lệ thương mại trên GDP tính từ khi có đầy đủ số liệu từ năm 1970-1995 tăng khoảng 2,1% một năm. Sau khi WTO ra đời, tỷ lệ thương mại quốc tế tăng cao hơn, khoảng 3,3% một năm, đạt đỉnh điểm 51% và từ cuộc khủng hoảng kinh tế 2008 thì thoái trào (trừ Việt Nam), hiện nay ở mức 46%. Khả năng toàn cầu hóa thoái trào qua việc giảm tỷ lệ thương mại quốc tế so với GDP sẽ tiếp tục trong tương lai, nhất là sau cuộc chiến của Nga với Ukraine trên lãnh thổ Ukraine và sự đe dọa hòa bình của Trung Quốc (xem T3).

Sự thoái trào này không chỉ là hiện tượng chung cho thế giới mà đặc biệt xảy ra rất mạnh cho Trung Quốc, Hàn Quốc, và cả Mỹ. Việt Nam là ngoại lệ; không chỉ ngoại lệ mà còn được đẩy mạnh từ năm 2008, hiện ngoại thương về hàng hóa đạt mức trên 180% GDP. Ngay Hàn Quốc thời cao nhất cũng chỉ ở mức 82% (xem T3).

Nội soi ngoại lệ Việt Nam, so sánh với ASEAN

Phải nói với chiều hướng phát triển kinh tế hiện tại, Việt Nam đang rơi vào tình hình với ba đặc điểm sau.

1. Quá dựa vào xuất nhập khẩu để phát triển

Việt Nam đứng thứ 3 thế giới (chỉ thua Hồng Kông và Singapore), ngoại thương đạt mức trên 184% GDP, và cũng vượt xa các nước khác còn lại trên thế giới.

2. Quá dựa vào thu hút đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực công nghiệp chỉ nhằm thu hút lao động giản đơn

Trước đây Việt Nam chủ yếu xuất khẩu hàng may mặc, còn hiện nay chủ yếu xuất khẩu hàng điện tử (xem T4). Tuy vậy, hàng may mặc tạo ra giá trị gia tăng nhiều, ngược lại hàng điện tử tạo ra rất ít giá trị gia tăng. Mặc dù chưa có thông tin điều tra mới và chi tiết từ Tổng cục Thống kê Việt Nam, nhưng điều tra trước đây thể hiện qua bảng cân đối liên ngành năm 2012 cho thấy chi trả cho lao động trong ngành điện tử chỉ bằng 6,6% giá trị sản phẩm (và thấp ở mức 3% với thiết bị truyền tin như điện thoại), rất thấp so với tỷ lệ chung của toàn nền kinh tế Việt Nam là 21,5%, và 31% nếu là nền kinh tế Mỹ năm 2018.

Bảng T5 cũng cho thấy rõ hơn là giá trị xuất khẩu rất lớn của hàng điện tử đòi hỏi giá trị nhập khẩu cũng cực lớn (xem HS 84-85); cứ 1 đồng xuất khẩu thì cần 0,9 đồng nhập khẩu. Chính vì thế, năm 2020 cho thấy hàng may mặc với lượng xuất chỉ bằng một phần sáu hàng điện tử nhưng tạo thêm cán cân xuất nhập có lợi hơn cho nền kinh tế, cao hơn gia công điện tử 50%. Sản xuất điện tử đúng là loại gia công lao động rẻ tiền. Với hiện trạng sản xuất gia công hàng điện tử (HS 84-85) mà lại được gọi là “số hóa” như thế, thì đóng góp của nó còn tệ hơn hoạt động sản xuất bình thường khác.

3. Dễ bị ép từ nhiều phía

Vấn đề chung của khối các nước ASEAN là xuất siêu sang Mỹ và nhập siêu từ Trung Quốc. Nhưng mức xuất siêu của Việt Nam là lớn nhất. Việt Nam đứng đầu bảng xuất siêu sang Mỹ, gấp gần 2,2 lần nước thứ hai là Malaysia. Singapore dù là nước có mức thương mại quốc tế lớn nhất thế giới nhưng lại tạo được sự hài hòa với Mỹ, thậm chí nhập nhiều hơn xuất.

Xuất siêu của Việt Nam sang Mỹ năm 2021 lên đến là 91 tỉ đô la Mỹ theo báo cáo của Mỹ và 113 tỉ đô la theo báo cáo của Việt Nam (xem T6 và T8). Để làm được điều trên, Việt Nam lại phải nhập siêu 46 tỉ đô la hàng từ Trung Quốc và 34 tỉ đô la hàng từ Hàn Quốc. Chính vì tình hình này, Mỹ có thể cho rằng Việt Nam đã trở thành bình phong che giấu nguồn gốc thật của hàng hóa Trung Quốc và Hàn Quốc nhằm xâm nhập vào thị trường Mỹ.

Khác với Hồng Kông, hàng hóa từ Trung Quốc chỉ quá cảnh và được Hải quan Mỹ kiểm soát. Ở Việt Nam, hàng hóa đã được “chế biến” một chút thành hàng Việt Nam, và đồng thời nhà sản xuất được cung ứng điện và (quyền sử dụng) đất đai rẻ. Rất tiếc là cho đến nay không có quy luật quốc tế xác định ở mức chế tác thêm nào chúng mới có thể bị coi là hàng của nước thứ ba. Nhưng cũng chính vì thế các chính trị gia Mỹ có thể dùng số liệu xuất siêu rất lớn từ Việt Nam sang Mỹ để ra lệnh trừng phạt và gây áp lực chính trị với Việt Nam về nhiều phương diện, coi Việt Nam là mắt xích quan trọng nhất để ép.

Muốn tự lập về quốc phòng và chính trị thì chính Việt Nam phải tự thoát khỏi cái bẫy kinh tế do chính mình tạo ra này. Với Trung Quốc, không chỉ kinh tế Việt Nam mà cả khối ASEAN đã gắn chặt với họ nên cũng dễ bị ép. Cho nên phải giữ thế độc lập với cả hai cường quốc. Việt Nam với gần 100 triệu dân nên không phải là một thị trường nhỏ, để tự lập về quốc phòng và chính trị đòi hỏi việc phát triển một thị trường nội địa đủ sức tự lập.

Gomery (2013) viết như sau:
Hết ngày này qua ngày khác, sáng tạo là niềm yêu thích của mọi người. Chúng ta nghe đi nghe lại rằng nước Mỹ sáng tạo để tồn tại, để cạnh tranh trong nền kinh tế toàn cầu, và người Mỹ có thể làm điều đó bởi vì người Mỹ có tiềm năng sáng tạo.
Những thảo luận về sáng tạo này nhìn vấn đề cơ bản là theo kiểu đầu lộn ngược. Không có ý nghĩa gì khi nói về sự sáng tạo như thể bản thân sự sáng tạo là dấu chấm hết..., là mục tiêu cuối cùng. Chúng ta có thể sáng tạo cho đến khi “trâu về chuồng”; nếu như nó không đóng góp gì cho việc tăng sản xuất của nước Mỹ thì việc này ích gì cho nước Mỹ.
Nhưng trong thời đại toàn cầu hóa và tìm kiếm lợi nhuận trên toàn thế giới, các tập đoàn toàn cầu của chúng ta có động lực mạnh để chuyển sản xuất ra nước ngoài, không chỉ vì họ có lượng cung lao động giá rẻ, mà còn vì trong các lĩnh vực công nghệ cao nơi lao động giá rẻ không phải là điều thu hút, có sự trợ cấp của nước ngoài. Và như thế sáng tạo công nghiệp cùng với sản xuất công nghiệp đi ra nước ngoài.

3 BÌNH LUẬN

  1. Nguyên lý lợi thế kinh tế là phát minh vĩ đại nhất của kinh tế quốc tế. Nhưng việc vận dụng phát minh này sao cho hiệu quả mới là quan trọng hơn. Nếu chỉ đơn thuần mua bán mọi thứ, thiếu chọn lọc, thì giỏi lắm chỉ duy trì được công ăn việc làm, nhưng không thể tích lũy nguồn lực sung túc cho quốc gia và mỗi cá nhân. Những quốc gia thông minh sáng tạo chỉ tập trung cho mua rẻ bán đắt, mua đắt để có cơ hội bán bán đắt hơn. Giàu lên bền vững là nhờ ở đó. Suy rộng ra, mua bán dựa trên lợi thế chỉ là cách hiểu nguyên lý một cách máy móc, biết tạo ra lợi thế trong mua bán mới đẳng cấp hơn nhiều.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới